2.6.12

Nguyễn Phú Trọng không đọc sách





Ngô Nhân Dụng (Người Việt) - Một bài trên mạng VietNamNet mới phỏng vấn và nêu lên các con số cho thấy người Việt Nam hiện nay rất ít đọc sách. Theo bài này thì trung bình mỗi năm một người Việt Nam chưa “đọc hết” một cuốn sách. Ðem tổng số sách (không kể sách giáo khoa) chia cho dân số, tính bình quân cứ mười người Việt đọc được bảy cuốn sách.
Trong số đó, phần lớn chỉ là sách giải trí mà không bồi bổ trí thức. Một giám đốc nhà sách bi quan hơn nữa, nghĩ rằng chắc số sách đọc còn ít hơn nữa. Những cuốn sách có giá trị trên thế giới, được dịch ra tiếng Việt chỉ in chừng 500 cuốn, trong một nước dân số 85 triệu. Có người so sánh, cho biết dân Thái Lan mỗi năm trung bình một người đọc khoảng năm cuốn sách, tức là đọc nhiều gấp bảy lần một người Việt.

Người ta đọc sách nhiều thì chắc trình độ hiểu biết cao hơn, cách suy nghĩ cũng chín chắn hơn. Nói chung, việc đọc sách chắc chắn phải ích lợi cho cả nền kinh tế quốc dân. Các nhà nghiên cứu phát triển cho biết khi dân một nước đọc sách nhiều hơn thì họ dễ gia nhập vào đời sống kinh tế hiện đại hơn vì bây giờ làm nghề gì cũng phải có kiến thức. Ở các nước chậm tiến thì dân ít đọc sách. Nhưng việc đọc sách đem tới ích lợi kinh tế nhiều hơn khi phổ cập trong toàn thể xã hội chứ không tập trung trong một tầng lớp “ưu tú” ở các thành phố. Bài báo trên VietNamNet đã nêu thí dụ về nước Mỹ, nhận định: “Cái hay ở Mỹ là tri thức sách vở, kiến thức của mọi người được lan tỏa đến số đông hơn là chỉ một nhóm người như ở Châu Âu.” Vì trình độ kiến thức chung cao cho nên “Chỉ có nước Mỹ mới sinh ra những tỉ phú như Bill Gates, Steve Jobs... - những người sống bằng khoa học, trí tuệ.”

Người Việt Nam bây giờ ít chịu đọc sách, chắc vì người lớn thì coi phim bộ, thanh niên thì coi trình diễn nhạc trẻ và coi báo đăng hình quần áo giầy dép mốt mới nhất. Cho nên mới có cảnh các thiếu nữ tôn thờ ca sĩ ngoại quốc, ôm hôn cả cái ghế mà thần tượng mới ngồi lên. Mới có cảnh một cô chủ tịch công ty xây dựng đi thăm công trường đầy xi măng, nhôm với sắt mà lại mặc váy hồng, đi giầy cao gót cũng màu hồng giống như đang đi mua sắm.

Nhưng không nói gì đến người dân thường, mà cả những người lãnh đạo đảng cộng sản cũng không chịu đọc sách nữa. Như ông Nguyễn Phú Trọng chẳng hạn. Trong hội nghị Trung Ương Ðảng mở rộng vừa rồi, ông tổng bí thư khẳng định đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ không chấp nhận “tam quyền phân lập”. Riêng câu này đủ để ghi tên Nguyễn Phú Trọng vào lịch sử sự thoái hóa trong nhân loại. Loài người tiến bộ, mình không theo kịp, rồi còn đi thụt lùi, cho nên gọi là thoái hóa. Từ thế kỷ 17, 18, trong nhân loại đã nẩy ra ý kiến phải đặt giới hạn trên quyền hành của những người cai trị. Vì thế phải tách ra ba thứ quyền: Có người soạn ra luật pháp; có người chỉ lo thi hành luật pháp; và những người khác nắm quyền phán đoán xem có hành động nào sai luật luật pháp hay không. Từ thế kỷ 18 đã nhiều quốc gia thí nghiệm ý kiến này trong tổ chức chính quyền. Ðó là những quốc gia đạt được tiến bộ nhanh nhất và cao nhất về kinh tế, văn hóa, và xã hội. Loài người đã rút kinh nghiệm như vậy hơn 200 năm nay. Bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng nhất định bác bỏ không chấp nhận “phân quyền!” Như vậy chẳng phải là thoái hóa thì gọi là cái gì? Ðiều đáng kinh ngạc là, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng nói trâng tráo như thế, không thấy có ai trong Quốc Hội và trong tòa án tối cao ở Việt Nam mở miệng bàn một câu nào cả! Trên lý thuyết họ nắm quyền lập pháp và tư pháp; nhưng đành ngậm miệng. Tình trạng thoái hóa không phải là độc quyền của ông tổng bí thư đảng cộng sản!

Lời tuyên bố trên cũng chứng tỏ ông Nguyễn Phú Trọng không chịu đọc sách. Có một cuốn sách bán đầy ở Hà Nội, ai có thời giờ làm ơn mua một cuốn gửi cho ông tổng bí thư đọc để giúp ông mở mắt ra. Ðó là cuốn “Người Trung Quốc và những căn bệnh trong nhân cách” của Hà Tông Tư, do Phạm Bá dịch, nhà xuất bản Công An Nhân Dân in năm 2007. Ông Hà Tông Tư kịch liệt đả kích chế độ chuyên chế ở Trung Quốc trong hơn 2,000 năm lịch sử. Cho nên ông viết rõ ràng chỉ có phân quyền mới thật sự dân chủ.

Hà Tông Tư nhiệt liệt ca ngợi chế độ tự do dân chủ, thể hiện qua việc cai trị bằng hiến pháp, luật pháp, mà ông gọi là Hiến Chính. Ở trang 40 cuốn sách trên, tác giả viết: “Nguyên tắc cơ bản của pháp trị là: Mở rộng tự do cá nhân với khả năng lớn nhất, hạn chế tối đa quyền hạn của kẻ cầm quyền.” Trang sau, ông nêu ra tiêu chuẩn: “Bản thân hiến pháp có bao hàm tư tưởng thực sự hạn chế và ràng buộc quyền lực chính trị không. Và trên thực tế nó có ràng buộc, hạn chế quyền lực chính trị một cách có hiệu quả hay không?” Và Hà Tông Tư khẳng định: “Nguyên tắc phân quyền là đặc trưng cốt lõi của Hiến Chính; chủ yếu là tách biệt quyền tư pháp với quyền hành chính, thể hiện ở chỗ tư pháp phải được độc lập.”

Chắc chắn ông Nguyễn Phú Trọng chưa hề để mắt đến những ý kiến nêu trên. Mà đây không phải là ý kiến của “những thế lực thù địch” nào cả. Ðây là một tác giả người Trung Quốc, sách đã phổ biến ở Trung Quốc, lại được nhà xuất bản Công An Nhân Dân ở Việt Nam in ra. Trong hàng ngũ công an cũng có những người muốn phổ biến những ý kiến tiến bộ như vậy. Thế mà cả ông tổng bí thư lẫn những người về họp cùng với Trung Ương Ðảng chẳng ai chịu đọc sách cả!

Nhân lúc ở Việt Nam đang bàn sửa hiến pháp, cũng xin trích ý kiến của Hà Tông Tư giải thích tại sao cần phân quyền: “Ràng buộc và hạn chế quyền hạn và hành vi của chính phủ, đó là nhiệm vụ chủ yếu của hiến pháp.” Ai đọc qua bản hiến pháp nước Mỹ thì thấy rõ ý Hà Tông Tư. Hầu hết các điều trong bản hiến pháp ngắn ngủi đó toàn là những giới hạn quyền hành của chính phủ liên bang. Ðọc cuốn sách của Hà Tông Tư thấy ông cho là chính chế độ chuyên chế gây ra bao nhiêu điều đáng xấu hổ cho người Trung Hoa; thí dụ như tính ỷ lại, không có tinh thần trách nhiệm, nịnh trên nạt dưới, hèn yếu, nhu nhược, vân vân!

Hà Tông Tư trích lời triết gia người Anh John Stuart Mill: “Chế độ chuyên chế, xét từ bản chất, nó đã có khuynh hướng dùng chính sách ngu dân!” (trong bản dịch đã viết nhầm tên triết gia Mill thành Miel, nhiều lần; mặc dù cuốn sách Bàn về Tự Do của J.S. Mill đã được dịch và in ở Việt Nam). Ở trang 703, Hà Tông Tư còn bình luận: “Chính sách ngu dân bao giờ cũng đi đôi với việc bế quan tỏa cảng, cấm tự do ngôn luận... cùng dựa vào nhau mà thành hình.” Mười trang sau, ông viết thêm: “Tội ác chuyên chế là tội ác lớn nhất trên thế gian! Hạn chế tự do ngôn luận là thâm hiểm nhất, xảo trá nhất, bỉ ổi nhất, tàn nhẫn nhất trong các thủ đoạn chính trị!”

Nếu mấy ông bà trong Trung Ương Ðảng Cộng Sản Việt Nam chịu khó đọc Hà Tông Tư thì trước hết họ sẽ thấy phải trả lại quyền tự do ngôn luận cho người dân, để ít nhất tránh khỏi những lời kết tội: “Thâm hiểm nhất, xảo trá nhất, bỉ ổi nhất, tàn nhẫn nhất;” và cái tội “ngu dân”. Trên hết, phải bắt đầu tôn trọng và thực hiện quy tắc phân quyền; đừng có nghe ông Nguyễn Phú Trọng.

Bao giờ đất nước có tự do thì người dân mới có hứng thú đọc sách. Như tác giả bài trên VietNamNet viết về những Bill Gates và Steve Jobs thành công trong xã hội Mỹ: “...chỉ ở môi trường đó mới giúp những người có phát minh, sáng kiến có thể giàu có được. Họ chính là những người đang làm ra sản phẩm và hàng hóa hỗ trợ con người. Ở Việt Nam thì không thể có chuyện như vậy.”

Thực ra không thể nói có liên hệ nhân quả trực tiếp giữa trình độ kiến thức của dân chúng Mỹ với sự thành công của những nhà kinh doanh Bill Gates và Steve Jobs. Hai hiện tượng diễn ra song song; cả hai đều cùng do một nguyên nhân gây nên, là xã hội tự do. Khi các ngành báo chí, xuất bản được tự do thì dân chúng sẽ đọc sách nhiều hơn; khi các nhà kinh doanh được tự do thì những người có sáng kiến táo bạo dễ thành công lớn. Muốn bảo đảm xã hội được tự do thì phải tổ chức theo quy tắc phân quyền, mọi người Việt Nam phải nhắc nhở cho ông Nguyễn Phú Trọng điều đó để ông đọc thêm. Hy vọng ông sẽ hiểu ra rằng cưỡng lại không phân nhiệm ba quyền lập pháp, hành pháp, và tư pháp tức là cản trở sự tiến bộ kinh tế của cả dân tộc.

Ngô Nhân Dụng


6 Ý kiến:

Lưu Ý :



- Những phản hồi sử dụng "Nặc danh/Ẩn danh"sẽ không được xuất hiện. Các bạn có thể chọn một nickname cho mình khi phản hồi bằng cách sử dụng các chức năng : "Tên/Url", hoặc bằng tài khoản Google


- Nếu nội dung phản hồi quá dài sẽ bị máy chủ BlogSpot hiểu lầm là Spam (không cho hiện lên), xin bạn vui lòng chia nội dung thành nhiều phần, hoặc chờ Dân Làm Báo cho xuất hiện lại phản hồi 


- Phản hồi sẽ bị xóa nếu : viết chữ Việt không dấu, hoặc sử dụng quá nhiều chữ IN HOA 
  1. VN hiện nay ít đọc sách là do đvcb ngày đêm lo tính các dự án cưỡng chế thu hồi đất của nhân dân " cướp đất " nên không còn thời gian đọc sách vì phải đối phó đủ điều trong đó có tranh giành quyền lực + kinh tế + chức tước .
    Người dân mất đất không có công ăn việc làm ổn định "thất nghiệp " nên phải tha phương cầu thực , những người mất việc làm khốn khổ có khi thành tội phạm bất đắc dĩ . Nên không có thời gian đọc sách ,do đó xã hội ngày càng xảy ra nhiều điều phức tạp ,từ quan chức lo đối phó tham nhũng chức quyền .Nhân dân thì tìm kế sinh nhai ,đối phó với đói nghèo và tệ nạn xã hôi không yên ổn , thì còn thời gian nào mà đọc sách ! Khi nhìn lên TVI thấy thấy toàn ca ngợi kiểu tự sướng và chuyên nói láo ,nên người có ddieuf kiện không có chí cầu tiến cho bản thân nên lười đọc sách !?
    Trả lời
  2. Sách VN toàn viết đạo đức bác hồ, thơ Tố Hữu, chính trị Mac Lê cả đời đọc 1 lần sợ tới già làm sao dám đọc tiếp quyển thứ 2! Thôi, thà không đọc còn hơn mấy thứ ba xạo đó
    Trả lời
  3. Hiện nay, tôi không đọc nổi báo lề đảng chứ nói gì đến sách âm binh xã nghĩa, nhà văn Sơn Nam khi mất rồi, một vài câu chữ trong sách của ông thêm bớt chán bỏ mẹ, vậy tôi tìm mua và đọc sách cũ trước năm 75 thì có "ĐƯỢC" nằm trong thành phần :
    "- Một bài trên mạng VietNamNet mới phỏng vấn và nêu lên các con số cho thấy người Việt Nam hiện nay rất ít đọc sách. Theo bài này thì trung bình mỗi năm một người Việt Nam chưa “đọc hết” một cuốn sách." hả tác giã?
    Trả lời
  4. Em xin bác Ngô Nhân Dụng! bọn chúng em từ miền ngược đến miền xuôi, từ Nam ra Bắc đã mệt mỏi vì phải "kiếm kế sinh nhai" lắm rùi! Ngày xưa các cụ nói thân phận "nhà khó" chúng Em là "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" một nắng hai sương còn chửa đủ ăn nữa là! nay chị em có người phải " Bán trôn cho Quan, bán mặt cho giời" may ra mới đủ sống! ấy vậy mà bác viết bài này thì gay quá! lỡ cái bọn Quan đảng đó nó bắt mọi người mỗi ngày phải đọc 1 tiếng cuốn sách nói về "tư tưởng đạo đức khô xi min" thì khổ chúng em lắm! khi đó chắc đầu óc mụ mẫm không còn làm gì ra ma sống thì khổ? mệt mỏi còn sức đâu mà nghĩ vào danlambao để mà đọc trau dồi thông tin...
    Bây giờ Nhờ ơn đảng chính phủ đang bận việc vơ vét khác cho nên chúng em không phải đọc sách theo quy định, nên mới rảnh rang mà vào đây trau dồi tư tưởng dân chủ đó bác ạ!
    Trả lời
  5. Ông Trọng này cũng còn khôn đấy,chứ đọc vài quyển sách về(đường lối,tư tưởng xhcn)thì hắn ta bị điên từ lâu rồi.
    Trả lời
  6. Khi người ta bị một căn bệnh nan y hoành hành, người ta sẳn sàng làm mọi cách để kéo dài cuộc sống.
    Đối với ĐCSVN cũng tương tự: một lời nói của chính khách, một nghị quyết, một biện pháp, một chiêu thức, hay một quyển sách cho xuất bản... đều nhằm mục đích tạo cho dân đen một tia hy vọng có sự thay đổi, dù điều thay đổi ấy sẽ không bao giờ trở thành hiện thực, mà mục tiêu cuối cùng chỉ là để kéo dài thời gian cầm quyền, để đủ thời gian tẩu tán và rửa tiền bẩn thành tiền sạch, càng nhiều càng tốt, trước khi họ lưu vong... 
    Tái cơ cấu các tập đoàn đã bị rút rỗng ruột cũng là một cách thủ tiêu, tẩu tán tài liệu, để bịt kín chứng cớ tham nhũng của bọn chúng.
    Trả lời

Không có nhận xét nào: