Nguyễn Quang Duy - Sau khi Liên Xô và Khối Đông Âu sụp đổ, đảng Cộng sản phải mở cửa giao thương với thế giới tự do. Càng mở cửa đảng Cộng sản càng cần ngọai tệ. Muốn có ngọai tệ thì phải bán đất, bán rừng, bán sông, bán biển, bán tài nguyên thiên nhiên, bán thanh niên, bán thanh nữ, có gì bán được thì bán. Không bán thì đi vay, đi mượn, đi xin để nuôi dưỡng cả guồng máy cai trị: đảng, nhà nước, đòan thể, báo chí và nhất là các Tập Đòan Doanh Nghiệp. Chỉ cần thiếu tiền để gắn bó và nuôi dữơng hệ thống này là dẫn đến bất ổn xã hội rồi bất ổn chính trị và cuối cùng là sự tan rã của chế độ.
Biết thế Thủ tướng nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã làm đủ cả, làm đúng bài bản, làm tốt hơn những người khác. Khổ nỗi tài nguyên thì ngày càng cạn kiệt, vay xin thì ngày một khó khăn, trong khi ấy nguồn tài nguyên dồi dào tại biển Đông lại bị đồng chí đàn anh Trung cộng phong tỏa.
Túng thế làm liều ngày 26-5-2011 Nguyễn Tấn Dũng phải đột phá cho loan tin tàu Trung cộng cắt cáp tàu Bình Minh. Đến tháng 11-2011, trước Quốc hội Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng ra dấu hiệu muốn thóat khỏi vòng tay ôm ấp của đàn anh Trung cộng, chính thức Tuyên bố hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Quyết định và hành động đã đưa Nguyễn Tấn Dũng gần hơn với cựu thù Hoa Kỳ.
Phóng lao lại phải tiếp tục theo lao, ngày 3-6-2012 vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng lại làm một cú ngọan mục khi đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Edward Panetta bằng cách quét người Tầu mời người Mỹ vào vịnh Cam Ranh. Việc làm gây không ít dư luận đảng Cộng sản đang tìm chỗ dựa mới ở Hoa Kỳ và họ theo Mỹ chống Tầu. Bài viết này xin trình bày một số điểm nổi bật trong chuyến viếng thăm này nhằm đưa ra một số nhận định mong đóng góp cho công cuộc đấu tranh chung.
Tổng Cục 2 báo cáo Dân Làm Báo
Trong vài tuần qua Diễn Đàn Dân Làm Báo liên tục phổ biến nhiều Báo Cáo được cho rằng phát xuất từ Tổng Cục Tình Báo Cộng Sản Việt Nam - Tổng Cục 2. Nếu đây là sản phẩm của Tổng Cục 2 thì những Báo Cáo này được họ cố tình tung ra vào đúng thời điểm Hoa Kỳ cho công bố Chiến Lược Quân Sự tại Thái Bình Dương. Trong đó có ba Báo Cáo đáng chú ý.
Bản thứ nhứt báo cáo cuộc tiếp xúc với Phó Đại sứ Mỹ bà Claire Pierangelo, Nhân viên Phòng chính trị Bộ Ngoại giao Mỹ ông Gary; Nhân viên Bộ Quốc Phòng Thiếu tá pháo binh Mỹ ông Greg và Đại úy thủy quân lục chiến Mỹ ông Chuck. Theo báo cáo nhận xét của phía Hoa Kỳ thì tình trạng kinh tế - xã hội Việt Nam là rất yếu kém, xuất hiện những tư tưởng thân Mỹ bài xích Trung cộng đang khiến người dân mất niềm tin vào đảng và chế độ cộng sản. Bản báo cáo nêu lên một điểm đáng chú ý là người Mỹ tin rằng chỉ cần một cú hích nhẹ của Mỹ vào các thời điểm, tình huống phù hợp thì chế độ cộng sản sẽ sụp đổ.
Báo Cáo có nhắcđến nhận định của Phó Đại sứ Mỹ bà Claire Pierangelo như sau: “Vấn đề của Chính phủ VN hiện nay không phải do bên ngoài đem tới mà chính là vấn đề tự thân của Chính phủ VN. Nếu không giải quyết được các vấn đề này thì chính VN sẽ gặp rắc rối lớn mà không cần ai/nước nào can thiệp... Trước đây, Chính phủ Mỹ từng nghĩ rằng, Mỹ sẽ phải bằng cách này hay cách khác đổ thật nhiều tiền vào VN mới có thể đạt được các mục đích của mình, nhưng hiện nay việc làm này không còn cần thiết nữa. Chính phủ Mỹ không cần phải can thiệp hoặc đổ quá nhiều tiền vào VN, chỉ cần có những tác động cụ thể trong từng giai đoạn phù hợp, những tình huống nhất định thì Mỹ có thể đạt được mọi điều mình mong muốn ở VN”.
Bản Báo Cáo thứ hai là tin tức thu nhặt được khi tham dự buổi làm việc nội bộ của Phòng Thương Mãi Hoa Kỳ (Amcham) Hà Nội. Bản Báo Cáo này cho biết từ đầu năm 2012 đến nay và trong những ngày tới, Hoa Kỳ liên tục cử các phái đoàn hoạt động trên nhiều lĩnh vực sang thăm Việt Nam nhằm mục đích thúc đẩy Việt Nam sớm ký kết việc nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược với Hoa Kỳ. Bản Báo Cáo có nhắc đến ý định viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông Leon Edward Panetta.
Còn bản thứ ba là báo cáo về tiếp xúc với một nhân viên Ngoại giao Mỹ gốc Việt hiện làm việc tại Cục Đông Á – Thái Bình Dương. Bản này lại cho rằng trong nội bộ Mỹ vẫn còn nhiều vấn đề chưa thống nhất liên quan đến việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Mỹ. Mỹ có thể sẽ lợi dụng vấn đề quan hệ đối tác chiến lược để tiếp tục tăng sức ép đối với Việt Nam trong các lĩnh vực nhạy cảm như dân chủ - nhân quyền, quốc phòng và an ninh. Vì hầu hết tin tức của bản Báo cáo này có thể dễ dàng tìm thấy trên các diễn đàn mạng dân chủ, bản này là bản duy nhất được cấp trên chính thức phê chuẩn đồng ý.
Quét Tầu mời Mỹ
Trước chuyến viếng thăm của ông Panetta ít ngày, báo chí trong nước rộ lên tình trạng người Tầu "núp bóng" thương nhân nuôi, mua và bán cá tại vịnh Cam Ranh. Mặc dù họat động của những người tầu rất lộ liễu nhưng nhà cầm quyền địa phương biết lại chẳng làm gì. Từ các bè nuôi cá này, người Tầu có thể quan sát Quân cảng Cam Ranh và tàu bè ra vào Vịnh. Tin mới nhất cho biết những người Tầu trên Vịnh Cam Ranh đều biến mất không để lại dấu vết gì. Phải chăng đây là dấu hiệu quét sạch gián điệp Trung Cộng sân nhà để mời gọi Hoa Kỳ trở lại vịnh Cam Ranh ?
Hoa Kỳ trở lại Vịnh Cam Ranh
Sau khi công bố chiến lựơc quốc phòng tại Hội Nghị đối thoại an ninh khu vực ở Singapore, để mở đầu chuyến công du 3 ngày tại Việt Nam, thay vì đến Hà Nội ông Leon Panetta đến thăm tàu USNS Richard E. Byrd thuộc Hải Quân Mỹ vừa vào Vịnh Cam Ranh. Lá Quốc Kỳ tung bay và bài Quốc Ca Hoa Kỳ đã được xướng lên ngay trên Vịnh Cam Ranh một khu vực đã từng là căn cứ chiến lược của Hoa Kỳ. Việc một bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ viếng thăm một tàu Hải Quân tại thời điểm Hoa Kỳ tuyên bố chiến lược quân sựcủa họ tại Thái Bình Dương đúng là tin sốt dẻo nên được hầu hết các cơ quan truyền thông quốc tế đưa tin và bình luận.
Ngay khi bản tin còn nóng nhà báo Ngô Nhân Dụng đã tự đặt 12 câu hỏi về chuyến viếng thăm Cam Ranh để dẫn đến kết luận con tàu chỉ là một sân khấu nổi trong Vịnh Cam Ranh để ông Leon Panetta đóng tuồng. Theo nhà báo Ngô Nhân Dụng vở tuồng là tín hiệu gởi đến Trung cộng : "Nước Mỹ sẽ bảo vệ quyền tự do hàng hải trong vùng Ðông Nam Á cũng như khắp thế giới. Nước Mỹ sẽtăng cường giúp các nước Châu Á Thái bình Dương tự vệ.”
Vai chính của vở tuồng là Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông Leon Edward Panetta lại luôn nở một nụ cười đáp trả sự nồng nàn đón tiếp của giới chức quân sự Việt Nam. Điều này cho thấy sự thành công của vở tuồng: Quân Đội Hoa Kỳ trở lại Cam Ranh và được Quân Đội Việt Nam nồng nàn đón tiếp.
Từ phía Trung Cộng Thiếu tướng Doãn Trác nhận xét như sau: “Việt - Mỹ chắc chắn không thể trở thành đồng minh trong giai đoạn hiện nay. Mỹ muốn dùng vịnh Cam Ranh, ly gián quan hệ Việt-Trung. Hiện nay, Việt Nam thiếu ngoại hối, kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.... Trong tình hình đó, lợi ích thương mại trong quan hệ với Mỹ thu được từ sửa chữa tàu thuyền, tiếp tế ở vịnh Cam Ranh cũng rất quan trọng. Điều quan trọng hơn là, Mỹ hiện diện ở khu vực này để ly gián quan hệ Trung-Việt”. Nhận xét của ông Trác khá khách quan và chính xác.
Trước đó ít hôm, ngày 31-5-2012 Thượng tướng Trương Quang Khánh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chuẩn đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Hải quân; Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, Phó Tư lệnh Hải quân đã đến Căn cứ quân sự Cam Ranh để dự lễ khởi công nhà máy sửa chữa tàu chiến lớn nhất tại Việt Nam. Bản tin nói rõ “Nhà máy X52 Hải quân sẽ làm nhiệm vụ sửa chữa, bảo trì kỹ thuật cho các loại tàu quân sự của quân đội và Hải quân Việt Nam; đồng thời sẽ làm dịch vụ sửa chữa cho các loại tàu trong và ngoài nước.”
Khi Hoa Kỳ chưa xem Cộng sản Việt Nam là đồng minh thì cùng lắm Cam Ranh là một địa điểm tốt để Hoa Kỳ bảo trì và tu sửa tàu bè. Như thế thay vì phải thuê bao và xây dựng một căn cứ tại Vịnh Cam Ranh rất tốn kém, nay tàu bè quân sự Hoa Kỳ được thường xuyên ra vào Vịnh và lãnh hải Việt Nam. Từ Cam Ranh và lãnh hải Việt Nam Hoa Kỳ sẽ kiểm sóat được tòan bộ Châu Á Thái Bình Dương. Rõ ràng Hoa Kỳ đã lấy lại Cam Ranh lấy lại Việt Nam mà không cần phải đổ thật nhiều tiền đúng như Báo Cáo của Tổng Cục 2.
Bỏ cấm vận vũ khí…
Đến ngày 4-6-2012, tại Hà Nội ông Leon Panetta đã được Bộ Trưởng Quốc Phòng Phùng Quang Thanh và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trải thảm đỏ đón rước. Trong cuộc gặp gỡ, Nguyễn Tấn Dũng đã ngỏ ý đề nghị Hoa Kỳ hủy bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Đây là lần đầu tiên nhà cầm quyền cộng sản trực tiếp và công khai đề nghị gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.
Ngày 4-6-2012, được diễn đàn BBC phỏng vấn Thứ Trưởng Bộ quốc phòng trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: “Việc bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam mang ý nghĩa biểu tượng là chủ yếu vì không thể có quan hệ lành mạnh, bình đẳng mà nước này lại cấm vận với nước kia. Bỏ cấm vận sẽ tạo tin tưởng rằng Mỹ tôn trọng Việt Nam. Chừng nào chưa bỏ cấm vận thì Mỹ cũng chưa thể nói rằng hai bên đã có quan hệ lành mạnh và bình đẳng. Tuy nhiên đây là công việc mang tính chính trị là chủ yếu, còn cho tới nay Việt Nam chưa có nhu cầu mua vũ khí, trang bị của Mỹ.”
Trong cùng ngày Bộ trưởng quốc phòng Đại Tướng Phùng Quang Thanh lại tuyên bố như sau:“Nếu được dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, chúng tôi có nhu cầu mua một số loại trước hết để sửa chữa, bảo quản, nâng cấp các loại vũ khí chúng tôi thu được trong chiến tranh. Sau đó, nếu khảnăng tài chính cho phép, chúng tôi sẽ từng bước hiện đại hóa quân đội, sẽ lựa chọn mua những loại trang bị vũ khí phù hợp yêu cầu hiện đại hóa quân đội của Việt Nam, giá cả cạnh tranh.”
Hai lời tuyên bố trái ngược nhau (1) dùng chính trị để trấn an quân đội và (2) quân đội cần vũ trang và thực lực để bảo vệ tổ quốc. Hai Tuyên bố thể hiện hai quan điểm trái ngược và đựơc hai thành viên Bộ Chính Trị đều thuộc cánh quân đội công khai bộc lộ.
Điều này cho thấy trước sự đe dọa của Trung cộng, bên trong và bên trên Quân Đội càng ngày càng có nhiều đòi hỏi thay vì chỉ bị nhồi nhét những giáo điều chính trị, Quân Đội phải được võ trang và hiện đại hóa để sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Không đựơc trang bị đầy đủ khi chiến tranh xảy đến quân nhân và gia đình của họ là những người đầu tiên phải gánh chịu hy sinh. Qua các bài như “Quân Đội Nhân Dân Sẽ Làm Lên Việc Lớn”, “Quân Đội Nhân Dân Trong Cao Trào Dân Chủ Việt Nam” hay “Việt Nam Theo Đường Miến Điện?” người viết nhiều lần đề cập việc này.
Lời tuyên bố của ông Phùng Quang Thanh còn nói lên sự thực đảng Cộng sản không còn khả năng tài chánh để vũ trang hay tân trang cho Quân Đội. Họ đang cần mua thiết bị để sửa các vũ khí thu được từ chiến tranh 1975. Và vì thế đứng trước sự đe dọa của chiến tranh do Trung cộng gây ra, Quân Đội phải dựa vào Hoa Kỳ.
Trước đây, Quân Đội còn có được một số độc quyền kinh tế. Ngày nay các lợi quyền kinh tế đã bị Nguyễn Tấn Dũng lấy lại và chia cho các Tập Đòan Kinh Tế Quốc Doanh. Trong cuộc tranh giành quyền lực ai nắm được quân đội là nắm được thực quyền, Nguyễn Tấn Dũng phải tìm những phương cách để chứng tỏ ông là người được Hoa Kỳ hỗ trợ.
…Cần đi với nhân quyền
Để trả lời cho yêu cầu của Nguyễn Tấn Dũng, khi được truyền hình Việt Nam phỏng vấn Bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta cho biết việc bán vũ khí chỉ được thực hiện khi nhân quyền đã được cải thiện. Quyền bỏ phiếu chấp thuận bán vũ khí là quyền của Quốc hội Hoa Kỳ.
Quyền gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho cộng sản Việt Nam cũng gián tiếp là quyền của cả triệu cử tri gốc Việt đang sinh sống tại Hoa Kỳ. Tập thể này luôn hướng về Việt Nam với một quyết tâm phải mang lại tự do dân chủ cho bạn bè, gia đình, đồng bào của họcòn trong vòng lao tù cộng sản. Con số 150 ngàn chữ ký Thỉnh Nguyện Thư nhân quyền vừa rồi đã tạo thêm quyết tâm cho các dân biểu nghị sĩ luôn đấu tranh cho nhân quyền tự do dân chủ tại Việt Nam. Đồng thời nó đánh thức những dân biểu nghị sĩ xưa nay có cảm tình với nhà cầm quyền cộng sản. Vì thế việc bán vũ khí cho cộng sản Việt Nam đã xa vời nói chi đến việc được hân hạnh trở thành một đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ.
Không chỉ riêng tại Hoa Kỳ Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu cũng đang tiến hành vận động nhân quyền cho Việt Nam. Hạn chót để ký thỉnh nguyện thư là vào ngày 17-6-2012. Ngày 21-6-2012 Cộng Đồng sẽ trình số chữ ký có được đến Quốc Hội Liên Bang. Hiện tại số người ký đã lên đến gần 50 ngàn người. Mỗi chữ ký của chúng ta là viên gạch lót đường cho tự do dân chủ tại Việt Nam, nếu bạn đọc chưa ký xin vào www.kienghithu.com để góp một bàn tay.
Bài học lịch sử cho tình hình hiện nay
Trong những ngày tháng 8 năm 1945, tại Huế, Sài Gòn và Hà Nội lực lượng của những tổ chức chính trị Quốc Gia mạnh gấp trăm lần lực lượng của Việt Minh Cộng Sản. Tiếc thay chỉ vì thiếu sáng suốt tin rằng Việt Minh đã được Đồng Minh Hoa Kỳ ủng hộ họ đã trao quyền lực cho đảng Cộng sản để đưa đất nước đến hiện trạng.
Đảng Cộng sản hiện đang lâm vào bế tắc. Tiền chi tiêu ra quá nhiều còn tiền họ thu vào thì càng ngày càng ít đi. Họ đang thiếu tiền để nuôi dưỡng một guồng máy cai trị khổng lồ. Vừa qua Bộ Tài Chính phải chính thức loan báo không đủ ngọai tệ để cấp học bổng cho sinh viên du học. Gần đây các báo tố nhau là báo lá cải, vì tiền, chỉ loan các tin “ước át và nóng hổi” nhằm thu hút độc giả. Ngày 9-6-2012, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng lại phê bình báo Nhân Dân là “khô khan” và đề nghị báo này tuyên truyền chính trị một cách “có nghệ thuật”. Phải chăng đây là một dấu hiệu hết tiền để chi cho các cơ quan tuyên truyền chính trị?
Trong khi đó về chính trị một cao trào bên trong đảng Cộng sản đòi hỏi thóat ly khỏi ảnh hưởng của Tầu cộng mỗi ngày một tăng và đòi hỏi thay đổi thể chế ngấm ngầm nhưng càng ngày càng bùng nổ. Đảng Cộng sản thừa biết “theo Tầu mất nước, theo Mỹ mất đảng” nhưng họ không còn con đường nào khác là phải theo Mỹ.
Cuộc diện chính trị thế giới đã xoay chuyển, Hoa Kỳ đã công khai cho biết thay đổi thể chế là con đường duy nhất chế độ cộng sản Việt Nam phải theo. Những thay đổi dồn dập cho thấy Hoa Kỳ chẳng tốn kém bao nhiêu để phân hóa cộng sản Việt và cộng sản Tàu, cũng như phân hóa nội bộ tầng lớp cầm quyền cộng sản Việt Nam.
Hoa Kỳ đã dùng binh pháp công tâm với vũ khí nhân quyền tự do dân chủ, công lương đánh vào khả năng tài chánh cộng sản và công đồn là lấy lại Cam Ranh không tốn một viên đạn. Hoa Kỳ biết rõ người nắm thực quyền đảng Cộng sản Nguyễn Tấn Dũng đang đánh một thế cờ là theo Mỹ để cứu đảng.
Ông Dũng cũng như giới chức cầm quyền cộng sản đã chứng kiến cảnh dân chúng các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông nổi dậy và giới cầm quyền tại đây bị quần chúng trừng phạt những tội ác do chúng gây ra. Theo Mỹ là giới chức cộng sản chọn con đường hạ cánh an tòan được bảo đảm nhân quyền hay ít nhất là mạng sống của họ và gia đình. Theo Mỹ đồng thời cũng chỗ dựa và là chỗ lưu thân nếu thế cờ không như ý họ thu xếp. Vì thế theo Mỹ cứu đảng viên là thế cờ càng ngày càng được giới chức cộng sản nhất là những giới chức quân đội ủng hộ. Kết quả chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã chứng minh điều này.
Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Những ngày sắp tới sẽ còn nhiều biến động chính trị, thậm chí có biến động có thể thay đổi thể chế như đã xảy ra tại Miến Điện hoặc hơn thế nữa.
Bất cứ tình huống nào cũng đòi hỏi những người, những tổ chức đang đấu tranh cho tự do dân chủ phải chủ động và sáng suốt, biết người biết ta thì dân tộc Việt Nam mới có cơ may giành lại quyền làm chủ đất nước, quyền tự do dân chủ.
Bằng ngược lại Việt Nam lại rơi vào những vở tuồng dân chủ từ đạo diễn đến diễn viên là những ngọai nhân Hoa Kỳ như vở tuồng trên Vịnh Cam Ranh. Có khi chính người Hoa Kỳ cũng không muốn ôm đồm vừa dựng tuồng còn phải công khai ra mặt đóng phim.
15-6-2012
Melbourne, Úc Đại Lợi
Nhập ý kiến của bạn
Xem 18 ý kiến