Tin mới Biển Đông:Trung Quốc đưa tàu sân bay ra biển Đông trực chiến
Hải quân Trung Quốc sẽ đưa vào trực chiến tàu sân bay đầu tiên của nước này vào ngày 1/10 tới. Với hành động trên, Trung Quốc tiến gần hơn tới việc thâu tóm quyền khống chế trên biển Đông.
Hãng Thông tấn Nga ITAR-TASS ngày 9/8 đưa tin Hải quân Trung Quốc sẽ đưa vào trực chiến tàu sân bay đầu tiên nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc (1/10). Tàu sân bay Varyag có chiều dài 304,5m và chiều rộng 37m với trọng lượng choán nước 58.500 tấn. Chuyên gia quân sự Trung Quốc ca ngợi con tàu có khả năng chiến đấu cao, đem lại sự tự tin trong quá trình tác chiến nếu được huy động.
Ngoài việc đưa vào trực chiến con tàu trên, Trung Quốc cũng dự định tự đóng thêm ít nhất 3 tàu sân bay cùng loại với tàu Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga nhằm mục đích "bảo vệ lợi ích quốc gia trên biển của Trung Quốc" và hướng tới mục tiêu trở thành “một cường quốc hải quân”.
Các tàu sân bay này sẽ được Trung Quốc khởi công trong năm nay và được biên chế vào Hạm đội Hải Nam quản lý Biển Đông, chia thành hai đội tàu chiến. Một đội sẽ làm nhiệm vụ tuần tra-tác chiến, đội còn lại tham gia hỗ trợ và đảm nhiệm công tác huấn luyện.
Các chuyên gia cảnh báo đội tàu sân bay của Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa ở khu vực sau 10-20 năm nữa. Tuy nhiên, mức độ đe dọa thực sự nguy hiểm đến cỡ nào còn phải chờ vào "đẳng cấp" của những tàu đóng mới.
Theo kế hoạch, vào đầu năm 2014, Hải quân Trung Quốc sẽ đón nhận chiếc tàu chiến Type 081 LHD mới nhất. Tàu Type 081 có thể mang theo 8 trực thăng trên boong cùng với 4 trực thăng và tàu đệm không khí trong nhà chứa máy bay. Tàu chiến mới của Trung Quốc có khả năng chở 1.068 lính thủy đánh bộ. Hệ thống vũ khí của tàu gồm hệ thống radar nhiều tầng, 4 tên lửa phòng không tầm ngắn và những vũ khí chồng tàu ngầm. Tầm hoạt động của tàu tấn công đổ bộ Type 081 được ước tính là vào khoảng 13.000km, với khả năng tác chiến trên biển liên tục trong 30 ngày. Giới chuyên gia quân sự Đài Loan nhận định, tàu chiến Type 081 có thể làm thay đổi “cuộc chơi” trong bất kỳ chiến dịch tấn công đổ bộ nào vào vùng lãnh thổ này cũng như các đối thủ khác của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trung Quốc cũng đang dốc hết sức đầu tư các nguồn lực phát triển lực lượng hạt nhân dưới nước, bao gồm xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở đảo Hải Nam. Báo Trung Quốc tuyên truyền "Tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc sẽ mang đầy đủ vũ khí hạt nhân để tiến hành tuần tra răn đe chiến lược". Báo Trung Quốc dẫn thông tin trên trang mạng của Quỹ Jamestown Mỹ cho biết, những năm gần đây Trung Quốc duy trì chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược 094 lớp Tấn.
Hồi tháng 7/2012, báo giới Trung Quốc đưa tin, 27 tàu chiến của hạm đội Bắc Hải và Đông Hải sẽ diễn tập bắn đạn thật ở Biển Đông. Trang mạng quân sự Trung Quốc nói, việc nước này tập trận ở vùng biển Trường Sa của Việt Nam là "một cách thể hiện thực lực của hải quân Trung Quốc với các nước láng giềng trên Biển Đông". Trong ảnh là ba trong số bốn tàu khu trục lớp Sovermenny trang bị cho Hạm đội Đông Hải.
Biển Đông đang trở thành điểm nóng đáng chú ý nhất thế giới bởi cuộc “đua” tàu chiến rầm rộ của các cường quốc. Hồi giữa tháng 5, Mỹ đã đưa tàu ngầm tấn công tối tân USS North Carolina đến khu vực gần bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông, nơi chứng kiến cuộc đối đầu “nảy lửa” giữa Philippines và Trung Quốc suốt mấy tháng.
USS North Carolina là chiến hạm thuộc thế hệ tàu ngầm tấn công đa chức năng chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Virginia. Con tàu này có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như chống ngầm, chống tàu nổi, yểm trợ cho lực lượng đặc biệt, giám sát, trinh sát và tác chiến thủy lôi.. Với chiều dài hơn 106m và trọng lượng hơn 7.800 tấn khi lặn, USS North Carolina là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình cao nhất và được trang bị công nghệ tân tiến nhất trên thế giới.
Hôm 1/8, một quan chức cấp cao của Bộ quốc phòng Mỹ cho biết, các nhà hoạch định Lầu Năm Góc sẽ xem xét bổ sung thêm máy bay ném bom và tàu ngầm tấn công tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong khuôn khổ một kế hoạch của Mỹ nhằm chuyển sự tập trung sang các thách thức an ninh ở khu vực này.
Từ tháng 6/2012, Mỹ đưa vào trang bị cho Hải quân chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia mới nhất mang tên USS Mississipi (SSN-782). USS Mississipi sẽ thực hiện các chiến dịch diệt hạm và diệt ngầm. Ngoài ra tàu này có thể thực hiện các hoạt động trinh sát bí mật tại các vùng biển của đối phương.
Trong khi đó, Philippines cũng chẳng vừa khi lên kế hoạch mua hai tàu chiến được trang bị tên lửa và có khả năng chống tàu ngầm để tăng cường sức mạnh của Hải quân trên Biển Đông.
Theo đó, Philippines sẽ có hai tàu chiến hiện đại đầu tiên trong năm sau. Manila dự kiến sẽ mua lại các tàu khu trục lớp Maestrale từ Hải quân Italy với giá 11,7 tỷ peso (285 triệu USD).Các tàu này có khả năng chống lại tàu ngầm và thực sự dành cho cuộc chiến". Philippines đang quyết tâm hiện đại hóa quân đội, sau khi những điểm yếu của lực lượng vũ trang, đặc biệt là hải quân, bộc lộ rõ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc tại một bãi cạn tranh chấp trên biển Đông.
Nhiều người nghi ngại hành động của Trung Quốc và các nước liệu có làm dịu căng thẳng đang leo thang trên biển Đông hay sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang “tổng lực” trong khu vực…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét