RFA 09.06.2012
Hợp tác quân sự với Hoa Kỳ trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Obama triển khai chiến lược quốc phòng mới, gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đang là vấn đề thu hút sự quan tâm theo dõi của cả dư luận Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực.
Quyết tâm trở lại Châu Á
Lần đầu tiên kể từ ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc, một Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đặt chân trở lại quân cảng Cam Ranh, công khai tuyên bố quân đội Mỹ muốn gia tăng sự hiện diện tại các vị trí chiến lược ở Châu Á, trong đó Việt Nam là một đối tác quan trọng.
Đến Việt Nam sau khi tham dự đối thoại an ninh khu vực ở Singapore cuối tuần qua, thay vì đáp máy bay đến Hà Nội như thông lệ của các chuyến viếng thăm mang nhiều tính nghi lễ, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta đã chọn quân cảng Cam Ranh, làm nơi đặt chân đầu tiên đến Việt Nam.
Ông Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới thăm Cam Ranh là một dấu hiệu quyết tâm mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với việc rời bỏ các điểm sôi động khác của thế giới để tới Châu Á Thái Bình Dương.
GS Carl Thayer
Chọn Cam Ranh làm điểm đến ngay sau Đối thoại An ninh châu Á tổ chức tại Singapore, ông Paletta dường như muốn cụ thể hóa chiến lược an ninh mới của Mỹ, theo đó Hoa Kỳ sẽ triển khai tới 60% lực lượng hải quân và không quân ở Thái Bình Dương.
Nói với báo chí tại cảng Cam Ranh - nơi từng là căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ trước 1975, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa kỳ Leon Panetta cho biết: “Cả hai chính phủ Hoa kỳ và Việt Nam đã đi một chặng đường dài trong việc thăng tiến các quan hệ song phương. Cụ thể trong quan hệ quốc phòng, Hoa kỳ và Việt Nam đã có một mối quan hệ rất phức tạp, nhưng hai nước sẽ không bị ràng buộc bởi quá khứ.”
Theo dõi những chuyển biến trong chính sách của Hoa Kỳ tại Á Châu – Thái Bình Dương, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nhận định:
“Ông Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tới thăm Cam Ranh là một dấu hiệu quyết tâm mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với việc rời bỏ các điểm sôi động khác của thế giới để tới Châu Á Thái Bình Dương.”
“Không! Cho tới khi nào vấn đề nhân quyền được cải thiện.”
Về phần Việt Nam, trong cuộc tiếp đón Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một ngày sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhân dịp này kêu gọi Hoa Kỳ hãy bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.Đây có thể là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Việt Nam chính thức tuyên bố điều này, nhưng chuyện Việt Nam muốn mua vũ khí của Mỹ đã được nói đến rất nhiều từ trước chuyến thăm Việt Nam của ông Panetta.
Và cũng như các mối quan hệ phức tạp và nhiều ràng buộc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, chuyện hành pháp Hoa Kỳ xem xét bán vũ khí cho Việt Nam cũng một lần nữa vấp phải những rào cản do tình trạng nhân quyền và tự do dân chủ tại Việt Nam.
Nhiều nhà lập pháp Mỹ tại cả Hạ viện và Thượng viện đều đã công khi lên tiếng phản đối việc bán vũ khí cho Việt Nam nếu như không có những cải thiện về nhân quyền.
Thậm chí, theo lời Giáo sư Carl Thayer, đích thân Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear cũng cho rằng sẽ không có chuyện Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam nếu không có những chuyển biến tích cựu trên hồ sơ Nhân quyền:
“Trong một cuộc phỏng vần hết sức lý thú trên kênh truyền hình của Việt Nam, khi người phỏng vấn hỏi Đại sứ Mỹ tại Việt Nam rằng Hoa Kỳ có thể nghĩ đến việc bán vũ khí cho Việt Nam hay không thì ông đại sứ trả lời rằng “không! Cho tới khi nào vấn đề nhân quyền được cải thiện!”
Bên cạnh những hồ sơ gai góc như quân sự, an ninh, nhân quyền, dân chủ…. chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panette cũng đem đến nhiều chi tiết khá thú vị và đầy cảm động.
Hơn 40 năm sau những đụng độ khốc liệt trên chiến trường, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước lần đầu tiên trao đổi những kỷ vật của những người lính hai bên chiến tuyến.
Những bức thư tay viết vội trong làn đạn tiếng bom, những dòng nhật ký đẫm lệ trong những trận đánh một mất một còn, v.v… đã gây xúc động cho nhiều người; cũng như góp phần an ủi cho vong linh những tử sĩ đã phải nằm xuống trên chiến trường năm xưa.
Đan Mạch ngừng ba dự án viện trợ
Trên lãnh vực kinh tế xã hội, Việt Nam Tuần Qua ghi nhận một số dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam bên cạnh tình trạng tham nhũng vẫn tiếp tục là một trở lực cho công cuộc phát triển chung.
Chúng tôi nghi ngờ có những dấu hiệu bất thường trong khi thực hiện vài nghiên cứu tại bốn dự án ở Việt Nam. Qua điều tra chúng tôi đã phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường ở 3 dự án trong tổng số 4 dự án.
ĐS Đan Mạch John Neilsen
Trong một quyết định được cho là khá cương quyết, chính phủ Đan Mạch đã thông báo ngừng ba dự án viện trợ phát triển cho Việt Nam vì nghi có tham nhũng gian lận.
Trả lời Quỳnh Chi của Đài Á Châu Tự Do, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Neilsen cho biết:
“Chúng tôi nghi ngờ có những dấu hiệu bất thường trong khi thực hiện vài nghiên cứu tại bốn dự án ở Việt Nam. Qua điều tra chúng tôi đã phát hiện có nhiều dấu hiệu bất thường ở 3 dự án trong tổng số 4 dự án. Chúng tôi sẽ tìm hiểu và điều tra thêm để xác định rõ chuyện gì đang xảy ra. Về 3 dự án đó, chúng tôi đã dừng hẳn và sẽ không có thảo luận gì thêm về các dự án đó nữa”.
Gian lận thi cử
Về giáo dục, dư luận Việt Nam tuần này lại xôn xao trước tình trạng gian lận trong thi cử. Theo một video clip được tung lên mạng internet hôm 5 tháng 6, ghi lại hình ảnh nhiều phòng thi tốt nghiệp phổ thông trung học của tỉnh Bắc Giang đã xảy ra cảnh thí sinh thoải mái quay bài, chuyền tay cho cả phòng thi những bài giải được ném vào từ bên ngoài mà người ném các phao thi này lại là giám thị coi thi.Hình ảnh này ngay lập tức dấy lên một luồng sóng bất bình trong dư luận và một lần nữa các tiêu cực của ngành giáo dục Việt Nam lại được đưa ra mổ xẻ.
Trả lời Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do, GS Trần Ngọc Thêm - Trưởng bộ môn Văn hóa học Đại học quốc gia TPHCM cho rằng:
"Hiện nay chất lượng giáo dục là điều nhức nhối nhất ở tất cả các cấp, từ cấp phổ thông lên đến đại học. Khi giáo dục quan trọng không những chỉ là kiến thức bởi vì khi thầy dạy theo kiểu chạy theo thành tích như vậy. Cái quan trọng nhất là phẩm chất của con người thì không được coi trọng. Kèm theo đó nguy hiểm hơn cả là căn bệnh giả dối và đối phó.
Đây là điều hết sức nguy hiểm khi mà con người mất đi phẩm chất rất quan trọng là sự trung thực. Tôi lo lắng nhất hiện nay tình trạng đối phó và dối trá đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội."
EURO 2012
Và cuối cùng, thưa quý khán thính giả, dường như gác qua một bên những lo toan thường nhật, những toan tính đời thường, người Việt Nam thuộc mọi giới đang hướng ánh mắt về Đông Âu, nơi cầu trường Balan và Ukraina đang diễn ra các trận tranh tài sôi nổi và quyết liệt của Vòng chung kết Giải vô địch bóng đá Châu Âu EURO 2012.
Cũng như mọi năm, từ rất sớm trước ngày trái bóng Euro lăn trên sân cỏ, người hâm mộ Việt Nam đã sẵn sàng hòa mình vào không khí chung của ngày hội thể thao thế giới. Vào những ngày này, trên khắp các nẻo đường Việt Nam, đâu đâu cũng là không khí tụ họp, bàn tán và reo hò cổ vũ cho… bóng đá.
Theo dòng thời sự:
- Trục chiến lược chuyển sang Thái Bình Dương - Vì đâu?
- Nhân Quyền và cấm vận vũ khí
- Những bức thư từ chiến trường Việt Nam
- Việt Nam siết chặt việc kiểm soát các blogger
- Đan Mạch hủy ba dự án viện trợ cho Việt Nam vì lý do gian lận và tham nhũng
- Vì sao Đan Mạch ngừng 3 dự án tài trợ cho VN?
- Cuộc chiến chống gian lận thi cử
- Sự giả dối không ở đâu xa
- URO 2012 – 7 câu chuyện nhỏ
- Euro 2012, trước giờ bóng lăn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét