28.6.12

Ý nghĩa các phiên chất vấn trong kỳ họp Quốc hội


Ý nghĩa các phiên chất vấn trong kỳ họp Quốc hội

2012-06-27
Dư âm những sinh hoạt nghị trường trong một kỳ họp Quốc hội đã vượt qua hành lang quen thuộc ngay bên ngoài hội trường, nơi dành cho phóng viên phỏng vấn đại biểu.
AFP photo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời cử tri trong một phiên họp Quốc Hội.
Ý nghĩa của các phiên chất vấn đang lan tỏa trong xã hội và được dư luận nhìn nhận như thế nào ?

Bức xúc của cử tri

Chất vấn của các đại biểu Quốc hội thể hiện bức xúc của cử tri và nhân dân. Nhìn chung, các chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 3, khóa XIII rất phong phú nhưng có nhiều đoạn đối đáp chưa đi vào bản chất hay đi tới cùng nội dung chất vấn. Có thể do năng lực của đại biểu Quốc hội, hoặc do thời lượng bắt buộc của phiên chất vấn. Chúng tôi đem thắc mắc này đến với Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Thu Linh, Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề Phát triển, thì được cho biết:
"Tôi nghĩ trong cơ cấu Quốc hội, những ai như thế nào thì mới được vào trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự phân công để đại biểu nào hỏi, rồi Bộ trưởng nào có trách nhiệm giải trình, nó cũng được sắp xếp cả rồi.
Cho nên việc thúc đẩy được một số ý kiến tích cực cũng là một nỗ lực rất là lớn của một số ít đại biểu có trách nhiệm. Muốn một sự hiệu quả hơn, trong bối cảnh này thì thực sự rất là khó."
Một kỳ họp Quốc hội đã bế mạc. Song những vấn đề Quốc hội đặt ra sẽ được Chính phủ xử lý như thế nào vẫn chưa có hồi kết. Nếu việc tổ chức giải pháp, tiến hành công tác cụ thể hóa các trả lời chất vấn không được nghiêm túc thực hiện thì nghị trường sẽ biến thành kịch trường. Nhận xét về kỳ họp Quốc hội vừa qua, Giáo sư Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS đã tự giải thể) có ý kiến như sau:
"Tôi nghĩ rằng, không khác nhau gì lắm; từ khi bắt đầu có chất vấn Quốc hội. Trước kia Quốc hội họp gần như là bí mật. Bây giờ có truyền hình đưa ra, đấy gọi là một cái bước gọi là tiến bộ vượt bậc (cười) so với trước kia. Nhưng mà, so với nhiệm kỳ trước thì chất vấn lần này cũng đại loại kiểu như thế.    
Có một điểm, những người trước kia có những chất vấn sắc sảo thì họ đều nghỉ hết. Đến thời kỳ này, còn lại được một hai người; nhưng mà cũng xuất hiện một vài nhân vật mới. Họ cũng có mạnh dạn đặt những vấn đề, tôi cho đấy là điểm tốt. Tôi nghĩ rằng, những người chất vấn mạnh trong kỳ này là những người chắc là hết nhiệm kỳ này, cũng sẽ không được tham gia vào Quốc hội nữa."
Tôi nghĩ trong cơ cấu Quốc hội, những ai như thế nào thì mới được vào trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sự phân công để đại biểu nào hỏi, rồi Bộ trưởng nào có trách nhiệm giải trình, nó cũng được sắp xếp cả rồi.
PGS TS Nguyễn Thu Linh
Thông qua các hoạt động nghị trường, cốt lõi của vấn đề chất vấn là nhận thức chung về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình hành xử chính trị. Dư luận vẫn đề cập đến tình trạng quyền của Quốc hội đã được trao, được ghi nhận trong Hiến pháp, song thực hiện quyền đó như thế nào lại là việc phải bàn.
Nghị trường đóng vai trò kết nối giữa nhân dân với chính phủ. Những điểm nghẽn của nền kinh tế quốc dân rất cần các giải pháp thuộc tầm chiến lược. Những câu trả lời chất vấn thuộc loại phản ứng tình thế không thể mang lại niềm tin cho nhân dân. Thực chất các trả lời chất vấn của các Bộ trưởng trước Quốc hội là những lời hứa hay mặc nhiên là những cam kết cũng là vấn đề đang để ngỏ. Về vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Thu Linh có ý kiến như sau:
"Lẽ ra nó phải là những cam kết về mặt pháp luật. Để mà nếu không được, thì Quốc hội phải có trách nhiệm; ví dụ như là bỏ phiếu tín nhiệm. Nhìn chung, tôi cũng chia sẻ ý kiến của ông Dương Trung Quốc là, Quốc hội nào thì Chính phủ đó thôi. Hỏi thì cứ hỏi, trả lời thì người ta cứ trả lời. Nhưng trách nhiệm giám sát và quyền thực sự của Quốc hội không đủ mạnh, để mà lập ra xử lý trách nhiệm của Chính phủ trong các cam kết ở các kỳ họp Quốc hội. 
Người ta không làm được, thế là các vị Bộ trưởng cứ tốt nhất là dùng cái bài tâm lý là nên nhận khuyết điểm, xong lại cứ vẫn để đấy. Hoặc là hứa hẹn, cứ sau dăm bảy lần hứa hẹn như thế là hết nhiệm kỳ. Rồi ông khác lên, thì bảo cái chuyện đấy là cái chuyện của khóa trước.v.v."

Đổ thừa cơ chế

000_Hkg7487358-200.jpg
Tổng Bí Thư ĐCS VN Nguyễn Phú Trọng (P) và Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tại phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội tại Hà Nội hôm 21/6/2012. AFP
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nếu mãi loay hoay trong các vấn nạn nhất thời, một Quốc hội thỏa hiệp khó có thể làm cho Chính phủ vững mạnh. Đã đến lúc không nên tiếp tục đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế là một cỗ máy, chính con người mới là yếu tố quyết định sự vận hành của cỗ máy ấy.
Chẳng hạn, trong câu chuyện trách nhiệm liên quan đến tập đoàn nhà nước làm thất thoát vốn, việc này có liên quan đến công tác chậm sửa các văn bản về quản lý tập đoàn. Mà cách đây 3 năm, Quốc hội đã yêu cầu phải có luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh. Với câu hỏi trách nhiệm này thuộc về ai, chúng tôi được Giáo sư Nguyễn Quang A trả lời:
"Tôi nghĩ rằng trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Chính phủ. Nhưng mà nói xa hơn một chút nữa là hoàn toàn thuộc về đảng Cộng sản Việt Nam. Bởi đảng Cộng sản Việt Nam là cái đảng lãnh đạo tất cả mọi thứ ở đây. Chính họ đưa ra cái đường lối như thế và Chính phủ chỉ việc thực hiện mà thôi.

Tôi nghĩ rằng trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Chính phủ. Nhưng mà nói xa hơn một chút nữa là hoàn toàn thuộc về đảng Cộng sản Việt Nam. Chính họ đưa ra cái đường lối như thế và Chính phủ chỉ việc thực hiện mà thôi.
GS Nguyễn Quang A
Cái chuyện họ đặt ra là phải xây dựng tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước phải thế này thế kia. Những vấn đề đặt ra là phải thế này thế nọ là cũng có thể giải quyết được một phần nào đấy, nhưng mà không giải quyết được vấn đề cốt lõi về cái tính hiệu quả của các doanh nghiệp này.
Bởi vì người ta đã muốn, ngay từ ban đầu từ gốc của nó, rằng: đây là những công cụ kinh tế để cho đảng Cộng sản điều khiển nền kinh tế. Chừng nào nó không bỏ được cái gốc đấy, nghị định này nghị định kia cũng chỉ là hoa lá cành xung quanh thế thôi, chứ không giải quyết được vấn đề cơ bản."
Các hoạt động của Quốc hội có hiệu quả thấp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực tự điều chỉnh của hệ thống chính trị. Hỏi và trả lời tại Quốc hội không đơn giản chỉ là những hoạt động mang tính nghi thức của một quốc gia.
Với những sự kiện đã diễn ra trong xã hội, tốc độ nhận thức của người dân có vẻ đang đi nhanh hơn sự phát triển của cơ chế nhà nước. Đây là một diễn biến lớn trong những năm gần đây mà các đại biểu Quốc hội và thành viên Chính phủ cần quan tâm. Xã hội hiện đại cần cung cách làm việc chuyên nghiệp, trong chính trường hay nghị trường đều cần thiết.

Không có nhận xét nào: