9.10.12


Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chịu số phận bi đát không?

Minxin PeiTrần Ngọc Cư dịch Liệu giới lãnh đạo chóp bu của Bắc Kinh có thể phải chịu chung số phận với giới lãnh đạo Liên Xô cũ hay không? Có lẽ.

Bản thông cáo vào hôm thứ Sáu vừa qua cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ triệu tập Đại hội Đảng thứ 18 vào ngày 8 tháng 11 đã mang lại sự nhẹ nhõm tâm tư cho những ai lo lắng rằng những tai tiếng chính trị và cuộc tranh chấp quyền lực ở chóp bu của Chính phủ Trung Quốc đã phá hỏng cuộc chuyển giao quyền lãnh đạo, cứ mười năm mới diễn ra một lần. Cuối cùng, giới lãnh đạo chóp bu của Đảng có vẻ đã thỏa thuận với nhau là phải làm gì với cựu Bí thư Trùng Khánh thất sủng Bạc Hy Lai (có khả năng đi tù) và đã nhất trí về việc đưa ai vào Bộ Chính trị và Ban Thường vụ nhiều quyền uy hơn.
Vì tất cả những lý do hiển nhiên, giới lãnh đạo chóp bu Trung Quốc sẽ cố gắng hết sức mình trong những tháng tới để phóng chiếu một hình ảnh đoàn kết và tự tin, đồng thời thuyết phục phần còn lại của thế giới rằng thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ có đầy đủ khả năng để duy trì độc quyền chính trị của Đảng.
Đáng tiếc là, nỗ lực này sẽ khó có hiệu quả. Lòng tin của người dân đối với sự cố kết nội bộ và ban lãnh đạo Đảng đã bị lung lay vì vụ Bạc Hy Lai, vì nạn tham nhũng tràn lan, vì sự đình đốn của chương trình cải tổ trong thập kỷ qua, vì một nền kinh tế đang trì trệ, vì quan hệ với các nước láng giềng và với Mỹ ngày một xấu đi, và vì các bất ổn xã hội ngày một gia tăng. Những câu hỏi đang làm nhiều người trăn trở hiện nay là, Đảng còn bám víu vào quyền hành được bao lâu nữa? Và liệu Đảng có khả năng để quản lý một cuộc chuyển đổi sang thể chế dân chủ để tự cứu mình không?
Những câu hỏi này chắc chắn không phải là sản phẩm của những đầu óc chây lười. Trên nhiều phương diện, quyền lãnh đạo của Đảng sắp đi vào một thập kỷ khủng hoảng có tính hệ thống. Đã cai trị Trung Quốc 63 năm, Đảng đang tiến tới, trong vòng 10 năm nữa, tuổi thọ được ghi nhận của những chế độ độc đảng lâu dài nhất thế giới – Đảng Cộng sản Liên Xô cũ (74 năm), Quốc Dân Đảng tại Đài Loan (73), và Đảng Cách mạng Thể chế Mexico (71). Như một con người, một tổ chức như ĐCSTQ cũng phải già nua.
Hơn nữa, sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã đẩy nước này quá cái ngưỡng thường được gọi là “khu vực chuyển đổi sang dân chủ” (democratic transition zone) – tức là, một mức lợi tức đầu người trong khoảng từ 1000 USD đến 6000 USD (tính bằng sức mua tương đương của đồng tiền, Purchasing Power Parity, hay PPP). Các nhà khoa học chính trị đã nhận xét rằng các chế độ độc tài đối diện với nguy cơ thay đổi chế độ cao hơn khi mức thu nhập của người dân gia tăng. Cơ may để duy trì chế độ độc tài càng giảm một khi lợi tức đầu người của một nước vượt quá 6000 USD (PPP). Lợi tức đầu người của Trung Quốc đã lên tới 8.500 USD (PPP). Và gần như tất cả các chế độ độc tài trên thế giới với lợi tức đầu người cao hơn TQ đều là các quốc gia dầu lửa. Như vậy, Trung Quốc đang ở trong một môi trường kinh tế xã hội, trong đó việc quản trị quốc gia theo đường lối độc tài ngày càng trở nên thiếu tính chính đáng và không đứng vững. Những ai không tin điều này, xin hãy nhìn vào mạng xã hội Weibo của Trung Quốc (hay các blog cá nhân) để biết người dân Trung Quốc đang nghĩ gì về chính phủ của họ.
Như vậy, câu trả lời cho tính bền vững của chế độ độc đảng tại Trung Quốc là rõ ràng: viễn cảnh của chế độ này rất bi đát.
Câu trả lời cho câu hỏi, làm thế nào để một chế độ độc đảng có thể quản lý sự chuyển đổi chính trị để tự cứu mình, là đáng chú ý và phức tạp hơn.
Trên cơ bản, có hai con đường cho các chế độ độc đảng: con đường của Liên Xô chắc chắn dẫn đến sự tự hủy; và con đường của Đài Loan và Mexico dẫn đến sự tự canh tân và chuyển đổi chính trị.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo chóp bu của ĐCSTQ đã bày tỏ quyết tâm không lặp lại thảm kịch Xô viết. Chính sách của họ, do đó, là tiếp tục chống lại mọi hình thức cải tổ chính trị. Kết quả, thật không may, là một đảng cầm quyền ngày càng xơ cứng, bị thao túng bởi các nhóm lợi ích, và các quan chức cơ hội chủ nghĩa, tham nhũng, sa đọa như Bạc Hy Lai. Mặc dù Đảng có trên 80 triệu thành viên, nhưng hầu hết bọn họ gia nhập Đảng chỉ để khai thác các tài lợi mà Đảng cung cấp. Chính họ đã trở thành một nhóm đặc quyền đặc lợi, tách rời với xã hội Trung Quốc. Nếu sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) đưa ra được những bài học thực tế nào, thì những bài học đó nhất định không phải là lập trường chính thống của giới lãnh đạo Trung Quốc, khi cho rằng chính những cải tổ của Gorbachev đã đưa đến sự sụp đổ của Đảng. Sự thật đáng buồn là: chế độ Xô viết đã quá bệnh hoạn, không còn cứu vãn được nữa vào giữa thập niên 1980, bởi vì chế độ này đã chống lại mọi cải tổ suốt hai thập niên truớc đó dưới sự lãnh đạo của Brezhnev. Nghiêm trọng hơn nữa, ĐCSTQ phải biết rằng, cũng như hàng triệu đảng viên ĐCSLX, hàng ngũ của nó cũng gần như chắc chắn sẽ tan rã vào những lúc chế độ gặp khủng hoảng. Khi ĐCSLX sụp đổ, không có lấy một trường hợp điển hình nào mà các đảng viên trung thành chạy đến bảo vệ chế độ. Một số phận như thế đang chờ đợi ĐCSTQ.
Sự thể này chỉ để lại cho ĐCSTQ một lựa chọn duy nhất: đó là đường lối tự canh tân và chuyển đổi theo mô hình Đài Loan và Mexico. Những chế độ độc đảng tại Đài Loan và Mexico rõ ràng là những chế độ thành công nhất trong nỗ lực tự chuyển đổi thành những thể chế dân chủ đa đảng trong vòng một phần tư thế kỷ vừa qua. Mặc dù quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ của hai nước này là khác nhau và phức tạp, nhưng chúng ta có thể đúc kết bốn nhận định sau đây về sự thành công của họ.
Thứ nhất, giới lãnh đạo tại Đài Loan và Mexico đã đối đầu với một cuộc khủng hoảng về tính chính đáng (a legitimacy crisis) vào những năm 1980 và nhận thấy rằng các chế độ độc đảng nhất định sẽ thất bại. Họ không thể tự lừa dối mình bằng các ảo tưởng hay những điều láo khoét được nữa.
Thứ hai, lãnh đạo của hai nước này đã hành động trong khi chế độ của họ còn mạnh hơn phe chống đối và trước khi họ bị mất uy tín hoàn toàn, như vậy họ còn đủ khả năng để quản lý một sự chuyển đổi dần dần.
Thứ ba, lãnh đạo của hai nước đã tập trung quyền lực và thi hành chính sách độc tài trong Đảng, chứ không phải dân chủ trong đảng, để khống chế sự chống đối của phe bảo thủ trong chế độ. Trong những chế độ độc đảng, thực hiện dân chủ trong nội bộ Đảng chắc chắn sẽ dẫn đến một sự rạn nứt công khai trong giới lãnh đạo chóp bu, như vậy làm suy yếu nghiêm trọng khả năng của một chế độ có chủ trương cải tổ, trong việc quản lý sự chuyển đổi qua chế độ dân chủ. Ngoài ra, việc làm cho toàn bộ một hệ thống chính trị trở nên dân chủ hơn, chủ yếu thông qua các cuộc tuyển cử có tính cạnh tranh ở cấp thành phố và cấp quốc gia, sẽ cung ứng cho giới lãnh đạo chóp bu cơ hội để học hỏi một kỹ năng tối quan trọng: tìm kiếm hậu thuẫn của cử tri để giành phiếu và thắng cử. Những kỹ năng này không thể học hỏi từ việc thể hiện trí trá cái gọi là dân chủ trong nội bộ Đảng, mà thực chất chỉ là một tên gọi khác của sự mặc cả và sử dụng thủ đoạn với nhau trong giới lãnh đạo chóp bu.
Thứ tư, một lực lượng đối lập dân chủ ôn hòa là người bạn tốt nhất và lợi thế lớn nhất mà một chế độ độc đảng có chủ trương cải tổ cần phải có. Một lực lượng đối lập như thế là một đối tác thương thuyết và có thể giúp chế độ duy trì sự ổn định trong thời kỳ quá độ. Nó còn có thể đưa ra những điều kiện tốt đẹp hơn nhiều trong việc bảo vệ lợi ích của giới lãnh đạo chóp bu và thậm chí còn giúp họ tránh được tù tội.
Khi chúng ta nhìn vào các phần thưởng mà Quốc Dân Đảng (tại Đài Loan) và Đảng Cách mạng Thể chế (tại Mexico) đã gặt hái, chúng gồm có không chỉ những điều kiện thuận lợi cho việc đi ra khỏi bộ máy quyền lực (ngoại trừ Tổng thống Salinas, người bị buộc phải lưu vong vì tội tham nhũng), không một lãnh đạo cao cấp nào bị truy tố hình sự, cả Quốc Dân Đảng lẫn Đảng Cách mạng Thể chế đã chiếm lại được phủ tổng thống, vị trí quyền lực chính trị của hai nước, sau khi trải qua hai nhiệm kỳ trong thế đối lập.
Nhưng ĐCSTQ có thể thực sự học hỏi từ Quốc Dân Đảng hay Đảng Cách mạng Thể chế không?
Tạm gác ý muốn của mình qua một bên, ĐCSTQ gặp thêm một trở ngại nữa. Đảng này vẫn còn là một đảng toàn trị (a totalitarian party), chứ không phải là một đảng độc tài thông thường (an authoritarian paty). Sự khác biệt giữa hai loại đảng này là, một đảng toàn trị bám sâu và lan rộng trong bộ máy Nhà nước và trong nền kinh tế hơn nhiều. ĐCSTQ kiểm soát quân đội, ngành tư pháp, bộ máy quan liêu, và nền kinh tế ở một mức độ lớn hơn Quốc Dân Đảng và Đảng Cách mạng Thể chế rất nhiều. Rút một đảng toàn trị ra khỏi một bộ máy Nhà nước là khó hơn nhiều. Thật vậy, nỗ lực này chưa bao giờ được thử nghiệm thành công. Tại Liên Xô cũ, nỗ lực này đã dẫn đến sự sup đổ chế độ. Tại Đông Âu, các cuộc cách mạng dân chủ đã không cho các chế độ toàn trị một cơ may thử nghiệm.
Vì thế, trách nhiệm dành cho các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc là rất đáng lo ngại. Việc đầu tiên của họ là tránh lao vào một cuộc cải tổ chính trị (political perestroika) kiểu Gorbachev, nhưng phải đi theo một tiến trình tháo gỡ tính toàn trị trong bộ máy Nhà nước và chuyển đổi ĐCSTQ thành một đảng như Quốc Dân Đảng của Đài Loan và Đảng Cách mạng Thể chế của Mexico. Nếu không theo biện pháp trung chuyển này ngay lập tức, ĐCSTQ có thể thấy rằng một sự sụp đổ kiểu Xô viết là tương lai duy nhất của mình.
M. P.
Minxin Pei là một giáo sư môn Chính phủ tại Đại học Claremont McKenna và là một nhà nghiên cứu thâm niên không thường trú tại Quĩ Marshall Đức của Hoa Kỳ. Công trình nghiên cứu của ông đã được đăng trên các tạp chí Foreign Policy, Foreign Affairs, The National Interest, Modern China, China Quaterly, Journal of Democracy và trong nhiều sách được biên tập. Nhiều bài xã luận của ông đã xuất hiện trên các báo Financial Times, New York Times, Washington Post, Newsweek International, và International Herald Tribune, cũng như nhiều nhật báo quan trọng khác.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.

Không có nhận xét nào: