Mạnh Đồng (Đất Việt) - Chính phủ đề xuất lùi thời hạn trình Luật Đất đai (sửa đổi) tới kỳ họp thứ 5 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành. Tuy nhiên, nhiều ĐB không đồng tình, bởi bức xúc về những bất cập trong quản lý đất đai ngày càng nghiêm trọng.
Chính phủ đề xuất lùi thời hạn trình Luật Đất đai (sửa đổi) tới kỳ họp thứ 5 và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành. Tuy nhiên, nhiều ĐB không đồng tình, bởi bức xúc về những bất cập trong quản lý đất đai ngày càng nghiêm trọng.
Chiều 1/6, thảo luận tại hội trường về Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh của QH năm 2013, nhiều ĐBQH đều đề nghị Chính phủ sớm trình Luật Đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) để thông qua vào kỳ họp thứ 5 (đầu năm 2013).
Không thể lùi được nữa
Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho biết: Dự án Luật đất đai (sửa đổi) thuộc Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII. Tuy nhiên Chính phủ đã đề nghị và được UBTVQH đồng tình lùi thời gian trình dự án luật để QH cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6. Lý giải việc này, UBTVQH cho rằng một số nội dung quan trọng của dự án như chế độ sở hữu, hình thức sở hữu lại liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết TƯ 7 khóa IX về chính sách đất đai, nên cần lùi thời gian trình để Chính phủ có thêm thời gian chuẩn bị. Báo cáo của UBTVQH cũng khẳng định: Đây là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, đang được ĐBQH và nhân dân cả nước quan tâm.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP HCM)
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng: “Không thể lùi được nữa. Chúng ta đã có đủ các điều kiện để xúc tiến nhanh và tập trung sửa đổi dự luật này, đặc biệt là có những định hướng lớn từ Hội nghị TƯ 5 vừa qua. Thêm nữa, quá trình chuẩn bị cũng lâu rồi nên đề nghị Chính phủ trình dự luật này để QH cho ý kiến vào kỳ họp 4, thông qua vào kỳ họp thứ 5”.
ĐB Lê Hữu Phước (Bình Dương) cũng đồng tình với quan điểm này và nhận định: “Chính phủ lấy lý do chờ sửa đổi Hiến pháp rồi mới trình Luật Đất đai nghe không hợp lý và nếu chờ thì phải tới 2015 may ra mới có luật. Liệu từ nay tới lúc đó, tình hình quản lý đất đai vốn đã phức tạp sẽ còn phức tạp tới đâu?”, ông Phước đặt câu hỏi.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng đề nghị Chính phủ phải trình dự luật vào kỳ họp tới vì “tình hình cấp bách lắm rồi”. ĐB Nghĩa phân tích: “Có thể chưa cần sửa đổi về quyền sở hữu, nhưng luật phải bổ sung sửa đổi gấp quyền của người dân về sử dụng đất và quyền của Nhà nước. Quan hệ này đang có dấu hiệu khủng hoảng gây ra những xung đột ngày càng nóng trong xã hội”.
Đòi hỏi bức xúc
Theo ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), việc sửa đổi Luật Đất đai đang là đòi hỏi bức xúc nhất lúc này. “Hiện nay, đa phần nguồn thu ở thị trường đất đai không vào ngân sách nhà nước mà rơi vào túi một nhóm người. Và lĩnh vực này cũng phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng”. Tuy nhiên, ông Hùng lại cho rằng, việc đưa Luật này vào chương trình kỳ họp thứ 5, thông qua vào kỳ 6 là hợp lý vì Chính phủ cần phải chuẩn bị kỹ, các cơ quan thẩm tra phải chủ động để nâng cao chất lượng của Luật. Đồng tình, ĐB Võ Thị Dung (TP HCM) nêu quan điểm: “Đây là vấn đề bức xúc, nhân dân trông đợi từng ngày từng giờ. Nhưng vấn đề đất đai rất phức tạp nên tôi đồng tình để QH xem xét, chỉ đạo”
Trước nhiều ý kiến khác nhau của các ĐB, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đăng đàn để giải trình, làm rõ thêm. Ông Hải cho biết: Hội nghị TƯ 5 vừa qua đã nêu ra 8 vấn đề về đất đai hết sức quan trọng như quyền sở hữu, hạn điền, hạn mức, xử lý khiếu nại tố cáo đất đai... Tuy nhiên, TƯ thấy vấn đề này hết sức phức tạp, phải xem xét thận trọng nên đã giao Chính phủ tiếp tục làm rõ một số nội dung để trình Hội nghị TƯ 6 vào cuối năm nay. Đó là những nội dung như: giá đất, thu hồi đất đền bù giải phóng mặt bằng - tái định cư, thế chấp quyền sử dụng đất... “Nếu bắt buộc phải trình dự luật này lên QH vào cuối năm nay (kỳ họp 4), tôi lo những vấn đề tôi vừa báo cáo sẽ không thể làm tốt và chất lượng luật sẽ không đảm bảo. Vì thế, chúng tôi đề nghị QH cân nhắc, cho lùi thời hạn như đã trình”, ông Hải kiến nghị.
Quy định cụ thể hơn những hành vi tham nhũng
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội chiều 1/6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền cho biết: Luật Phòng chống tham nhũng hiện nay đã có nhiều tiến bộ, nhưng băn khoăn nhất là hiệu quả của Luật như thế nào. “Hiện Luật mới nói trách nhiệm của người đứng đầu. Tuy nhiên, còn trách nhiệm trực tiếp, liên đới, trách nhiệm quản lý cán bộ... và các biện pháp phòng ngừa, cơ chế về cung cấp thông tin giữa các cơ quan chức năng, cung cấp thông tin cho báo chí, từ đó tạo dư luận đấu tranh với tham nhũng thì lại chưa rõ ràng, cụ thể”, ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, bất cập của Luật còn thể hiện ở cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng, mới đưa ra những nguyên tắc, chứ chưa cụ thể hóa. Ngoài ra, 12 hành vi tham nhũng đề cập trong Luật vẫn rất chung chung.
Mạnh Đồng
Các vị đại biểu hãy lên tiếng thay vì thế hệ con cháu của quý vị phải làm việc này.