Quốc Thanh (TTO) - Trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội hôm 15-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nhận trách nhiệm trong việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng - nguyên cục trưởng Cục Hàng hải.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng “xin nhận một phần trách nhiệm” vì để tình trạng độc quyền doanh nghiệp kéo dài (trong lĩnh vực điện năng)... Trước đó, trong vụ người Trung Quốc nuôi cá tại vịnh Vũng Rô gây bức xúc dư luận, UBND tỉnh Phú Yên, Văn phòng UBND tỉnh đã nhận thiếu sót, nhận trách nhiệm về mình.
Chỉ điểm qua một vài sự kiện gần đây nhất để thấy rằng cử tri cả nước đã quá quen thuộc với cụm từ “xin nhận trách nhiệm”, “xin nhận một phần trách nhiệm”. Tình trạng này khá phổ biến và nhiều cử tri tỏ ra ngán ngẩm. Ngán ngẩm bởi thực tế nhận trách nhiệm chỉ mới là một “vế” của vấn đề. Trong nhiều vụ sai phạm hay buông lỏng quản lý gây hậu quả từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng..., dư luận cứ hoài công chờ đợi kết quả xử lý trách nhiệm. Sau hàng loạt vụ sai phạm, liệu tới đây có một cơ chế mang tính pháp lý nào cho “trả giá” trách nhiệm?
Ở nhiều nước, nhiều vị chức trách biết “tự trả giá” mỗi khi họ mắc sai phạm hay nhận ra những sai lầm của mình làm cử tri bất bình, giảm sút uy tín - thường thấy nhất là những tuyên bố từ chức. Ở Việt Nam, trong khi nhiều người chưa biết “tự trả giá” cho các sai lầm, khuyết điểm bằng tinh thần trách nhiệm, hay “văn hóa từ chức” cũng chưa có, thì rất cần vận hành một cơ chế có tính pháp lý buộc phải “trả giá” trách nhiệm.
Trước tiên, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với nhiều chức danh nắm giữ vai trò quyết định đối với những quyết sách của đất nước, cần sớm thực hiện để xác định trách nhiệm và chỉ số tín nhiệm của cử tri thông qua từng lá phiếu của đại biểu Quốc hội. Và cũng không thể không tính đến các quy định cụ thể nhằm buộc rời khỏi chức vụ do mắc sai phạm, sai lầm, kể cả cơ chế bồi thường đối với thiệt hại có thể sờ nắn, tính toán ngay. Nhưng với bất kỳ cơ chế nào, dù có hoàn hảo đến mấy mà không có những biện pháp mang tính cưỡng chế đi kèm thì đôi khi nó sẽ trở nên kém hiệu lực, thậm chí sẽ bị phớt lờ. Do vậy, phải triệt để áp dụng “luật trả giá” bằng các hình thức kỷ luật, xử lý hình sự bất kể đó là ai, không có bất kỳ “vùng cấm nào” như nhiều tuyên bố...
Biết nhận trách nhiệm là điều đáng quý. Nhưng đó chưa phải là điều cử tri mong đợi vì nếu chỉ dừng lại ở đây thì chẳng khác nào chỉ nhận trách nhiệm suông. Nhận trách nhiệm cần gắn liền với những cam kết, lộ trình giải quyết hay một cái giá phải trả nào đó, có thể là “tự trả giá” hoặc bị áp đặt cái giá phải trả. Đấy mới là điều cử tri đang trông đợi và hi vọng sẽ không còn tình trạng nhận trách nhiệm suông kéo dài.
QUỐC THANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét