Một số người Văn Giang bị mất mồ mả trong vụ máy ủi san đất đai hôm 24/4 |
Nhà văn, nhà thơ và nhà biên kịch quê Văn Giang Nguyễn Thị Hồng Ngát vừa trở lại thăm quê, một tuần sau vụ cưỡng chế gây tranh cãi để giải phóng mặt bằng trong khuôn khổ dự án đô thị sinh thái.
Bà đã có bài viết về chuyến đi trên blog cá nhân với tựa đề 'Về lại Văn Giang'.
BBC xin đăng lại nguyên văn bài viết này với sự đồng ý của tác giả. Các tựa đề phụ do BBC đặt.
Sáng thứ 7 ( 28-4) nhân được nghỉ lễ 4 ngày, mình thấy sốt ruột phần vì nghe tin ông cụ thân sinh (96 tuổi) mệt, phần cũng muốn nhìn ECOPARK sau ngày 24-4 xem ntn, mình về lại Văn Giang.
Ngang qua ECOPARK mình đi chậm lại, nhìn quanh thấy không khí vắng vẻ dù lúc ấy khoảng 9-10h sáng. Phía xa- mình đếm được 5 ngôi nhà cao tầng bề thế dường như sắp xây xong. Trên mặt đường phía cống Xuân Quan bà con lại bày mía, rau củ quả ra bán... Bề ngoài, mọi sự lại trở về với cuộc sống thường nhật. Nhưng mình chắc rằng bên trong mỗi ngôi nhà ở đây câu chuyện giải tỏa ngày 24-4 hẳn vẫn còn được nhắc đến.
Về nhà ở Mễ Sở, hỏi các bà cô và mọi người có biết chuyện gì xảy ra ở Văn Giang hôm vừa rồi không. Không. Không biết gì cả. Ừ, các bà cô mình chỉ biết xem TV, không đọc báo, không nghe đài- giả như có nghe cũng chả thấy họ nói gì đến Văn Giang thì làm sao mà biết. Mình cũng không nói gì thêm.
Buồn.
Hỏi chuyện bí thư
Chiều, không đừng được nên bảo con cháu đèo lên nhà Bí thư Văn Giang ở ngay làng bên, trước là Phó Bí thư thời em trai mình còn tại vị. Chất vấn sao ngày 24 lại để như thế, như thế? Đáp " Vì đổi dự án lấy hạ tầng , người ta đã chi 1500 tỷ làm đường xá, nay đến lúc phải giải tỏa để trả đất cho người ta''v..v..(lời giải thích hoàn toàn khớp với thông tin Tỉnh công bố ). Và thêm : 1720 hộ đồng ý nhận đền bù từ những năm trước rồi, chỉ còn 166 hộ thôi. Bên cạnh sự đền bù (135.000đ/m chứ không phải 100.000đ) còn có nhiều chính sách hỗ trợ khác : cho mua căn hộ, cho con em đi học, đi lao động nước ngoài, bù tiền dỡ bỏ v..v. Mình hỏi Tỉnh có công bố những ưu đãi này ra với các báo lề phải không mà chả thấy báo nào viết? Có công bố. Họ có viết hay không cũng không biết nữa.
"Chị không biết chứ dân họ cũng ghê lắm, toàn ném chai xăng với gạch bẻ đôi, vỡ cả lá chắn, tóe cả máu tay công an đấy."
Bí thư Văn Giang
Mình bảo 135.000đ/m cũng vẫn quá rẻ. Đáp "Do Qui định của Chính phủ hồi đó như thế." Vậy thì cái qui định của Chính Phủ (không biết dựa vào đâu để ra con số 135.000đ/m kia) cũng là không thỏa đáng. Mình bảo thế. Mình băn khoăn rằng để giải tỏa mấy héc ta đất làm gì mà phải huy động lắm công an thế, trông ghê thế khiến ai nhìn vào cũng thấy nản, thấy đau lòng. Đáp: chị không biết chứ dân họ cũng ghê lắm, toàn ném chai xăng với gạch bẻ đôi, vỡ cả lá chắn, tóe cả máu tay công an đấy.
Ôi, phiá này thì bảo công an ghê , phiá kia bảo nhân dân cũng ghê.. .thế thì mình chả còn biết nói ntn. Nhưng nhìn chung, nhân dân có ghê gì đi chăng nữa thì mọi người vẫn đứng về phía họ. Bởi họ chẳng có gì ngoài mảnh đất mưu sinh. Giờ đất mất, lấy gì sinh sống? Dư luận thời nào thì cũng chỉ thương người nghèo, người bị thiệt thòi chứ chả ai thương người giàu bao giờ.
Hỏi thêm: năm 2003, dự án ECOPARK xuất phát điểm từ đâu ra? Từ TRÊN CHÍNH PHỦ. Chính phủ về thăm và gợi ý Văn Giang là nơi lý tưởng làm Khu đô thị sinh thái... Cả huyện Văn Giang quê mình rồi sẽ là Khu đô thị cấp 4. Từ Nông dân sẽ trở thành Thị dân! Ôi, Đó quả thật là giấc mơ lãng mạn!
Chuyện cựu bí thư
Nói thêm về ông em trai mình- (người từng làm Chủ tịch và Bí Thư Văn Giang -năm 2009 thì nghỉ hưu- NXD blog đưa tin) Nhà mình chỉ có mình và cậu ấy là 2 chị em ruột .
Sau khi phục viên từ binh chủng Hải quân, em mình làm Chủ nhiệm HTX nông nghiệp và cứ thế, phấn đấu lên từ đó.
Cậu em mình chẳng quan tâm nhiều đến con đường làm VHNT của chị, chả biết chị viết gì và làm được gì. Ngược lại, mình cũng chẳng quan tâm lắm đến vị trí "quan huyện" của cậu ấy. Đó là một sự thực. Mỗi người mỗi việc chẳng mấy liên quan đến nhau và cũng chả giúp được gì cho nhau dù chị em rất thương quí nhau. Mình nhìn con đường trên mặt đê dọc huyện Văn Giang thấy rải nhựa rất đẹp qua các xã. Đoạn riêng ở thôn mình, xã mình thì nham nhở, lồi lõm đặc biệt đoạn qua làng mình đất vẫn lầm lên mưa xuống lầy lội rất bẩn. Chả biết trách ai bây giờ? Nếu có trách thì cũng muộn rồi. Quan nhất thời dân vạn đại. Lúc có tí quyền chức không lo được cho làng xã, cho người thân, lúc hết chức thì chỉ có...ngồi đó mà nhìn.
Mình cũng chả biết nói gì thêm qua vụ giải tỏa đất đai ở Văn Giang. Chỉ cầu mong sẽ không còn ở đâu phải "dàn quân" ra để cưỡng chế đất đai như ở Văn Giang quê mình nữa thôi.
Dù đúng sai phải trái gì đi nữa thì đây cũng là một nỗi buồn lớn.
Mùng 1-5-2012
Bài viết đã được đăng trên blog Bấm hongngatfilm.com.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét