Hòa Ái, phóng viên RFA
2012-05-30
Trong hơn một tháng qua, dư luận thế giới đặc biệt quan tâm đến số phận của luật sư bất đồng chính kiến khiếm thị Trần Quang Thành ở Sơn Đông, Trung Quốc.
Vượt thoát thành công
Trong khi thế giới đang tập trung theo dõi về cuộc tranh chấp bãi cạn Scaborough giữa Philippines và Trung Quốc có thể sẽ dẫn đến một cuộc hải chiến giữa hai quốc gia này, thì trong những ngày cuối tháng tư, Trung Quốc lại càng nóng hơn khi dư luận thế giới đặc biệt quan tâm đến tin tức luật sư bất đồng chính kiến khiếm thị Trần Quang Thành vượt thoát thành công sau 19 tháng bị quản chế nghiêm ngặt tại gia và xin vào tá túc ở Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Bắc Kinh.
Có lẽ chỉ những người quan tâm đến vấn đề về nhân quyền và những nhà bất đồng chính chính kiến đấu tranh trong ôn hòa mới biết đến vị luật sư khiếm thị Trần Quang Thành ở Sơn Đông, Trung Quốc này.
Nhà bất đồng chính kiến Trần Quang Thành phải chịu án tù 4 năm và 19 tháng quản chế do đã mở cuộc vận động phản đối chính sách “một con” của Trung Quốc. Chính sách này bắt phụ nữ phá thai hay bắt họ phải giải phẫu để tuyệt đường sinh sản chỉ vì họ đã có một con rồi.
Sau khi thụ án 4 năm tù, luật sư khiếm thị Trần Quang Thành rời khỏi trại giam vào tháng 10 năm 2010 và phải chịu quản chế tại gia nghiêm ngặt 19 tháng. Vào cuối tháng 4 này, dư luận thế giới bất ngờ trước tin ông vượt thoát khỏi nhà dù trước cửa lúc nào cũng có công an canh gác và đã đến xin tá túc tại Đại Sứ Quán Mỹ ở Bắc Kinh. Nếu như cuộc vượt thoát vào ngày định mệnh 21/4/2012 của ông Trần Quang Thành thất bại thì chắc chắn các nhà lãnh đạo Trung ương Trung Quốc cũng như dư luận không thể nào biết được hoàn cảnh chính bản thân ông và gia đình bị chính quyền địa phương đánh đập trong thời gian bị quản chế.
Ông Trần Quang Thành chia sẻ với thế giới rằng đất nước của ông bị cản trở và bị bắt giữ làm con tin bởi những gì ông gọi là lực lượng cứng đầu không chấp nhận cải cách cho sự tiến bộ. Ông Trần cho rằng có những nhóm người coi thường pháp luật Trung Quốc một cách trắng trợn. Và thực tế, những người này lớn tiếng la hét vào người dân là họ không cần phải chú ý đến pháp luật và họ không cần phải thông qua bất kỳ thủ tục pháp lý nào cũng như họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn.
Ông Trần Quang Thành bị mù do một căn bệnh thời thơ ấu lên tiếng cho rằng cơ quan an ninh Trung Quốc, luật sư của chính phủ và tư pháp thông đồng trực tiếp để lừa gạt những người tìm kiếm công lý ở quốc gia mình. Đây là những lời ông nói:
“Ở Trung Quốc, rõ ràng là các cơ quan an ninh, các công tố viên và hệ thống tòa án có bổn phận kiểm soát lẫn nhau, thực tế là họ cùng nhau gây ra tội ác.”
Sau khi vượt thoát, song song với việc xin tá túc ở Đại sứ Quán Hoa Kỳ và mong chính quyền Obama giúp đỡ, nhà bất đồng chính kiến Trần Quang Thành gửi cho thủ tướng Ôn Gia Bảo một cuốn băng video được phổ biến trên mạng cho biết ông đã trốn thoát, yêu cầu thủ tướng bảo vệ an toàn cho gia đình ông, đồng thời mở cuộc điều tra, truy tố những kẻ đã tra tấn ông. Trong thời gian 1 tuần lễ ông tá túc ở Đại Sứ Quán Mỹ, ở quê nhà, công an địa phương dùng dây trói vợ ông vào ghế và còn đe dọa sẽ giết bà.
Việc luật sư khiếm thị Trung Quốc tá túc và xin giúp đỡ ở Đại Sứ Quán Mỹ đã làm dấy nên sóng gió trong mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Phản ứng đầu tiên của chính quyền Bắc Kinh là lên tiếng yêu cầu Hòa Kỳ đừng can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Trong khi đó, Hoa Kỳ khẳng định sẵn sàng cho nhà tranh đấu Trần Quang Thành tị nạn. Nhiều nhóm đấu tranh cho nhân quyền tại Đài Loan kêu gọi tổng thống Mã Anh Cửu mời ông Trần Quang Thành cùng gia đình sang đảo quốc. Châu Âu thì lên tiếng kêu gọi Trung Quốc phải kiềm chế trước vụ việc này.
Cùng gia đình đến Hoa Kỳ
Kết quả sau những ngày đàm phán căng thẳng giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ- Hillary Clinton với giới chức lãnh đạo Bắc Kinh, truyền thông Trung Quốc loan tin thông báo về việc luật sư Trần đã nộp đơn xin học ở Mỹ thông qua các kênh thông thường phù hợp với pháp luật. Và cũng có nhận định cho rằng ông Trần sẽ không thể trở về Trung Quốc vì nhà cầm quyền không hoan nghênh ông với lý do ông đã gây rối loạn ngoại giao và trở thành tâm điểm chú ý của báo chí quốc tế.Luật sư khiếm thị Trần Quang Thành cùng vợ và hai con đặt chân đến New York vào ngày 19/5. Phát biểu với báo giới rằng suốt 7 năm qua ông chưa bao giờ được ngơi nghỉ lấy một ngày, ông muốn được hồi phục cả về sức lực và tinh thần khi đến Mỹ. Tuy nhiên, niềm vui của ông Trần Quang Thành và gia đình không được trọn khi cháu ông là Trần Khắc Quý bị công an giam giữ và bị cáo buộc tội cố sát khi công an địa phương đạp cửa xông vào nhà lục soát trong thời gian ông Trần vượt thoát. Ông Trần Quang Phục, cha của Trần Khắc Quý phải trốn lên Bắc Kinh nhờ luật sư giúp đỡ nhưng cho đến nay chính quyền vẫn từ chối không cho luật sư gặp gỡ với người cháu đang bị bắt giữ này. Luật sư Trần Quang Thành chia sẻ:
“Trong trường hợp này, ngay từ đầu luật pháp Trung Quốc đã hoàn toàn bị chà đạp. Hãy nghĩ đến có một đám người xông vào nhà của mình giữa đêm với vũ khí để đánh hại cha mẹ và chính bản thân mình. Người bảo vệ chính mình cuối cùng lại bị phạm tội và những người đã đánh đập thì lại được tự do. Nếu như cháu của tôi không được xem là phòng vệ chính đáng, thì sự tự vệ không có tồn tại ở Trung Quốc.”
Trong bài viết đăng trên báo Le Figaro, giáo sư chính trị học Jean-Pierre Cabestan đặt ra câu hỏi liệu vụ chạy trốn khó tin của luật sư khiếm thị Trần Quang Thành có thể làm cho chính quyền Bắc Kinh sáng mắt vì cuộc chiến đấu cho công lý ở Trung Quốc sẽ có nguy cơ ngày càng gia tăng do đường lối chính trị vẫn đang đè nặng lên quốc gia có nền kinh tế thứ nhì thế giới.
Trả lời phỏng vấn của Ban tiếng phổ thông Hoa Ngữ-Đài Á Châu Tự Do hôm 25/5, ông Trần Quang Thành cho biết là chưa đúng thời điểm để đưa ra những thông tin nhưng những gì ông sắp công bố sẽ là tin tức gây sốc cho tất cả những người có lương tri. Câu chuyện về luật sư bất đồng chính kiến khiếm thị Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn vì cả thế giới nôn nóng chờ đợi nghe ông Trần Quang Thành kể lại những gì đã xảy ra khi ông cho rằng những tháng ngày mà một người dân đơn giản có thể làm những gì mình muốn sau cánh cửa đóng không còn nữa.
Ý kiến của Bạn