Tác giả : Nguyễn Xuân Nghĩa
Chiều Thứ Tư mùng hai, một chuyến bay đặc biệt đã hạ cánh tại phi trường Los Angeles ở miền Nam California. Từ bên trong, ngồi xe lăn đi ra là một người đeo kính đen, chung quanh có vài ba thân nhân. Họ được một viên chức ngoại giao và hai ba dân biểu Mỹ đón tiếp dưới ống kính hân hoan nhấp nháy của truyền thông báo chí.
Từ Bắc Kinh, Trần Quang Thành và gia đình, một vợ hai con, đã đến Hoa Kỳ sống đời lưu vong.
Cùng lúc ấy, tức là sáng Thứ Năm tại Bắc Kinh, một phi cơ Hoa Kỳ cũng vừa hạ cánh để Ngoại trưởng Hillary Clinton và Tổng trưởng Tài chánh Timothey Geithner tham dự hai ngày hội nghị với Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc và Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn. Trong khuôn khổ "Đối thoại Hoa Kỳ và Trung Quốc về Chiến lược và Kinh tế", hai phái đoàn Mỹ-Hoa vẫn gặp nhau một năm hai lần.
Lần này, hội nghị tiến triển bình thường, mà không ai nhắc tới vụ Trần Quang Thành. Thậm chí, đôi bên cũng chẳng xác nhận là luật gia này đã vào tòa Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh nữa. Đó là kịch bản do... người viết này tưởng tượng vào đầu tuần. Chuyện ấy không xảy ra!
Chuyện xảy ra còn ly kỳ hơn vậy gấp chục lần....
Sinh năm 1971, Trần Quang Thành ở làng Đông Sư Cổ của tỉnh Quảng Tây là một người tự học luật dù đã bị mù từ nhỏ. Anh trở thành một "luật sư chân đất" làm Trung Quốc chấn động từ năm 2005 khi đứng tên nguyên đơn kiện tập thể cả thị trấn Nghi Lâm của Sơn Đông. Đại diện các nạn nhân, anh kiện chính quyền việc thi hành chính sách "mỗi hộ một con" một cách máy móc và tàn bạo, khi bắt các phụ nữ mang thai phải phá thai. Dân làng sở dĩ bảo nhau tìm đến Trần Quang Thành vì từ năm 1999, anh đã từng giúp họ làm thủ tục pháp lý phản đối những vụ xâm phạm môi sinh, phá hủy môi trường.
Với cặp kính đen và cây gậy trắng, Trần Quang Thành trở thành "hiệp sĩ mù", người đơn phương tế khổn phò nguy và quả nhiên là bị cầm tù, đánh đập trong nhiều năm liền.
Trong một quốc gia mà đảng viên cao cấp bị phạm tội như Bạc Hy Lai thì phải qua sự thẩm tra và quyết định của Ban Kỷ luật Trung ương trước khi đảng trao cho công an rồi mới đến tòa án thụ lý hồ sơ, chúng ta hiểu thế nào là một nền tư pháp độc lập. Đứng một chân giữa cõi chân không. Trần Quang Thành là một người mù giữa cõi chân không đó để bảo vệ cả ngàn nạn nhân chung quanh và tự biến thành nạn nhân.
Do thành tích đó, anh được nhiều thường dân ở trong và ngoài nước hỗ trợ.
Từ nhiều năm nay, bộ Ngoại giao Anh và Mỹ cùng các tổ chức quốc tế đấu tranh cho nhân quyền đã lên tiếng bênh vực nhân vật được tuần báo Time cho là một trong trăm người ảnh hưởng nhất năm 2006. Một người tù lương tâm của thế giới. Riêng Ngoại trưởng Hillary Clinton nhiều lần nêu vấn đề với chính quyền Bắc Kinh về chuyện Trần Quang Thành bị đàn áp.
Thế rồi, dù đang bị quản thúc tại gia, hôm 22 Tháng Tư, Trần Quang Thành đã trốn khỏi nhà ở tỉnh Sơn Đông và lặn lội lên tận Bắc Kinh để vào ẩn trú trong tòa Đại sứ Hoa Kỳ vào ngày 26. Đấy là do tin tức của bè bạn, những người đã cùng anh đánh động lương tâm thế giới và có lẽ đã giúp anh đào thoát. Chứ phía Hoa Kỳ và Bắc Kinh thì vẫn cứ nín thinh.
Họ chẳng xác nhận mà cũng không phủ nhận việc Trần Quang Thành đã vào Sứ quán Mỹ. Mà biến cố ấy xảy ra chỉ mươi ngày trước hội nghị Đối thoại Mỹ-Hoa, dự trù tổ chức trong hai ngày mùng ba và mùng bốn Tháng Năm.
Qua tin tức được các mạng xã hội phát tán ra, người ta được biết là từ nhiều tháng rồi, Trần Quang Thành đã lập mưu ngã bệnh, cứ nắm liệt giường ở trong nhà mà qua mặt mấy tay công an sáng mắt. Rồi vào một đêm mà cả mù và sáng đều thấy tối như nhau, Trần Quang Thành leo khỏi nhà, được một đường dây cảm tình viên hỗ trợ để lẻn tới Bắc Kinh và vào Sứ quán Mỹ.
Trong một chế độ công an trị, một người khiếm thị lại lọt lưới mà vào một toà Đại sứ xin tỵ nạn chính trị thì đấy là tin động trời. Nhưng cũng là cái gai trong mối quan hệ giữa hai quốc gia đứng đầu thế giới về kinh tế, vừa là đối tác vừa là đối phương.
Khi tin tức vừa loan ra, Phụ tá Tổng trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách về Đông Á và Thái bình dương là ông Kurt Campbell lập tức qua Bắc Kinh sớm hơn mươi ngày thay vì tham dự phái đoàn của Ngoại trưởng Clinton. Ông phải bay qua gỡ bí cho cả hai nước ngay trước hội nghị.
Trần Quang Thành là người tử tế, một nạn nhân của chế độ độc tài Trung Quốc, chứ không là một trùm cớm đầy hắc ám như Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân, người đột nhập vào tòa Tổng lãnh sự Mỹ tại thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên hôm mùng sáu Tháng Hai vừa qua. Ngẫu nhiên sao, cũng mấy ngày trước khi Phó Chủ tịch Tập Cận Bình chính thức qua viếng thăm Hoa Kỳ.
Từ chối một tao đao thủ như Vương Lập Quân thì còn được thông cảm. Chứ chối bỏ một người tù lương tâm của thế giới như vậy thì Hoa Kỳ tự trát bùn vào mặt sau khi đã rất khéo xử lý vụ Vương Lập Quân: trả lại cục than hồng và thủ vai vô can một đám cháy lây lan từ Vương Lập Quân qua Bạc Hy Lai đến bà vợ là Cốc Khai Lai lên tới Bộ Chính trị của Bắc Kinh....
Nhưng làm sao đưa người tù vừa mù vừa què ra khỏi sứ quán và lãnh thổ Trung Quốc?
Dù có lập mưu đánh thoát thì Mỹ cũng gây mâu thuẫn ngoại giao với chính quyền Bắc Kinh.
Người ta nhớ đến hai tiền lệ. Năm 1989, nhà vật lý Phương Lệ Chi phải trốn trong Sứ quán Mỹ cả năm trước khi được Bắc Kinh cho phép xuất ngoại qua Hoa Kỳ, sau rất nhiều đàm phán ngầm và cân nhắc lợi hại từ cả hai phía. Trước đấy, trong cái trớn của vụ nổi dậy tại Hung Gia Lợi (Hungary) năm 1956, đức Hồng y Mindszenty đã trú ẩn 15 năm trong toà Đại sứ Mỹ ở Budapest, và trở thành một biểu tượng của tự do giữa thời Chiến tranh lạnh.
Hoàn cảnh mỗi nơi mỗi thời lại mỗi khác, nhưng thương thuyết một giải pháp thoả đáng cho danh dự của Hoa Kỳ và tự ái của Trung Quốc vào lúc này thì quả là không dễ.
Vì vậy, người viết mới nghĩ đến kịch bản nói trên: Bắc Kinh ngầm đồng ý cho Trần Quang Thành và gia đình qua Mỹ tỵ nạn và đi vào cửa khẩu miền Nam California có tiếng là bảo thủ hơn miền Bắc. Miễn là đôi bên đều không phải nói ra, rằng Trần Quang Thành đã vào tòa Đại sứ Hoa Kỳ.
Bắc Kinh có cử chỉ khoan hồng hào hiệp mà không mất mặt. Đôi khi còn có mối lợi gì khác trong vụ thoả thuận ngấm ngầm này. Chuyện ấy không xảy ra và sự thật lại còn tệ hại hơn nhiều.
Tệ hại và quái đản!
Hôm Thứ Tư mùng hai, Hoa Kỳ chính thức thông báo với truyền thông, có hình ảnh làm bằng, rằng Phụ tá Ngoại trưởng Kurt Campbell cùng Đại sứ Gary Locke (gốc Hoa, tên chữ Hán là Lạc Gia Huy) và Luật sư Đại diện cho bộ Ngoại giao Harold Hongju Koh (gốc Nam Hàn, tên chữ Hán là Cao Cộng Trụ) đã gặp Trần Quang Thành trong sứ quán Hoa Kỳ. Họ ôm hôn thắm thiết và hỷ hả thông báo sự kỳ diệu.
Chi tiết lý thú là sau 30 đến 40 giờ thảo luận với người luật sư kiêm nạn nhân, Phụ tá Campbell đã đạt kết quả là đưa Trần Quang Thành vào một bệnh viện tại Bắc Kinh để chữa trị cái chân bị thương tích vì tám lần leo tường. Nơi đây, anh gặp gia đình được đưa từ Sơn Đông lên và được chính quyền Bắc Kinh bảo vệ, với lời cam kết là sẽ không đàn áp, chẳng trao anh cho bộ máy công an ở làng quê, mà để anh ở lại tiếp tục nghiên cứu về luật.
Thỏa thuận tay ba, giữa Mỹ, Tàu và đương sự, xuất phát từ ý nguyện của Trần Quang Thành: anh không muốn qua Mỹ mà muốn ở lại Trung Quốc. Một giải pháp quá tốt đẹp cho mọi người trong cuộc, khiến Ngoại trưởng Clinton điện thoại nói chuyện và chào mừng Trần Quang Thành.
Hình như trong phút hứng khởi, anh còn nói là muốn hôn bà Ngoại trưởng. Nghĩa là vui vẻ ra khỏi chốn tạm dung.
Nhưng chi tiết động trời là chưa đầy bốn tiếng sau, tối Thứ Tư, giờ Bắc Kinh, Trần Quang Thành bỗng dưng đổi ý - hoặc nói thật – khi từ nhà thương trả lời báo chí biết rằng mình bị ép. Anh không tin vào lời cam kết của chính quyền Trung Quốc và muốn cùng gia đình qua Mỹ tỵ nạn.
Trong một thế giới mà tin tức qua mạng Twitter lại chạy nhanh hơn mọi phản ứng hay tính toán của mấy người trong cuộc, những thông tin ấy gây ra một vụ khủng hoảng chính trị nữa mà chưa ai rõ đâu là nguyên nhân đâu là hậu quả!
Bắc Kinh mất mặt và phản ứng với sự bực bội, những người đấu tranh cho nhân quyền trong mạng lưới Trần Quang Thành đều bị chiếu cố. Bị bắt như ruồi.
Qua đám mây thông tin kỳ ảo, hầu như thay đổi mỗi giờ, người ta chỉ có thể suy đoán như sau:
Có thể là khi thấy các nhân viên Hoa Kỳ bị mời ra khỏi bệnh viện sau giờ thăm viếng quy định, bảy rưỡi tối, Trần Quang Thanh hốt hoảng và đảo ngược ý nguyện qua các cuộc phỏng vấn với báo chí Mỹ. Có thể là anh đã được phía Hoa Kỳ thuyết phục, rằng nếu còn ở lại trong Sứ quán thì người vợ sẽ bị công an đánh đến chết. Nhưng nếu đồng ý đi ra mà ở lại thì sẽ không bị đàn áp. Tới khi gặp vợ con trong nhà thương thì mới biết một sự thật đen tối gì khác....
Chúng ta chưa thể biết hết sự thật mà chỉ thấy ra ba chuyện.
Thứ nhất, phía Mỹ xác nhận rằng Trần Quang Thanh đã ở trong rồi - tự nguyện - rời bỏ tòa Đại sứ Mỹ đi vào nhà thương. Thứ hai, Ngoại trưởng Clinton đã gặp Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc - đảng viên cao cấp lãnh đạo hệ thống đối ngoại của Bắc Kinh - trong khuôn khổ Đối thoại hàng năm. Thứ ba, phía Bắc Kinh chính thức yêu cầu... Hoa Kỳ xin lỗi. Xin lỗi về chuyện gì?
Chuyện thứ tư mà chưa ai nói ra, là Hoa Kỳ lâm thế kẹt!
Hoa Kỳ phải thương thuyết lại một giải pháp tưởng như mỹ mãn với bộ máy Ngoại giao Bắc Kinh mà hóa ra lại bị ai đó phá vỡ. Người làm tan vỡ giải pháp này không phải là Trần Quang Thành mà có thể là bộ máy an ninh của Trung Quốc. Trần Quang Thành ở vào vị trí thấy rõ giá trị cam kết của Bắc Kinh khi cùng lúc đó, bằng hữu trong mạng lưới nhân quyền đều sa lưới.
Vì vậy, anh mới đòi rời Trung Quốc trong chuyến bay của Ngoại trưởng Hillary Clinton!
Chúng ta có thể bàn luận rất nhiều về chuyện này, nhưng không quên mấy chi tiết sau đây.
Trần Quang Thành và mạng lưới của anh có trình độ tổ chức cao hơn người ta lầm tưởng. Bộ máy an ninh Trung Quốc cần biết là cao đến cỡ nào và những ai giữ vị trí chủ chốt trong vụ đào thoát của một người mù từ một ngôi làng hẻo lánh tại Sơn Đông lên tới Bắc Kinh. Với tinh thần nghiệp vụ đầy chất tự kỷ ám thị và thà bắt lầm còn hơn tha lầm, bộ máy an ninh đó đang làm giờ phụ trội - và than trời!
Mạng lưới Trần Quang Thành có thể đưa người luật sư này từ Sơn Đông lên Bắc Kinh nhưng nếu muốn vào toà Đại sứ Mỹ mà lọt qua vòng đai công an của Trung Quốc ở ngoài khuôn viên thì phải có sự giúp đỡ của người Mỹ. Người Mỹ nào?
Sứ quán Hoa Kỳ có muốn bị một vụ khủng hoảng nữa sau biến cố Vương Lập Quân hay chăng? Hay là nhân khi gia chủ lúng túng mà bày ra một chuyện khác để gây sức ép? Để làm gì?
Phải chăng, có ai đó từ cả hai phía Hoa Kỳ và Trung Quốc, muốn gây khó cho nỗ lực đối thoại giữa hai chính quyền, trong hoàn cảnh đầy lúng túng của Bắc Kinh với vụ "Vương Lập Quân, Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai, Chu Vĩnh Khang" trước Đại hội 18 của đảng Cộng sản Trung Hoa, và giữa cuộc tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ? Mà họ là những ai?
Thực tế thì bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cố giải toả sức ép trước khi có hội nghị Đối thoại với Bắc Kinh mà thất bại và đang lãnh một cục than hồng trong tay. Hội nghị đã tiến hành và hoàn tất, nhưng cục than vẫn cháy. Nó sẽ lan tới đâu?
Chúng ta tha hồ bán tán cho vui!
Nhưng phải chi đôi bên cùng cho cái gai Trần Quang Thành vào máy bay qua Mỹ trước khi bà Clinton hoan hỷ gặp Đới Bỉnh Quốc. Đôi bên cùng tỉnh như con ruồi nói về chuyện quốc gia đại sự. Bắc Kinh được nhể một cái gai nhức nhối trên má, và Hoa Kỳ được tiếng bảo vệ nhân quyền....
Dù sao, mấy chuyện bất thường và dồn dập như thế tại Trung Quốc cũng là điềm bất tường! Chế độ độc tài đã minh chứng sự bất lực của nó, một cách vô cùng "hoành tráng" vào thời điểm nhạy cảm nhất. Quái lạ!
Nguyễn Xuân Nghĩa
(Việt Báo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét