#6 | |||
| |||
Trung Quốc : Sữa cho trẻ em có nhiễm thủy ngân Sữa hộp bán tại một cửa hàng ở Trung Quốc. DR Anh Vũ - RFI An toàn thực phẩm vẫn luôn là thách thức lớn cho Trung Quốc. Chính quyền nước này vừa phát hiện trong một số sản phẩm sữa cho trẻ em của tập đoàn Y Lợi có chứa hàm lượng thủy ngân cao, buộc tập đoàn này phải ra lệnh thu hồi lô hàng sữa nhiễm thủy ngân. Theo AFP, tập đoàn Y Lợi hôm qua, 14/06/2012, đã ra lệnh thu hồi lô sản phẩm sữa có nghi vấn, sau khi cơ quan giám sát an toàn thực phẩm tại Trung Quốc phát hiện thấy hàm lượng « bất thường » thủy ngân trong một số sản phẩm của tập đoàn nhà nước chuyên về chế biến sữa trong khu vực Nội Mông. Theo thông cáo của tập đoàn công bố hôm nay, lệnh thu hồi liên quan đến các sản phẩm sữa cho trẻ em được sản xuất trong khoảng từ tháng 11 năm 2011 đến tháng 5 năm 2012. Nhà sản xuất Y Lợi không giải thích tại sao và bằng cách nào mà thủy ngân, một chất cực độc với cơ thể con người, lại có thể xuất hiện trong sản phẩm của tập đoàn, đặc biệt là trong các loại sữa dành cho trẻ em. Cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm của Trung Quốc hôm nay thông báo đã cho tiến hành xét nghiệm khẩn cấp hơn bảy trăm mẫu sữa trẻ em khác của các nhà sản xuất khác ngoài Y Lợi. Tuy nhiên, hiện tại các kiểm tra xét nghiệm này đều cho thấy không có dấu hiệu nào bất thường. Theo con số chính thức, ở Trung Quốc hiện nay có 119 công ty chế biến sản phẩm sữa cho trẻ sơ sinh. Nhưng cũng chính tại nước này, ngành công nghiệp chế biến sữa là ngành có nhiều bê bối về an tòan vệ sinh thực phẩm. Năm 2008, tại Trung Quốc đã nổ ra vụ bê bối lớn sữa trộn melamine làm 6 trẻ nhỏ bị chết và hơn 300 nghìn trẻ khác phải nhập viện. Trong vụ này, sản phẩm sữa của Y Lợi cũng có liên quan. Sau đó, nhiều vụ sữa nhiễm chì hay hóa chất độc hại cũng đã được phanh phui nhiều trong nước. Người tiêu dùng Trung Quốc, luôn lo ngại về vấn đề vệ sinh thực phẩm, nay hết sức dè chừng với các sản phẩm sữa của nước này. |
#7 | |||
| |||
Tàu lặn Trung Quốc đạt độ sâu lỷ lục Tàu lặn có người điều khiển Giao Long của Trung Quốc REUTERS Anh Vũ - RFI AFP dẫn nguồn tin Tân Hoa Xã cho biết, hôm nay, 15/06/2012, tàu lặn có người điều khiển do Trung Quốc chế tạo đã xuống được độ sâu kỷ lục 6000 mét tại Thái Bình Dương và dự tính sẽ chinh phục độ sâu 7000 mét. Bản tin của Tân Hoa Xã cho biết, trong chương trình nghiên cứu khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy biển, con tàu mang tên Giao Long cùng với thủy thủ đoàn đã đạt được độ sâu 6000 mét tại vùng biển sâu nhất thế giới. Đây là lần lặn thứ nhất trong 6 lần theo dự kiến, với mục tiêu đặt ra là 7000 mét. Hồi cuối tháng Bảy năm 2011, chiếc tàu lặn Giao Long cũng đã lần đầu tiên xuống được độ sâu 5000 mét tại một địa điểm không xa Philippines. Trong vài thập kỷ qua, Trung Quốc tập trung đầu tư nhiều vào các nghiên cứu thăm dò hải dương và không gian, nhằm bắt kịp các nước phát triển. Hiện tại, trên thế giới mới chỉ có 5 nước chế tạo được tàu lặn có người điều khiển vượt qua ngưỡng sâu 3500 mét. Trong lĩnh vực này, Mỹ vẫn là nước giữ kỷ lục lặn sâu 11.000 mét từ năm 1960 tại vực biển Mariannes. Tại vị trí này, hồi tháng ba năm 2012, đạo diễn điện ảnh Mỹ nổi tiếng James Cameron đã dùng tàu lặn xuống độ sâu 11.000 mét. Ngoài mục tiêu đuổi kịp thế giới, các chương trình nghiên cứu tàu lặn của Trung Quốc còn phục vụ việc tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên đáy biển và những mục đích chính trị khác. Năm ngoái, tàu Giao Long đã làm một nhiệm vụ mang tính biểu tượng : lặn xuống cắm cờ Trung Quốc ở đáy Biển Đông, vùng biển đang có tranh chấp giữa nhiều nước. |
#8 | |||
| |||
Thủ tướng Cam Bốt yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai trong vòng 6 tháng Phụ nữ khu Boeung Kak và Borei Keila biểu tình phản đối trước Quốc hội Cam Bốt tại Phnom Penh ngày 28/05/2012 đòi thả 15 người bị bắt trong vụ cưỡng chế đất để giao cho một công ty Trung Quốc. REUTERS/Samrang Pring Phạm Phan - RFI Ngày 14/06/2012, thủ tướng Hun Sen thông báo yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết các vụ tranh chấp đất đai trong thời hạn tối đa là sáu tháng. Lãnh đạo Cam Bốt bác bỏ mọi tố cáo cho rằng đây chỉ là một lời hứa nhằm chiêu dụ cử tri, một năm trước bầu cử Quốc hội. Thông báo của thủ tướng Hun Sen không mấy thuyết phục các nhà bảo vệ nhân quyền. Tường trình của thông tín viên Phạm Phan từ Phnom Penh : 15/06/2012 Ngày 14/6, Thủ Tướng Hun Sen lại ban hành một lệnh mới liên quan đến các vụ tranh chấp đất tại quốc gia này. Theo lời ông Hun Sen, các giới chức những địa phương xảy ra những vụ kiện cáo liên quan đến đất đai phải tìm cách chấm dứt ngay trong thời hạn 6 tháng. Ông Hun Sen cho là hành động này sẽ mang lại hòa khí cho quốc gia. Lệnh mới yêu cầu các giới chức địa phương đi đến tận nơi đang xảy ra các cuộc tranh chấp gây cấn để tìm hiểu ngọn ngành cũng như hoàn cảnh thực sự của những gia đình bị cướp đất coi họ sinh sống ra sao, nguyên nhân gì khiến họ bị cướp đất, ai cướp đất, và tình trạng được giải quyết thế nào, đã giải quyết đến đâu. Ông Hun Sen cũng phủ nhận đây là một chiến thuật nhằm kiếm phiếu cho cá nhân ông và đảng cầm quyền khi vào năm sau sẽ lại tổ chức cuộc bầu cử quốc hội diễn ra 5 năm một lần. Việc ban hành lệnh mới có mục đích xoa dịu công luận, đặc biệt là xoa dịu nỗi thống khổ của hàng ngàn nạn nhân bị mất đất, mất nhà, gia đình ly tán. Ba đối tượng liên hệ chặt với nhau trong hồ sơ nóng hiện nay nằm trong phạm vi lệnh mới, đó là kẻ quyền thế, đất, và dân nghèo. Tuy nhiên, lệnh của Thủ Tướng Hun Sen không phải được tất cả đồng tình. Theo tổ chức nhân quyền Cam Bốt Licadho, không có lệnh nào của chính quyền được thực thi tốt. Từ trước đến nay, đã có quá nhiều lệnh hay chỉ thị bao gồm cả việc hứa hẹn thu hồi các hợp đồng của những công ty làm sai quy định, nhưng do mối liên hệ đặc biệt của công ty với kẻ có thế lực, nên mọi chuyện đâu rồi cũng vào đó, và nạn nhân vẫn là dân nghèo. Có một điều mà công luận thắc mắc là tình hình thị trường bất động sản trong khu vực và ngay cả tại Cam Bốt đang chìm trong giấc ngủ đông, thế mà tại sao các vụ cướp đất, đuổi dân, giam tù dân để chiếm đất cứ gia tăng không ngừng nghỉ, nhất là trong thời gian gần đây. Phải chăng kẻ quyền thế lợi dụng quyền hành để chiếm đất tích lũy sẳn đó và khi thị trường bất động sản khởi sắc là họ có ngay các miếng đất giá trị để rao bán? Ngày 7/5, Thủ Tướng Hun Sen đã ra lệnh ngưng ký hợp đồng với các công ty, nhưng ngay sau đó lệnh đã bị vi phạm. Theo tường thuật của các phóng viên người Cam Bốt đang làm cho Ban Tiếng Khmer thuộc đài VOA thì tổng số đất được ký dành cho các công ty sau lệnh cấm ngày 7/ 5/2012 lên đến 21.000 mẫu. Đa số diện tích này dành cho các công ty tư nhân để lập đồn điền cao su. Các hợp đồng này do Bộ Nông Nghiệp đứng ra lo ký kết bao gồm như sau: công ty Cao Su Lee Ye được dành cho 7.710 mẫu tại tỉnh Siêm Riệp, công ty HMH nhận được 5.915 mẫu tại tỉnh Kampong Cham, công ty SK nhận được 8.000 mẫu tại tỉnh Ratanakkiri. Ông Chan Sarun, Bộ Trưởng Nông Nghiệp đã không trả lời khi báo chí hỏi việc vi phạm lệnh này. Người phụ tá của ông là Chan Tong Yves thì nói việc ký kết giao đất mới đây sau khi có lệnh cấm thì nằm ngoài phạm vi hiểu biết của ông. Cách trả lời của các giới chức chịu trách nhiệm về nông nghiệp và đất đai coi như bằng không và đất thì đã được chuyển giao. Tổ chức nhân quyền Licadho cho biết trong năm 2011, chính quyền đã dành cho các công ty tư nhân số đất lên đến 2,3 triệu mẫu. Và số đất được nhượng quyền khai thác cứ tăng dần mỗi năm. Hành động vi phạm lệnh cấm do Thủ Tướng ban hành ngày 7/5 khiến cho giới báo chí, các tổ chức nhân quyền địa phương, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường và sau hết là người dân có quyền nghi ngờ về lệnh mới ban ra ngày hôm qua do chính ông Hun Sen công bố trên hệ thống truyền thanh và truyền hình của nhà nước. Lệnh mới do ông Hun Sen ban hành có thể khởi đi từ sự bất bình của công luận khi 13 phụ nữ bị giam cầm vì dám đứng lên đấu tranh đòi lại đất và nhà của họ. Cách đây vài ngày, những ai đi ngang cổng Hoàng Cung Phnom Penh đều thấy các em nhỏ đứng biểu tình để thỉnh cầu Quốc Vương Sihamoni giúp can thiệp với chính quyền thả mẹ của các em ra khỏi nhà tù Prey Sar. Đây là cảnh tượng mủi lòng, khi các em nhỏ dấn thân vì sự tự do của người sinh ra mình. Mẹ của các em là một trong số 13 phụ nữ đang bị giam cầm vì đã can đảm đứng ra tranh đấu cho quyền lợi của họ trong vụ đuổi nhà tại hồ Boeng Kak. 13 phụ nữ bị chính quyền kết án 2 năm rưỡi tù, . một bản án mà theo nhiều là sự bất công. Những người đàn bà nghèo khó đã mất nhà, mất đất lại còn bị giam cầm trong một nhà tù đông người, thiếu điều kiện vệ sinh, trong khi con họ còn nhỏ dại không ai nuôi nấng. Trong tuần này Bộ Tư Pháp đã yêu cầu tòa án Phnom Penh xem xét hồ sơ của 13 phụ nữ nhằm bảo đảm sự minh bạch và công lý. Trước đó, nhiều cư dân tại hồ Beoung Kak đã gởi kiến nghị thỉnh cầu Bộ Tư Pháp thả 13 phụ nữ này ra. Các phụ nữ này đã biểu tình vào ngày 22/05, sau đó có thêm hai phụ nữ bị bắt vì can đảm phản đối chính quyền ngay tại tòa án. Thế nhưng phó công tố viên của tòa án Phnom Penh Cheth Khemra lại nói ông không biết gì về hồ sơ này và cũng không biết chuyện Bộ Tư Pháp gởi công văn yêu cầu xem xét lại bản án. Ông Ou Kong Chea, chồng của bà Tep Vanny, một đại diện của cư dân tại hồ Boeung Kak cho biết vợ ông và thêm 5 phụ nữ đã tuyệt thực trong nhà tù Prey Sar và sức khỏe họ hiện nay suy giảm nhiều. Hồ Boeung Kak đã được một thượng nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền hợp tác đầu tư với công ty Trung Quốc. Khu đô thị mới, sang trọng hiện đại chưa mọc lên, nhưng nước mắt dân nghèo đã rơi quá nhiều trên mảnh đất này. |
#9 | |||
| |||
Coca-Cola sẽ trở lại Miến Điện sau 60 năm VOA - 15.06.2012 Người tiêu dùng Miến Điện sẽ sớm có cơ hội thưởng thức một chai nước ngọt Coca-Cola. Coca-Cola hôm qua thông báo rằng lần đầu tiên sau hơn 60 năm, họ sẵn sàng khởi động kinh doanh ở Miến Điến. Công ty cho biết đang chờ chính phủ Hoa Kỳ cấp giấy cho phép các doanh nghiệp Mỹ đầu tư ở Miến Điện, một động thái mà Coca-Cola cho là sẽ sớm được chuẩn thuận. Hoa Kỳ đã dỡ bỏ một số biện pháp chế tài đối với Miến Điện sau khi nước này bắt đầu tiến dần tới dân chủ. Công ty Coca Cola cho biết họ cấp 3 triệu đôla để hỗ trợ các sáng kiến về kinh tế và tạo công ăn việc làm cho phụ nữ ở Miến Điện. Công ty này cũng cho hay Miến Điện là một trong ba nước mà hiện thời Coca-Cola không hoạt động kinh doanh. Hai nước kia là Cuba và Bắc Triều Tiên. |
#10 | |||
| |||
Phật tử biểu tình bên ngoài sứ quán Miến Điện ở Thái Lan VOA - 15.06.2012 Các tín hữu Phật giáo sinh sống ở Thái Lan tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Miến Điện ở Thái Lan, kêu gọi chính quyền Miến Điện phải hành động để ngăn chận vụ bộc phát bạo động phe phái gần đây tại bang Rakhine ở miền Tây Miến Điện. Những người biểu tình đòi chính phủ Miến Điện phải hành động quyết liệt chống lại thành phần mà họ gọi là “những kẻ khủng bố người Rohingya Bangladesh”, hay Hồi giáo, mà họ quy lỗi là đã gây ra bạo động. Các giới chức Miến điện nói vụ bộc phát bạo động phe phái mới nhất đã giết chết 28 người, và trở thành vụ bạo động phe phái tệ hại nhất tính từ nhiều năm qua. Các giới chức nói bạo động giữa người sắc tộc Rakhine và người Rohingya đã gây tử vong và thiệt hại tài sản cho cả hai bên. Họ nói hàng chục ngàn người đã bị buộc phải dời cư, hơn 2,500 nhà cửa bị phóng hỏa, trong khi lương thực và nước uống trở nên hiếm hoi. Ông Vijay Nambiar, cố vấn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon về vấn đề Miến Điện, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý tình hình một cách hết sức tế nhị. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét