Lực lượng tàu ngầm Việt Nam với cán cân quân sự tại Biển Đông
Việt Long dịch thuật tài liệu của Viện nghiên cứu quốc tế RSIS
2012-09-05
Tuần này xưởng đóng tàu Admiralty của Nga hạ thuỷ và chạy thử chiếc tàu ngầm đầu tiên trong sáu chiếc lớp Kilô chạy diesel và điện, do Việt Nam đặt mua từ 2009.
Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng trong chính sách quốc phòng của Việt Nam nhằm tăng cường lực lượng hải quân dưới lòng biển khơi.
Theo kế hoạch, tàu này sẽ được giao cho Việt Nam vào cuối năm nay, sớm gần hai năm so với dự tính, theo đó Việt Nam sẽ nhận đủ sáu chiếc Kilo vào năm 2018
.Kế hoạch trang bị tàu ngầm này là kế hoạch mở rộng từ chương trình hiện đại hoá quân sự đầy tham vọng của Việt Nam từ giữa thập niên 1990.
Được loan báo vào năm 2009, kế hoạch này đã gây một làn sóng phấn khởi trong giới truyền thông Việt Nam về tác động đối với thế cân bằng lực lượng hải quân trong khu vực.
Tuy thế, nhìn trên các khía cạnh số lượng cũng như hiệu năng chiến đấu, vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Tương quan lực lượng Việt Nam-Trung Quốc
Trước hết, về số lượng, hải quân Việt Nam không hy vọng gì có thể đuổi kịp lực lượng hải quân khổng lồ của Trung Quốc dựa trên thế mạnh vượt trội về kinh tế.
Trung Quốc có cả một hạm đội tàu ngầm khổng lồ sẵn sàng được phát triển thêm, gia tăng khoảng cách về số lượng không những với Việt Nam mà còn với những nước có tàu ngầm trong khu vực.
Về hiệu năng chiến đấu, lực lượng tàu ngầm của Việt Nam cũng chỉ tiến đến một khả năng chênh lệch đối với lực lượng hải quân Trung Quốc đang phát triển mạnh trên biển Đông.
Trung Quốc đã sử dụng tàu ngầm Kilo từ thập niên 1990, lực lượng tàu ngầm Việt Nam đối với họ không có gì là lạ.
Tuy vậy, những chiếc Kilo nhỏ bé nhưng lợi hại của Việt Nam cũng sẽ gây mối quan tâm cho các chiến thuật gia của hải quân Trung Quốc, trước đây chưa từng phải e dè khả năng chiến đấu từ dưới mặt nước của Việt Nam.
Dù sao chăng nữa, xét trên thế cân bằng quân sự, khả năng về tàu ngầm của Việt Nam cũng sẽ không gây nên một mối thách thức lớn cho lực lượng hải quân Trung Quốc vốn vẫn đứng hàng đầu trong khu vực.
Việt Nam- Đông Nam Á
Trước khi Việt Nam sắm tàu ngầm Kilo, hải quân các quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã mua sắm những số lượng tàu ngầm ít hơn.
Indonesia và Malaysia vẫn phải lo âu về sự yếu kém khả năng dù mới vừa nhận nhiều tàu ngầm, vì lãnh hải rộng lớn của họ.
Đến năm 2018, Việt Nam với tất cả 6 chiếc tàu ngầm Kilo hoạt động sẽ được coi là lực lượng tàu ngầm lớn nhất của Đông Nam Á.
Tuy vậy, có vẻ như các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ tiếp tục phát triển khả năng về tàu ngầm chỉ trong vòng thâp niên 2010 này.
Tàu ngầm Kilo không lạ lùng gì ở biển Đông từ khi có tin Trung Quốc sử dụng nó trong vùng biển này.
Được giới chuyên môn về hải quân của phương Tây gọi là “cái hố đen” (black hole, hàm ý mang sự tĩnh lặng tuyệt đối như “hố đen” trong giả thuyết cấu tạo vũ trụ), tàu Kilo được thiết kế bằng những vật liệu tuyệt hảo nổi tiếng về giảm thanh, như thân tàu thu hút âm thanh để không gây tín hiệu phản hồi cho những làn sóng sonar dò tìm mục tiêu dưới mặt nước.
Tính năng này thực ra cũng không phải là độc đáo, vì hải quân các nước Đông Nam Á cũng có những tàu ngầm mang cùng tính năng “thu hút tiếng vọng” tương tự, có thể còn vượt trội hơn.
Tàu Kilo của Việt Nam cũng giống như tàu ngầm của Indonesia và Malaysia, được cho là không thích hợp với hệ thống máy đẩy không dùng không khí giống như tàu ngầm của Singapore.
Tính năng này giúp tàu gia tăng thời gian lặn mà không cần ngoi lên gần mặt nước để ống hơi lấy không khí.
Vì thế nhìn chung, tàu Kilo của Việt Nam được trang bị tương đương với những loại tàu ngầm của Đông Nam Á, ngoài điểm khác biệt đáng kể là tàu Kilo có hệ thống phóng hoả tiễn tuần du (cruise missile) từ bên dưới mặt nước loại Klub-S, theo hợp đồng năm 2009.Hệ thống hỏa tiễn dòng Klub được dùng để đánh tàu chiến với công cụ dò mục tiêu bằng hồng ngoại tuyến, hoặc tấn công trên mặt đất sử dụng công cụ tìm mục tiêu bằng quán tính tương đối.
Loại Klub tấn công diện địa mới đáng chú ý, vì tới nay chưa một lực lượng hải quân Đông Nam Á nào có khả năng tấn công mặt đất từ một căn cứ hoả lực lưu động trên biển.
Khả năng này nếu được sử dụng từ một tàu ngầm, sẽ tàn phá đất liền của nước khác bằng một hoả lực bí mật bất ngờ. Điều kiện ấy sẽ có thể là một nguồn gốc của sự mất ổn định cho một khu vực vốn đã bấp bênh về an ninh.
Theo Rosoboronexport, tập đoàn xuất khẩu vũ khí chính của Nga, thì hợp đồng tháng 7, 2011 quy định những tàu Kilo bán cho Việt Nam thuộc loại theo tiêu chuẩn thiết kế và trang bị bình thường, nhưng đồng thời quy định hệ thống hoả tiễn cruise giòng Klub-S cũng thuộc tiêu chuẩn bình thường.
Điều khoản này có thể được hiểu là hệ thống hoả tiễn chống tàu. Nếu đúng như thế, loại chiến cụ này không phải là một khả năng quân sự mới được đưa vào khu vực, vì tàu Scorpenes của Malaysia cũng trang bị hoả tiễn tương đương bằng hệ thống “ Cá Bay” SM-39 Exorcet, trong khi tàu Kilo của Trung Quốc và Ấn Độ cũng có hoả tiễn Klub-S chống tàu..
Những thách đố trước mắt
Những chiếc Kilo mới của Việt Nam còn xa mới thành một yếu tố làm thay đổi cán cân lực lượng hải quân ở Đông Nam Á.
Đúng hơn, hành động thủ đắc chiến cụ mới cho thấy ý hướng của Việt Nam muốn thiết lập một lực lượng chiến đấu dưới lòng biển khơi như một phần trong nỗ lực toàn diện không những chỉ để điều chỉnh sự yếu kém của hạm đội già nua hiện hữu từ thời Xô Viết đến nay, mà còn nhắm đạt tới một lực lượng hải quân cân bằng lực lượng với nước khác.
Quyết định mua tới sáu chiếc Kilo cho thấy ý chí muốn có được một lực lượng chiến đấu có tầm vóc, vững chắc, lâu dài, có khả năng hiện diện liên tục trên biển, mà một hạm đội nhỏ bé hơn khó thành toàn.
Ý hướng này được thấy rõ hơn qua những nỗ lực đồng bộ của Việt Nam không chỉ trong việc mua sắm chiến cụ mà còn trong việc kiến tạo cơ sở hạ tầng và lực lượng nhân sự.Năm 2010 có tin cho hay Việt Nam nhờ Nga giúp xây dựng những cơ sở dành cho tàu ngầm ở vịnh Cam Ranh, đồng thời ký được hợp đồng với Ấn Độ cho việc huấn luyện các thuỷ thủ đoàn tàu ngầm Kilo.
Malaysia và Singapore cũng có những nỗ lực tương tự.
Nhưng dù với kế hoạch hạm đội tàu ngầm, hải quân Việt Nam vẫn phải lấp cho đầy nhiều khoảng trống về khả năng quân sự, như thám sát hàng hải từ không trung, và khả năng hiện diện quân sự ở những vùng quan yếu cho quốc gia, như biển Đông.
Với toàn hạm đội 6 tàu ngầm Kilo hoạt động vào năm 2018, Việt Nam còn phải nghiên cứu khai triển khả năng cứu nạn tàu ngầm, và hợp tác về lãnh vực này với hải quân các nước trong khu vực.
Cần nhiều thời gian để kiến tạo một lực lượng tàu ngầm đầy đủ sức mạnh cần thiết, sẵn sàng chiến đấu, với thuỷ thủ đoàn chuyên nghiệp và học thuyết quân sự thích hợp.
Và sau hết, việc này không chỉ tuỳ thuộc quyết tâm chính trị mà còn phụ thuộc vào khả năng phát triển kinh tế liên tục của Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét