3.6.12

Việt Nam Tuần Qua



Tranh chấp đất đai và tình trạng nợ nần thua lỗ của các Tổng công ty nhà nước tiếp tục là các vấn đề thời sự gây nhiều bức xúc trong dư luận Việt Nam.

Courtesy Vietnamexodus
Ngày 14-3-2012, Dân Oan từ các Tỉnh như: Bình Thuận - Bình Dương - An Giang - Bến Tre - Tiền Giang - Đồng Tháp - Vĩnh Long - Sài Gòn v.v... kéo đến văn phòng chính phủ đại diện phía Nam, 210 Võ Thị Sáu - Sài Gòn, căng biểu ngữ đòi tài sản nhà đất bị cưỡng chế. (ảnh minh họa)

Đến phiên dân oan Miền Nam

Tuần này nếu ở miền Bắc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị cho chính quyền tỉnh Hưng Yên phải làm lại bản tường trình về những diễn biến của vụ cưỡng chế gây bất bình trong công luận với nhiều bằng chứng về việc công an đánh người, hành hung nhà báo; thì ở miền Nam, hàng trăm nông dân các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long lại tập trung về trước trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang để khiếu kiện đất đai.
Trả lời Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do, ông Sáu, một người có đất bị cưỡng chế có mặt trong đoàn người khiếu kiện cho biết:
“Chúng tôi ở dưới Tri Tôn tập trung trên 400 người tại Ủy Ban Tỉnh. Hiện nay chúng tôi kéo nhau về Ủy Ban Tỉnh để đấu tranh.
Chúng tôi có đem đơn thưa đến văn phòng Trung ương Đảng. Chúng tôi đi đến Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị Ủy ban Tỉnh phải giải quyết thỏa đáng cho bà con nhưng Ủy ban tỉnh cũng không chấp hành.”
Đi khiếu nại thì cũng như không có ai tiếp đâu?
Bà Mai
Cùng lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, Bà Mai, một nông dân huyện Chợ Mới nói rằng đã nhiều lần người dân theo đuổi khiếu kiện nhưng không được chính quyền giải quyết. Bà kể:
“Bà con đến đây khiếu nại vấn đề đất đai. Cái dự án này kéo dài đến 4 năm rồi mà soài thì không được chăm sóc, bây giờ vườn thì cây xơ xác, dân rơi vào tình trạng khốn đốn rồi cho nên nhiều lần gặp ủy ban tỉnh để yêu cầu thì ủy ban có hứa mà không giải quyết.
Chúng tôi có đến trụ sở tiếp công dân ở Hà Nội có văn bản về thì cũng nói là hứa vài hôm thì sẽ giải quyết. Dân yêu cầu nếu không làm thì UBND tỉnh ra quyết định hủy bỏ phương án này để cho dân sửa sang vườn tược lại để canh tác mà họ không trả lời, không giải quyết gì hết. Đi khiếu nại thì cũng như không có ai tiếp đâu?”
Được biết, những người dân này đã từng nhiều lần kêu cứu và gửi đơn kiến nghị, khiếu nại lẫn tố cáo đến nhiều cơ quan kể cả ra tận Hà Nội để kêu cứu nhưng không có kết quả.

15 dân oan Đắc Nông bị xét xử

dan-oan-daknong-250.jpg
Dân oan Dak Nông khiếu kiện tại Hà Nội, ảnh chụp tháng 2 năm 2012. Hình do thính giả RFA gửi.
Trong lúc tại hai đầu Nam – Bắc đất nước, các vụ khiếu kiện đất đai vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, thì tại miền Trung, tòa án tỉnh Đắc Nông hôm thứ Sáu đã đưa ra xét xử 15 người bị công an bắt giam từ tháng 4 năm ngoái khi họ chống lại đoàn cưỡng chế đất của chính quyền.
Tin cho hay, 15 người này thuộc trong số gần 200 người dân địa phương đã phục kích, ném đá, dùng bom và súng tự chế tấn công lực lượng cưỡng chế, khiến hai công an bị thương, phá hủy 9 xe máy xúc, máy ủi và một xe cứu thương.
Báo đài nhà nước giải thích vụ chống lệnh cưỡng chế là do tình trạng phá rừng không kiểm soát được, còn phía cư dân địa phương thì tố cáo địa phương lấy đất của họ để bán cho các công ty kinh doanh.

Lỗi hệ thống

tap-doan-cmbo-250.jpg
Các Tập đoàn cột trụ của kinh tế Việt Nam. RFA/internet.
Về kinh tế xã hội, Việt Nam Tuần Qua tiếp tục ghi nhận những phản ứng từ trong nước trước tình trạng thua lỗ, nợ nần của các Tổng công ty nhà nước.
Sau Vinashine đến lượt Vinalines bị phanh phui đã tiêu xài ngân sách quốc gia một cách vô tội vạ lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng, khiến công luận không thể không đặt câu hỏi về cơ chế điều hành tại các tập đoàn nhà nước này? Và đâu là vai trò thực sự của các Tổng công ty nhà nước trong nền kinh tế quốc dân?
Trả lời Nam Nguyên của Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, hiện đang giảng dạy tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng vụ sụp đổ Vinashin rồi bê bối thua lỗ ở Vinalines cùng nhiều tập đoàn tổng công ty nhà nước đã cho thấy tính bất cập của thể chế ở Việt Nam:
“Một cái hệ thống mà quyền hành tập trung, anh vừa đá bóng vừa thổi còi thì làm sao có một trận đá bóng gọi là công bằng được… Montesquieu ngày xưa đã nói có quyền sẽ sinh ra lạm quyền… quyền hành và tham nhũng nó quấn quýt với nhau như bóng với hình cho nên chuyện này chúng ta cứ mãi luẩn quẩn như thế.”
Montesquieu ngày xưa đã nói có quyền sẽ sinh ra lạm quyền… quyền hành và tham nhũng nó quấn quýt với nhau như bóng với hình cho nên chuyện này chúng ta cứ mãi luẩn quẩn như thế.
GSTS Nguyễn Thế Hùng
Cùng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nguyên thành viên ban tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ từ Hà Nội nhận định:
“Phải thay đổi tư duy về phát triển kinh tế, đặc biệt là vai trò giữa nhà nước và thị trường theo hướng làm sao giảm bớt sự tham gia của nhà nước nhất là trong các khu vực kinh doanh, giảm sự can thiệp của nhà nước vào các doanh nghiệp. Nhà nước tập trung vào công việc của nhà nước thôi, ngoài ra để thị trường làm. Có như vậy mới bớt được đầu tư công, mới bớt được doanh nghiệp nhà nước, mới bớt được hoạt động của các ngân hàng mà chủ yếu lại phục vụ đầu tư công cho doanh nghiệp nhà nước.”
Dưới cái nhìn của một công dân, thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Thường Tín Hà Nội, cho rằng cách làm ăn phá sản của Vinashin, Vinalines gây tổn thất lớn lao cho đất nước và chính người dân phải lãnh những món nợ này. Ông nói:
“Tiền thuế của nhân dân, cổ phiếu mà họ gắp ra là tiền bạc của nhân dân thôi, họ đầu tư làm ăn thua lỗ mất tiền nhà nước cũng là tiền của nhân dân… nó làm cho nền kinh tế phát triển chậm xuống, nhân dân giống như con bò sữa để nuôi những vị lãnh đạo các công ty đó và đất nước này nó phát triển trong trạng thái là không hiệu quả.”

Quan hệ VN cũng quan trọng

leon-panetta-200.jpg
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong một bài phát biểu ở căn cứ không lực Yokota tại Tokyo vào ngày 24/10/2011. AFP Photo/Toshifumi Kitamura.
Trong lĩnh vực bang giao quốc tế, cuối tuần này Việt Nam sẽ đón tiếp nhân vật đang điều khiển ngành quốc phòng Hoa Kỳ.
Nhận định về mục đích chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng giảng dạy môn bang giao quốc tế tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ cho rằng:
“Chúng ta thấy là Việt Nam với Mỹ gần đây quan hệ đã càng thăng tiến và nhất là quan hệ quốc phòng, có những vấn đề mà họ tìm cách đi sát lại gần nhau, chúng ta thấy là trong vùng biển 3 quốc gia đó, thì điều này cho thấy là Mỹ cũng thấy là quan hệ với Việt Nam cũng là quan trọng trong chính sách ngoại giao của người Mỹ.”
Theo lịch trình, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta sẽ có mặt tại Hà Nội từ ngày 2 đến 5 tháng 6 trong khuôn khổ chuyến công du Châu Á nhằm khẳng định chính sách hướng về Á Châu của Mỹ cũng như gia tăng sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, mà Việt Nam là một đối tác quan trọng.
Việt Nam Tuần Qua và Diễm Thi xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại quý khán thính giả vào giờ này tuần sau!

Theo dòng thời sự:

Ý kiến của Bạn

Không có nhận xét nào: