19.5.12

Suy nghĩ từ hai chữ “Thu hồi”



Theo Đại từ điển Việt Nam, chữ “Thu hồi” được định nghĩa như sau: Thu hồi: dgt. Lấy lại cái đã đưa ra, đã cấp phát ra hoặc bị người khác lấy.
Như vậy, việc nhà nước thường xuyên ban hành quyết định Thu hồi đất của nhân dân có đúng nghĩa hay không? Nếu đất đai, tài sản của nhân dân đã được nhà nước cấp phát như nhà tập thể do nhà nước xây, các biệt thự, nhà công vụ bị cán bộ nhà nước chiếm, mượn không trả… thì việc thu hồi còn có nghĩa.
Nhưng, ở đây, đất của nông dân ngàn đời khai hoang phục hóa, tạo ra hoặc đất thổ cư, người dân ở hàng trăm năm nay, nhà nước chưa hề cấp phát cho họ nửa mét vuông, tại sao lại có thể “thu hồi”? Ngay cả như vụ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng thì khu đất đai có được ở đó, do chính anh và gia đình đã bỏ công sức xương máu để quai đê lấn biển mà thành. Thế rồi nhà nước cứ ngồi rung đùi hoạnh họe, đến khi thành công thì “thu hồi”.
Khu đất do gia đình ông Vươn quai đê lấn biển hình thành được nhà nước “thu hồi”
Do vậy, có thể khẳng định rằng việc “thu hồi” đất đai của nhân dân bằng những quyết định hành chính của nhà nước là hoàn toàn trái lẽ và trái pháp luật.
 
Ngay cả đến luật đất đai là luật mà đang gây nhiều tranh cãi về sự bất cập, bất hợp lý từ nhiều năm nay, cũng đã quy định như sau: “Đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý”. Như vậy rõ ràng ở đây Hiến pháp và pháp luật đã nói rõ: Quyền sở hữu đất đai thuộc về dân, còn phần nhà nước chỉ có “quản lý”.
Chỉ có những người có quyền sở hữu tài sản của mình mới được quyền định đoạt về việc bán, cho, tặng, chuyển đổi, hủy hoại… tài sản đó. Còn người “quản lý” chỉ được phép quản lý tài sản đó theo ý đồ của người chủ sở hữu mà thôi.
Thế nhưng, thời gian qua, lợi dụng bộ máy đàn áp hùng hậu bằng súng, đạn, công an và chó… nhà nước đã lạm dụng và đánh tráo khái niệm về ngôn ngữ để làm những điều bất chính liên quan đến tài sản đất đai của nhân dân. Hãy nhớ rằng, khi được giao quản lý mà không hoàn thành trách nhiệm, cần phải xử lý người được quản lý đó.
Trong cả đất nước Việt Nam đầy rẫy các tiến sĩ, các nhà trí thức, cả hệ thống nghiên cứu, ngôn ngữ… nhưng chẳng lẽ không ai hiểu được ý nghĩa từ Thu hồi:dgt. Lấy lại cái đã đưa ra, đã cấp phát ra hoặc bị người khác lấy. Còn khi không đưa ra, không cấp phát ra mà dùng súng đạn, sức mạnh đê “cưỡng” thì không thể dùng một từ nào khác là “Cướp”. Một nhà nước mà đi cướp đoạt thì không thể có chính nghĩa.
Phương pháp “thu hồi” đất ở Việt Nam
Trong thực tế, nhà nước chưa tạo ra được bất cứ mét vuông đất nào để cấp cho dân, ngược lại thì dưới sự “quản lý” của nhà nước đất dần dần chỉ có mất đi. Việc mất đi này nếu vào những người dân hoặc kể cả cán bộ, đảng viên vẫn còn được tạm chấp nhận vì dù sao cũng là người dân Việt Nam. Nhưng, tệ hại hơn, là dưới sự “quản lý” của nhà nước, thì Hoàng Sa và một phần Trường Sa đã vào tay giặc. Thậm chí nhiều phần đất trên biên giới Việt Trung cũng đã vào tay giặc Tàu. Trong khi, ngay từ xa xưa đến nay, chưa có người dân nào ở Việt Nam được nghe nói chúng ta sẵn sàng chấp nhận mất đi một mét vuông lãnh thổ, lãnh hải và toàn dân phải cung cúc làm ăn, nộp đủ các loại thuế, phí… để xây dựng quốc phòng, công an và nhiều thứ khác nhằm bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc. Thế nhưng đất đai lãnh thổ vẫn mất đi một cách rất bí hiểm.
Đó là những phần đất cần phải “thu hồi” và việc thu hồi này hoàn toàn đúng nghĩa. Bởi Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đã được giao cho nhà nước “thống nhất quản lý”. Nhưng đã không có một ai chịu trách nhiệm, ít ra là cảnh cáo, khiển trách hoặc mất chức về việc để mất đất đai ở đó. Chỉ có xương máu của người dân đã đổ ra tại những phần đất, phần lãnh thổ này mà không được ai chú ý.
hoang-sa
Hoàng Sa cần phải thu hồi về Việt Nam
Còn nhà nước, sau khi được giao quản lý đã để mất, trở lại tìm cách “thu hồi” cái mà thuộc sở hữu của nhân dân, hoàn tòan không thuộc quyền sở hữu nhà nước. Trong Kinh Thánh, đó là hành động “thu nơi không phát, gặt nơi không gieo”cần phải lên án kịch liệt bởi trái lẽ công bằng và bất chấp đạo đức, lương tâm.
Một ví dụ về sự đánh tráo khái niệm ngôn ngữ:
 
 
Hà Nội, ngày 15/4/2012
  • J.B Nguyễn Hữu Vinh

Không có nhận xét nào: