Loay hoay mãi với “bệnh lạ”
Niêm Hà (NLĐ) - Địa phương nóng lòng cung cấp nước sạch cho dân nhưng phải chờ Bộ Y tế xác định nguyên nhân gây “bệnh lạ” có phải do nước suối, nước ngầm nhiễm độc hay không. Việc di dời dân cũng phải chờ bộ tuyên bố có “bó tay” với bệnh này hay chưa…
Trong hai ngày 13 và 14-6, một đoàn công tác của Bộ Y tế do TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, dẫn đầu đã về thị sát vùng tâm điểm “bệnh lạ” Ba Điền ở huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi.
Khao khát nước sạch
Hàng trăm hộ dân Ba Điền vui mừng ra mặt khi nghe phong thanh lần này, đoàn công tác của Bộ Y tế về sẽ giải quyết vấn đề nước sạch cho họ sử dụng. Tuy nhiên, người dân Ba Điền lại một phen thất vọng khi đoàn rút đi mà họ vẫn phải dùng nguồn nước ngầm và nước suối từ núi cao đổ về. Trước đó, trong hội thảo về “bệnh lạ” ở Ba Điền do Bộ Y tế tổ chức tại Đà Nẵng, các ý kiến đều nghiêng về khả năng nguồn nước này bị nhiễm asen và dioxin.
Người dân Ba Điền phải dùng nguồn nước suối, nước ngầm bị nghi nhiễm độc
Già làng Phạm Văn Đang, ngụ thôn Làng Rêu, xã Ba Điền, rầu rĩ: “Nghe nói sắp được dùng nước sạch, bà con ai cũng háo hức vì hy vọng sẽ ngăn được “bệnh lạ”. Đoàn nào về cũng bảo nên cung cấp nước sạch cho dân, thế mà đến giờ, bà con vẫn phải dùng nước suối. Thôi thì con ma nó bắt ai thì người đó chịu!”.
Theo TS Nguyễn Quốc Anh, người nào đã được các cơ sở y tế chữa trị và được cho là bớt bệnh, nếu ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng thì “bệnh lạ” không tái phát. “Dù được chữa khỏi nhưng ăn uống thiếu chất dinh dưỡng hay môi trường xung quanh ô nhiễm thì bệnh cũng dễ tái phát hơn. Nguồn nước nghi có độc tố asen và dioxin cũng nên thay bằng nước sạch bảo đảm vệ sinh” - TS Quốc Anh đề nghị.
Ông Nguyễn Văn Thuộc, Giám đốc Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường Quảng Ngãi, cũng cho biết qua khảo sát đã xác định nguồn nước người dân Ba Điền sử dụng không hợp vệ sinh, không bảo đảm cho sức khỏe và nên có phương án thay thế. “Chúng tôi rất muốn cung cấp nước sạch cho dân nhưng phải chờ kết luận cuối cùng của Bộ Y tế xác định xem nguồn nước suối có phải là nguyên nhân gây “bệnh lạ” hay không thì mới đầu tư xây dựng được” - ông Thuộc nói.
Theo ông Thuộc, trung tâm đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi phương án giải quyết nước sạch khẩn cấp cho dân vùng “bệnh lạ” và được đồng ý cung cấp bình lọc nước cho bà con. “Đây chỉ là giải pháp tình thế. Thật ra, bình lọc nước không thể lọc được asen” - ông Thuộc băn khoăn.
Di dời dân: Giải pháp cuối cùng
Ngành y tế Quảng Ngãi đang căng sức chữa trị cho người dân bị “bệnh lạ” nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì tích cực. Ông Phạm Văn Bút, Chủ tịch UBND xã Ba Điền, rầu rĩ: “Ngành y tế nên quyết đoán, nếu không tìm ra được nguyên nhân thì mời các tổ chức nước ngoài vào. Dân chết nhiều lắm rồi. Tôi là chủ tịch xã, nhìn bà con như vậy xót lắm”. Ông Phạm Văn Néo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, cho rằng chừng nào Bộ Y tế vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ra “bệnh lạ” thì người dân địa phương vẫn còn hoang mang, lo sợ.
Theo ông Néo, việc di dời dân vùng “bệnh lạ” đi nơi khác như một số ý kiến đề xuất gần đây là rất khó. “Cả ngàn người chứ đâu phải vài người, đâu phải là chuyện bê tảng đá từ nơi này sang nơi khác? Di dời dân là cả một quá trình khó khăn, từ bảo đảm an sinh sau di dời, cấp đất tái định cư và sản xuất, đến duy trì tập tục sinh hoạt…” - ông Néo trăn trở.
Ông Néo cho rằng việc di dời dân vùng “bệnh lạ” chỉ là tình thế cuối cùng. “Tuy nhiên, một khi ngành y tế “bó tay” với “bệnh lạ” thì phải di dời dân ngay. Khó mấy cũng phải di dời!” - ông Néo quả quyết.
Mắc thêm “bệnh lạ” mới Người dân mắc “bệnh lạ” ở Ba Tơ ngày càng tăng với hơn 250 trường hợp, trong đó 23 ca đã tử vong. Đồng thời, ở vùng dịch Ba Điền và các xã lân cận, người dân đang mắc thêm một chứng mới là đau ngực, khó thở, nôn ói mỗi khi ăn và tê cứng chân tay… Tuy nhiên, ngành y tế không xác nhận đây là “bệnh lạ” vì không có biểu hiện dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, dù xét nghiệm lâm sàng những ca bệnh mới cho thấy men gan đều tăng. |
Bài và ảnh: Niêm Hà
*
“Nói không”, phong bì vẫn loạn
Ngọc Dung (NLĐ) - Ngành y tế đã không ít lần tuyên chiến với “văn hóa phong bì” trong bệnh viện nhưng đến nay, đây vẫn là chuyện “bắt cóc bỏ dĩa”
Cam kết “nói không với phong bì” do Công đoàn ngành y tế phát động từ tháng 10-2011 được nhiều người kỳ vọng có thể triệt căn bệnh trầm kha lâu nay tại các bệnh viện (BV). Tuy nhiên, một khảo sát về phong bì BV được Tổ chức Hướng tới Minh bạch - Tổ chức Minh bạch Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) công bố mới đây lại một lần nữa khiến dư luận ngỡ ngàng.
Từ tế nhị đến sỗ sàng
Dù nghiên cứu chỉ gói gọn trong các cuộc phỏng vấn sâu với gần 180 người gồm bác sĩ (BS), y tá, bệnh nhân (BN), người nhà tại một số BV ở Hà Nội, Sơn La, Đắk Lắk, Cần Thơ nhưng cũng chỉ ra rằng “văn hóa phong bì” xuất hiện phổ biến tại các cơ sở y tế từ năm 2000 và tăng mạnh những năm gầy đây.
Theo bà Trần Thu Hà, Phó Giám đốc RTCCD, tên gọi của tiền trong phong bì cũng rất “linh hoạt”, từ tế nhị như “tiền quan tâm”, “cảm ơn”, “cà phê cà pháo”, “chút quà cho cháu” đến sỗ sàng như “tiền bồi dưỡng”, “quan hệ”… Trong các lần phỏng vấn, không ít người chia sẻ rằng phong bì thời nay không chỉ là những “lá thư” mà đã “sành điệu” hơn nhiều. Đó là những món quà giá trị cả về vật chất và tinh thần, như: xin học cho con BS ở những trường chất lượng cao, môi giới mua nhà đất cho BS, làm sổ đỏ…
“Hầu hết người được phỏng vấn đều cho biết BN và người nhà thường đưa tiền trong các tình huống liên quan đến tính mạng BN, khi ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Trường hợp bị các bệnh phức tạp thì phong bì càng dày, có khi vài chục triệu đồng” - bà Hà cho biết.
Bệnh viện quá tải là một trong những lý do khiến bệnh nhân phải “biết điều” với nhân viên y tế
So với những gì mà RTCCD công bố vào năm 2010 thì nghiên cứu nêu trên - được tiến hành từ tháng 8-2011 đến tháng 2-1012 (đúng vào thời điểm phát động phong trào “nói không với phong bì”) - không có sự khác biệt về các đánh giá hiệu quả của phong bì. Theo đó, phong bì không làm cho chất lượng dịch vụ y tế được nâng lên mà ngược lại, đã làm giảm sút niềm tin của người dân đối với nhân viên y tế và các BV.
Lợi thế duy nhất là người đưa phong bì cảm nhận họ được khám - chữa bệnh nhanh hơn, nhân viên y tế niềm nở hơn, bớt nhận được những câu nói gắt gỏng của BS, BN được tư vấn kỹ hơn, thêm thông tin khi cân nhắc biện pháp điều trị, người nhà vào thăm thuận tiện hơn…
“Cám ơn” bác sĩ, đừng mơ tốt hơn!
Trong khi đó, theo khảo sát của chúng tôi đối với nhiều BN và người nhà thì phong bì đóng vai trò rất quan trọng trong suốt liệu trình điều trị. Bà Phạm Kiều A. (40 tuổi, quê Bắc Ninh) có người phải phẫu thuật ở BV Việt Đức nhưng vì quen biết với BS nên không có ý định để “đồng tiền đi trước…” mà xong xuôi đâu đấy mới “cám ơn”. “Thế nhưng, trong lúc làm các thủ tục vào điều trị, người thân của tôi cảm nhận BS “không vui” nên nằng nặc bắt con cháu phải đến “cám ơn” trước, khi ra viện tính sau. Lúc “cám ơn” BS xong, mọi việc trở nên rất dễ dàng” - bà A. cho biết.
Hầu hết BN và người nhà đều cho rằng phải có phong bì “cám ơn” BS thì mới cảm thấy an tâm và an toàn. Chị Trần Thị B. (35 tuổi, ngụ Hưng Yên, bị ung thư dạ dày đang điều trị tại BV K – Hà Nội) lý giải: “Có thể nằm điều trị thì sao cũng được nhưng lúc bước vào phòng mổ, nhất định phải có phong bì. Phong bì mỏng hay dày còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của mỗi người. Người nào vào mổ cũng thế thôi, đây là “lệ” rồi, nếu ai không làm theo mới là bất thường, vô lý”.
Nếu như phần lớn BN tin tưởng phong bì sẽ giúp chất lượng điều trị cho họ tốt hơn thì nhiều BS khẳng định chuyện này có thể làm thay đổi thái độ, lời ăn tiếng nói nhưng không làm tốt hơn chất lượng điều trị. BS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng Khoa Ngoại đầu cổ - BV K, tâm sự: “Bản thân BS luôn mong muốn bệnh nhân được chữa khỏi. Trong khi mổ, BS nào cũng lo bệnh nhân gặp tai biến nên chắc chắn không phải vì chiếc phong bì mà họ mổ tốt hơn, người gây mê cẩn thận hơn…”.
Một BS ở BV K quả quyết: “Phong bì không thể biến một BS đang ở trình độ loại C lên loại A, không thể giúp một người từ có bệnh thành khỏi bệnh. BN nghĩ rằng phong bì có thể mua được thái độ của nhân viên y tế nhưng chưa hẳn, bởi BS này có thể niềm nở với BN nhưng khi hết ca, BS khác đến có khi cũng thờ ơ, nhăn nhó”.
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức, cũng cho rằng nếu BN nghĩ việc đưa phong bì cho BS để chất lượng điều trị tốt hơn thì đã nhầm. “Nhiều BN được cứu sống nhờ ghép tim, gan, thận hay những cuộc phẫu thuật mà sự sống và cái chết vô cùng mong manh, BS trắng đêm giành giật mạng sống cho họ thì cám ơn như thế nào cho đủ? Vì thế, đừng bao giờ nghĩ rằng nếu không có phong bì, BS sẽ bỏ mặc BN” - ông Quyết nhấn mạnh.
Ngành y tế đã không ít lần tuyên chiến với “văn hóa phong bì” trong BV nhưng đến nay, đây vẫn là chuyện “bắt cóc bỏ dĩa”. Khi phát động phong trào “nói không với phong bì”, lãnh đạo Công đoàn ngành y tế cũng thừa nhận đây thật sự là một bài toán khó, phải làm từng bước. Không thể hy vọng hôm nay phát động, ngày mai đã hết nạn phong bì. Thế nhưng, với BN, chừng nào họ còn chưa yên tâm, chưa thoải mái, chưa tự tin khi bước chân tới BV thì lúc đó, phong bì sẽ tồn tại dưới nhiều hình thức, kể cả khi nhân viên y tế không đòi hỏi.
Dung tục hóa phong bì Là một trong những BV thực hiện quy tắc ứng xử nhằm nâng cao y đức của nhân viên y tế, BV Việt Đức vẫn giữ quan điểm thực hiện nghiêm túc chứ không mang tính hình thức. “Ở BV này, nhân viên y tế nào vi phạm sẽ bị kỷ luật, thậm chí đuổi việc nếu vòi vĩnh phong bì. Tuy nhiên, nhiều trường hợp BN khỏi bệnh, ra viện rồi quay lại cám ơn BS bằng phong bì thì không nên phê phán, bởi chỉ khi BS dành hết tâm và tài phục vụ thì khi BN xuất viện, họ mới nhớ đến BS” - PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết nhìn nhận. “Thực ra, BN và người nhà sau khi được điều trị khỏi bệnh rất muốn cám ơn những người đã cứu chữa cho mình. Bản thân tôi là BS mà cũng đã từng cám ơn đồng nghiệp bằng phong bì khi họ chữa khỏi bệnh cho người thân của mình. Sẽ là mất đạo đức khi vòi vĩnh BN nhưng lại trở thành niềm vinh dự nếu vì BS làm tốt, làm đúng mà BN muốn tự nguyện tặng quà hay cám ơn. Chỉ có điều do quan niệm “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, việc làm này đang bị dung tục hóa”- một BS BV K thổ lộ. D.Thu |
Bài và ảnh: Ngọc Dung
*
Đỏ mắt tìm đất xây trường
Thủy Trúc - Tuyết Nga (Đất Việt) - Để có đất “xóa trắng” trường mầm non, tiểu học trong năm học 2012 - 2013, TP.Hà Nội đưa ra giải pháp thu hồi những khu đất hoang hóa, chậm sử dụng, sử dụng sai mục đích, không hiệu quả… Song công việc này có dễ thực hiện?
>>> Trường mầm non giam lỏng nhà báo
>>> Thêm 6 clip giám thị 'thi hộ' thí sinh
>>> Nam thanh nữ tú diễn 'cảnh nóng' bên chuồng thú
Hiện, Hà Nội có 12 phường đang thiếu trường tiểu học công lập, 28 phường chưa có trường THCS. Đó là chưa kể đến tình trạng quá tải đang xảy ra ở nhiều trường mà chưa có cách giải quyết.
Dự án xây trường… chờ giải tỏa
Qua khảo sát, các phường thiếu trường học đều trong tình trạng không thể tìm được đất, hoặc có đất nhưng phải chờ giải tỏa, thu hồi… và rất nhiều thủ tục rắc rối khác. Điều này đã dẫn đến hệ lụy, tình trạng phụ huynh chen nhau xếp hàng xin học cho con, chạy trường chạy lớp trái tuyến.
Nói về giải pháp có đất để xây trường mầm non, ông Lê Kế Việt, Chủ tịch UBND phường Phương Mai (quận Đống Đa) cho biết, hiện Công ty cổ phần Nhựa y tế (số 89 phố Lương Định Của) vẫn chưa di chuyển, cho dù UBND quận Đống Đa đã giới thiệu cho công ty này một khu đất ở bán đảo Linh Đàm.
Tuy nhiên, do có nhiều thủ tục nên việc di chuyển của công ty này vẫn đang ở giai đoạn khởi động, trong khi chỉ đạo của TP đến cuối năm nay phải xong thủ tục. “Khi lô đất của Công ty cổ phần Nhựa y tế được xây dựng trường, sẽ đáp ứng được từ 600 - 800 HS. Hiện, Trường mầm non Hoa Sữa của phường Kim Liên đang “gánh” cho phường Phương Mai và năm nay được nâng cấp thêm 8 phòng học để hỗ trợ thêm”, ông Việt chia sẻ.
Nhiều trẻ mầm non thiếu trường để học. Ảnh: Đ.Hồng.
Phường Quốc Tử Giám cũng trong tình trạng thiếu quỹ đất để xây trường. Ông Lê Ngọc Tú, Chủ tịch UBND phường này cho biết: “Có thể 1 - 2 năm nữa, Trường mầm non Hoa Mai sẽ bị giải tỏa vì nằm trong tuyến phố Phan Văn Trị kéo dài sang Bộ Tư lệnh thông tin. Phường đang kiến nghị xem xét quỹ đất của một số công ty, cơ quan sử dụng sai mục đích/không hiệu quả để thu hồi xây trường. Nếu thu hồi được, quỹ đất chỉ khoảng 1.000 - 2.000m2 cũng khó để xây trường tiểu học vì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn về diện tích. Chúng tôi hy vọng nếu Trường CĐ Y tế Hà Nội di dời ra ngoại thành thì khu đất sẽ được xây thành trường tiểu học”.
Cần một bàn tay “thép”
Nói về tình trạng thiếu trường mầm non, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, chính quyền vẫn chưa quan tâm vì thực sự không thiếu đất. “Ngay ở những khu trong nội thành vẫn có rất nhiều nhà hàng to được xây dựng. Vậy tại sao những khu vực đó không được cấp đất xây trường học?”, GS Thuyết đặt câu hỏi.
PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Liên minh giáo dục cho mọi người cũng ủng hộ chủ trương dùng đất hoang hóa, đất sử dụng sai mục đích hay đất của các cơ quan chuyển ra ngoài để xây dựng trường mầm non và tiểu học. Tuy nhiên để làm được việc này thì thành phố cần phải có bàn tay thép và kiên quyết thực hiện theo phương châm “chủ trương 1, biện pháp 10”.
Đối với việc khu đất của các đơn vị chuyển ra ngoài không đủ để xây trường mầm non hay tiểu học theo chuẩn về diện tích đất và số tầng mà Bộ GD-ĐT đưa ra, ông Xuân Nhĩ cho rằng, không nhất thiết phải thực hiện cứng nhắc như vậy. “Với 1.000m2 đất thì xây dựng trường tiểu học cho 200 em (quy định trường học trong nội thành 5m2/HS). Và, với diện tích khoảng 500m2, chúng ta có thể xây trường mẫu giáo cao tầng theo mô hình không gian mở. Với mô hình này, toàn bộ diện tích ở tầng 1 của trường sẽ được dùng làm sân chơi; những tầng trên được thiết kế mở với các phòng học được ngăn bằng những cái giá, có cầu thang máy đi lên các tầng. Ở đó, các bé 3 - 4 - 5 tuổi dễ dàng chạy đi chạy lại giao tiếp với nhau. Cho nên, vấn đề là thành phố kiên quyết ưu tiên dùng diện tích đất ở các trường ĐH di chuyển ra bên ngoài để xây trường học. Nếu diện tích nhỏ thì xây trường có quy mô nhỏ (100, 200, 300 HS)”.
Nhiều chuyên gia giáo dục khẳng định, Hà Nội không thiếu đất để xây trường, nhưng phải điều tra và xem xét lại vấn đề quy hoạch. Khu quy hoạch nào quá chật chội, có thể giãn ra để có đất làm trường. TP cũng phải thanh tra, xử lý nghiêm các chủ đầu tư không thực hiện đúng Luật Xây dựng là xây dựng khu đô thị mới thì phải có trường. “Hiện giờ, với những tòa nhà cao tầng không có trường, một giải pháp hữu hiệu mà các nước vẫn làm đó là dùng tầng 1 và 2 của tòa nhà làm trường mầm non theo mô hình không gian mở. Khi đó, các bậc cha mẹ ở các căn hộ tầng trên sẽ rất thuận tiện trong việc gửi và cũng là giải quyết được ách tắc giao thông trong giờ cao điểm”, ông Nhĩ đề xuất.
Hà Nội đang xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non và quy hoạch mạng lưới trường học của thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, từ nay đến năm 2020 Hà Nội sẽ xây mới 635 trường học (402 trường mầm non, 114 trường tiểu học, 50 trường THCS, 50 trường THPT, 2 trung tâm giáo dục thường xuyên và 10 trường trung cấp chuyên nghiệp.
Thủy Trúc - Tuyết Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét