Không cho biểu tình ngoài đường thì tôi biểu tình tại nhà
Trịnh Kim Tiến - Biểu tình chống Trung Quốc là sự khẳng định chủ quyền của dân tộc. Vì vậy đối với tôi, cho dù biểu tình ở đâu, nhiều hay ít người không hề quan trọng mà điều quan trọng là mỗi người chúng ta đều có thể nói, có thể bày tỏ được thái độ, tâm tư tình cảm của mình vào trong đó. Bất cứ nơi nào trên đất nước này, chúng ta đều có thể đưa ra một thông điệp của bản thân với quê hương đất nước, nơi chôn rau cắt rốn, mình sinh ra và lớn lên...
*
Sáng ngày 01/07, vừa đặt chân xuống xe taxi trước cổng nhà thờ Đức Bà, từ đằng sau hai người đàn ông lạ mặt tự xưng là an ninh mặc thường phục tiến đến, tóm lấy tay tay tôi yêu cầu tôi về đồn làm việc. Tôi không chấp nhận yêu cầu trên và yêu cầu họ xuất trình giấy tờ vì không có lý do gì để họ có quyền giữ tôi cả. Nhưng họ đã không chịu đưa giấy tờ ra và cứ nằng nặc ép tôi, kéo tôi, bắt tôi phải về đồn. Tôi đã phản đối kịch liệt vì hành vi của họ.
Ngay lập tức họ gọi rất nhiều công an, an ninh khác kéo đến, cả thường phục lẫn mặc sắc phục nói rằng nghi ngờ tôi tàng trữ hàng cấm. Tôi đề nghị họ lục soát tôi ngay tại đó theo đúng luật pháp nhưng đã không ai trong số họ dám làm điều đó vì thâm tâm họ cũng biết đó là một sự vu khống trắng trợn.
Sau đó tôi cùng gia đình bạn trai vào phía trong nhà thờ. Khoảng 8h30, chúng tôi ra khỏi nhà thờ. Hai người đó lại tiếp tục ra trước mặt và nói với tôi. "Đây là khu vực nhạy cảm, chị cần phải đi về ngay, chúng tôi sẽ cho chị đi taxi về, nếu không buộc chị phải theo chúng tôi vào trụ sở làm việc." Tôi hỏi họ thế nào gọi là nhạy cảm thì họ không trả lời được, chỉ một mực ép tôi đi theo họ.
Trước hành động gàn dở của họ, chúng tôi đã đấu tranh kịch liệt. Sau đó, chúng tôi đi bộ về phía công viên 30-04 cho bọn trẻ nghỉ ngơi. Khi vừa qua đường, tại công viên, họ lại tiếp tục quấy nhiễu tôi. Một người mặc cảnh phục trắng cùng một cô gái mặc đồ thường đến gần nói với tôi, đề nghị tôi ra gặp một người nào đó mà tôi không biết là ai để nói chuyện. Tôi không đồng ý đi, vì không có lý do gì để tôi phải đi hết, tôi trả lời họ nếu người đó có chuyện cần nói thì có thể ra đó nói chuyện với tôi. Tôi cũng yêu cầu được biết tên tuổi của những người đang đề nghị tôi, nhưng họ không trả lời cho tôi biết. Ngay lúc đó có một ông cụ- một người dân tại khu vực- bức xúc trước những hành động bất chấp luật pháp của họ đã lên tiếng bênh vực, bảo vệ tôi. Ông khẳng định hành động của họ là sai hoàn toàn, là những người nắm trong tay luật pháp nhưng lại xử sự một cách lố bịch.
Chúng tôi hầu hết là phụ nữ và trẻ nhỏ, tại sao họ lại có những hành động thật mất lịch sự như vậy? Tôi chỉ là một cô gái 22 tuổi bình thường và yếu đuối, họ có cần phải hành xử như vậy chăng? Tuy không có rành nhiều về luật pháp nhưng tôi cũng có nắm được một số luật cơ bản, đâu phải các anh nắm quyền hành trong tay thì các anh có thể muốn làm gì thì làm, muốn bắt ai thì bắt được. Tôi là một công dân và tôi không làm gì vi phạm pháp luật, tôi sẽ bất hợp tác với những điều sai trái. Chúng tôi ngồi tại công viên đầy cây xanh mà không cảm nhận được không khí trong lành và thoáng đạt, bởi xung quanh đủ mọi loại máy quay, máy chụp hình, công an, an ninh chìm nổi dày đặc.
Khoảng 9h20, chúng tôi gọi xe taxi để đi thì có 2 người khác mặc thường phục nói vói tài xế xe là an ninh và cấm tài xế chở chúng tôi đi đường ngang qua khu vực Hai Bà Trưng và Nguyễn Đình Chiểu.
Không cho biểu tình ngoài đường thì tôi biểu tình ở nhà. Biểu tình để làm gì? Có rất nhiều người có thể thấy hành động biểu tình một mình tại nhà của tôi là kỳ cục nhưng tôi cho rằng biểu tình là một hành động khẳng định rõ rệt nhất quyền hợp pháp của một công dân. Biểu tình chống Trung Quốc là sự khẳng định chủ quyền của dân tộc. Vì vậy đối với tôi, cho dù biểu tình ở đâu, nhiều hay ít người không hề quan trọng mà điều quan trọng là mỗi người chúng ta đều có thể nói, có thể bày tỏ được thái độ, tâm tư tình cảm của mình vào trong đó. Bất cứ nơi nào trên đất nước này, chúng ta đều có thể đưa ra một thông điệp của bản thân với quê hương đất nước, nơi chôn rau cắt rốn, mình sinh ra và lớn lên.
Có gì mà khó khăn, có gì mà ngại ngùng khi anh nói anh yêu Nước, khi anh nói anh căm thù lũ cướp Nước của anh? Anh có bức xúc thì anh phải giải tỏa, tại sao anh phải chịu dồn nén, câm nín? Có thể người ta bảo tôi khùng, nhưng khùng mà tôi còn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn những kẻ tự cho mình là thông minh, tỉnh táo. Tại vì tôi dám yêu và dám nói, dù là một mình, dù trong nhà hay ngoài đường phố.
Tôi cảm nhận rằng mỗi cuộc biểu tình, mỗi người biểu tình chống Trung Quốc đều là một phát tát, tát mạnh vào mặt bọn bành trướng xâm lược Bắc Kinh. Dù cho đến khi đất nước này chỉ còn một người biểu tình, chỉ còn một người khẳng định Hoàng Sa- Trường Sa là của Việt Nam thì nó sẽ không bao giờ là Tam Sa của Trung Quốc hết. Vì Hoàng-Trường Sa là của chúng tôi, và chúng tôi phải nói rõ với điều ấy cho cả thế giới này biết và nhất là lũ khát máu tham lam Trung Cộng.
Nhập ý kiến của bạn
Xem 18 ý kiến