#2 | |||
| |||
Aung San Suu Kyi đọc diễn văn nhận Giải Nobel Hoà bình tại Oslo Aung San Suu Kyi đọc diễn văn nhận Giải Nobel Hoà bình (Reuters) Thanh Phương - RFI Hôm nay 16/06/2012, nhà đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi đã đến toà đô chính Oslo của Na Uy để đọc bài diễn văn nhận Giải Nobel Hoà bình mà bà được trao tặng vào năm 1991, vào thời gian bà đang bị quản thúc tại gia, không thể đích thân đến Oslo để nhận giải. Năm đó, chồng của bà, giáo sư Michael Aris và hai con trai đã đi nhận giải thay cho bà. Trong bài diễn văn tiếp đón bà Aung San Suu Kyi, chủ tịch Ủy ban Nobel Thorbjoern Jagland, đã khẳng định rằng, trong thời gian lãnh đạo đối lập Miến Điện bị cô lập, bà đã trở thành một lãnh đạo tinh thần của toàn thế giới. Ông Jagland nhân đây cũng tỏ ý hy vọng là nhà đối lập Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, giải Nobel Hoà bình năm 2010, một ngày nào đó cũng được đến Oslo để nhận giải. Trong bài diễn văn nhận giải Nobel, Aung San Suu Kyi cho biết giải thưởng này đã « mở một cánh cửa trong trái tim » của bà, và đã mang lại hy vọng để bà tiếp tục cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Nhân dịp này, bà kêu gọi quốc tế vận động trả tự do cho toàn bộ tù chính trị tại Miến Điện, đồng thời tuyên bố bà và đảng của bà sẳn sàng đóng một vai trò trong công cuộc hòa giải dân tộc để đưa chế độ quân sự Miến Điện đến dân chủ. Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi lấy làm buồn là những xung đột vẫn chưa chấm dứt ở Miến Điện, ý muốn nói đến xung đột giữa cộng đồng Phật giáo với thiểu số Hồi giáo, cũng như những giao tranh với lực lượng thiểu số Kachin. Từ Genève, bà Aung San Suu Kyi đã đến Oslo từ tối hôm qua và đã được hàng trăm người Miến Điện đón chào bằng những bó hoa và những bài hát. Nhiều người vẽ lên mặt là cờ của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Sau đó, nhà đối lập Miến Điện đã gặp thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg, rồi cùng với ông, quốc vương Harald, hoàng hậu Sonja, các dân biểu và đại diện cộng đồng Miến Điện dự buổi dạ tiệc tại cung Akershus. Sau Na Uy, bà Aung San Suu Kyi sẽ đến Anh quốc, quê hương của chồng, ghé qua Ai Len, trước khi kết thúc chuyến công du châu Âu tại Pháp. Nhà đối lập Miến Điện sẽ thăm Pháp từ ngày 26/06 đến 29/06/2012, theo lời mời của tổng thống Pháp François Hollande. |
#3 | |||
| |||
Bà Suu Kyi: Có một tù nhân chính trị đã là quá nhiều Lãnh tụ dân chủ Miến Ðiện Aung San Suu Kyi nhận sự hoan hô Ủy ban Nobel Na-uy ở Oslo, ngày 16 tháng 6, 2012. VOA - 16.06.2012 Lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rằng Giải Nobel Hòa bình đã mở ra một cánh cửa trong tim bà và góp phần nới rộng sự quan tâm của bà về dân chủ và nhân quyền vượt khỏi biên giới Miến Điện. Lãnh tụ đối lập này hôm nay đã kêu gọi trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị trong lúc bà đọc diễn văn nhận giải Nobel ở Na Uy – 21 năm sau khi bà được trao giải. Năm 1991 bà còn bị giam lỏng ở Miến Điện và lúc đó chồng bà cùng với những người con trai bà đã thay mặt bà để nhận giải. Bà Suu Kyi nói rằng việc bị giam lỏng làm cho bà cách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng Giải Nobel đã giúp bà nói kết lại với cộng đồng quốc tế. Bà nói rằng tuy tiến trình cải cách chính trị đã bắt đầu ở Miến Điện nhưng vẫn còn tù nhân chính trị ở nước bà và bà e rằng những người này sẽ bị bỏ lơ trong lúc những người tù nổi tiếng hơn đã được thả. Bà được cử tọa ở thủ đô của Na Uy nhiệt liệt hoan nghênh khi nói rằng “có một tù nhân chính trị đã là quá nhiều.” Bà nói rằng cuộc đấu tranh lâu dài của bà cho dân chủ và tự do đã dạy cho bà bài học về giá trị của lòng tử tế. Bà nói rằng khi nào sự chịu khổ bị làm ngơ thì đó chính là lúc “hạt mầm xung đột” được gieo xuống, vì sự chịu khổ gây ra oán thù và căm phẫn. |
#4 | |||
| |||
Tại Miến Điện, xung đột sắc tộc làm 50 người chết Lê Phước - RFI Hôm nay 16/6/2012, báo chí quốc gia Miến Điện cho biết, chỉ trong hai tuần lễ đã có tổng cộng 50 người bị thiệt mạng do xung đột sắc tộc, trong khi đó hàng chục ngàn người chạy loạn đang trong cảnh thiếu thốn. Theo New Light of Myanmar, trong khoảng thời gian từ ngày 28/05 đến 14/06, bạo lực đã làm 50 người chết và 54 người bị thương. Tuy nhiên, tờ báo New Light of Myanmar không nói rõ nhân thân của các nạn nhân, cũng không cho biết là số liệu tổng kết nói trên đã tính luôn hay chưa 10 người Hồi giáo thuộc sắc tộc Rohingya bị đám đông người sắc tộc Rakhine Phật Giáo tấn công và sát hại hôm 03/06, để trả thù cho một bé gái Rakhine bị cưỡng hiếp. Thống kê gần đây nhất cũng chỉ nêu lên con số 29 người chết nhưng khi ấy chưa cộng vào 10 người Hồi Giáo bị sát hại hôm 3/6 vừa nêu. Xung đột đã bắt đầu bùng phát từ ngày 08/06 ở miền Bắc bang Rakhine giáp ranh giới Bangladesh, sau đó lan đến thành phố Sittwe, thủ phủ của bang này, với hàng loạt các vụ bạo động nghiêm trọng giữa người Rakhine theo Phật giáo và người Rohingya theo Hồi giáo. Đến mức mà chủ nhật rồi, tổng thống Thein Sein đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp. Theo AFP, từ hôm thứ Tư, tình hình đã tương đối ổn định. New Light of Myanmar nêu rõ, tính đến ngày thứ năm này, đã có « 78 vụ bạo động », trong đó ngày thứ năm chỉ có hai vụ, như vậy chính quyền đã có thể kiểm soát tình hình « một cách hòa bình ». Hậu quả của các cuộc xung đột vô cùng nghiem trọng, với nhiều ngàn ngôi nhà bị thiêu rụi và hơn 30 000 người di tản. Ngay ở ngoại ô Sittwe, một ngôi làng đa số theo Hồi Giáo hôm qua cũng đã tiếp nhận nhiều người tản cư đến dựng liều lánh nạn. Hôm thứ tư và thứ năm này, cố vấn đặt biệt về Miến Điện của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Vijay Nambiar, đã đến hiện trường, và hôm qua ông đã nhận định : «Những người chạy loạn đang trong cảnh rất khó khăn. Chính phủ Miến Điện cho biết đang rất cần hổ trợ khẩn cấp về lương thực và y tế ». Bang Rakhine có đa phần dân cư theo Hồi Giáo trong đó có tộc người Rohingya. Tộc người này sống quanh quẩn ở miền bắc của bang, và được cho là tộc người vô tổ quốc vì cả Miến Điện và Bangladesh đều không cho họ nhập tịch. Chính phủ và nhiều người Miến Điện cho rằng, người Rohingya là người nước ngoài bởi họ nhập cư trái phép từ Bangladesh. Ngoài lý do sắc tộc, các vụ xung đột vừa qua cũng báo động về những căng thẳng mang màu sắc tôn giáo. Ở Miến Điện, Phật giáo chiếm đến 89% dân số trong khi người Hồi Giáo chỉ có 4%. Các chuyên gia nhận định, tại Miến Điện đa phần có tâm lý sau đây : là người Miến Điện thì có nghĩa phải là người theo Phật Giáo. |
#5 | |||
| |||
Manila rút hai tầu tuần tra khỏi vùng bãi đá ngầm Scarborough Tổng thống Philippines Benigno Aquino (Reuters) Tú Anh - RFI Tổng thống Philippines ra lệnh cho hai chiếc tàu đang canh chừng hoạt động của Trung Quốc về lại hậu cứ. Ngoại trưởng Philippines thông báo tin này hôm nay 16/06/2012 vào lúc cơn bão Guchol đang từ Thái Bình Dương tiến về miền bắc Philippines và cho biết là "sẽ tính sau cơn bão". Để bảo vệ chủ quyền, Manila đã kêu gọi Miến Điện hỗ trợ ngoại giao. Trong cuộc tiếp xúc với báo chí vào hôm nay 16/06/2012, ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario cho biết là vào đêm qua, Tổng thống Aquino đã ra lệnh cho lực lượng tuần duyên và cơ quan bảo vệ ngư thuyền đem tàu tuần tra đang canh chừng khu vực Scarborough về đất liền. Hồi đầu tháng sáu, sau nhiều tuần lễ đối đầu với lực lượng hải giám của Trung Quốc, Manila đã rút hai chiến hạm ra xa nhưng vẫn theo dõi khu vực biển đảo bị Trung Quốc tranh giành. Theo ngoại trưởng Philippines thì sau khi điều kiện thời tiết tốt đẹp trở lại thì chính phủ sẽ « xem xét lại » phương cách đối phó với Trung Quốc. Theo AFP, miền bắc quần đảo Philippines đang bị cơn bão Guchol đe dọa. Tàu « hải giám » và khoảng 30 thuyền đánh cá của Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng bãi đá ngầm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mặc dù Trung Quốc cho là của họ và ra lệnh cấm đánh cá từ giữa tháng 5 cho đến đầu tháng 8 để « bảo vệ nguồn hải sản ». Trong chính sách bảo vệ chủ quyền biển đảo, Philippines không chỉ đơn thuần dựa vào Hoa Kỳ và các cường quốc khu vực. Nhân cuộc gặp gỡ với ngoại trưởng Miến Điện U Wunna Maung Lwin vào ngày hôm qua tại Manila, ngoại trưởng Philippines cho biết đã kêu gọi Miến Điện lưu ý đến dự thảo đạo luật « ứng xử tại biển Đông » mà nhiều nước Đông Nam Á đang chuẩn bị trước mưu đồ lấn áp của Trung Quốc. Cũng theo lời Ngoại trưởng Alberto del Rosario, trong cuộc gặp gỡ này, Philippines và Miến Điện đã thảo luận về tình hình « biển Tây Philippines » cũng như mưu tìm một giải pháp ôn hòa theo tinh thần luật biển quốc tế và Manila hy vọng sẽ được chính phủ Miến Điện hỗ trợ. Vào năm 2014, Miến Điện sẽ là chủ tịch luân lưu hiệp hội Asean. |
#6 | |||
| |||
Nhật Bản khởi động lại hai lò phản ứng hạt nhân Hiện toàn bộ 50 nhà máy điện hạt nhân của Nhật đều ngưng hoạt động sau vụ khủng hoảng Fukushima hồi năm ngoái VOA - 16.06.2012 Thủ tướng Nhật Bản đã đồng ý cho hai lò phản ứng hạt nhân được hoạt động trở lại để cung ứng điện lần đầu tiên kể từ khi tất cả các lò phản ứng bị đóng cửa sau vụ khủng hoảng Fukushima hồi năm ngoái. Thủ tướng Yoshihiko Noda loan báo quyết định khởi động lại các lò phản ứng của nhà máy Ohi ở miền tây tại một cuộc họp ngày hôm nay với các vị bộ trưởng then chốt trong nội các. Quyết định này có mục đích tránh xảy ra tình trạng thiếu điện mùa hè. Hiện giờ toàn bộ 50 nhà máy điện hạt nhân của Nhật đều ngưng hoạt động. Trong thông cáo báo chí phổ biến hồi tuần trước, giám đốc tổ chức Hòa bình Xanh Nhật Bản, ông Junichi Sato, nói rằng việc định đoạt về vấn đề an toàn thuộc về các chuyên gia chứ không phải các chính khách. Ông nói thêm rằng nhà máy Ohi không an toàn vì những cải tiến kỹ thuật cần thiết chưa được thực hiện. Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở miền bắc Nhật Bản đã bị hư hại vì trận động đất và sóng thần dữ dội hôm 11 tháng 3 năm ngoái, gây ra nạn tan chảy từng phần và làm cho bức xạ độc hại bị phát tán trong một khu vực rộng lớn. |
#7 | |||
| |||
Trung Quốc phóng nữ phi hành gia đầu tiên lên không gian Phi thuyền Thần Châu tại trạm phóng Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc (Reuters) Tú Anh - RFI Trong lãnh vực không gian, Bắc Kinh tiến thêm một bước trong nỗ lực rút ngắn khoảng cách với Nga và Mỹ. Phi thuyền Thần Châu số 9 đã được phóng lên không trung từ một căn cứ ở Nội Mông, với ba phi hành gia trong số này có một phụ nữ 33 tuổi, sĩ quan không quân Trung Quốc tên Lưu Dương. Với tham vọng xây dựng môt trạm không gian riêng, Trung Quốc đã phóng phi thuyền Thần Châu số 9, vào lúc 18 giờ 37 phút từ căn cứ Tửu Tuyền trong sa mạc Gobi dưới sự chứng kiến của ông Ngô Bang Quốc, chủ tịch Quốc hội Trung Quốc. Phi vụ này có mục đích để cho các phi hành gia thực tập thao tác, tự lái phi thuyền nối kết vào trạm không gian Thiên Cung-1. Lần trước, việc nối kết được điều khiển từ trái đất. Theo tuyên bố của Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, Ngô Bang Quốc thì đây là một phi vụ « có tầm quan trọng chiến lược » trong bối cảnh Trung Quốc « tiến bộ nhanh trong giai đoạn khắc phục công nghệ khoa học không gian, thực hiện những thí nghiệm mà hai nước Mỹ và Nga đã tiến hành trong thập niên 1960. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc đưa một phụ nữ lên không gian : nữ phi hành gia Lưu Dương, một sĩ quan không quân 33 tuổi bay cùng hai đồng nghiệp là Cảnh Hải Bằng và Lưu Vượng. Cách nay đúng 49 năm, ngày 19/06/1963, người phụ nữ đầu tiên của nhân loại bay vào không gian là cô Valantina Terechkova. Sau chuyến du hành này, nữ công nhân dệt vải người Nga được vinh danh là « Anh hùng Liên Xô ». |
#8 | |||
| |||
Nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc bay vào không gian Ba phi hành gia Trung Quốc (từ trái sang phải) Liu Yang, Jing Haipeng và Liu Wang chào trước khi đi vào phi thuyền Thần Châu 9, ngày 16 tháng 6, 2012 VOA - 16.06.2012 Phi thuyền Thần Châu 9 đã được phóng đi từ Trung tâm Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc vào chiều thứ bảy giờ địa phương. Nữ phi hành gia đầu tiên của Trung Quốc đã bay vào không gian trong lúc cùng với hai nam phi hành gia thực hiện một phi vụ để cập vào một trạm không gian đang bay trên quỹ đạo trái đất. Phi thuyền Thần Châu 9 đã được phóng đi từ Trung tâm Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc vào chiều thứ bảy giờ địa phương. Sau khi cập vào Trạm không gian Thiên Cung 1, hai người trong phi hành đoàn sẽ vào bên trong trạm không gian để thực hiện những vụ thử nghiệm khoa học trước khi trở về trái đất. Bắc Kinh cho biết phi vụ này sẽ kéo dài 10 ngày. Lần trước mà Trung Quốc phóng phi thuyền có người lái là vào tháng 9 năm 2009. |
#9 | |||
| |||
Nổ bom ở Pakistan giết chết 25 người VOA - 16.06.2012 Các giới chức ở tây bắc Pakistan cho biết một quả bom gài trên xe tải nhỏ đã giết chết ít nhất 25 người và làm bị thương hơn 50 người trong khu vực bộ tộc giáp với Afghanistan. Giới hữu trách nói rằng quả bom phát nổ hôm nay gần một trạm xe buýt tại một ngôi chợ đông người ở thị trấn Landi Kotal trong vùng Khyber. Nhiều ngôi nhà bị hư hại vì vụ nổ. Các giới chức an ninh cho hay vụ nổ dường như nhắm vào những người thuộc một bộ tộc theo phe chính phủ để chống lại tổ chức Taliban ở Pakistan. Chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng phe Taliban ở Pakistan đã thực hiện hàng trăm vụ nổ bom tương tự trên khắp nước. Phe Taliban ở Pakistan, phe Taliban ở Afghanistan, nhóm al-Qaida và những nhóm hiếu chiến khác đã bám rễ ở các khu vực bộ tộc của Pakistan và lợi dụng địa thế của vùng biên giới để thực hiện những vụ tấn công nhắm vào các lực lượng Afghanistan và NATO ở Afghanistan. |
#10 | |||
| |||
Đông cung Thái tử Ả Rập Xê-út qua đời VOA - 16.06.2012 Đông cung Thái tử Ả Rập Xê-út Nayef bin Abdul-Aziz al-Saud đã từ trần ở độ tuổi gần 80. Truyền thông nhà nước hôm nay loan tin Thái tử Nayef qua đời ở nước ngoài. Mới đây ông đã sang Âu châu để chữa bệnh. Tin tức cho biết ông sẽ được mai táng vào ngày mai nhưng không cung cấp thêm chi tiết về bệnh tật của ông hay nguyên do tử vong. Thái tử Nayef giữ chức Bộ trưởng Nội vụ khi được Quốc vương Abdullah phong làm đông cung thái tử hồi năm ngoái. Ông lãnh đạo Bộ Nội vụ từ năm 1975 và có liên hệ mật thiết với giới giáo sĩ bảo thủ của nước này. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét