Niêm Hà (NLĐ) - Nhiều tháng qua, tại cảng cá An Phú (xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa - Quảng Ngãi) luôn có thương lái Trung Quốc túc trực thu mua hải sản, ngư dân bị thất thu vì thương lái câu kết với đầu nậu
Trong hai ngày 7 và 8-6, chúng tôi về cảng cá An Phú, không khí buôn bán khá nhộn nhịp. Hiện cảng cá này có 2 người Trung Quốc dưới danh nghĩa thương lái thu mua hải sản túc trực từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Trong đó, có một người tên Lu De Chu (SN 1961) sinh sống tại đây hơn 10 năm qua. Người còn lại tên Guo Peng (SN 1991).
Thương lái và đầu nậu giữ giá
Cả hai người này đều tạm trú tại nhà ông Trần Văn Ngô và bà Lê Thị Kiểu (thôn Cổ Lũy Bắc hay còn gọi là thôn Làng Cá). Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết 2 người này thuê luôn ngôi nhà của ông Ngô để ở và làm nơi thu mua hải sản. Hai người Trung Quốc này thường ra bến cá mỗi khi có tàu cá của ngư dân cập cảng và xem hàng, sau đó nói nhỏ với đầu nậu về chất lượng cá. Khi thấy chúng tôi đưa ống kính máy ảnh lên chụp, 2 người này nhanh chóng che mặt và bỏ vào trong nhà kéo cửa lại.
Ông Lê Văn Bàn, trưởng thôn Cổ Lũy Bắc, cho biết từ ngày 2 người này đến mua cá tại địa phương, nhiều ngư dân bị thất thu bởi hầu hết các chủ tàu đi đánh bắt xa bờ đều phụ thuộc đầu nậu là bà Kiểu. “Ngư dân nghèo, gom góp đóng được con tàu là mừng rồi, còn tổn phí ra khơi đều mượn ở nậu nên khi ghe về đến cảng đều phải bán cho nậu đã cho mượn tiền nên bị ép giá. Còn giá cả giữa nậu và người Trung Quốc thì bí mật nên không được tiết lộ” – ông Bàn cho hay.
Bốn thương lái Trung Quốc hoạt động trong thời gian dài tại khu vực cửa khẩu biển An Phú và thuê nhà ở trọ tại xã Nghĩa An nhưng chính quyền địa phương không hay biết
Ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú, cho biết khi chính quyền phát hiện xử phạt thì chủ nậu mới đến khai báo và cũng không hề đưa những người Trung Quốc này đến trình diện nên chính quyền địa phương cũng chẳng biết mặt mũi những người này. “Dường như đầu nậu đã “bảo kê” trọn gói cho người Trung Quốc đến địa bàn sinh hoạt nên rất khó quản lý. Luật thì chỉ xử phạt hành chính, nặng nhất là trục xuất khỏi địa phương. Không có biện pháp chế tài nào mạnh tay hơn” – ông Dũng nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu năm đến nay có ít nhất 20 người Trung Quốc về đây thu mua hải sản. “Sau Tết đến cuối tháng 4, người Trung Quốc ở đây đông lắm. Nhưng từ ngày báo chí đưa tin người Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp ở nhiều địa phương thì chưa đến một tuần, những người Trung Quốc đó bỏ đi lúc nào không hay” - ông Bàn kể.
Không biết để kiểm tra (?)
Cách đây 2 tháng, chúng tôi về cảng cá An Phú và thấy có 4 người Trung Quốc thu mua hải sản tại nhà bà Kiểu. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 2 người khác đến thay thế. “Những người này đến đi thoắt ẩn thoắt hiện nên không biết quản lý thế nào. Họ đi taxi từ TP Quảng Ngãi xuống làm việc. Cách đây một tuần họ ngủ qua đêm liên tục ở đây.
Nhiều lần chúng tôi đi kiểm tra và thấy những người này đang ở trong nhà thuê của bà Kiểu nhưng cũng chỉ nhắc nhở chứ không có thẩm quyền xử phạt” – ông Bàn nói. Còn theo ông Phạm Thanh Vũ, Trưởng Công an xã Nghĩa Phú: “Cách đây 2 tháng, chúng tôi phát hiện 3 người Trung Quốc đang sinh hoạt tại địa phương. Chúng tôi xử phạt hành chính và yêu cầu phải làm “giấy xin phép vào khu vực biên giới” thì chủ nậu là DNTN Bình Châu có trụ sở tại xã Nghĩa Dũng, TP Quảng Ngãi đứng ra “lo trọn gói” . Khi được cấp giấy, 2 ngày sau, những người Trung Quốc này đã “biến mất” khỏi địa bàn”.
Bà Võ Thị Lệ Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết trước Tết Nguyên đán có một người Trung Quốc đến ở và thu mua mực tại nhà ông Trần Hữu Hưng (thôn Phổ An) và sau tết có hai người một nam một nữ đến mua mực nhưng họ đến rồi đi nhanh chóng nên không biết để kiểm tra.
Kỳ tới: Người trồng khóm méo mặt
Bài và ảnh: NIÊM HÀ
Nhập ý kiến của bạn
Xem 1 ý kiến