Võ Văn Ái – Thư ngỏ gửi Tổng Thống Pháp François Hollande về Nhân quyền tại Việt Nam và vụ xử giả trá Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do
Quê Mẹ - PARIS, ngày 26.9.2012 (QUÊ MẸ) – Sáng nay từ Paris, ngày 26.9.2012, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Quê Mẹ : Hành động Cho Dân Chủ Việt Nam, viết Thư Ngỏ gửi Tổng Thống François Hollande, yêu cầu Tổng Thống nhân danh nước Pháp lên tiếng can thiệp cho ba nhà bloggers Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, và cho Nhân quyền Việt Nam mà bấy lâu nay, hầu như nước Pháp đã im lặng. Dù rằng nước Pháp luôn hãnh diện là « Tổ quốc của Nhân quyền » xuất phát từ bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Công dân từ thời Cách Mạng Pháp, thế kỷ XVIII.
Toàn văn Thư Ngỏ viết như sau do Cơ sở Quê Mẹ dịch từ bản Pháp văn :
THƯ NGỎ KÍNH GỬI ÔNG FRANÇOIS HOLLANDE
TỔNG THỐNG CỘNG HÒA PHÁP QUỐC
TỔNG THỐNG CỘNG HÒA PHÁP QUỐC
Thưa Tổng Thống,
Hôm 24.9, Việt Nam đem Tự do ngôn luận ra trước tòa án xét xử. Nhà cầm quyền Việt Nam thông báo phiên xử trải qua hai ngày, thế nhưng đây là phiên tòa giả trá vốn đã quyết định từ trước, nên chỉ xẩy ra trong mấy tiếng đồng hồ. Các nhà bloggers sáng lập “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” bị tuyên án tù nặng nề vì tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước CHXHCNVN” (chiếu điều 88 tại Bộ Luật Hình sự) : Mười hai năm tù giam và năm năm quản chế cho ông Nguyễn Văn Hải (bút danh Điếu Cày) ; mười năm tù giam và 5 năm quản chế cho bà Tạ Phong Tần ; và bốn năm tù giam với ba năm quản chế cho ông Phan Thanh Hải.
Thực tế, “tội” họ phạm chỉ là những bài báo đăng trên Internet kêu gọi tôn trọng nhân quyền và dân chủ, tố cáo nạn tham nhũng hay biểu tỏ quan điểm họ trên những vấn đề tranh cãi với Trung quốc (hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). Tất cả là những điều mà nhà cầm quyền Việt Nam không muốn nghe.
Trường hợp ba nhà bloggers này báo hiệu những mưu mô và sự khinh miệt của chính quyền Việt Nam đối với quyền con người, đối với những nghĩa vụ quốc tế và đối với cộng đồng thế giới. Ông Điếu Cày bị kết án vô cớ hai năm rưởi tù vào năm 2008 với tội danh áp đặt “trốn thuế”. Thời ấy, bản án của nhà cầm quyền chẳng liên hệ đến các bài báo Điếu Cày viết. Sang năm 2010, cũng nhà cầm quyền này cảm thấy án tù dành cho Điếu Cày quá ngắn , nên đã triển hạn tù cho ông, nhưng lần này chuyển sang tội danh “Tuyên tryền chống Nhà nước”. Gia đình Điếu Cày bị cắt đứt liên lạc và không biết ông sống chết ra sao trong vòng một năm rưởi, cho đến khi được tin ông sẽ bị đem ra xét xử cùng với hai người cận sự, ông Phan Thanh Hải và bà Tạ Phong Tần.
Dự tính đem ra xử tháng Tư 2012, phiên tòa bị dời lại, mà theo các nguồn tin pháp lý thì nhà cầm quyền Việt Nam không nhất trí với án tù dành cho các bị can. Cơ quan An ninh định mức những bản án quá cao, trong khi Viện Kiểm sát Nhân dân và tòa án thì muốn xử “nhẹ”. Như thế tội phạm đã được quyết định từ trước và quy tắc không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án không được nhà cầm quyền Việt Nam thi hành.
Trong cùng ngày 3.5.2012, các luật sư của các bị can nhận được thông báo phiên tòa dự tính xử vào ngày 15.5 bị hoãn lại. Ngày 3 tháng 5 là Ngày Quốc tế Tự do Báo chí, và Tổng Thống Hoa Kỳ, Barack Obama, đã nhân dịp này nêu trường hợp Điếu Cày trong bài diễn văn của ông.
Lo lắng cho việc gây náo động trong cộng đồng thế giới đã làm cho nhà cầm quyền Việt Nam trì hoãn thêm lần nữa vụ xử dự tính vào đầu tháng Tám, sau cuộc tự thiêu của thân mẫu bà Tạ Phong Tần phản kháng sự bất công đối với con gái bà. Bà qua đời ngày 30.7.
Cuối cùng vụ xử đã xẩy ra (24.9), công an chận đứng các ngã đường dẫn tới tòa án, mười hai người bị bắt vì biểu tình ủng hộ ba bị can. Một số nhỏ các nhà ngoại giao và báo chí quốc tế được nhà cầm quyền cho phép theo dõi phiên tòa nhưng chỉ được có mặt vào lúc phiên tòa khai mạc và bế mạc mà thôi ; với điều kiện không được mang theo điên thoại di động, máy thu âm, máy chụp hình, v.v… Để phòng ngừa, nhà cầm quyền đưa tới hiện trường hai xe phá sóng hòng ngăn chận các điện thoại cầm tay phát tin. Như thế phiên tòa diễn tiến không trở ngại, không biểu tình phản đối, không lời bào chữa quá mãnh liệt của các bị can mà công an đã kịp thời bịt miệng : Micro của Điếu Cày đã bị cúp ngay khi ông lên tiếng biện hộ cho quyền tự do ngôn luận !
Bịt miệng. Đây là mục tiêu của Nhà cầm quyền Việt Nam. Vụ xử này là lời cảnh cáo cho mọi người Việt nào còn muốn lên tiếng. Nó cũng là thông điệp rõ ràng gửi đến cộng đồng quốc tế : Việt Nam, nước đang đăng ký vào Hội đồng Nhân quyền LHQ chẳng hề có ý định tôn trọng các cam kết nhân quyền với thế giới.
Bịt miệng. Đây là hành xử thường nhật mà mọi người Việt Nam phải chịu, họ bị tù đày trên lãnh thổ họ như trong một nhà tù, theo hình ảnh điển hình của Đức Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thích Quảng Độ, hiện bị quản thúc không lý do trong ngôi chùa của ngài ở Saigon. Ngài đã chịu mọi hình thức hạn chế tự do (giam tù, trại cải tạo, lưu đày, quản chế) không dứt từ năm 1982. Ngài phạm tội gì ? Tội quyết tâm nói lớn và dấn thân vận động cho nhân quyền và dân chủ.
Bịt miệng. Đây đã là sự thành công của nhà cầm quyền Việt Nam trong mối quan hệ với các quốc gia dân chủ. Nước Pháp là một ví dụ. Nước Pháp không ngừng tự hào như “Tổ quốc của Nhân quyền”, nhưng nước Pháp đã im lặng ngay từ đầu cuộc pháp lý giả trá này.
Trong khi nước Pháp giữ những quan hệ lâu đời và đặc biệt với Việt Nam, và hợp tác mạnh mẽ với Vệt Nam trên nhiều lĩnh vực, kể cả pháp lý, với Ngôi nhà Luật pháp Pháp-Việt tại Hà Nội. Quả thực là nền ngoại giao Pháp cố công ảnh hưởng đến các đối tác của mình một cách kín đáo và thân hữu, nhất là trên phạm vi nhân quyền, như giới thân cận Tổng Thống Chirac chủ trương trong chuyến viếng thăm Hà Nội năm 1997 nhân Thượng đỉnh Pháp thoại.
Mười lăm năm đã trôi qua. Tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam, và, đứng trước sự kín đáo của nước Pháp, người ta có thể chính đáng tự hỏi rằng “tình hữu nghị” kia có đi vào sự đồng lõa hay không?
Nhân dân Việt Nam rất trông chờ thái độ của nước Pháp, từ các xã hội dân sự cho đến chính quyền. Trong quá khứ, quả thực nước Pháp đã nhiều lần can thiệp để cứu sống người Việt Nam : Năm 1908 rồi năm 1911, Hội Nhân quyền Pháp đã cứu nhà ái quốc Phan Chu Trinh khỏi bị tử hình rồi được ra khỏi nhà tù Côn Đảo. Gần đây, cuối thập niên 1970 sang đầu thập niên 1980, nước Pháp đã nồng nhiệt tiếp đón trên lãnh thổ Pháp đông đảo Người Vượt Biển qua chiến dịch “Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam” do tôi xướng xuất với các bằng hữu Pháp.
Đã đến lúc nước Pháp phất lại ngọn đại kỳ Nhân Quyền, nước Pháp kề vai đứng bên cạnh những người Việt Nam bị áp bức, và ưu tiên đưa vào nghị trình sự tôn trọng nhân quyền và tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.
Xin Tổng Thống nhận nơi đây lòng kính trọng cao quý của tôi.
Võ Văn Ái
Chủ tịch
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
Chủ tịch
Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam
Nguồn: Quê Mẹ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét