Tình hình biển Đông căng thẳng hơn trong năm 2012
Việt Hà, phóng viên RFA
2012-06-30
Trong khi xung đột giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh khu vực bãi cạn Scarborough shoal chưa kịp lắng dịu thì mới đây công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc đã công bố mời các công ty nước ngoài đấu thầu tham gia khai thác dầu khí tại khu vực thuộc thềm lục địa của Việt Nam.
Những diễn biến mới này cũng là đề tài được các học giả Việt Nam và Philippines đề cập đến rất nhiều trong cuộc hội thảo về an ninh biển Đông do Trung tâm chiến lược và nghiên cứu quốc tế tổ chức từ ngày 27 đến 28 tháng 6 vừa qua tại Washington DC.
Phóng viên Việt Hà có cuộc phỏng vấn ngắn với tiến sĩ Đặng Đình Quý, Giám đốc học viện ngoại giao quốc gia Việt Nam bên lề cuộc hội thảo.
Dần dần từng bước
Việt Hà: Thưa ông, xin ông cho biết là với những diễn biến gần đây trên biển Đông, nhất là việc Trung Quốc mời các công ty đấu thầu khai thác dầu khí thuộc vùng chủ quyền của Việt Nam, theo ông so sánh thì tình hình biển Đông năm nay so với năm ngoái thế nào?TS. Đặng Đình Quý: Nó căng thẳng hơn vì nó nhiều hoạt động trên thực tế và những hoạt động đó nghiêm trọng hơn trước. Những năm trước thì còn ở mức độ thế nọ, mức độ thế kia, nhưng năm nay các hành động đó là tiến thêm một bước nữa trong việc khẳng định chủ quyền trên thực tế, trong tất cả các khu vực thuộc đường lưỡi bò. Đây là chiến lược mà Trung Quốc làm dần dần từng bước và liên tục như vậy theo hướng là dần dần đẩy tất cả mọi người ra khỏi đường lưỡi bò và chỉ còn một mình ở đấy duy nhất. Đó là hiện thực hóa yêu sách của họ. Điều đó hết sức nguy hiểm, nó tạo thành tiền lệ mà như thượng nghị sĩ Lieberman vừa nói là một hành động rất khiêu khích và nguy hiểm không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các nước trong khu vực.
Biển Đông quan trọng với cả thế giới
Việt Hà: Trước hành động đó của Trung Quốc thì ngoài việc Việt Nam lên tiếng phản đối ra thì theo ông các nước như Việt Nam và Philippines là những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hành động của Trung Quốc cần phải làm gì?
TS. Đặng Đình Quý: Tôi nghĩ là tất cả các nước trong khu vực Đông Nam Á, các nước liên quan trực tiếp là 5 nước 6 bên và tất cả các nước ở khu vực Đông Nam Á đều phải có những hành động lên tiếng trước các hành động như vậy. Ngoài những nước ở Đông Nam Á ra thì những nước sử dụng biển Đông như Mỹ, Nhật, Hàn, Úc, Ấn Độ cũng phải nên có thái độ rõ ràng với việc này.
Vì nếu chúng ta không có hành động rõ ràng thì các hành động tiếp theo sẽ tiếp tục leo thang và nó dẫn đến những hậu quả không lường trước được. Bởi vì Đông Nam Á hay là biển Đông không chỉ quan trọng với các nước liên quan mà còn quan trọng với tất cả các nước trên thế giới.
Việt Hà: Trong cuộc hội thảo ngày hôm nay, một số các chuyên gia cho rằng ASEAN có sự chia rẽ trong việc nói chuyện, bàn thảo với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, theo ông thì Việt Nam và Philippines là những nước lên tiếng mạnh mẽ nhất về các hành động của Trung Quốc cần phải làm gì để đưa ASEAN lại gần lại với nhau?TS. Đặng Đình Quý: Tôi không hoàn toàn nhất trí về chuyện ASEAN bị chia rẽ bởi vì trong vấn đề biển Đông thì các nước ASEAN có mức độ lợi ích khác nhau. Những nước có lợi ích liên quan trực tiếp như Philippines, Việt Nam, tiếp sau đó là Malaysia hay Brunei, tiếp theo nữa là Singapore hay Indonesia thì tất cả các nước đều có lợi ích cả nhưng mức độ không hoàn toàn như nhau. Vì lợi ích khác nhau nên quan điểm có lúc không đồng nhất, nhưng ASEAN thống nhất trong lập trường chung là duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông và thống nhất giải quyết vấn đề qua hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế là UNCLOS và DOC.
Bởi vì Đông Nam Á hay là biển Đông không chỉ quan trọng với các nước liên quan mà còn quan trọng với tất cả các nước trên thế giới.TS. Đặng Đình Quý
Cái đó là thống nhất. còn Việt Nam, Philippines, Indonesia và các nước khác luôn hướng tới các việc tăng cường đoàn kết không chỉ trong vấn đề biển Đông mà còn trong tất cả các vấn đề khác liên quan đến an ninh và phát triển tại khu vực, và Việt Nam vẫn tiếp tục làm như thế.
Việt Hà: Vừa rồi Việt Nam có thông qua luật biển, ông đánh giá về tác dụng của luật này trong việc giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền?
TS. Đặng Đình Quý: Đây là một hoạt động rất bình thường của một quốc gia ven biển. Theo tôi ở góc độ cá nhân, đáng ra phải ra luật biển từ lâu rồi vì Việt Nam là thành viên của công ước quốc tế về luật biển 1982, quá trình này là quá trình nội luật hóa các cam kết quốc tế của mình, và điều này khẳng định chủ quyền và tạo ra cơ sở pháp lý cho việc Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình, quản lý biển và phát triển biển, kinh tế biển, cho tương lai của Việt Nam, đồng thời cũng vì hòa bình ổn định trong khu vực. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu hướng chung của quốc tế, nước nhỏ xưa nay luôn tuân thủ luật pháp quốc tế vì hòa bình của cả khu vực.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông.
Theo dòng thời sự:
- Biển Đông đầy biến động
- Trung Quốc mở thầu nhiều lô dầu khí ngay trong thềm lục địa Việt Nam
- Trung Quốc mạnh mẽ chống lại Luật Biển của Việt Nam
- Trung Quốc mời thầu dầu trong lãnh hải VN với ý đồ chính trị
- Trung Quốc kêu gọi khối ASEAn đứng trung lập
- Vì sao Philippines không sợ Trung Quốc?
- Việt Nam trao Trung Quốc công hàm phản đối vụ CNOOC
- Scarborough: Trung Quốc thử thách Hoa Kỳ?
- Chiến thuật “Lộng giả thành chân” của Trung Quốc tại Biển Đông
- Thượng nghị sĩ Mỹ khẳng định mối quan tâm của Hoa Kỳ với Biển Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét