Công nhân Việt Nam tại Nga lại kêu cứu
Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-07-21
Hơn 100 công nhân may người Việt tại Nga lên tiếng kêu cứu về tình trạng bị bóc lột thậm tệ.
Một nhóm hơn 100 công nhân may người Việt sang lao động tại một xưởng may do đồng hương điều khiển tại Nga lên tiếng kêu cứu về tình trạng bị bóc lột thậm tệ, bị đánh đập và khiếu nại của họ lâu nay không hề được cơ quan chức năng Việt Nam ở Nga cũng như ở Hà Nội giải quyết. Gia Minh trình bày trong phần sau.
Lao động khổ sai
Đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp của hơn 100 công nhân làm việc tại Xưởng may Vinastar tại Matxcơva ký ngày 15 tháng 6 và được đưa lên mạng gần đây.
Theo đơn của các công nhân khi sang làm việc cho xưởng may của công ty Vinastar cũng do một người Việt có tên Trần thị Kim Dung làm giám đốc thì tất cả những qui định về lao động theo luật của Việt Nam đều không được công ty thực hiện.
Cơm mỗi ngày hai buổi, buổi sáng để dành thức ăn lại cho bữa trưa ăn với cơm nguội. Có người đăng ký mỳ tôm để ăn thêm.Một công nhân
Chế độ làm việc 8 giờ một ngày và nghỉ cuối tuần là một thứ xa xỉ đối với công nhân. Một công nhân vào ngày 21 tháng 7 cho chúng tôi biết thời gian làm việc tại xưởng như sau:
“Thường một ngày làm 8 tiếng thôi nhưng tụi em làm từ 15-18 đến 20 tiếng.”
Những người lao động cho biết tất cả số tiền mà công nhân nhận được đều phải trả cho các chi phí ăn ở tại xưởng may. Một công nhân khác nói về chuyện lương tiền sau thời gian hai năm qua lao động may cho Xưởng Vinastar:
“Làm tính theo sản phẩm. Mỗi tháng chỉ được từ khoảng 7 ngàn đến 8 ngàn rúp thôi. Trừ tiền ăn, tiền ở tại công ty hết 6 ngàn rúp rồi. Tiền đồ dùng cá nhân, đăng ký mỳ tôm mỗi tháng hơn 1 ngàn rúp nữa. Mỗi tháng trả nợ cho công ty, trừ tiền sang cao lắm được 2 ngàn rúp thôi.”
Trong đơn công nhân tính toán nếu sòng phẳng ra thì Công ty Vinastar phải trả cho mỗi lao động 1.000 đô la sau khi trừ đi khoản tiền ăn theo như hợp đồng ký ở Việt Nam trước khi sang Nga làm việc. Theo công nhân thì khoản tiền mà công ty Vinastar bóc lột được của họ mỗi tháng là 100 ngàn đô la và cả năm sẽ là 1 triệu 200 ngàn đô la.
Trong khi lương tiền không được trả đủ và phải làm việc từ 15 đến 20 tiếng đồng hồ mỗi ngày, điều kiện làm việc và ăn ở cũng chẳng khá gì hơn.
Theo mô tả của công nhân thì nhà xưởng chỉ giống một cái hộp, trong đó chứa đến 160 người và tất cả mọi vật dụng, máy móc, rồi cả nhà ăn, nơi ngủ nghỉ tập thể. Chiếc hộp đó chỉ có một vài quạt hút và hệ thống sưởi chưa hề hoạt động. Và hẳn nhiên ai cũng biết tại Nga mùa đông rét buốt đến thế nào, và mùa hè thì nóng bức ra sao. Có năm tại đó lạnh dưới 20 đến 30 độ C.Chế độ ăn uống lại càng khổ sở như trình bày sau đây của chị công nhân đang bị nhốt tại xưởng may của công ty Vinastar ở Mat cơ va:
“Cơm mỗi ngày hai buổi, buổi sáng để dành thức ăn lại cho bữa trưa ăn với cơm nguội. Có người đăng ký mỳ tôm để ăn thêm.”
Đau ốm không được chăm sóc đúng mức:
“Ở đây ốm đau xin khi khám không cho. Tôi bị bệnh hơn tháng trời: ăn vào là nôn ra đến khi mọi người xung quanh cho thuốc uống mới hết bệnh. Xin công ty đi khám thì công ty không cho nói là ‘giả đò’. Hết bệnh đi làm lại công ty còn phạt 10 ngàn rúp nữa.”
Vàà mọi sinh hoạt tinh thần khác của người lao động đều không có và theo họ là bị tước đoạt hoàn toàn. Nhà xưởng của họ ở cách xa phố chợ cả trăm cây số. Khi bước chân sang đến Nga vào xưởng may họ bị giam trong nhà xưởng và chỉ để làm việc cho chủ.
Ước vọng không thành
Tôi bị bệnh hơn tháng trời: ăn vào là nôn ra đến khi mọi người xung quanh cho thuốc uống mới hết bệnh. Xin công ty đi khám thì công ty không cho nói là ‘giả đò’.Một công nhân
Bà Nhị tại Thái Bình cho biết bà có người con gái và rể đều được mời chào đi lao động ở Nga nhằm xóa đói giảm nghèo cho gia đình khi không tìm được công ăn việc làm tại Việt Nam. Ước mơ sang Nga làm ăn có tiền gửi về để bà nuôi cháu đến nay tan tác. Bà Nhị cho biết:
“Hai con tôi đi làm kinh tế để nuôi tôi và con nó mới chừng 26-27 tháng tuổi; thế nhưng nay không đủ khả năng để nuôi tôi và con nó. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là gần một năm rồi cho cháu về để nuôi con. Số tiền lương chỉ một nữa thôi mà con tôi phải làm bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu cũng phải trả cho cháu để về nuôi con.”
Theo bà Nhị thì ở Thái Bình công ty môi giới chỉ thu của con bà khoản phí rất thấp 250 đô la trước khi đi. Điều đó được bà cho biết là chiêu bài của đối tượng môi giới muốn thu dụng những người có hoàn cảnh khó khăn sẵn sàng ra đi để rồi rơi vào cảnh khốn cùng như 100 công nhân may tại xưởng Vinastar.
Riêng một nữ công nhân từ miền nam thì cho biết cô phải chi cho môi giới ở đó hết 30 triệu đồng để sang Nga lao động. Nay thì tiền gửi về để trả nợ cũng không có mà lại phải rơi vào cảnh bị đàn áp, đánh đập như hiện nay:
“Tốn 30 triệu. Tốn 250 đô la là theo công ty. Tôi đi theo công ty môi giới tự do. Họ nói đi làm cho Nga có tiền nhiều.”
Kêu cứu tuyệt vọng
Đơn tố cáo và kêu cứu khẩn cấp được ký ngày 15 tháng 6 được nói như là đến lúc không thể nào chịu đựng được nữa.Vừa qua, công nhân xưởng may Vinastar đã có gọi điện cho đại diện của đại sứ quán của Việt Nam tại Nga và đại diện Cục quản lý lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội có sang và đến xưởng. Nhưng rồi vấn đề không được giải quyết mà còn bị phía đại diện Đại sứ quán phủi bỏ trách nhiệm. Người nữ công nhân trình bày:
“Ông Nguyễn Hùng Anh, lãnh sự Đại sứ quán ở đây và ông Đoàn Kim Trung, Cục quản lý lao động ngoài nước bên VN sang. Họ xuống họp mà không có chủ lao động, Khi xuống chúng tôi có một người nói khi cả ông Hùng Anh và ông Trung có mặt ở đây mà họ vẫn đánh đập chúng tôi thì biết tin vào ai nữa. Ông Anh nói là chúng tôi chỉ giúp những người tin vào Đảng và Nhà Nước chứ không giúp người ‘phản bội’ Nhà nước, rồi ông đứng dậy bỏ về.”
Bà Nhị cũng cho biết việc khiếu nại tại những cơ quan ở Hà Nội về tình hình hai con gái và rể của bà ở xưởng may Vinastar bên Nga:
“Một số người lên Hà Nội nhưng họ im không có gì; họ nói còn để nghiên cứu.”
Cũng vào ngày 21 tháng 7, chúng tôi gọi vài lần đến số điện thoại cho ông Lê Hùng Anh đại diện Sứ quán Việt Nam ở Nga để tìm hiểu tình hình, nhưng chủ nhân không bắt máy.
Vấn đề người lao động Việt Nam bị lừa đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài không phải mới. Trong những năm qua các vụ việc như lao động nữ Việt Nam ở Samoa, rồi tình cảnh bị chết bất minh hay bị bóc lột của những lao động Việt ở các thị trường lao động Đài Loan, Malaysia, các nước Trung Đông … khiến dư luận lên án về tình trạng ‘mang con bỏ chợ’ không chỉ của các công ty môi giới, tuyển dụng lao động nước ngoài; mà cả các cơ quan chức năng liên quan ở trong cũng như ngoài nước.
Đơn tố cáo và cầu cứu khẩn cấp của hơn 100 lao động tại xưởng may của công ty Vinastar tại Matxcova gửi đến cho các cấp lãnh đạo nước từ tổng bí thư, chủ tịch, thủ tướng, các bộ trưởng chính phủ liên quan và công an tại những địa phương có danh tính các đơn vị môi giới. Nhưng như cách giải quyết mà chính người thân như bà Nhị và một công nhân cho biết thì liệu đơn này có đến tay và thấu tai, tận lòng của những vị mà hơn 100 công nhân đang đặt những hy vọng cuối cùng trong tình cảnh tuyệt vọng hiện nay hay không.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam điều tra việc 40 lao động bị ngược đãi tại Nga
- ASEAN kêu gọi bảo vệ quyền lợi công nhân nhập cư
- Cảnh sát TQ bắt 39 người Việt nhập cư trái phép
- Hàng ngàn công nhân đình công ở Hà Nội
- Giúp việc nhà ở Arab Saudi
- Chuyện Kể Của Người Trực Tiếp Cứu Giúp Nạn Nhân Buôn Người Ở Malaysia
- Ân xá lao động bất hợp pháp tại Mã Lai - phần 1
- Ân xá lao động bất hợp pháp tại Mã Lai - phần 2
- Thực trạng di dân Việt Nam trên thế giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét