BÌNH ÐỊNH 17-6 (NV) - Lần đầu tiên, Không quân Việt Nam thực hiện một chuyến bay tiếp tế và tuần tiễu từ một phi trường miền Trung hôm 15 tháng 6, với hai chiến đấu cơ Su-27 tuần tiễu, kèm một máy bay vận tải AH-26, theo tin một số báo trong nước.
Các báo Thanh Niên và Zing nói khi đến các đảo Song Tử Tây và Ðá Nam “2 máy bay Su-27 bay 2 vòng quanh đảo ở độ cao 500m để làm nhiệm vụ”.
Không quân Việt Nam đã một vài lần đưa các loại chiến đấu cơ Sukhoi Su-27 và Su-30 bay tới Trường Sa nhưng đều từ căn cứ không quân phái Nam đặt tại Biên Hòa. Tất cả đều được mô tả là “thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu, trinh sát, bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
Có vẻ như chuyến bay sáng Thứ Sáu tới hai đảo thuộc quần đảo Trường Sa như một chuyến bay thực tập cho các trường hợp cần đến sau này khi tình thế biến chuyển hơn là một hành động có tính cách thường xuyên. Các vụ tiếp tế từ nước ngọt đến thực phẩm cho lính đồn trú gần 30 đảo thuộc quần đảo Trường Sa từ trước đến nay đều do Hải quân phụ trách.
Hai chiếc Su-27 từ Trường Sa trở về. (Hình: Bee.net)
Hiện Không quân Việt Nam đã có khoảng 30 máy bay khu trục Sukhoi Su-30MK2 tối tân hơn Su-27 trang bị nhiều võ khí hiện đại hơn cho các cuộc chiến trên biển.
Theo thượng tá Ngô Vĩnh Phúc của Trung Ðoàn Không Quân 940, sau chuyến bay đầu tiên hôm Thứ Sáu, “Ðây sẽ là nhiệm vụ thường xuyên, chúng tôi luôn sẵn sàng ngay khi có lệnh”.
Tiếp tế bằng đường hàng không tuy nhanh nhưng rất tốn kém và không được số lượng lớn. Hiện chưa thấy có tin tức gì về phản ứng của Bắc Kinh đối với chuyến bay đi Trường Sa của trung đoàn 940 từ phi trường Phù Cát.
Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% biển Ðông bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1988 đến 1995, Bắc Kinh đưa một số chiến hạm tới chiếm một số đảo do Việt Nam và Philippines đang có lực lượng đồn trú.
Những ngày gần đây, sự đối đầu giữa Manila và Bắc Kinh tại khu vực bãi san hô Scarborough gây chú ý trên thế giới.
Ngày 1 tháng 5, một nguồn tin cho hay máy bay khu trục của Trung Quốc đã bay bên trên để đe dọa chiếc tàu tiếp tế của Trường Sa ngay ở khu vực bán đảo Cam Ranh và phía Bắc tỉnh Ninh Thuận.
Không thấy có tin tức chính thức từ Hà Nội xác nhận hay phản đối vụ việc, nhưng theo lời nhà báo Thanh Thảo từ Quảng Ngãi, trong chuyến đi thăm huyện đảo Trường Sa của đoàn đại biểu CSVN từ thành phố Ðà Nẵng vào ngày 21 tháng 4 đến 28 tháng 4 vừa qua, khi đoàn ra Trường Sa, cũng đã xảy ra máy bay Trung Quốc đã bay bên trên để hù dọa.
Nhập ý kiến của bạn
Xem 7 ý kiến