Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với phật tử Việt Nam : Chủ nghĩa Mác đã chết
Tú Anh – RFI - “…Đức Đạt Lai Lạt Ma dù chưa tới Việt Nam bao giờ vẫn có thể nhìn thấu những vấn đề căn bản của đất nước này…”
Phân chia tài sản đồng đều là một nguyên tắc hấp dẫn của chủ nghĩa Mác, nhưng không bao giờ được thực hiện, còn các chế độ cộng sản luôn luôn tìm cách kiểm soát đời sống và tư lưởng con người. Điều này không thể chấp nhận được. Trên đây là thông điệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi pháp đàm dành cho phái đoàn 102 phật tử Việt Nam tại Dharamsala, Ấn Độ, nơi đặt bản doanh của chính phủ Tây Tạng lưu vong.
Theo bản tin của Asia News ngày 27/09/2012, một phái đoàn phật tử Việt Nam theo hệ phái Tây Tạng đã đến Dharamsala, Ấn Độ, trong lúc cộng đồng Tây Tạng lưu vong họp đại hội quyết định đường lối đấu tranh mới với Bắc Kinh trong bối cảnh xẩy ra hàng loạt vụ tự thiêu tại Hoa lục.
Phái đoàn này, một nửa từ Sài Gòn, một nửa từ Hà Nội, tổng cộng 102 người thành viên của Câu lạc bộ Giám đốc điều hành Việt Nam CEO’s Club, một tổ chức doanh nhân phật tử “có ít nhiều cảm tình” với chính quyền.
Trong buổi pháp thoại đặc biệt dành cho đoàn phật tử Việt Nam, Đức Đạt Lai Lạt Ma phân tích, chủ thuyết cộng sản chỉ mới có 200 năm mà đã suy đồi, trong khi Phật giáo và các tôn giáo khác đã nhiều ngàn năm mà vẫn thu hút cả thế giới. Ngài lưu ý phật tử là một số nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản như là “chia sẻ tài sản đồng đều” nghe rất hấp dẫn. Nhưng trong thực tế, các chính quyền tự xưng là cộng sản “không bao giờ áp dụng” mà lại còn “kềm chế, kiểm soát tự do tư trưởng con người”, một điều mà Ngài khẳng định là “không thể chấp nhận được”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tỏ vẻ ưu ái phật tử Việt Nam, Ngài trả lời mọi thắc mắc từ tình mẫu tử, từ câu hỏi của một người mẹ làm sao tạo ra cuộc sống hạnh phúc gia đình cho đến chuyện Trung Quốc tranh giành chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, “ phải giáo dục con trẻ trong tinh thần tự do ”, bản thân mình phải mở rộng lòng thương và sống tích cực trong mọi hoàn cảnh.
Trước thái độ xâm lược của Trung Quốc, Ngài khuyên là nên tìm cách chuyển hóa họ trong tinh thần Bi, Trí, Dũng. Khi một phật tử mời Ngài du lịch đảo Hoàng Sa hoặc Trường Sa, nơi Việt Nam đang xây một ngôi chùa thì Đức Đạt Lai khuyên là nên xây trung tâm Phật học tại Hà Nội và Sàigòn. Theo Khôi nguyên Nobel Hòa bình 1989, lập một tu viện tại Sàigòn và Hà Nội vẫn hữu ích hơn ở hòn đảo nhỏ.
Theo Asia News, phái đoàn phật tử doanh nhân Việt nam gặp khó khăn trước khi xin được visa sang Ấn Độ để tu học với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Truyền thông Tây Tạng lưu vong rất quan tâm, quảng bá sự kiện này và nhấn mạnh đến quan hệ chặt chẽ giữa đảng Cộng sản Trung Quốc và đảng Cộng sản Việt Nam.
Đây là lần thứ hai, lãnh đạo tinh thần Tây Tạng giảng trực tiếp cho phái đoàn phật tử Việt Nam. Lần đầu vào tháng 11 năm 2011 cũng tai Dharamsala.
Một blogger Việt Nam, Quechoa, viết những dòng khâm phục : “Đức Đạt Lai Lạt Ma dù chưa tới Việt Nam bao giờ vẫn có thể nhìn thấu những vấn đề căn bản của đất nước này”.
Đề cập khả năng thay đổi tại Tây tạng
Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng thẩm định là với thế hệ mới sắp lên cầm quyền tại Bắc Kinh, hy vọng tình hình Tây Tạng sẽ thay đổi. Tập Cận Bình sẽ không có con đường nào khác ngoài giải pháp toàn diện phục vụ quyền lợi lâu dài của hai dân tộc.
Theo Đức Đạt Lai Lạt Ma, suốt chiều dài cuộc tranh đấu bền bỉ chống chính quyền Trung Quốc, người dân Tây Tạng luôn nắm bắt mọi cơ hội để giữ tinh thần lạc quan. Do vậy với sự kiện một thế hệ mới sắp lên cầm quyền tại Trung Quốc đã tạo ra một tia hy vọng mới.
Từ Dharamsala, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận định là ban lãnh đạo mới tại Bắc Kinh «phải chứng tỏ phải biết phân biệt phải trái và phải có một lập trường toàn diện để phục vụ lợi ích lâu dài. Vì không có con đường nào khác”.
Ngài cảnh báo Trung Quốc là nếu tiếp tục dùng vũ lực, dùng kiểm duyệt để bóp nghẹt xã hội thì sẽ đi đến tiêu vong.
Theo AFP, một trong những tín hiệu cho phép lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hy vọng Trung Quốc “thay đổi” là thân phụ của ông Tập Cận Bình là Tập Trọng Huân đã từng gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma trong những năm đầu của thập niên 1950 trước khi có cuộc tổng nổi dậy.
Tập Trọng Huân sau đó lên làm phó thủ tướng và có tiếng là thông hiểu nguyện vọng của các sắc tộc thiểu số trong chế độ Trung Quốc. Giới phân tích hy vọng nhân vật này đã “truyền” lại cho con trai tinh thần cởi mở này.
Nguồn ảnh: Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma,
hình REUTERS
hình REUTERS
28/9/2012
Tú Anh – RFI
Tú Anh – RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét