"Trong quá trình theo dõi một cán bộ nói chung thì có nhiều mức để đánh giá cán bộ. Nhưng trường hợp ông Dũng thì chưa đến mức tìm ra dấu hiệu sai phạm hay có gì lớn về cán bộ, còn dấu hiệu xảy ra chưa đến mức kỷ luật... Ông Dũng, đến nay đã bỏ trốn, khi tuyên án thì ông ấy mới có tội. Nếu chỉ nghi ngờ xong không vào trúng cử, sau này hối lại thì đã muộn. Quan điểm của Bộ là không vì nghi ngờ mà làm lỡ cơ hội của ông Dũng..."- Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường
“Không vì nghi ngờ mà làm lỡ cơ hội của ông Dũng” (!?)
Thành Văn (Phapluattp) - Hôm qua (31-5) là hạn chót để Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, Chủ tịch HĐTV Vinalines, làm cục trưởng Cục Hàng hải.
Cũng trong hôm qua, sau nhiều ngày dư luận lên tiếng, đại biểu QH thắc mắc, lần đầu tiên hai bộ này đã có những trả lời chính thức trước công luận về những vấn đề liên quan đến vụ việc lùm xùm này.
Ngày 31-5, tại cuộc họp báo thường kỳ với nội dung “Cấp giấy phép lái xe và vận tải hành khách công cộng”, trước hàng loạt các câu hỏi dồn dập của báo chí, cả hai thứ trưởng của Bộ GTVT là ông Lê Mạnh Hùng và ông Nguyễn Hồng Trường đã cùng trả lời (Bộ trưởng Đinh La Thăng không tham dự cuộc họp báo), kèm theo đó là bản thông cáo báo chí bốn trang nói về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, tất cả đều chưa thuyết phục.
Bộ không biết gì về quá trình thanh tra
. Pháp Luật TP.HCM, Tuổi Trẻ: Trả lời một số báo, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng Vinalines mất đoàn kết nội bộ và bổ nhiệm ông Dũng là để hạ cấp bậc. Vậy khi điều chuyển ông Dũng đi thì Bộ có đặt nghi vấn, đồng thời khi đó, Bộ đánh giá sao về đạo đức, tư cách, phẩm chất, ý thức chấp hành pháp luật của ông Dũng? Phải chăng những điều này của ông Dũng đều rất tốt?
+ Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Trong các bài báo đã đăng, bộ trưởng trả lời rõ việc thanh tra Vinalines là theo định kỳ hằng năm và bắt đầu từ tháng 9-2011. Trong khi việc thay đổi chức danh lãnh đạo bắt đầu từ tháng 11-2011. Việc đó được thực hiện cho đến mãi ngày 2-2-2012, ông Dũng mới chính thức được điều chuyển từ Vinalines sang làm cục trưởng Cục Hàng hải. Trong khi đó, ngày 12-2, Thanh tra Chính phủ mới mời các đơn vị liên quan của Bộ đến để nghe bản dự thảo kết luận thanh tra. Như thế, có nghĩa là việc bổ nhiệm diễn ra trước khi có dự thảo kết luận thanh tra.
Hơn nữa, trong quá trình theo dõi một cán bộ nói chung thì có nhiều mức để đánh giá cán bộ. Nhưng trường hợp ông Dũng thì chưa đến mức tìm ra dấu hiệu sai phạm hay có gì lớn về cán bộ, còn dấu hiệu xảy ra chưa đến mức kỷ luật.
Là người trực tiếp ký bổ nhiệm ông Dũng nhưng Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng
không chủ trì buổi họp báo chiều 31-5. Ảnh: THÀNH VĂN
Anh em bất hòa nên phải điều chuyển
. Thanh Niên, NLĐ: Trong thời gian ông Dũng ở Vinalines thì đơn vị này liên tiếp thua lỗ. Với năng lực quản lý điều hành như vậy, tại sao Bộ tiếp tục điều chuyển ông Dũng sang quản lý ngành? Đặc biệt, Vinalines đang trong quá trình thanh tra, Bộ có thấy rằng cần thiết phải hỏi cơ quan thanh tra về việc bổ nhiệm ông Dũng không, nếu thấy không cần thiết thì tại sao (hỏi lại hai lần)?
+ Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Thanh tra Chính phủ kiểm tra định kỳ, toàn diện về Vinalines chứ không phải kiểm tra về lãnh đạo Vinalines. Do vậy, khó có kết luận sai phạm, ảnh hưởng đến các đồng chí lãnh đạo thì làm sao biết được. Ngày 12-2 mới có kết luận chính thức.
+ Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng: Bản thân ông Dũng trúng cử đi dự Đại hội Đảng XI, như thế thì cũng tương đương với cấp thường vụ tỉnh ủy. Để trúng cử như thế, ông Dũng cũng đã phải tra qua nhiều hình thức kiểm tra. Cho nên, khi bổ nhiệm ông Dũng làm cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT cũng có ý kiến của Bộ Nội vụ, Đảng ủy khối DN trung ương và các cơ quan liên quan khác. Việc bổ nhiệm này vì khi ở đơn vị cũ có nhiều mâu thuẫn nội bộ nên “giống như trong gia đình, khi anh em bất hòa thì điều chuyển một người sang chỗ khác”.
Nếu có cảnh báo thì sẽ suy nghĩ
. Pháp Luật TP.HCM: Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm thì tháng 11-2011, Cục nhận được văn bản của Cục Cảnh sát phòng, chống tham nhũng (C48) - Bộ Công an đề nghị cấp hồ sơ liên quan đến chứng nhận đăng kiểm ụ nổi No83M. Vậy chẳng lẽ, việc C48 vào tìm hiểu không khiến cho Bộ suy nghĩ gì trong quá trình xem xét bổ nhiệm ông Dũng hay sao?
+ Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng: Trong suốt quá trình, C48 không có sự liên hệ nào với Bộ GTVT. Nếu có sự cảnh báo, chắc chúng tôi sẽ có những suy nghĩ.
. NLĐ, Thanh Niên: Công tác tổ chức phải đi trước, chủ động để xác định rõ người được bổ nhiệm. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng Thăng ở đâu trong công tác bổ nhiệm? Bộ có suy nghĩ gì về việc ông Đào Văn Hưng (EVN) chỉ được rút về Bộ chứ không được bổ nhiệm làm cục trưởng nào khác?
+ Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng: Bộ GTVT không biết ông Hưng làm cái gì, khi tuyên bố ông ấy thôi chức mới biết nên không thể so sánh. Còn ông Dũng, đến nay đã bỏ trốn, khi tuyên án thì ông ấy mới có tội. Nếu chỉ nghi ngờ xong không vào trúng cử, sau này hối lại thì đã muộn. Quan điểm của Bộ là không vì nghi ngờ mà làm lỡ cơ hội của ông Dũng.
Bộ GTVT: Chỉ xin rút kinh nghiệm trong thông tin cho báo chí Việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đã được sự thống nhất tuyệt đối của tập thể Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GTVT, thực hiện đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền, đúng quy trình thủ tục. Trước khi quyết định bổ nhiệm đã được các cơ quan thẩm định chặt chẽ theo quy trình. Trong quá trình tiến hành quy trình bổ nhiệm, Bộ GTVT không nhận được bất kỳ thông tin nào từ các cơ quan chức năng hay đơn thư khiếu nại, tố cáo nào về sai phạm của ông Dương Chí Dũng. Vì vậy, Bộ GTVT không biết thông tin về sai phạm của ông Dương Chí Dũng trước khi quyết định bổ nhiệm. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện đầy đủ, chặt chẽ từ cấp ủy, lãnh đạo cấp cơ sở đến Tổng Công ty Hàng hải và Đảng ủy khối các DN trung ương. Tại Đại hội Đảng bộ khối DN trung ương năm 2010, ông Dương Chí Dũng được bầu vào Ban Thường vụ khối và được bầu là đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đây là sự đánh giá chính thống về đạo đức, năng lực cán bộ. Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT cũng thấy cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc về việc chủ động thông tin kịp thời cho báo chí và dư luận về quy trình thủ tục bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, trong bối cảnh đoàn thanh tra của TTCP đang thanh tra tại Tổng Công ty Hàng hải nên dễ hiểu lầm gây bức xúc trong dư luận. (Trích một số nội dung trong thông cáo báo chí ngày 31-5 của Bộ GTVT về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng hải) Bộ Nội vụ: Chưa phát hiện sai phạm thì ai cũng bình đẳng (?) Trả lời báo chí xung quanh việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam tại buổi họp báo thường kỳ vào sáng 31-5, bà Lê Minh Hương, Vụ phó Vụ Công chức, viên chức - Bộ Nội vụ, cho biết Bộ đã có công văn gửi Chính phủ về việc thực hiện quy trình bổ nhiệm. Theo quy định pháp luật, việc bổ nhiệm ông Dũng làm cục trưởng Cục Hàng hải không liên quan trách nhiệm của Bộ Nội vụ mà thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Bộ trưởng GTVT. Trả lời băn khoăn của báo chí về ý kiến cho rằng việc bổ nhiệm đã đúng quy trình nhưng tại sao Thủ tướng lại đề nghị hai Bộ phải báo cáo, làm rõ, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cho rằng đó là công việc của các nhà lãnh đạo khi muốn tìm hiểu thêm hoặc nắm rõ thêm vụ việc nào đó. Theo ông Tuấn, khi chưa phát hiện sai phạm thì ai cũng bình đẳng, cũng được hưởng các điều kiện, quyền lợi như bình thường. Nhưng đến khi cơ quan có thẩm quyền, cơ quan điều tra phát hiện người đó có sai phạm trong giai đoạn trước đây thì họ phải chịu xử lý về mặt pháp luật. “Tôi tin không một cơ quan nào khi biết có trường hợp sai phạm, vi phạm pháp luật mà lại tiến hành bổ nhiệm, khen thưởng, hoặc đưa trường hợp này vào quy hoạch cả” - ông Tuấn nói. T.HẰNG Nói vậy là khó chấp nhận Cứ cho là việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng đúng quy trình nhưng tôi cho rằng quy trình phải làm từ dưới lên trên, phải có nhận xét đàng hoàng. Chắc phải có gì đó trong quy trình này chưa được sáng tỏ. Chứ như ông Thăng (Bộ trưởng Đinh La Thăng) nói, ông Dũng được nhận xét là đảng viên tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nếu thế thì đây là lỗi hệ thống à? Riêng về chuyện mất đoàn kết nội bộ, anh bảo nắm được nên mới rút ông Dũng đi để giải cứu Vinalines, tôi thấy cũng không ổn. Nếu biết mất đoàn kết thì anh phải xem xét xử lý trách nhiệm, kiểm điểm, tìm ra nguyên nhân mất đoàn kết là do ông Dũng hay do cấp dưới. Chứ nói rút ông Dũng là để giải cứu Vinalines là không được, nhân dân khó chấp nhận. Đại biểu QH NGÔ VĂN MINH, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét