17.5.12

Liên Hiệp Quốc báo động về tình trạng cưỡng chế thu hồi đất tại Cam Bốt



Giáo sư Surya Subedi, báo cáo viên LHQ về nhân quyền tại Cam Bốt, trong một cuộc họp báo
Giáo sư Surya Subedi, báo cáo viên LHQ về nhân quyền tại Cam Bốt, trong một cuộc họp báo
©RFI

Phạm Phan / Đức Tâm
Một vấn đề kinh tế xã hội đau nhức hiện nay tại Cam Bốt là chiếm đất có thể tác động đến chính trị. Vấn đề này không những gây sự chú ý đối với công luận trong nước nhưng còn làm cho LHQ quan tâm, bởi vì nó đụng chạm đến quyền căn bản của người dân.


Thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh
 
16/05/2012
 
 
Chính vì thế, giáo Sư Surya Subedi, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc vừa mới đây đã thực hiện chuyến đi tìm sự thật kéo dài 8 ngày, ông đã đến một vài tỉnh như Ratanakiri, Kratie và Stung Treng cũng như tiếp xúc trực tiếp với các cộng đồng cư dân nơi họ bị cướp đất để biết thêm những chi tiết cụ thể.
Trong các phát biểu tại Phnom Penh, giáo Sư Surya Subedi cho biết: Những công ty được chính quyền ký hợp đồng nhường đất để khai thác về mặt kinh tế đã tổ chức cướp đất, phá nhà, đe dọa cư dân trong vùng. Các hành động quá trớn của những công ty nhận được hợp đồng đã gây nhiều bất mãn cho dân địa phương mà đôi khi chính quyền không biết đến.
Theo giáo Sư, có đôi khi chính quyền đã xử lý vài công ty sai phạm nhưng trường hợp này không có nhiều.
Ông Surya Subedi còn chỉ đến một khía cạnh tôn trọng ý kiến cư dân địa phương. Ông nói, hầu như các công ty sau khi nhận được hợp đồng, đã tự ý tiến hành khai thác mà không xem xét tình hình của cư dân tại chỗ, không quan tâm đến đời sống của họ bị ảnh hưởng như thế nào một khi tiến hành khai thác rừng, gây xáo trộn môi trường sống đang ổn định của họ.
,Ngay cả chính quyền khi giao đất cho các công ty cũng không tham khảo ý kiến của dân địa phương hay xem xét khu vực đó có bị ảnh hưởng ra sao hay không khi các công ty kéo đến. Điều này muốn nói, người dân đã bị bỏ quên trong các hợp đồng khai thác đất và rừng lắm tiền bạc chỉ xảy ra giữa chính quyền và những kẻ giành được hợp đồng.
Ông Surya Subedi đã nhắc đến trường hợp một viên tổng giám đốc công ty cao su cho nhân viên bảo vệ của ông ta dùng súng bắn 4 dân làng hồi tháng 1/2012.
Chỉ trong một năm từ 2010 đến 2011, Cam Bốt đã gia tăng đến 6 lần số diện tích đất nhường quyền khai thác cho các công ty, kể cả trong và ngoài nước, đặc biệt là các công ty Trung Quốc.
Thủ tướng Hunsen phải ra lệnh tạm ngưng cấp đất
Vào đầu tuần rồi, thủ tướng Hun Sen đã ra chỉ thị tạm ngưng ký hợp đồng nhượng quyền khai thác đất. Chỉ thị này gây ngạc nhiên cho công luận, vì từ trước đến nay, người dân chỉ thấy chính quyền ủng hộ các công ty khai thác đất. Chỉ thị này đã được báo cáo viên LHQ hoan nghênh, coi đây là một dấu hiệu tích cực được đáp ứng nhanh chóng của chính quyền, trong thời gian ông đang thực hiện sứ mệnh tìm kiếm sự thật để chuẩn bị cho một báo cáo trước Hội Đồng Nhân Quyền tháng 9 năm nay.
Theo nội dung chỉ thị, thì có một số công ty lợi dụng danh nghĩa ký hợp đồng để chặt cây, khai thác gỗ lậu, sau đó lại nhượng quyền khai thác đất cho các công ty khác. Hành động này làm sai nghĩa các điều khoản trong hợp đồng ban đầu. Việc ra chỉ thị tạm ngưng cấp hợp đồng để nhà nước kiểm soát lại các công ty tư nhân có thực thi đúng hay không, cũng như có biện pháp đòi bồi thường theo luật.
Chỉ thị của Thủ Tướng Hun Sen đưa ra sau một thời gian ngắn xảy ra sự kiện hạ sát nhà hoạt động bảo vệ môi trường Chut Wutty khi ông đang đi tìm hiểu về nạn khai thác rừng tại tỉnh Koh Kong, nơi có công ty Trung Quốc hoạt động.
Cũng có thể việc gia tăng biểu tình phản đối của hàng trăm cư dân địa phương xảy ra trên nhiều tỉnh nhằm báo động nguy cơ trước mặt của tệ nạn tàn phá môi trường bừa bãi của các công ty khai thác rừng, đã làm cho chính quyền phải đưa ra chỉ thị tạm ngưng cấp hợp đồng. Tuy nhiên, theo một số nhà hoạt động nhân quyền và bảo vệ môi trường thì không biết chỉ thị này có hiệu lực lâu hay không.
Năm ngoái cũng qua việc biểu tình và phản đối mạnh của hàng ngàn cư dân, khiến Ngân Hàng Thế Giới phải quyết định cảnh báo chính quyền Cam Bốt là sẽ không mượn được tiền của định chế này nữa nếu cứ tiếp tục cưỡng chiếm đất của dân. Hàng năm Ngân Hàng Thế Giới cho Cam Bốt vay mượn khoảng 70 triệu Mỹ Kim.
Rừng đang biến mất dần dần khỏi lãnh thổ xứ Chùa Tháp. Các hoạt động trồng rừng của bộ phận lâm nghiệp không đủ đáp ứng với cảnh quan môi trường đang thay đổi xấu đi một cách đáng lo ngại.
Sự biến đổi khí hậu sẽ dần dần tác động mạnh đến lãnh thổ xứ Chùa Tháp. Số tiền bán đất hay hợp đồng khai thác đất là quá nhỏ nhoi so với tổn thất do thiên nhiên gây ra. Cam Bốt không đủ khả năng để chống chọi với một cơn lụt lớn kéo dài mấy tháng như Thái Lan trải qua hồi năm rồi. Lúc đó tất phải cầu viện thế giới giúp đỡ.
TAGS: CAM BỐT - CHÂU Á - PHỎNG VẤN

Không có nhận xét nào: