2.5.12

Tư bản Nhà nước Trung Quốc đang rạn nứt từ bên trong



Tuyên bố của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo về các ngân hàng, được coi là một lời tuyên chiến chống lại trụ cột của tư bản Nhà nước Trung Quốc. Ông Ôn Gia Bảo trả lời báo giới, Bắc Kinh, 14/03/2012
Tuyên bố của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo về các ngân hàng, được coi là một lời tuyên chiến chống lại trụ cột của tư bản Nhà nước Trung Quốc. Ông Ôn Gia Bảo trả lời báo giới, Bắc Kinh, 14/03/2012
Reuters

Anh Vũ
Ba thập kỷ cải cách và mở cửa, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tự hào đã tạo dựng được một mô hình phát triển thành công. Bắc Kinh vẫn cho rằng việc đảng kiểm soát hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp lớn phần nào đã giúp cho nước này có những tăng trưởng kinh tế khá ngoạn mục trong hai thập kỷ qua.
Nhưng giờ đây hệ thống này đã bộc lộ những giới hạn tạo ra những rạn nứt bên trong.

Tại Trung Quốc, nhiều tiếng nói đã lên tiếng về sự cần thiết phải thay đổi mô hình kinh tế, giảm bớt vai trò của nhà nước và đẩy mạnh tư nhân hóa. Phụ trang kinh tế báo Le Monde hôm nay có bài phân tích mặt trái của mô hình phát triển ở đất nước đông dân nhất thế giới với tựa đề :« Mô hình kinh tế Trung Quốc bị xói mòn từ bên trong ».
Nhìn từ bên ngoài người ta rất dễ có cảm nhận là mô hình kinh tế tư bản theo kiểu con lai của Trung Quốc vẫn đang vận hành tốt. Thế nhưng từ bên trong, hệ thống này đang bị chỉ trích dữ dội. Đặc biệt trên vấn đề vai trò chủ đạo của Nhà nước dựa trên việc nắm giữ ngân hàng ưu ái các tập đoàn Nhà nước. Cách làm này đang bóp nghẹt các doanh nghiệp tư nhân nhỏ.
Le Monde trích dẫn phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc trực tiếp tấn công vào trụ cột của tư bản Nhà nước Trung Quốc như sau « Nói thẳng là các ngân hàng của chúng ta kiếm lời quá dễ. Tại sao ? Đó là bởi vì, một số nhỏ các ngân hàng chính đang chiếm vị trí độc quyền, điều này có nghĩa là người ta chỉ có thể đến với họ để vay vốn » và ông kết luận, « chúng ta phải phá vỡ thế độc quyền đó ».
Vấn đề này càng trở nên thời sự, nhất là từ sau khi xảy ra vụ đổ vỡ của các tổ chức tín dụng không chính thức ở thành phố Ôn Châu hồi cuối năm ngoái. Các ông chủ của thành phố kinh tế đầy năng động nằm ở phía đông đất nước này đã không thể nào vay vốn từ ngân hàng lớn, vì những ngân hàng này thích dành ưu đãi cho các doanh nghiệp nhà nước. Muốn có vốn, họ buộc phải đi vay của các tổ chức tín dụng tư nhân với lãi suất « cắt cổ ». Kết quả là không trả được nợ, hàng chục doanh nghiệp tư nhân bị phá sản, các con nợ bỏ trốn và có người phải nhảy lầu. Sự việc đã gây xáo động khắp Trung Quốc. Chính phủ, mới đây, đã thông báo sẽ để cho các ngân hàng tư nhân ở Ôn Châu lập các quỹ tín dụng phục vụ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng theo các chuyên gia thì ít có khả năng quyết định này được phổ biến rộng rãi khắp cả nước, nơi mà ngân hàng nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Các ngân hàng nhà nước thì lại chỉ muốn cho các doanh nghiệp nhà nước vay vốn vì họ được bảo đảm của nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc họ là ai ? Theo Le Monde, trong các tập đoàn lớn như viễn thông, luyện kim…người đứng đầu bao giờ cũng do Ban tổ chức của đảng cộng sản sắp xếp và họ tất nhiên là những đảng viên và hơn nữa còn có mối liên hệ đặc biệt với các cấp lãnh đạo trung ương của đảng.
Le Monde nhận thấy, trong ba thập kỷ cải cách, đảng Cộng sản Trung Quốc đã để cho các công dân tự do làm giàu, lập các công ty, nhưng với điều kiện không nhường lại cho họ phần trung tâm của cỗ máy kinh tế. Ở Trung Quốc, nhà nước luôn kiểm soát phần lớn các lĩnh lĩnh vực được đánh giá là « chiến lược » như ngân hàng, viễn thông, giao thông hàng không. Du khách có dù có được lựa chọn đi máy bay của Aire China, China Eastern hay China Southern thì cũng đều là trả tiền cho doanh nghiệp nhà nước. Tương tự như vậy đối với dịch vụ điện thọai di động. Có điều là hệ thống các doanh nghiệp nhà nước này không thúc đẩy cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng.
Theo Le Monde, hệ thống các doanh nghiệp nhà nước được ngân hàng sẵn sàng cho vay không tính toán vì họ luôn được Nhà nước đứng đằng sau bảo lãnh.
Giáo sư Hoàng Á Sanh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts nhận định: « điểm yếu kém của tư bản Nhà nước là ở chỗ nó dẫn đến sự tập trung của cải vào tay một tầng lớp chính trị ưu tú hoặc có liên hệ về mặt chính trị chứ không vì lợi ích tăng trưởng. »
Theo giáo ông Michael Pettis, giáo sư đại học Bắc Kinh thì thực ra tư bản Nhà nước Trung Quốc cũng chẳng sáng tạo ra được cái gì ghê gớm. Đây là mô hình chủ yếu dựa trên sự đầu tư, trong đó ngùon tín dụng do Nhà nước chỉ đạo . Nhà nước chỉ đạo lãi suất, rủi ro tính dụng thì được xã hội hóa. Ban đầu thì mô hình này có tác dụng thúc đẩy tăng trworng nhanh. Nhưng sự việc sẽ trở nên phức tạp khi mà khủng hỏang nợ xuất hiện. Mô hình này chỉ có thể duy trì đến một thời điểm nhất định sau đó phải bị từ bỏ. Theo giáo sư Pettis thì « ở Trung Quốc, nhiều người hiểu được điều đó, nhưng về mặt chính trị thì rất khó có thể từ bỏ mô hình này ».
Theo Le Monde, phe cải cách thì đã nhận ra được thời điểm cần phải xóa bỏ mô hình kinh tế hiện nay. Trong khi đó cánh bảo thủ thì lại cho rằng chấp nhận xem xét lại vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và xã hội tức là đảng Cộng sản làm biến chất sâu sắc hệ thống và mất quyền lãnh đạo.
Dân Hy Lạp đã mất lòng tin vào các nhà chính trị
Vẫn là đề tài về sự liên quan giữa kinh tế và chính trị, báo Le Monde nhìn vào Hy lạp với nhận định « khủng hoảng kinh tế đang làm tan vỡ khung cảnh chính chính trị ».
Chủ nhật ngày 6/5 tới đây, đất nước Hy Lạp, đang oằn mình chống chọi với nợ nần, sẽ bước vào cuộc bầu cử Quốc hội, với sự tham gia của 32 đảng phái. Đây là cuộc bầu cử được đánh giá là khó khăn nhất trong lịch sử cận đại của Hy Lạp từ sau chiến tranh. Cuộc khủng hoảng nợ đã làm cho cử tri đã mất hết niềm tin vào các đảng phái chính trị theo truyền thống vẫn thay nhau lãnh đạo đất nước là : đảng cánh tả Pasok và đảng Dân chủ mới thuộc cánh hữu. Cả hai đảng này giờ đây đều bị quy trách nhiệm đã để đất nước rơi vào hoàn cảnh thê thảm hiện nay. Từ tháng 11 năm ngoái, hai đảng này đã thành lập chính phủ liên minh dưới sự lãnh đạo của ông Lucas Papadémos, cựu phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu. Hiện tại chính phủ này cũng đang bị dân chúng phản đối ngày càng mạnh.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội tới, hai đảng phái chủ yếu này phải đạt đựoc ngưỡng 37% số ghế để đạt được đa số cần thiết, trong khi trước mắt chương trình của chính phủ sắp tới sẽ phải vạch ra các biện pháp thắt lưng buộc bụng mới để tìm ra được 11 tỷ euro tiết kiệm cho năm 2013-2014.
Theo Le Monde, đối mặt với hai đảng phái truyền thống hiện tại không có một tổ chức chính trị nào thực sự có đủ khả năng lãnh đạo đất nước Hy Lạp nhất là vào thời điểm lúc này.
Le Monde nhận định, để thoát ra khỏi chiến dịch bầu cử không hấp dẫn gì này, người Hy Lạp đang hướng về cuộc bầu cử tổng thống Pháp cũng vào ngày 6/5, với hy vọng chiến thắng của ông François Hollande sẽ góp phần thúc đẩy châu Âu đi theo chính sách đỡ phải thắt lưng buộc bụng hơn.
1 tháng Năm : Ngày lễ mang màu sắc chính trị
Hôm nay, 1/5, ngày quốc tế lao động đã có lịch sử ra đời từ hơn 100 năm nay. Cùng với thời gian, các cuộc biểu dương lực lược của người lao động này đang dần trở thành các cuộc huy động lực lượng phục vụ mục đích chính trị. Báo Le Monde có bài : « 1886-2012 ngày 1/5 của công nhân và những biến thái chính trị. »
Bài viết điểm lại lịch sử của ngày lễ lao động: Ngày lễ mùng 1 tháng Năm ra đời trong máu và bạo lực. Đó là ngày 1/5 năm 1886, trong cả nước Mỹ, hơn 300 nghìn công nhân đã bỏ xưởng máy đi biểu tình. Họ đáp lại lời kêu gọi của Liên đoàn các công đoàn đưa ra từ năm 1884 rằng « bắt đầu từ 1/5/1886, một ngày làm việc theo luật là 8 tiếng ». Cuộc tuần hành hôm đó xảy ra không có sự cố. Nhưng ngày 3/5, tại Chicago, chủ một nhà máy dệt muốn sa thải các công nhân là đoàn viên công đoàn. Công nhân phẫn nộ, dẫn đến xô xát. Cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình công nhân làm hai người chết. Tiếp đó ngày 4/5 trong các cuộc biểu tình phản đối một vụ đánh bom không rõ nguồn gốc làm 7 cảnh sát bị chết cùng số người tương tự bên phía biểu tình. Tòa tuyên 7 án tử hình trong đó có 4 công đoàn viên. Họ bị đem ra treo cổ một năm sau đó.
Cuộc đấu tranh của các công nhân Chicago đòi quyền làm việc 8 giờ một ngày đã phải trả giá đắt, nhưng tinh thần của cuộc đấu tranh đã lan sang châu Âu và trở thành biểu tượng cho các cuộc nổi dậy của phong trào công nhân. Đặc biệt tại Pháp, từ những năm đầu của thế kỷ 20, ngày 1/5 đã trở thành ngày đấu tranh vì quyền lợi của công nhân lao động dưới dự lãnh đạo của các công đoàn. Các cuộc tuần hành vào dịp này vẫn diễn ra đều đặn hàng năm ở các thành phố trên nước Pháp nhưng quy mô cũng tùy thuộc vào mức độ đoàn kết của các công đoàn. Nhiều năm trỏ lại đây, sự kiện này đã được các đảng phái lợi dụng cho việc huy động chính trị của mình nhất là khi ngày lễ rơi vào giữa hai vòng bầu cử tổng thống Pháp. Hôm nay, bên cạnh cuộc tuần hành của người lao động do các công đoàn tổ chức, tại Paris còn diễn ra các cuộc mít tinh của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) tại quảng trường Opera và cuộc tập hợp của đảng UMP nhằm phục vụ cho chiến dịch tranh cử của tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy.
TAGS: CHÂU Á - TRUNG QUỐC - ĐIỂM BÁO

Không có nhận xét nào: