Việt Hà, phóng viên RFA
2012-01-03
Năm 2011 là năm thế giới vinh danh những người phụ nữ đã dũng cảm đứng lên đòi dân chủ, hòa bình và công bằng trong xã hội.
Nhân dịp đầu năm mới 2012, chương trình phụ nữ xin cùng quý vị nhìn lại một số gương mặt phụ nữ nổi bật của thế giới và Việt Nam trong năm 2011.
Đấu tranh đòi dân chủ
Năm 2011 là năm của những cuộc biểu tình nổi dậy của người dân khắp nơi, là năm mà người phụ nữ cho thấy họ có thể đóng vai trò quan trọng trong những cuộc đấu tranh đòi dân chủ, hòa bình và công bằng. Đây cũng là năm, lần đầu tiên, Ủy ban Nobel trao giải Nobel hòa bình cho 3 người phụ nữ vì những nỗ lực của họ.
"Thưa quý vị, Ủy ban trao giải Nobel hòa bình năm nay quyết định trao giải nobel hòa bình cho 3 người là Ellen Johnson Sirleaf, Leymah Gbowee Tawakkul Karman vì cuộc tranh đấu phi bạo động của họ vì phụ nữ và quyền của phụ nữ tham gia vào công cuộc xây dựng hòa bình. Chúng ta không thể có được dân chủ và hòa bình lâu dài trên thế giới nếu phụ nữ không có được cơ hội bình đẳng như nam giới để tham gia vào sự phát triển của xã hội."
Đó là lời phát biểu của ông chủ tịch ủy ban trao giải hòa bình của Na Uy vào ngày 7 tháng 10 năm 2011.
Người phụ nữ đầu tiên được nói đến chính là nữ tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf, 73 tuổi, bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm tổng thống ở châu Phi. Bà Ellen Johnson Sirleaf sinh ra và lớn lên ở Monrovia, Liberia. Tuổi thơ của Ellen gặp rất nhiều khó khăn khi cha bà mất sớm. Mẹ bà phải vất vả nuôi các con khôn lớn. Ellen ngay từ nhỏ đã học rất giỏi. Lớn lên bà lấy chồng rồi theo chồng sang Mỹ học đại học. Bà đã nhận được bằng Thạc sĩ về hành chính công tại đại học danh tiếng Havard vào năm 1971. Bà sau đó đã trở về đất nước và là bộ trưởng tài chính trong chính quyền của tổng thống William Tolbert từ năm 1979 đến tháng 4 năm 1980 khi xảy ra cuộc đảo chính quân sự ở Liberia khiến tổng thống Tolbert thiệt mạng. Bà lên tiếng công khai chỉ trích chính quyền mới, và bị bắt tù 5 tháng. Bà sau đó phải rời bỏ Liberia để sang lánh nạn tại Hoa Kỳ.
Bà Sirleaf đã ba lần tham gia ứng cử vào chức tổng thống Liberia. Lần đầu tiên vào năm 1997 khi bà từ chức Giám đốc chương trình phát triển Liên Hiệp quốc và trở về nước để tham gia tranh cử. Nhưng người thắng cử trong cuộc bầu cử đầy tranh cãi này là tổng thống Charles Taylor, người vượt hơn bà 20% số phiếu. Bà Johnson Sirleaf một lần nữa phải bỏ nước và sang sống ở nước ngoài.
Bà chỉ có thể quay trở lại và thắng cử tổng thống Liberia vào năm 2005 sau khi cuộc nội chiến đẫm máu tại Liberia kết thúc với sự ra đi của tổng thống Charles Taylor.
5 năm sau khi bà Johnson Sirleaf trở thành tổng thống Liberia, GDP của đất nước bị tàn phá bởi các cuộc nội chiến đã tăng trung bình 6,5% hàng năm. Người Liberia đang xây dựng lại trường học và trạm xá. Mặc dù đất nước còn nghèo nhưng điều mà người dân Liberia hiện giờ đang có được chính là hòa bình mà họ tìm kiếm từ rất lâu.
Với những nỗ lực không mệt mỏi, bà Johnson Sirleaf đã được trao giải Nobel hòa bình năm 2011. Khi biết được tin vui này, bà Johnson Sirleaf nói rằng đó chính là thành quả của người dân Liberia:
"Tôi nhận giải thưởng này thay mặt cho người dân Liberia và người dân châu Phi và nhất là những người phụ nữ, những người đã ủng hộ tôi trong suốt nhiều năm qua."
Vào tháng 11 năm 2011, bà Johnson Sirleaf thắng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai của Liberia.
Hoạt động vì hòa bình
Người phụ nữ thứ hai được nhận giải Nobel hòa bình năm 2011 cũng là một phụ nữ Liberia, cô Leymah Gbowee, 39 tuổi, một nhà hoạt động xã hội vì hòa bình, lãnh đạo phong trào hòa bình của phụ nữ Liberia. Ngay từ nhỏ Leymah đã phải chứng kiến cuộc nội chiến trên đất nước mình, thấy sự đau khổ của trẻ em Liberia. Bản thân Leymah cũng là người theo học và có bằng đại học về công tác xã hội. Cô tham gia vào các chương trình giúp đỡ trẻ em Liberia, những em trai bị bắt lính dưới thời của tổng thống Charles Taylor.Leymah là người phát ngôn là lãnh đạo của phong trào phụ nữ Liberia vì hòa bình từ năm 2002. Đây là một phong trào hòa bình được bắt đầu từ những phụ nữ địa phương quy tụ hàng ngàn phụ nữ Liberia Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Phong trào cũng tổ chức rất nhiều các cuộc biểu tình trong nhiều tháng để đòi tổng thống Charles Taylor phải lắng nghe những kiến nghị của họ. Leymah là người đã trực tiếp đối diện với tổng thống Taylor vào tháng 4 năm 2003 để nói lên kiến nghị của phụ nữ Liberia:
"Chúng tôi mệt mỏi vì chiến tranh, chúng tôi mệt mỏi vì phải bỏ chạy. Chúng tôi mệt mỏi vì phải đi xin bột mì. Chúng tôi mệt mỏi vì thấy trẻ em bị hãm hiếp. Chúng tôi giờ đây đứng lên vì một tương lai cho con cái chúng tôi. Bởi vì chúng tôi tin, trong tương lai con cái chúng tôi sẽ hỏi chúng tôi là mẹ ơi, vai trò của mẹ trong khủng hoảng này là gì vậy?"
Phong trào phụ nữ của Leymah đã góp phần vào việc chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 14 năm ở Liberia và đưa bà Ellen Johnson Sirleaf lên làm nữ tổng thống châu Phi đầu tiên vào năm 2005.
Năm 2011 thế giới đã chứng kiến một phụ nữ Ả rập đầu tiên được nhận giải Nobel hòa bình, đó là cô Tawakkul Karman, 32 tuổi, nhà báo nữ người Yemen. Cô còn được người Yemen gọi là ‘người phụ nữ thép’ hay ‘người mẹ của cách mạng’. Cô là người đi đầu trong những cuộc biểu tình kêu gọi tổng thống độc tài Yemen, Abdullah Saleh, phải từ chức.
"Chúng ta nói với Ali Abdullah Saleh và phe nhóm, gia đình tham nhũng của ông ta phải ra đi trước khi chúng ta khiến họ phải ra đi."
Tawakkul Karman là người đồng sáng lập tổ chức các nhà báo nữ không bị xiềng xích của Yemen vào năm 2005 để kêu gọi cho quyền con người, quyền tự do bày tỏ ý kiến và dân chủ.
Tôi nhận giải thưởng này thay mặt cho người dân Liberia và người dân châu Phi và nhất là những người phụ nữ, những người đã ủng hộ tôi trong suốt nhiều năm qua.Bà Johnson Sirleaf
Trong những cuộc nổi dậy của người dân Yemen trong suốt năm 2011, Tawakkul Karman là người tổ chức cho sinh viên biểu tình ở thành phố Sana’a. Cô và chồng bị cảnh sát bắt giữ nhiều lần vì tham gia tổ chức những cuộc biểu tình chống chính phủ liên tục trong suốt năm 2011.
Cuộc biểu tình ôn hòa mà cô kêu gọi với hơn 2000 người tham dự vào tháng 5 năm 2011 thậm chí đã bị chính quyền đàn áp bằng súng đạn và khiến 13 người thiệt mạng.
Một năm đã trôi qua kể từ khi cuộc cách mạng mùa xuân Ả rập bắt đầu ở Tunisi vào cuối tháng 12 năm 2010, những cuộc biểu tình của người dân Yemen vẫn còn tiếp tục cho đến khi nào tổng thống Abdullah Saleh rời bỏ chính trường Yemen chính thức. Cuộc đấu tranh của Tawakkul Karman vẫn còn tiếp tục và cô nói cô sẽ kiên trì theo đuổi cuộc tranh đấu bất bạo động cho đến khi người dân Yemen đạt đượt những gì mà họ đòi hỏi.
Những phụ nữ Việt Nam
Tại Việt Nam, năm 2011 cũng có thể coi là một năm của những cuộc biểu tình ở nhiều nơi, mà đặc biệt là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Sài Gòn. Đã có rất nhiều người phụ nữ tham gia vào các cuộc biểu tình này được các blogger Việt Nam chú ý. Tạp chí phụ nữ trong năm 2011 đã có dịp được nói về họ, những người phụ nữ đẹp, dũng cảm, kiêu hãnh trong tà áo dài tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc lấn biển, lấn đảo và bắt bớ những ngư dân Việt Nam. Nữ nhà văn Thùy Linh, người đã tích cực tham gia các cuộc biểu tình yêu nước ở Hà Nội nói với tạp chí phụ nữ về hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam xuống đường biểu tình như sau:"Trong các cuộc chiến tranh của Việt Nam thì vai trò của người phụ nữ rất là lớn và họ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất, ngay cả bây giờ khi ngư dân bị Trung Quốc đánh trên biển thì người thiệt thòi vẫn là những người phụ nữ và những đứa trẻ. Cho nên người phụ nữ Việt Nam ý thức rất rõ, ý thức tất cả những cái lớn lao, thực ra nó rất thiết thân với chính cuộc đời họ, vì thế việc họ tham gia này là rất tự nhiên của con người, của phụ nữ. Họ không phải cố gắng, không phải lên gân lên cốt, không phải nghĩ là mình đang làm gì đó lớn lao."
Trong rất nhiều những bức ảnh của các đoàn người biểu tình phản đối Trung Quốc mùa hè năm 2011, người ta đã thấy gương mặt của cô hoa hậu biểu tình Trịnh Kim Tiến, người chưa từng nghĩ sẽ có một ngày quan tâm đến vấn đề chính trị và xã hội cho đến khi gia đình cô gặp phải bất công với chính quyền, khi cha cô bị công an đánh đến chết và đến giờ công lý vẫn chưa được thực hiện.
Trong các cuộc chiến tranh của Việt Nam thì vai trò của người phụ nữ rất là lớn và họ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất...Nhà văn Thùy Linh
Nhưng có lẽ hình ảnh của chị Bùi Thị Minh Hằng là hình ảnh được chú ý nhiều nhất. Người phụ nữ với tà áo dài duyên dáng và bó hoa trên tay xuất hiện gần như ở hầu hết các cuộc biểu tình từ nam chí bắc. Bị công an bắt nhiều lần, bị đe dọa, nhà của chị ở thành phố Vũng Tàu bị lục soát, phá phách, Bùi thị Minh Hằng vẫn tiếp tục tham gia vào những cuộc biểu tình vì chị tin rằng mình đã làm đúng:
"Chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình, sẽ đeo băng rôn với đầy đủ mọi thứ tiếng và chúng tôi sẽ lấy băng keo vào miệng…"
Cộng đồng mạng Việt Nam đã bầu chọn chị Bùi Thị Minh Hằng là người phụ nữ của năm 2011.
Rất tiếc, khi chương trình này được phát thanh thì chị Bùi Thị Minh Hằng vẫn đang bị chính quyền giam giữ không có lý do tại cơ sở giáo dục Thanh Hà ở Hà nội.
Rất tiếc, khi chương trình này được phát thanh thì chị Bùi Thị Minh Hằng vẫn đang bị chính quyền giam giữ không có lý do tại cơ sở giáo dục Thanh Hà ở Hà nội.
Còn rất nhiều những người phụ nữ của thế giới và Việt Nam khác nữa đã và đang tham gia tạo nên những thay đổi có ý nghĩa, cho dân chủ và hòa bình, mà trong một chương trình ngắn ngủi, chúng tôi không thể nói hết. Nhân dịp năm mới, trang phụ nữ xin chúc các bác, các chị những điều tốt lành nhất.
Mọi thư từ đóng góp ý kiến cho chương trình, xin quý vị gửi về www.facebook/VietHaRFA hoặc email về địa chỉ vietha@rfa.org
Theo dòng thời sự:
- Phụ nữ Campuchia còn chịu nhiều áp bức
- Bất bình đẳng giới trong nền kinh tế
- Phụ nữ Hmông vẫn là nạn nhân của bạo hành
- Người phụ nữ châu Phi đầu tiên nhận giải Nobel
- Phụ nữ Arap Saudi sẽ được bầu cử & ứng cử
- Phụ nữ nghèo ở quần đảo Solomon
- Vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế
- Phụ nữ với nạn quấy rối tình dục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét