Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2012-05-14
Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, hàng hoá sản xuất tồn đọng, doanh nghiệp “chết lâm sàng” tăng vọt, một biện pháp để giải cứu các doanh nghiệp được Chính phủ nghiên cứu và đề xuất, đó là gói hỗ trợ doanh nghiệp 29,000 tỷ đồng.
Việc làm phi lý
Tuy nhiên, ngay khi chưa thành hình, gói cứu trợ này đã vấp phải những ý kiến trái chiều.
Gói cứu trợ doanh nghiệp 29,000 tỉ đồng là một giải pháp tài khoá dùng ngân sách nhà nước để giảm thuế, giãn thuế. Như tên gọi của nó, gói cứu trợ lần này của Chính phủ chỉ tập vào việc “hỗ trợ” khối doanh nghiệp về mặt thuế là chủ yếu, trong bối cảnh đình trệ sản xuất và cầu trong nước xuống thấp. Trên lý thuyết, sau khi giảm hoặc giãn thuế, các doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn vốn lưu thông hoặc có thêm thời gian, trước khi phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.
Trong phiên họp báo thường kỳ của chính phủ hôm cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ tài chính Vũ Thị Mai cho biết gói giải pháp này dựa trên 5 nguyên tắc, về cơ bản là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát quay lại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện về vốn và tính thanh khoản cho các doanh nghiệp. Theo đó, các giải pháp cụ thể như giãn thuế có tác động khoảng 16,000 tỷ đồng, miễn thuế là hơn 4,000 tỷ đồng, số còn lại liên quan đến các biện pháp chi tiêu và hỗ trợ khác. Theo ước tính từ Bộ Tài chính thì giải pháp này có tác động tài chính hỗ trợ cho các doanh nghiệp khoảng 29,000 tỷ đồng, nhưng chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách năm 2012 khoảng 9,000 tỷ đồng do giãn thuế từ 6 cho đến 9 tháng.
Chính chúng ta tạo ra khó khăn cho chúng ta, chúng ta tự tạo ra lạm phát để rồi phải giải quyết. Hơn nữa, đem ngân sách Nhà nước ra trả tiền lãi suất cho ngân hàng là một việc làm cực kỳ phi lý.Chuyên gia Bùi Kiến Thành
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ thực hiện những biện pháp giúp đỡ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Còn nhớ hồi năm 2009, Chính phủ cũng từng đưa ra hai gói hỗ trợ, một gói là 20,000 tỉ đồng để bù lãi suất cho doanh nghiệp vay, Chính phủ trả dùm cho doanh nghiệp 4%. Tại thời điểm đó, lãi suất khoảng 12%, Chính phủ trả 4%, doanh nghiệp trả 8%, đúng tên gọi của nó là “gói bù lãi suất.” 20,000 tỉ đồng “bù đắp” cho 4%, nghĩa rằng khoản tín dụng được bơm ra xấp xỉ 500,000 tỉ đồng. Sau đó ít tháng, Chính phủ tung ra gói hỗ trợ lần hai với số tài trợ 18,000 tỉ đồng cho các tín dụng trung hạn 2 năm, lần này Chính phủ đẩy thêm ra thị trường tài chính khoảng 450,000 tỉ đồng nữa. Như vậy, chỉ trong vòng một năm, tổng luợng tiền được bơm vào nên kinh tế lên đến gần 1 triệu nghìn tỉ đồng. Khi dòng tiền lưu thông được bơm thêm một con số lớn đến như vậy, lạm phát mới “hoành hành” mạnh mẽ trong các năm tiếp theo.
Nhận xét về gói hỗ trợ năm 2009, chuyên gia cấp cao Bùi Kiến Thành cho biết ý kiến của ông:
"Việc gói kích cầu 2009, chính chúng ta tạo ra khó khăn cho chúng ta, chúng ta tự tạo ra lạm phát để rồi phải giải quyết. Hơn nữa, đem ngân sách Nhà nước ra trả tiền lãi suất cho ngân hàng là một việc làm cực kỳ phi lý. Nếu Nhà nước muốn doanh nghiệp được vay với lãi suất thấp thì Ngân hàng Trung ương là nơi để giải quyết thanh khoản cho ngân hàng thương mại, cấp vốn lãi suất thấp cho ngân hàng thương mại để họ tiếp tục cấp vốn thấp cho doanh nghiệp. Không có một quốc gia nào đem tiền ngân sách quốc gia ra trả tiền lãi suất cho ngân hàng."
Không phải là giải pháp tốt
Đó là chuyện của năm 2009, còn với lần này, biện pháp mà Chính phủ nhắm tới là vấn đề thuế doanh nghiệp và thuế VAT (giá trị gia tăng). Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành thì đây không phải là một giải pháp cho một nền kinh tế đang đình đốn, một cộng đồng doanh nghiệp đang khát vốn để hoạt động, ông phát biểu:"Bây giờ để tháo gỡ hàng tồn kho, nhà nước cho giãn thuế VAT (giá trị gia tăng) trong thời gian 6 tháng nữa mới trả, nhưng “giãn” thì cũng phải trả, bây giờ giãn nhưng 6 tháng sau phải trả. Bây giờ vấn đề của doanh nghiệp là làm sao giảm giá xuống để tiêu thụ hàng hoá, nếu Bộ Tài chính có thể miễn được thuế VAT thì lúc đó doanh nghiệp mới dám giảm giá để bán hàng ra, thì việc đó gói “cứu trợ” không làm.
Doanh nghiệp đang ứ đọng hàng tồn kho rất nhiều, trong nền kinh tế không còn sức mua nữa. Một mặt doanh nghiệp không có tiền để sản xuất ra, một mặt hàng hoá ứ đọng lại, do vậy, nền kinh tế rất khẩn trương để sao có thể giải quyết được hàng tồn kho và sao doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất. Do vậy, gói mà Bộ Tài chính đưa ra là không đáp ứng được nhu cầu giải quyết vấn đề ấy."
Theo một số phân tích khác của các chuyên gia trong nước thì gói cứu trợ này rất dễ dẫn đến nguy cơ “xin – cho” bởi doanh nghiệp nào được phép giảm thuế, giãn thuế còn tùy thuộc vào sự đánh giá của các cơ quan thuế vụ và ngân hàng, vì tại thời điểm này, các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp đủ điều kiện được hưởng hỗ trợ còn chưa rõ ràng.
Hơn nữa, gói cứu trợ doanh nghiệp lần này chỉ tập trung vào một nửa của vấn đề, nghĩa là chỉ về phía “cung” của thị trường, còn phía bên “cầu” là tiêu thụ, đầu ra chủ yếu cho lượng hàng tồn kho thì lại chưa được nhắc tới. Vì thế, nhiều người nhận định rằng đây có lẽ là gói “kích cung” và một viễn cảnh cũng khiến người ta lo ngại là với những ưu đãi về thuế, liệu có thực sự sẽ kích thích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hay không, hay đây chỉ là biện pháp để doanh nghiệp lấy tiền trả nợ rồi âm thầm rút khỏi thị trường.
Nếu Bộ Tài chính có thể miễn được thuế VAT thì lúc đó doanh nghiệp mới dám giảm giá để bán hàng ra, thì việc đó gói “cứu trợ” không làm.Chuyên gia Bùi Kiến Thành
Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng, vấn đề giảm thuế, giãn thuế chỉ giải quyết được cho những doanh nghiệp còn đang hoạt động, đang có lãi, cần trả thuế, trong khi đó, đại bộ phận những doanh nghiệp không hoạt động được, thì Chính phủ lại không có giải pháp gì để thực sự giải quyết vấn đề cấp bách này.
Có thể nhận thấy, trong thời gian qua, về phía doanh nghiệp – phần cung của thị trường thì khó tiếp cận nguồn vốn, “dòng máu” để hoạt động sản xuất kinh doanh bị cạn kiệt, trong khi phần cầu của thị trường là đại bộ phận người dân tiêu dùng lại bị cơn bão lạm phát “quật ngã,” đời sống người dân đi xuống, sức mua sụt giảm vì thu nhập không thể theo kịp giá cả tăng đến chóng mặt. Tương đối bi quan, chuyên gia Bùi Kiến Thành kết luận:
"Có thể nói như thế này, quản lý chính sách tiền tệ của đất nước này trong những năm qua tạo ra rất nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Thứ nhất là lãi suất cao ngất ngưởng 20-30%, thứ hai là không tiếp cận được nguồn vốn vì thế cộng đồng doanh nghiệp không phát triển được, không thể sản xuất kinh doanh được, đưa đến ngày hôm nay là rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản, sa thải lao động. Đó là vấn đề chúng ta tự tạo khó khăn cho chúng ta."
Dù là biện pháp “kích cung” hay “kích cầu” lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng nếu Việt Nam không kiểm soát được các yếu tố chính yếu đẩy giá nguyên liệu sản xuất đầu vào tăng cao như: xăng, dầu, điện, than…và quan trọng hơn hết là chính sách lãi suất, thì xem ra vòng xoáy đình trệ của doanh nghiệp và sức khỏe nền kinh tế bị bào mòn bởi lạm phát vẫn sẽ là câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ.
Ý kiến của Bạn