8.6.12

Nhị quyền phân lập




Trong bài phát biểu tại buổi khai mạc Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản khóa XI tại Hà Nội ngày 7 tháng 5 năm 2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dõng dạc tuyên bố: Trong việc sửa đổi và bổ sung Hiến pháp năm 1992, họ vẫn “kiên định” duy trì một điểm liên quan đến “bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị” tại Việt Nam.


Ông nói: “Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua tổ chức nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất và là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp; các cơ quan nhà nước khác do Quốc hội lập ra, có trách nhiệm báo cáo công tác và chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội. Nhà nước ta không tam quyền phân lập.”


Thông điệp quan trọng nhất của cả đoạn văn trên nằm ở câu cuối cùng: “Nhà nước ta không tam quyền phân lập”.


Nói một cách đơn giản: Ông Nguyễn Phú Trọng không công nhận tính chất độc lập và chức năng kiềm chế cũng như kiểm soát lẫn nhau của ba bộ phận cấu thành quyền lực nhà nước: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thì ở Việt Nam cũng vẫn có cả ba bộ phận ấy. Tuy nhiên, thứ nhất, chúng không độc lập với nhau; và thứ hai, chúng đều đặt dưới quyền lãnh đạo tối cao của đảng.


Ông Nguyễn Phú Trọng không nói; các nhà lãnh đạo khác cũng không nói, nhưng có một sự thật hầu như ai cũng ít nhiều cảm nhận được là: Khi phủ nhận tam quyền phân lập, Việt Nam theo đuổi và cổ súy cho một thể chế khác, tôi tạm gọi là nhị quyền phân lập.


Đó là quyền của dân và quyền của đảng.


Dân, trên nguyên tắc, là chủ nhân của đất nước, nhưng trên thực tế, trong tay dân lại chẳng có gì cả. Tất cả những gì, trên danh nghĩa, họ có, họ đều đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng. Đảng, do đó, có mọi thứ, từ lập pháp đến hành pháp và tư pháp. Đó là chưa kể đến cái ở Tây phương người ta gọi là cái quyền thứ tư (báo chí, từ báo nói đến báo hình và báo in) và quyền thứ năm (internet).


Về mặt tuyên truyền, người ta nói đảng và dân là một: Đảng chỉ đại diện cho dân. Nhưng sự thật, đảng và dân thuộc hai hệ thống hoàn toàn khác nhau.


Trong bài “Double Jeopardy: Crime and China’s Communist Party” đăng trên tờ The Wall Street Journal, Stanley Lubman, giáo sư luật tại Đại học California, Berkeley, phân tích khá hay về điều này từ kinh nghiệm của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc hay Việt Nam, thật ra, về phương diện này, chỉ là một. Những gì xảy ra ở Trung Quốc cũng có thể được nhìn thấy nhan nhản ở Việt Nam. Hoàn toàn giống nhau.


Khi hai người phạm cùng một tội giống nhau, một người là dân thường và một người là đảng viên, nhất là đảng viên cao cấp, họ sẽ được xét xử theo hai cách thức và với hai tiêu chuẩn khác hẳn nhau.


Với dân thường thì người ta cứ mang luật pháp ra xử. Việc ứng dụng các điều khoản luật để kết án có thể nặng hay nhẹ tùy trường hợp, nhưng dù sao cũng theo một số quy định nào đó. Cũng có điều tra (thỉnh thoảng là ép cung). Cũng có tòa án. Trong tòa án cũng có công tố viên và luật sư biện hộ. Cũng có chánh án và cuối cùng, cũng đưa ra án lệnh.


Còn với đảng viên? Ngay cả khi người ta phạm tội cực kỳ nặng, gây thương tích hoặc chết chóc cho người khác hoặc gây thiệt hại cho ngân sách chính phủ cả hàng tỉ đồng (Việt Nam), thậm chí, hàng tỉ đô la (Mỹ), người ta sẽ bị điều tra. Nhưng không phải bởi công an. Mà bởi các cán bộ đảng. Họ cũng không bị luận tội ở trước vành móng ngựa. Mà trong các cuộc họp kín của tổ chức đảng, từ các chi bộ địa phương đến Ban chấp hành Trung ương hoặc Bộ chính trị. Từ người điều tra đến những kẻ luận tội đều là “đồng chí” của tội phạm. Trong quá trình luận tội, người ta không căn cứ trên luật pháp mà chủ yếu căn cứ trên các điều lệ đảng. Hậu quả là, cuối cùng, các án quyết đều rất nhẹ. Nhẹ nhất là “không đủ chứng cớ để buộc tội”. Nặng hơn là cảnh cáo. Nặng hơn nữa là án treo. Nặng nhất là cách chức và đuổi ra khỏi đảng.


Người ta hay nói là ở Việt Nam, cũng như ở các nước cộng sản khác, có một số người ngồi ở trên luật pháp. Nhận định ấy đúng nhưng không đủ. Không phải là một số người. Mà là đảng, nghĩa là, thứ nhất, với tư cách một tổ chức, và thứ hai, bao gồm toàn bộ đảng viên. Tất cả đều ở ngoài luật pháp. Không bị chi phối bởi luật pháp.


Nói Việt Nam hiện nay theo chế độ nhị quyền phân lập là vậy.


Nói “nhị” nhưng thật ra, lại là “nhất”: Cái gọi là dân quyền chỉ là một cái bánh vẽ. Dân không có tác động nào đến đảng cả. Trong khi đảng quyền thì khống chế toàn bộ đời sống xã hội. Đảng không những đứng trên luật pháp mà còn đứng cả trên đầu nhân dân. Và nắm toàn bộ quyền sinh sát đối với mọi người.


Viết đến đây, tự nhiên tôi sực nhớ đến bài “Đá” của Bùi Thị Lài đã đăng trên Tiền Vệ. Xin phép nhà thơ Bùi Thị Lài để dùng bài thơ ấy làm phần kết luận cho bài viết này.


***
Chú thích:


Xin bấm vào link này để xem đoạn video thu cảnh Công An Nhân Dân đá vào bụng chị Ngô Thị Ánh sau khi đã xúm lại đánh đập chị một cách dã man trong cuộc “cưỡng chế thu hồi đất” ở Văn Giang sáng ngày 24/42012.


* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: