Sự thật của 16 vàng - 4 tốt (phần 2-tt)
Cuốn sách Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua là một văn kiện quan trọng của Bộ ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được công bố ngày 4 tháng 10 năm 1979 nhằm vạch trần bộ mặt phản động của bọn bành trướng Bắc Kinh đối với nước ta trong suốt một thời gian dài... (Nhà Xuất bản Sự Thật)
*
Đã đăng:
PHẦN THỨ HAI: TRUNG QUỐC VỚI VIỆC KẾT THÚC CUỘC CHẾN TRANH ĐÔNG DƯƠNG NĂM 1954.
I- SAU ĐIỆN BIÊN PHỦ, NHÂN DÂN VIỆT NAM CÓ KHẢ NĂNG GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN ĐẤT NƯỚC.
Năm 1945, nhân dân Việt Nam với tinh thần quật khởi, tự lực tự cường đã làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Mấy tháng sau, thực dân Pháp đã chiếm lại các tỉnh ở Nam Bộ, và từ tháng 12 năm 1946 nhân dân Việt Nam đã phải tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước để bảo vệ độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vô cùng gian khổ và hết sức anh dũng ngày càng giành được nhiều thắng lợi to lớn. Các chiến thắng của nhân dân Việt Nam cũng như các chiến thắng của nhân dân Lào (dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến Lào) và của nhân dân Cam-pu-chia (dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến Cam-pu-chia), đặc biệt là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam, đã làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường rất có lợi cho các lực lượng kháng chiến Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, và đặt đế quốc Pháp trước một tình thế vô cùng khó khăn.
Bộ trưởng quốc phòng Pháp R. Plê-ven (Pleven) cùng với chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng tướng P. Ê-li (Ely), tham mưu trưởng lục quân tướng Blăng (Blanc), tham mưu trưởng không quân tướng Phay (Fay), sau khi đi khảo sát chiến trường Đông Dương tháng 2 năm 1954 đã đi tới một nhận xét bi quan về tình hình chiến trường như sau:
“Một sự tăng cường dù lớn đến đâu cho quân đội viễn chinh cũng không thể làm thay đổi được tình hình. Vả lại, sự cố gắng về quân sự của chính quốc đã đến giới hạn cuối cùng. Tất cả những điều mà chúng ta có thể hy vọng là tạo điều kiện quân sự thuận lợi nhất cho một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột” [1].
Ngày 18 tháng 5 năm 1954, lo ngại Quân đội nhân dân Việt Nam có thể tiến công đồng bằng Bắc Bộ, Thủ tướng Pháp La-ni-en (Laniel) đã cử tướng Ê-li sang Đông Dương để truyền đạt chỉ thị cho tướng Na-va (Navarre), tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp: lúc này phải lấy mục tiêu chính, trên tất cả các cái khác, là cứu quân đội viễn chinh.
Đại sứ Sô-ven (Chauvel), Phó trưởng đoàn đại biểu của Pháp tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, trong một báo cáo gửi Bộ Ngoại giao Pháp đã viết: “Chúng ta khó giữ được Hà Nội, Bộ chỉ huy cho biết gửi thêm hai sư đoàn nữa cũng không giữ được thủ phủ Bắc Kỳ…” [2].
Trước đây Chính phủ La-ni-en muốn thương lượng trên thế mạnh quân sự để giữ nguyên được Lào, Cam-pu-chia và cố giữ được những quyền lợi gì có thể giữ được ở Việt Nam, coi đó là giải pháp “danh dự” đối với Pháp. Sau thất bại ở Điện Biên Phủ, chính phủ đó càng muốn thương lượng, nhằm trước hết cứu vãn đội quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương khỏi nguy cơ bị tiêu diệt.
Phong trào phản chiến của nhân dân Pháp, mà nòng cốt là Đảng Cộng sản Pháp, chống cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” ở Đông Dương phát triển mạnh. Chính quyền ở Pháp vốn đã chia rẽ về nhiều vấn đề càng thêm chia rẽ trước những khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, chính trị và xã hội. Thất bại của Pháp ở Đông Dương sẽ dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp, nhất là ở Bắc Phi.
Trong bối cảnh đó, Pháp bước vào Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương với sự tham gia của Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và các bên tham chiến ở Đông Dương.
II- LẬP TRƯỜNG CỦA TRUNG QUỐC Ở GIƠ-NE-VƠ KHÁC HẲN LẬP TRƯỜNG CỦA VIỆT NAM, NHƯNG PHÙ HỢP VỚI LẬP TRƯỜNG CỦA PHÁP.
Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 trong tình hình thế giới đã hình thành hai hệ thống đối lập về chính trị, kinh tế và quân sự. Ở châu Âu cuộc chiến tranh lạnh ngày càng phát triển và ở châu Á có hai cuộc chiến tranh nóng ở Triều Tiên và Đông Dương. Những người lãnh đạo nước Trung Hoa mới muốn tranh thủ điều kiện hòa bình để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực quân sự, làm cho Trung Quốc sớm trở thành một cường quốc lớn trên thế giới, thực hiện tham vọng bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn, chủ yếu hướng về Đông nam châu Á.
Mặc dầu khoảng một triệu quân Trung Quốc đã bị thương vong trong chiến tranh Triều Tiên, những người lãnh đạo Trung Quốc, để có một khu đệm phía đông bắc, năm 1953 đã chịu nhận một cuộc ngừng bắn ở Triều Tiên: duy trì nguyên trạng, chia cắt lâu dài Triều Tiên.
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng trực tiếp, nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc luôn luôn ủng hộ, cổ vũ, giúp đỡ lẫn nhau, vì nước Việt Nam độc lập có nghĩa là Trung Quốc không bị sự uy hiếp của chủ nghĩa đế quốc ở phía nam, và ngược lại Trung Quốc được giải phóng có nghĩa là Việt Nam không bị sự uy hiếp của chủ nghĩa đế quốc ở phía bắc. Năm 1950, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trung Quốc là nước viện trợ vũ khí, trang bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, lập trường của Việt Nam là đi tới một giải pháp hoàn chỉnh: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Cam-pu-chia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương.
Đối với những người lãnh đạo Trung Quốc, Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Triều Tiên và Đông Dương là một cơ hội để họ cùng với các nước lớn bàn bạc và giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, mặc dù Mỹ đang thù địch với Trung Quốc, Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và Tưởng Giới Thạch còn giữ vị trí của Trung Quốc là một trong năm ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Những người lãnh đạo Trung Quốc muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương bằng một giải pháp theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị. Ngày 24 tháng 8 năm 1953, chính Thủ tướng Chu Ân Lai đã tuyên bố: đình chiến ở Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những cuộc xung đột khác. Với một giải pháp như thế, những người cầm quyền Trung Quốc hy vọng tạo được một khu đệm ở Đông nam châu Á, ngăn chặn Mỹ vào thay thế Pháp ở Đông Dương, tránh được sự đụng đầu trực tiếp với Mỹ, bảo đảm an ninh cho biên giới phía nam của Trung Quốc, đồng thời hạn chế thắng lợi của Việt Nam, chia rẽ nhân dân ba nước Đông Dương, hòng làm suy yếu và thôn tính ba nước đó, dùng làm bàn đạp bành trướng xuống Đông Nam châu Á.
Pháp đến Hội nghị Giơ-ne-vơ cũng nhằm đạt được một cuộc ngừng bắn theo kiểu Triều Tiên để cứu đội quân viễn chinh Pháp, chia cắt Việt Nam, duy trì chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương.
Rõ ràng lập trường của Trung Quốc khác hẳn lập trường của Việt Nam, nhưng lại rất phù hợp với lập trường của Pháp.
III- HIỆP ĐỊNH GIƠ-NE-VƠ NĂM 1954 VỀ ĐÔNG DƯƠNG VÀ SỰ PHẢN BỘI CỦA NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC.
Tháng 4 năm 1954, trong một cuộc họp giữa các đoàn đại biểu Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc chuẩn bị cho Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, đại biểu Trung Quốc đã nói : “Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không thể công khai giúp Việt Nam được trong trường hợp cuộc xung đột ở đây mở rộng”.
Lợi dụng vị trí là một nước viện trợ quân sự chủ yếu và nắm con đường vận chuyển duy nhất chi viện cho Việt Nam, đồng thời lợi dụng việc Pháp không muốn nói chuyện trên thế yếu với Việt Nam, những người lãnh đạo Trung Quốc đã tự cho phép mình đàm phán trực tiếp với Pháp để thỏa thuận về những điểm cơ bản của một giải pháp về vấn đề Đông Dương.
Quá trình đàm phán về thực chất tại Hội nghị Giơ-ne-vơ đã diễn ra qua hai thời kỳ:
Thời kỳ thứ nhất từ ngày 8 tháng 5 đến ngày 23 tháng 6 năm 1954, trưởng đoàn đại biểu Pháp, trong khi tránh tiếp xúc với Việt Nam, đã đàm phán trực tiếp với trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc bốn lần, đi tới thỏa thuận về những nét cơ bản của một Hiệp định ngừng bắn ở Đông Dương.
Đáng chú ý là cuộc tiếp xúc lần thứ ba ngày 17 tháng 6 năm 1954, Thủ tướng Chu Ân Lai gặp trưởng đoàn đại biểu Pháp G. Bi-đô (Bidault), đưa ra những nhân nhượng chính trị có tính chất cơ bản, có hại cho nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia: Trung Quốc có thể chấp nhận Việt Nam có hai chính quyền (Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ bù nhìn Bảo Đại), công nhận Chính phủ Vương quốc Lào và Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia, từ bỏ yêu cầu có đại biểu của Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Cam-pu-chia tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ, và đưa ra vấn đề quân đội nước ngoài, kể cả quân tình nguyện Việt Nam, phải rút khỏi Lào và Cam-pu-chia.
Lần thứ tư, ngày 23 tháng 6 năm 1954, Thủ tướng Chu Ân Lai gặp Măng-đét Phrăng-xơ, (Mandès France) Thủ tướng mới của Pháp, đưa ra những nhượng bộ mới: chia cắt Việt Nam, hai miền Việt Nam cùng tồn tại hòa bình, giải quyết vấn đề quân sự trước, tách rời việc giải quyết ba vấn đề Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia; Trung Quốc sẵn sàng nhìn nhận ba nước này trong khối Liên hiệp Pháp, và muốn Lào, Cam-pu-chia sẽ có bộ mặt mới ở Đông nam châu Á như Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, ngược lại chỉ yêu cầu không có căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Dương. Do đó, Trung Quốc và Pháp đạt được một giải pháp khung cho vấn đề Đông Dương.
Những điểm mà những người lãnh đạo Trung Quốc đã thỏa thuận với Pháp rất phù hợp với giải pháp 7 điểm của Anh-Mỹ đưa ra ngày 29 tháng 6 năm 1954, tức là 6 ngày sau cuộc tiếp xúc giữa Chu Ân Lai và Măng-đét Phran-xơ.
Thời kỳ thứ hai từ ngày 23 tháng 6 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954, Đoàn đại biểu Pháp tiến hành đàm phán trực tiếp với Đoàn đại biểu Việt Nam để giải quyết các vấn đề cụ thể. Trung Quốc giữ vai trò thúc đẩy phía Việt Nam nhân nhượng. Đến ngày 10 tháng 7 năm 1954, phía Việt Nam vẫn kiên trì lập trường của mình về vấn đề Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia, vẫn chủ trương đòi có đại biểu của Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Cam-pu-chia tham gia như các bên đàm phán, định giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là vĩ tuyến 13, tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn 6 tháng để thống nhất nước nhà. Đối với việc giải quyết vấn đề Lào và vấn đề Cam-pu-chia, Việt Nam vẫn giữ quan điểm là ở Lào có hai vùng tập kết của lực lượng kháng chiến: một vùng ở phía bắc giáp Trung Quốc và Việt Nam và một vùng ở Trung và Hạ Lào; ở Cam-pu-chia có hai vùng tập kết của lực lượng kháng chiến Cam-pu-chia ở phía đông và đông bắc sông Mê-công (Meskong) và phía tây nam sông Mê-công; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn 6 tháng ở Lào và Cam-pu-chia.
Từ tháng 5 năm 1954, đoàn đại biểu Trung Quốc đưa ra phương án lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến giữa hai miền Việt Nam, và còn muốn Việt Nam nhân nhượng nhiều hơn nữa, thậm chí muốn Việt Nam bỏ cả thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và đường số 5 (đường nối liền Hà Nội với Hải Phòng):
“Đánh giá (phương án vĩ tuyến 16) khó có thể thỏa thuận, nếu không được thì sẽ lấy Hải Phòng làm cửa bể tự do, ở gần đấy cho Pháp đóng một số quân nhất định, nếu không được nữa thì đem đường số 5 và Hà Nội, Hải Phòng làm khu công quản và phi quân sự…” [3].
Nhưng về sau, đặc biệt từ ngày 10 tháng 7 năm 1954, 10 ngày trước khi Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, Trung Quốc ngày càng thúc ép Việt Nam nhân nhượng, “có những điều kiện công bằng và hợp lý để Chính phủ Pháp có thể nhận được, để đi đến hiệp định trong vòng 10 ngày, điều kiện đưa ra nên giản đơn, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp lôi thôi để tránh thảo luận mất thì giờ, rườm rà, kéo dài đàm phán để cho Mỹ phá hoại” [4].
Khi đó Trung Quốc còn lo sợ Mỹ có thể can thiệp bằng vũ trang vào Đông Dương, uy hiếp an ninh của Trung Quốc, nhưng cần nói rằng Trung Quốc cũng dùng những lời của Mỹ đe dọa chiến tranh để ép VN.
Sự thật là sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, Mỹ không có khả năng can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương. Thái độ cứng rắn của Mỹ ở Hội nghị Giơ-ne-vơ chẳng qua là do Mỹ sợ Pháp vì bị thua ở chiến trường, có nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế, tài chính, có thể chấp nhận một giải pháp không có lợi cho việc Mỹ nhảy vào Đông Dương sau này. Khi Pháp đã cùng với Trung Quốc thỏa thuận được một giải pháp khung về Đông Dương và Mỹ đã đưa được tên tay sai Ngô Đình Diệm về làm thủ tướng chính phủ bù nhìn Sài Gòn (ngày 13 tháng 6 năm 1954), thì Mỹ thấy có thể chấp nhận một hiệp định theo hướng Trung Quốc và Pháp đã thỏa thuận giải quyết cả ba vấn đề Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Tuy vậy, Mỹ không tham gia vào bản Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị là vì Mỹ muốn được rảnh tay sau này để vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ thông qua chính quyền Ngô Đình Diệm, buộc Pháp phải rút lui để thay thế Pháp ở Đông Dương.
Sau Điện Biên Phủ, rõ ràng là với sự giúp đỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, nhất là của Trung Quốc, quân và dân Việt Nam có khả năng giải phóng cả nước, nhưng giải pháp mà Đoàn đại biểu Trung Quốc đã thỏa thuận với Đoàn đại biểu Pháp ở Giơ-ne-vơ không phản ảnh so sánh lực lượng trên chiến trường, cũng không đáp ứng đầy đủ những yêu cầu chính trị của giải pháp do Đoàn đại biểu Việt Nam đề ra.
Xuất phát từ truyền thống yêu chuộng hòa bình, theo xu thế chung giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng và trong tình thế bị Trung Quốc ép buộc, Việt Nam đã chấp nhận giải pháp: các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào, nhân dân Cam-pu-chia, ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương, Pháp rút quân, vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai miền, tiến tới có tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau hai năm để thống nhất nước nhà.
Ở Lào có một khu tập kết cho các lực lượng kháng chiến lào gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phong-sa-lỳ. Ở Cam-pu-chia lực lượng kháng chiến không có khu tập kết nào và phục viên tại chỗ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 đánh dấu một bước thắng lợi của các lực lượng cách mạng ở Đông Dương, đồng thời là một đóng góp quan trọng mở đầu sự tan rã hoàn toàn của hệ thống thuộc địa của đế quốc Pháp và báo hiệu quá trình sụp đổ không thể đảo ngược được của chủ nghĩa thực dân cũ, của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Nhưng giải pháp Giơ-ne-vơ đã ngăn cản nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đạt được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, một khả năng rõ ràng là hiện thực như so sánh lực lượng trên chiến trường lúc bấy giờ đã chỉ rõ. Đó là điều mà những người lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ hơn ai hết.
Đây là sự phản bội thứ nhất của những người lãnh đạo Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia.
(còn tiếp)
______________________
Chú thích phần thứ hai
[1] G. La-cu-tuya (Jean Lacouture) và P. Đơ-vi-le (Philippe Devillers) : Sự kết thúc của một cuộc chiến tranh, Nhà xuất bản Xơi (Seuil), Pa-ri, 1960, tr. 62-63.
[2] P. Ru-a-nê (Rouanet): Măng-đét Phrăng-xơ cầm quyền, Nhà xuất bản La-phông (Laffont), Pa-ri, 1965, tr.146.
[3] Điện văn của Chu Ân Lai, ngày 30 tháng 5 năm 1954 gửi Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, sao gửi Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
[4] Điện văn của Chu Ân Lai, ngày 10 tháng 7 năm 1954 gửi Ban chấp hành trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét