Huỳnh Ngọc Tuấn (Danlambao) - Ngày 29/5 phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Asean tại Phnom Penh – Campuchia, đại tướng Phùng Quang Thanh cảnh báo “nguy cơ xung đột quân sự” tại biển Đông nếu các bên không “kiềm chế”.
Trong tình hình hiện nay tại biển Đông xét tương quan chiến lược giữa các siêu cường – cụ thể là Mỹ -Trung thì những cảnh báo này của ông PQT có thực sự nghiêm trọng và xác đáng ?
Trước khi trả lời câu hỏi này chúng ta hãy xét đến mục tiêu và thực lực của các bên liên quan:
- Việt nam và Philipine là hai quốc gia nhỏ với thực lực quân sự và kinh tế thua kém rất nhiều so với Trung cộng và Hoa kỳ.
- Mỹ có quyền lợi quốc gia tại biển Đông, đó là sự ổn định của khu vực và sự tự do hàng hải, biển Đông là tuyến hàng hải vận chuyển một khối lượng hàng hóa lên đến hàng ngàn tỷ USD của Hoa Kỳ và các nước đồng minh và trong trường kỳ đó là sự trỗi dậy của TC và tham vọng của nước này đặt Mỹ vào một tình thế bất an mà một ngày trước khi lên đường thực hiện chuyến công du Đông Á gồm Singapore, Việt Nam và Ấn Độ, ông Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã khuyến cáo quân đội Mỹ là phải cảnh giác và sẵn sàng cho mọi tình huống đối đầu với TC trong tương lai.
- Trung cộng là một siêu cường đang trỗi dậy, họ cảm thấy “bức bách” vì bị kiềm chân, bị bao vây từ Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) đến Đông Nam Á (Philippine, Singapore) và xa hơn nữa về phía Đông Nam là Úc. Trung cộng là một quốc gia đầy tham vọng nhưng lại có quá nhiều tật bệnh, bất ổn và khiếm khuyết nội tại. Với một dân số khổng lồ mang nặng mặc cảm tự ty của quá khứ bị đô hộ và sự tự mãn, kiêu căng của một anh nhà giàu mới phất nên họ có cảm giác không hài lòng, thậm chí là không thể chấp nhận được trong cái trật tự của khu vực và thế giới ngày hôm nay mà người Mỹ và các cường quốc đã thiết lập từ trước đến nay. Họ cảm thấy bị thua thiệt, bị o ép ?!. Cho nên tham vọng của người Hán, từ người dân thường đến lãnh đạo là muốn thay đổi cái trật tự hiện nay để xác lập một trật tự mới mà TC và người Hán là trung tâm của quyền lực.
Trung cộng đang ráo riết vũ trang và chuẩn bị mọi phương tiện cho sự thay đổi hay nói chính xác hơn là lật đổ trật tự hiện nay do người Mỹ lãnh đạo. Cho nên TC mới chính là nguyên nhân gây bất ổn khu vực và thế giới. Muốn thay đổi trật tự thế giới, trước hết TC phải thay đổi trật tự tại khu vực – biển Đông sẽ là thử nghiệm của mục tiêu này.
Biển Đông đối với TC có giá trị rất lớn về kinh tế và chiến lược:
-- Về kinh tế : Không ai nghi ngờ là dưới đáy biển Đông có dự trữ lớn về dầu mỏ và khí đốt (từ 50- 200 tỷ thùng dầu) có thể bảo đảm nhu cầu năng lượng cho TC phát triển trong 30 năm tới mà không phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu với giá quá cao như hiện nay và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ổn.
-- Về chiến lược: Biển Đông là cửa ngõ để TC thoát khỏi sự bao vây của Hoa kỳ - Nhật Bản và đồng minh, nếu làm chủ được biển Đông, TC sẽ kiểm soát được tuyến hàng hải quan trọng này và sẽ đặt an ninh kinh tế - thương mại của Nhật Bản, Hàn Quốc vào tầm tay của họ. Kiểm soát được biển Đông, TC sẽ từng bước thực hiện mục tiêu “chia đôi Thái bình Dương” với Mỹ.
Cho nên biển Đông hòa hay chiến - bình yên hay bất ổn là tùy thuộc vào thái độ và mục tiêu trong từng giai đoạn của TC. Vì vậy thái độ và mục tiêu của TC trong từng giai đoạn sẽ là căn bản để phân tích tình hình biển Đông.
Trong trường hợp này ông bộ trưởng Quốc phòng VN Phùng Quang Thanh dùng chữ “kiềm chế” đối với VN và Philipine là không thích đáng, vì hai nước đều là hai quốc gia nhỏ, mục đích của hai nước là bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và mang tính tự vệ, hoàn toàn không có tham vọng thay đổi trật tự tại biển Đông.
Còn với Mỹ thì rất rõ ràng họ không có lý do để gây chiến với VN hay Philipine, chỉ còn có TC là nguy cơ chính của xung đột nếu có.
Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa là không nên đánh giá thấp mưu lược của những nhà lãnh đạo TC, nếu những nhà lãnh đạo của đảng CSVN chỉ là mấy anh “Lý trưởng, Trương tuần” thì ngược lại những người lãnh đạo TC có tầm nhìn chiến lược lâu dài. Chính vì viễn kiến của những nhà lãnh đạo TC nên chúng ta xem xét tình hình biển Đông trên tầm nhìn này.
Mục đích của TC hiện nay và trong 20 năm tới là gì?
Đó là “ổn định để phát triển”. Chỉ có ổn định để phát triển TC mới có thể đạt được mục tiêu trở thành Siêu cường bậc nhất thế giới vượt lên trên Hoa kỳ cả về kinh tế và quân sự… và đến lúc đó TC chỉ cần “hắt hơi” một cái thì phần còn lại của thế giới sẽ bị cảm cúm ?!
Hiện nay tuy TC rất cần và thèm muốn nguồn dự trữ dầu khí và tài nguyên nằm dưới lòng biển Đông, nhưng họ cũng không dại dột gì mà gây chiến với các nước trong khu vực (kể cả VN và Philipine) vì làm như vậy TC vô tình đẩy các nước Đông Nam Á và cả Đông Á vào quỹ đạo của Mỹ. Không loại trừ việc hình thành một liên minh chống TC dưới ô dù của Mỹ…
Gây chiến ở biển Đông, TC sẽ tạo nên một lý do không thể nào tốt hơn được cho sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ cùng những phương tiện chiến tranh hiện đại vốn đã giăng đầy trong khu vực.
Hiện nay tương quan thế và lực của Mỹ và TC còn cách nhau rất xa, TC không vội gì mà nôn nóng để đánh động sự cảnh giác của Mỹ và thế giới vốn đã đầy bất an trước sự vũ trang ồ ạt và bất minh của họ…đẩy Mỹ và đồng minh đi đến những quyết định không có lợi hoặc nguy hiểm cho TC.
Hiện nay TC đang gây áp lực với khối Asean cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự để tạo chia rẽ bất đồng trong Asean, dọa nạt các nước như VN và Philippine để những quốc gia này khiếp sợ nhượng bộ TC. Mục đích của TC là đạt được những gì mình muốn mà không cần phải động binh, vì động binh lúc này khi TC chưa đủ mạnh là hạ sách.
--Về quân sự động binh lúc này là thách thức và đe dọa đến các đồng minh của Mỹ trong khu vực có thể lôi kéo cả Mỹ vào cuộc.
--Về Ngoại giao động binh sẽ làm hỏng hình ảnh một nước Trung hoa “trỗi dậy trong hòa bình”, tổn hại đến vai trò một cường quốc “có trách nhiệm” và “khả tín” mà TC muốn thế giới nhìn nhận về mình (đây chính là nhược điểm của TC ở thời điểm này).
Nhưng chính sách “cây gậy” của TC đã thất bại thảm hại vì thái độ khôn ngoan và kiên quyết của Philipine trong cuộc đối đầu với TC tại bãi đá cạn Scarborouh. Philipine đã phá vỡ âm mưu lấn chiếm vùng biển Tây của họ. Chỉ còn lại vùng biển Đông của VN là TC gặp thuận lợi vì chủ trương “kiềm chế” của đảng CSVN. Đảng CSVN không nhìn thấy (hoặc giả vờ không nhìn thấy) nhược điểm của TC mà khai dụng để bảo vệ quyền lợi và an ninh của đất nước như người Philipine đã làm. CSVN đang thực hiện một đường lối sai lầm, không biết ông Phùng Quang Thanh kém cỏi hay có ý đồ gì khi kêu gọi các bên “kiềm chế”, hay ông muốn dùng diễn đàn quốc tế và con “ngáo ộp” chiến tranh để biện minh cho chính sách hèn nhược của đảng CSVN hiện nay?
Trong lúc này khi TC chưa đủ mạnh mà thực hiện chính sách “kiềm chế” thì chẳng khác nào xuôi tay cho TC chiếm biển Đông (hoặc tệ hơn là hai tay dâng biển Đông của VN cho TC), đây là một chính sách chủ bại nguy hiểm.
Trong binh pháp nói rõ “biết người biết mình,trăm trận không bại”.
Xin được nói lại một lần nữa cho rõ : So với VN và Philipine, ưu thế của TC về Kinh tế và Quân sự là tuyệt đối, nhưng TC không dám động binh lúc này vì sợ phá hỏng mục tiêu chiến lược và lâu dài của họ đó là thống trị thế giới, họ phải kiên nhẫn để chờ thời cuộc thuận lợi. Philipine hiểu được điều này và họ đã ngăn chận được ý đồ xấu xa của TC, bảo vệ được chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và nhận được sự đồng tình hổ trợ của các nước trong khu vực như Nhật Bản và Úc.
Nếu CSVN tiếp tục “đường lối kiềm chế” này thì biển Đông của chúng ta sẽ mất, thế giới và khu vực cũng không có lý do để giúp đở hoặc can thiệp, họ sẽ coi thường dân tộc chúng ta là hèn kém.
Đảng CSVN hiện nay chỉ lo vơ vét cho đầy túi, họ chỉ lo giữ ghế và để giữ ghế họ đàn áp những người yêu nước và những tiếng nói dân chủ đối lập. Họ ra sức chống lại sự hội nhập của đất nước VN với thế giới văn minh.
Đúng là tư duy của lãnh đạo đảng CSVN chỉ là tư duy của mấy anh Lý trưởng ,Trương tuần thời Thực dân đô hộ !
Hiện nay TC là đối thủ của Mỹ- Nhật trên mọi phương diện. Tại diễn đàn An ninh khu vực Shangri-La (Singapore), ông thứ trưởng Quốc phòng Nhật Shu Watanabe tuyên bố thực lực quân sự của TC là mối đe dọa cho đất nước Nhật bản ! TC chính là “khắc tinh” lớn nhất của Mỹ-Nhật và ngược lại.
Việc của Mỹ-Nhật hãy để cho Mỹ-Nhật lo, người Việt chúng ta hãy khôn ngoan chọn lựa cho mình một chỗ đứng có lợi nhất và an toàn nhất, không can dự vào cuộc tranh chấp sinh tử này, không đứng về một bên này để chống lại bên kia vì như thế sẽ đẩy dân tộc và đất nước đến hủy diệt.Chúng ta nên chọn quy chế trung lập để khi thời cơ đến thì nhanh chóng lấy lại Hoàng Sa, một phần đã mất của Trường Sa. Dân tộc VN đang đứng trước thời cơ và hiểm họa, vì sự sinh tồn của đất nước, tuyệt đối không can dự vào tranh chấp Mỹ-Trung hoặc biến VN thành chiến trường cho tranh chấp của các siêu cường, nếu không làm được việc này CSVN sẽ là tội đồ của dân tộc.
02/06/2012
Huỳnh Ngọc Tuấn
Nhập ý kiến của bạn
Xem 34 ý kiến