Các nhà tranh đấu nhân quyền cho biết các lực lượng Syria hôm nay đã giết chết ít nhất 10 ở nhiều nơi trong lúc có tin nói rằng những cuộc xuống đường biểu tình qui mô lớn bắt đầu diễn ra.


Đài Quan sát Nhân quyền Syria, trụ sở đặt ở Anh, nói rằng các lực lượng Syria đã nổ súng vào một chiếc xe ở Hama, giết chết 3 người.

Hãng thông tấn Pháp loan tin hàng vạn người bắt đầu xuống đường biểu tình sau lễ cầu nguyện ngày thứ Sáu để lập lại yêu cầu đòi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức.

Các quan sát viên Liên hiệp quốc ở Syria tiếp tục tìm cách chấm dứt bạo động giữa các lực lượng chính phủ và phe nổi dậy.

Một phát ngôn viên của đặc sứ quốc tế Kofi Annan nói rằng kế hoạch Syria “đang đi đúng hướng” mặc dù bạo động vẫn tiếp diễn.

Ông Ahmad Fawzi, phát ngôn viên của đặc sứ Annan, cho báo chí ở Geneve biết rằng có những dấu hiệu tuân hành kế hoạch hòa bình, bao gồm cuộc ngưng bắn giữa chính phủ và các lực lượng chống đối. Ông Fawzi nói thêm rằng vụ khủng hoảng chính trị kéo dài hơn một năm không thể “giải quyết trong một ngày hay một tuần.”

Hôm qua, có ít nhất 24 người thiệt mạng trong những vụ rối loạn, trong đó có 4 thường dân tại Đại học Aleppo.

Những người mục kích nói rằng sinh viên thân chính phủ dùng dao tấn công những người biểu tình ở đại học này, trước khi lực lượng an ninh tràn vào rồi nổ súng và bắn lựu đạn cay để giải tán đám đông.

Bạo động diễn ra trong lúc Syria chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội vào thứ hai tuần sau, dựa theo những sự cải cách hiến pháp cho phép thành lập các chính đảng mới. 

Thông tín viên Elizabeth của đài VOA đã nói chuyện với người dân Syria về cuộc bầu cử. Cô cho biết tuy có những cải cách như vậy một số người vẫn không kỳ vọng nhiều vào cuộc bầu cử này.

Các cường quốc thế giới, trong khi đó, đã gia tăng áp lực kinh tế đối với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. 

Hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hối thúc Trung Quốc xem xét tới việc áp dụng thêm các biện pháp chế tài Syria. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho hay bà Clinton đã hối thúc như vậy trong lúc chuẩn bị kết thúc hộïi nghị cấp cao ở Bắc Kinh. 

Cả Trung Quốc và Nga đều bày tỏ sự dè dặt đối với việc áp dụng các biện pháp chế tài mới thông qua Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.