Viết cho ngày 27 tháng 7...
HOCFC@.13592 (Danlambao) - Cuộc chiến hơn mười ngàn ngày đã đi qua, để lại biết bao nỗi đau trong lòng dân tộc. Dù là người ở bên nào của chiến tuyến, thì nỗi đau đều như nhau, nỗi đau của con người và rất con người.
Tốn bao nhiêu giấy mực để tôn vinh, bù đắp bao nhiêu cho người thân của những người đã ngã xuống cũng không thể nào gọi là sự tưởng thưởng xứng đáng, bởi vì sự mất mát đó không gì có thể bù đắp.
Cách đây không lâu, đài truyền hình Việt Nam có một phóng sự về việc thất lạc hài cốt liệt sĩ cách mạng. Nhìn người thân của họ khóc ngất mà đau lòng, nhìn sự phẫn nộ của họ mà xót xa. Các liệt sĩ xem như là chết đi lần nữa. Sự bất cẩn và vô tâm của người còn sống đã gây xốn xang cho bạn xem đài, cũng không hiểu nó đã được giải quyết đến đâu, nhưng ít ra đó là những phát biểu đòi hỏi chính thức, bởi vì dẫu họ đã nằm xuống nhưng họ vẫn ở vị thế của bên thắng trận.
NGHĨA TỬ LÀ NGHĨA TẬN. Thế thì còn những tử sĩ bên kia chiến tuyến, số phận họ bây giờ đi về đâu?
ĐẾN NGHĨA TRANG BIÊN HÒA
Trời còn tối mịt mùng lắm, dừng lại đến mấy lần ở Thủ Đức để hỏi thăm đường đi nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của người dân dù nơi này từng nổi danh một thời trước 1975 - Đền Tử Sĩ. Phải mất khá lâu… tôi mới may mắn gặp được người còn nhớ ra đường đến nơi này. Đền Tử Sĩ nằm trên một quả đồi nghe nói trước kia vốn rất đẹp, nhưng nay đã bị cắt xén các khuôn đất xung quanh để xây nhà và xí nghiệp, nên bây giờ lọt thỏm trơ trọi giữa nhà dân và nhà máy.
Các bậc thang dẫn lên đền hoang tàn xơ xác lại càng vẻ não nùng hơn với cây cỏ mọc um tùm lâu ngày do không người đếm xỉa, không một ngọn đèn.
Cổng chào bằng khung xi măng nay đã trơ trụi tiêu điều nhưng vẫn còn ghi vết hai câu đối đã nhoè ở hai bên cột: "VÌ NƯỚC HY SINH, VÌ DÂN CHIẾN ĐẤU". Có lẽ đây là di tích cuối cùng của những người nằm xuống còn giữ lại được cho họ. Không biết vì lý do gì mà nó vẫn còn tồn tại? do nó thiêng quá đến đỗi không thể di dời, hay vì để MINH CHỨNG cho hình ảnh thất trận, vì trên đỉnh đồi là chốt quân sự của các anh bộ đội với tấm bảng đặt ngay trước cổng đền: "Khu quân sự CẤM quay phim - chụp ảnh". Hình ảnh đó làm ta liên tưởng như tất cả chỉ mới là NGÀY HÔM QUA, chứ không phải đã hơn BA MƯƠI BẢY NĂM trôi qua, cũng không phải cuộc chiến đã kết thúc.
Lần này tôi đã chuẩn bị sẵn hoa, quả, đèn, đồ mã, muối gạo, bát hương.... chỉ mong rằng chút quà mọn làm ấm lòng những người nơi chín suối, những người mà dù mục đích của cuộc chiến là gì đi nữa, thì họ cũng đã, VÌ NƯỚC HY SINH THÂN MÌNH, HY SINH CÁI QUÍ GIÁ NHẤT, MÀ TRỜI ĐÃ BAN CHO CON NGƯỜI -- ĐÓ LÀ SỰ SỐNG --
Khi nhang đèn được thắp lên ngay chân đồi, lạ lùng là ánh sáng lẽ ra chỉ leo lét từ nến và nhang thì lại sáng vang cả một không gian tĩnh mịch, một cảm giác rờn rợn như CÓ AI ĐẤY XUNG QUANH.
Ánh lửa được nhóm lên từ những bộ đồ mã, tiền mã bất chợt lóe lên những tia mãnh liệt như vừa Cảm Ơn, vừa bày tỏ sự phẫn nộ của họ mà bấy lâu nay không ai nghe thấy. Những đốm trắng của giấy vàng bạc bay xòe trong gió, trắng xóa một góc đồi như những đàn bướm trắng chao lượn trên không trung mang đến món quà nhỏ nhoi ít ỏi cho những người nằm xuống nơi đây, ít ỏi thế nhưng có lẽ, phải đến mấy chục năm rồi họ không được nhận.
Chia tay các tử sĩ, chia tay những linh hồn bị bỏ quên khi trời vừa hừng sáng, ánh trăng chiếu những tia sáng yếu ớt cuối cùng để nhường cho mặt trời đỏ rực từ phương Đông đang dần lên. Tôi tin vào một ngày mai tươi sáng, đó là quy luật xoay vần của tạo hóa, nhưng dù thế nào ta hãy đừng quên TRÂN TRỌNG NHỮNG NHƯỜI ĐÃ NGÃ XUỐNG, họ xứng đáng được TRI ÂN dù họ là ai và ở chiến tuyến nào, vì đó chính là ĐẠO. ĐẠO Ở ĐỜI, ĐẠO Ở NHÂN NGHĨA
Trời sắp sáng, nhưng những u uất đâu đó như vẫn đè nặng lên không gian tĩnh mịch, tôi ngậm ngùi nghĩ đến câu nói rất phổ biến trong các triều đại phong kiến ngày xưa: "THẮNG LÀM VUA, THUA LÀM GIẶC".
Ngày 27 tháng 7 năm...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét