9.10.12


Bản yêu sách của nhân dân An Nam

Phan Thành Đạt - Đã gần một thế kỷ trôi qua, kể từ ngày những người Việt Nam yêu nước sống tại Pháp gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam (cách gọi khác của Bản thỉnh nguyện thư) đến Hội nghị Versailles đòi hỏi các nhà lãnh đạo Pháp tôn trọng quyền con người của nhân dân An Nam.

Đại diện của Hội người Việt Nam yêu nước là các nhà trí thức tiến bộ có điều kiện tiếp thu cả hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp. Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, bất chấp sự đe dọa và dò la của mật thám Pháp, họ viết nhiều bài báo phê phán ách cai trị và chính sách khai thác thuộc địa tại Đông Dương. Khi các đại diện của các nước đến Versailles nhóm họp, Bản yêu sách gồm 8 điều, bên dưới có đề tên Nguyễn Ái Quốc, được trao tận tay cho các đoàn đại biểu. Để hiểu cụ thể nội dung, hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của Bản yêu sách này, tôi xin giới thiệu ba phần chính như sau:
I. Hoàn cảnh ra đời của Bản thỉnh nguyện của nhân dân An Nam
II. Nội dung của Bản thỉnh nguyện này
III. Giá trị và ý nghĩa của Bản thỉnh nguyện
I. Hoàn cảnh ra đời của Bản yêu sách của nhân dân An Nam
Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, các nước Anh, Pháp, Mỹ giành chiến thắng còn Đức là nước bại trận, hơn 9 triệu người bị chết trong cuộc chiến, ba nước bị thiệt hại nặng nề nhất là Đức, Pháp và Nga. Về phía Pháp, một triệu tư lính bị chết trận, nhiều vùng bị tàn phá, phía Đức cũng bị thiệt hại nặng, một triệu tám lính chết trận, còn phía Nga cũng chịu thiệt hại tương tự. Các nước thắng trận yêu cầu Đức phải bồi thường chiến tranh, cụ thể là Đức phải cắt trả các vùng đất đã lấn chiếm của các quốc gia khác, phải từ bỏ chính sách thuộc địa và sang nhượng các vùng thuộc địa ở Châu Phi cho Pháp và Anh. Đức phải giao nộp các vũ khí, khí tài quân sự cho Pháp và phải bồi thường 132 tỉ marks cho Pháp. Hiệp ước Versailles là nỗi ám ảnh với người Đức, vì nội dung của Hiệp ước này kết tội Đức là kẻ gây ra chiến tranh và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Bằng cách khích lệ tinh thần người dân Đức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Hitler mong muốn xóa bỏ toàn bộ nội dung của Hiệp ước này và lập lại trật tự thế giới mới. Chính Hiệp ước Versailles là một trong những nguyên nhân, tạo ra mầm mống cho Chiến tranh thế giới thứ 2 (cũng như Hiệp ước Yanta sau Chiến tranh thế giới thứ 2 là một trong những nguyên nhân của cuộc chiến tranh lạnh giữa hai phe Tư bản và XHCN khi các nước đồng minh đồng ý cho Liên bang Xô viết quản lý các nước Đông Âu được nước này giải phóng).
Tuy nhiên Hội nghị Versailles cũng thông qua được hai nội dung khác quan trọng khác đó là thành lập Hội Quốc Liên (la Société des Nations) và Tổ chức lao động thế giới. Điều đáng chú ý là các nước tham gia Hội nghị đã thông qua Bản luận cương gồm 14 điều, theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson (1). Điều 5 và điều 14 đặc biệt quan trọng và có ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân An Nam nói riêng và toàn bộ các dân tộc bị lệ thuộc nói chung, vì các điều này quy định các nước lớn có nhiều thuộc địa như Anh, Pháp cần có các chính sách cởi mở, tự do, thân ái đối với tất cả các xứ thuộc địa. Các nước này phải tôn trọng chủ quyền cũng như lợi ích thiết thực của các dân tộc thuộc địa, phải lưu ý đến các nguyện vọng hợp lý và thực tế của các dân tộc thuộc địa. Để duy trì được những mục đích cao cả này, một tổ chức quan trọng đại diện cho các nước cần được thiết lập để tạo mối liên minh hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới. Tổ chức quốc tế này (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) sẽ đóng vai trò đảm bảo độc lập về chính trị, tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước lớn cũng như các nước nhỏ và đề cao quyền tự quyết của các dân tộc.
Bản ghi nhận các nguyên tắc gồm 14 điều của Tổng thống Wilson được các nước thuộc địa hoan nghênh vì đây là mong đợi của các dân tộc thuộc địa từ lâu, tuy nhiên các nước như Pháp, Anh lại tỏ ra rất thờ ơ và không muốn thực hiện.
Hội người An Nam yêu nước khi đó có trụ sở tại nhà của luật sư Phan Văn Trường, tại số 6 Villa des Gobelins, Paris, đây cũng là nơi sinh sống, hội họp của nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành. Những trí thức từ Việt Nam sang, hay các việt kiều từ các vùng khác đến cũng hay ghé qua nơi này khi có dịp đến Paris. Số lượng người Việt Nam ở Pháp vào thời điểm đó đến mấy chục nghìn người, trong đó có 16 nghìn lính thợ phục vụ cho chiến tranh, và đông đảo thanh niên học tập tại Pháp.
Các nhân vật chủ chốt của Hội đã bàn bạc kỹ lưỡng và soạn thảo Bản thỉnh nguyện thư gửi đến Hội nghị Versailles đòi các quyền con người cho nhân dân An Nam, văn bản này là công sức của cả nhóm, nhưng công lao lớn nhất thuộc về luật sư Phan Văn Trường vì ông là người có trình độ hiểu biết pháp luật hơn cả, điều này thể hiện khá rõ qua cách viết có lập luận chặt chẽ của một nhà luật học, cùng với cách viết chuẩn mực tuân theo các quy định của một văn bản luật.
Nguyễn Tất Thành, đại diện cho Hội người An Nam yêu nước, đến cung điện Versailles. Người thanh niên trẻ đi dọc theo các hành lang của cung điện Versailles, cố gắng trao tận tay cho các đoàn đại biểu Bản thỉnh nguyện thư của nhân dân An Nam, được ký tên bởi Nguyễn Ái Quốc. Anh cũng gặp được đại tá House, cố vấn của Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson và trao cho ông văn bản này. Để có thêm tiếng nói ủng hộ của nhân dân Pháp (đặc biệt là các trí thức cấp tiến thuộc đảng xã hội) đối với những đòi hỏi đúng đắn của người An Nam, Bản thỉnh nguyện được in ra 6000 bản, được Nguyễn Tất Thành phân phát trên các đường phố Paris, được tờ nhân đạo (l’Humanité) đăng.
Nội dung của Bản yêu sách không được bàn đến trong Hội nghị Versailles, nhưng văn bản này đã tạo được tiếng vang lớn, cái tên Nguyễn Ái Quốc được nhắc đến nhiều trên báo chí và được mật thám thăm dò kỹ hơn. Tổng thống Georges Clémenceau yêu cầu Bộ trưởng phụ trách thuộc địa và Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut lưu ý đến Nguyễn Ái Quốc.
Bản yêu sách cũng được gửi đến Quốc hội Pháp, các trí thức là nhà văn thuộc các đảng cánh tả ở Pháp như Romain Rolland, Anatole France đã nên tiếng yêu cầu Chính phủ cải thiện tình trạng nhân quyền tại các thuộc địa, đồng thời tạo các điều kiện cho các thuộc địa phát triển nhanh hơn.
II. Nội dung bản yêu sách của nhân dân An Nam
Bản yêu sách nêu ra lý do các yêu cầu của nhân dân An Nam trong điều kiện và hoàn cảnh mới vì quyền dân tộc tự quyết được đề cao, một kỷ nguyên tràn đầy hy vọng đang mở ra cho các dân tộc bị áp bức, từ nay luật pháp và công bằng xã hội sẽ được thực thi. Các nước thắng trận đã cam kết trước thế giới là sẽ tôn trọng quyền tự quyết theo tinh thần của Bản luận cương gồm 14 điều được phía Mỹ đề nghị.
Chiến thắng của các nước đồng minh có được cũng nhờ một phần đóng góp của các dân tộc thuộc địa nói chung và của nhân dân An Nam nói riêng, vì trong cuộc chiến tranh có quy mô rộng lớn này (la Grande Guèrre) đã có 16.000 người An Nam trực tiếp hay gián tiếp phục vụ cho nước Pháp. Vì vậy dân tộc Việt Nam thuộc Đế chế An Nam cổ xưa, nay là Đông Dương Pháp (2) có quyền bày tỏ với các nước đồng minh và với Chính phủ Pháp những yêu cầu nhỏ mọn sau đây:
  1. Tổng ân xá cho tất cả các tù nhân chính trị bản xứ.
  2. Cải cách hệ thống tư pháp ở Đông Dương bằng cách đảm bảo cho người dân An Nam các quyền lợi ngang bằng như người dân Châu Âu. Xóa bỏ vĩnh viễn các Tòa án đặc biệt, đây là các công cụ gieo rắc nỗi sợ hãi, áp bức đối với những người An Nam trung thực nhất.
  3. Tự do báo chí và tự do bày tỏ ý kiến.
  4. Tự do lập hội và hội họp.
  5. Tự do xuất dương và du lịch ở nước ngoài.
  6. Tự do giáo dục và sáng tạo, tại tất cả các tỉnh thành đều phải có các trường kỹ nghệ và dạy nghề dành cho người bản xứ.
  7. Thay thế các nghị định bằng các đạo luật.
  8. Bầu ra phái đoàn đại diện của người bản xứ có mặt thường trực tại Nghị viện Pháp để phản ánh và bảo vệ các quyền lợi của nhân dân An Nam. (Dịch 8 điểm trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam-Les revendications du peuple annamite, 1919)
Bản yêu sách 8 điểm nêu ra các quyền cơ bản của con người mà xứ An Nam phải được hưởng, đây là các quyền phổ quát trong đó các quyền như tự do ngôn luận, tự do đi lại, quyền bình đẳng đã được Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền 1789 ghi nhận. Ngoài ra các đòi hỏi chính đáng khác như quyền tự do giáo dục và sáng tạo bằng cách cho phép mở các trường học ở khắp các tỉnh nhằm nâng cao dân trí và đào tạo ra những người có chuyên môn để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội ở An Nam.
Yêu cầu thay thế các nghị định bằng các đạo luật và tiếng nói của đoàn đại diện xứ An Nam phải được Nghị viện lắng nghe, nhằm đề cao tính bình đẳng giữa người dân An Nam và người dân Pháp. Một khi các nghị định được thay thế bằng các đạo luật, quyền lợi của nhân dân An Nam sẽ ngang bằng với quyền lợi của người dân ở chính quốc, sẽ không còn sự phân biệt đối xử vì luật pháp đều được áp dụng tại các nơi như nhau và mọi người đều bình đẳng trong một Nhà nước pháp quyền. Mỗi quyết định chính trị của nước Pháp ở xứ An Nam được thảo luận cặn kẽ ở Nghị viện trước khi được thông qua bằng các đạo luật, điều này sẽ giảm bớt hoặc tránh được các quyết định vội vã và phi lý, chỉ có lợi cho chính sách khai thác thuộc địa của Pháp ở Đông Dương mà không quan tâm gì đến lợi ích thiết thực của nhân dân An Nam, để đảm bảo quyền lợi của nhân dân An Nam, cần có đoàn đại biểu thường trực của An Nam tại Nghị viện Pháp.
Hội người An Nam yêu nước thông qua bản yêu sách cũng đòi hỏi Pháp phải cải thiện hệ thống tư pháp và xóa bỏ vĩnh viễn các Tòa án đặc biệt chuyên quy kết các tội nổi loạn đối với những người Việt Nam yêu nước. Các tòa án này xét xử vội vàng và hoàn toàn không có chính danh, với mục đích gây hoảng loạn và tạo không khí sợ hãi để dễ bề cai trị. Các tòa án kiều này rập khuôn theo Tòa án cách mạng (le tribunal révolutionnaire) thời cách mạng Pháp và thời kỳ độc tài La Convention trong các năm 1791 đến 1793, với câu khẩu hiệu bắt buổi sáng, xét xử buổi trưa và thi hành án buổi chiều (có những vụ kể từ khi bắt đến khi thi hành án chỉ kéo dài 24 tiếng, theo quy định của Tòa án cách mạng) kết quả là rất nhiều người bị xét xử vội vã và bị kết tội oan uổng mà không hề có luật sư bào chữa, hoặc không có quyền kháng án lên tòa án cấp cao hơn.
Hội người An Nam yêu nước lập luận: Nếu như nước Pháp là Nhà nước pháp quyền, nơi luật pháp và công bằng xã hội được thực thi, việc giam giữ và xét xử những người An Nam yêu nước thông qua các Tòa án đặc biệt là vô lý vì các tòa án kiểu này chỉ tồn tại trong các thể chế độc tài như thời kỳ La Convention năm 1793. Vì vậy nhà cầm quyền cần phải xóa bỏ toàn bộ và vĩnh viễn các Tòa án đặc biệt chuyên xét xử những người An Nam yêu nước, đồng thời ân xá cho tất cả tù chính trị bản xứ.
Bản yêu sách bênh vực những người An Nam dũng cảm tranh đấu cho tự do và ghi nhận đó là những người Việt Nam trung thực nhất theo cách nhìn nhận của nhân dân An Nam, trong khi họ là những người nổi loạn (des rebelles) theo đánh giá của nhà cầm quyền.
Quyền dân tộc tự quyết đã được các nước đồng minh công nhận tại Hội nghị Versailles, và coi đó là quyền thiêng liêng (la reconnaissance effective du droit sacré pour les peuples de disposer d’eux-mêmes), chính vì vậy dân tộc An Nam của Đế chế An Nam cổ xưa gửi đến các nước đồng minh và nước Pháp những yêu sách nhỏ mọn của người dân An Nam, đó là những đòi hỏi hiển nhiên mà xứ sở An Nam phải có, và phải được chấp nhận.
III. Giá trị và ý nghĩa Bản yêu sách của nhân dân An Nam
Bản thỉnh nguyện ngắn gọn và súc tích, được trau chuốt bởi một văn phong tài năng và rất am hiểu luật pháp. Mỗi từ, mỗi câu đều rất có giá trị, luật sư Phan Văn Trường đưa ra những lập luận chặt chẽ nhằm đạt được những yêu cầu được nêu ra trong văn bản, đây là văn bản luật mẫu mực và vẫn là tài liệu tham khảo của sinh viên ngành luật ở Pháp. Nhưng đây chưa phải là điều quan trọng nhất, điều đáng quan tâm là tấm lòng yêu nước và trách nhiệm của nhóm Ngũ Long (5 thành viên đại diện Hội những người An Nam yêu nước, gồm có Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Tất Thành và Nguyễn An Ninh, riêng Nguyễn An Ninh tham gia muộn hơn vì đến Pháp sau những người khác). Văn bản này khẳng định các nhà trí thức Việt Nam theo đường lối chủ nghĩa dân tộc và đấu tranh bất bạo động để giành độc lập tự do. Con đường của họ rất giống với cách lựa chọn của luật sư Gandhi, Nelson Mandela hay Martin Luther King.
Những người yêu nước theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc.
Chúng ta hãy đọc các bài viết, các truyện ngắn hay các vở kịch của nhóm Ngũ Long như Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Vi hành, Những trò lố Varenne hay Phan Bội Châu, vở kịch Con rồng tre, Thư gửi cô em họ, cùng với Thỉnh nguyện thư của nhân dân An Nam. Tất cả các bài viết đều được ký tên Nguyễn Ái Quốc (Monsieur Nguyen aime sa patrie), chỉ cái tên đó đã thể hiện lòng yêu nước của họ. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra cách thức đấu tranh của họ. Bằng cách dùng ngòi bút làm phương tiện chiến đấu, họ vạch ra các tội ác của chính sách khai thác thuộc địa, họ mơ ước nâng cao dân trí ở xứ An Nam, nhưng đồng thời cũng mong muốn An Nam tiếp thu được các giá trị văn minh của phương Tây.
Tinh thần dân tộc của các thành viên nhóm Ngũ Long còn được biểu hiện qua lối sống đoàn kết, người đi trước giúp đỡ người đến sau, họ như những thành viên trong một gia đình, có lần mật thám Pháp đến hỏi Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường, hai nhân vật chuyên gây rối (les agistateurs), Nguyễn Tất Thành ra cửa và trả lời: “Bác tôi, chú tôi đi vắng, ông muốn nhắn gì thì cứ nói với tôi, tôi sẽ truyền đạt lại”. Hai trí thức họ Phan còn lập ra Hội đồng bào thân ái (La Fraternité des compatriotes) để giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi những người thợ An Nam tại Pháp, vì đa số họ không biết viết và không nói chuẩn tiếng pháp, chỉ dùng tiếng bồi. Chúng ta lưu ý đến chữ đồng bào được Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường dùng lần đầu tiên khi đặt tên cho tổ chức này. Tinh thần dân tộc, sống theo đạo lý của người Việt luôn thể hiện trong nhiều việc làm của hai con người ưu tú này.
Các nhà trí thức của hội đề cao các giá trị văn hóa của dân tộc An Nam, họ rất trân trọng lịch sử, và tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc An Nam. Ví dụ trong truyện ngắn Lời than vãn của bà Trưng Trắc, tác giả Nguyễn Ái Quốc mượn lời bà Trưng Trắc hiện về để chê trách vua Khải Định hèn kém không xứng đáng với tổ tiên, không xứng đáng là vị vua cai trị ở xứ An Nam kiên cường bất khuất, giàu truyền thống chống ngoại xâm. Khi vua Khải Định đến Pháp dự triển lãm, Phan Chu Trinh viết thư thất điều, kể 7 tội đáng chém của vua Khải Định, trong đó có tội làm nhục quốc thể.
Luật sư Phan Văn Trường dùng từ Dân tộc thuộc Đế chế An Nam cổ xưa (le Peuple de l’Ancien Empire d’Annam) trong Bản thỉnh nguyện, để khẳng định xứ An Nam có lịch sử hào hùng, có nền văn hóa đa dạng và đã có một quá trình phát triển được mấy nghìn năm, dân tộc An Nam không phải là dân tộc nhỏ bé, kém cỏi. Tư thế của An Nam ngay cả khi nằm trong khối Đông Dương của Pháp vẫn phải được đối xử như các nước độc lập khác.
Để đấu tranh đòi các quyền tự do báo chí, tự do bày tỏ ý kiến của người dân An Nam và bảo vệ những người yêu nước. Luật sư Phan Văn Trường viết: “Người ta bảo rằng người An Nam sống khép mình và thật khó hiểu được họ, nhưng nước Pháp là nước có tự do ngôn luận, mà có bao giờ để cho họ bày tỏ ý kiến và thể hiện tình cảm của mình đâu, người ta cũng cho rằng người An Nam hay nói dối quanh co, nhưng khi người An Nam nói thật, nếu như sự thật gây khó chịu, họ sẽ ngăn cấm, sẽ truy bức và sẽ đập tan sự thật thành nghìn mảnh, người An Nam quy lụy, kém cỏi, khúm núm, điều này cũng có thể. Nhưng khi người An Nam trở nên kiêu hãnh và tranh đấu để giữ phẩm chất của mình, họ sẽ vu cho là nổi loạn, là xấc xược và họ sẽ truy bắt, từ đó có thể kết luận rằng làm người An Nam không dễ chút nào”.
Tinh thần yêu nước và trách nhiệm đấu tranh đòi các quyền tự do cho nhân dân An Nam, được những người trí thức Việt Nam trên đất Pháp biểu đạt qua nhiều bài viết của họ, nhưng đáng lưu ý hơn cả là Bản thỉnh nguyện của nhân dân An Nam vì nó đã tạo được tiếng vang lớn ở Pháp và tại xứ An Nam, được nhiều cá nhân và các tổ chức công đoàn hưởng ứng. Nguyễn Ái Quốc đã được triệu tập đến gặp Bộ trưởng Bộ thuộc địa Albert Sarraut, Nguyễn Tất Thành đại diện cho cả nhóm đã đến gặp.
Những thành viên nhóm Ngũ Long sau đó tản mát mỗi người một hướng, Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh về Việt Nam, Nguyễn Thế Truyền ở lại Pháp thêm một thời gian, lập ra báo Việt Nam hồn, Nguyễn Tất Thành sang Nga, một con đường mới và một giai đoạn mới mở ra với ông. Tinh thần yêu nước của 5 thành viên và giá trị của các bài báo tranh đấu vì lợi ích của xứ An Nam sẽ còn mãi, đặc biệt là giá trị của Bản yêu sách của nhân dân An Nam.
Đã gần một thế kỷ trôi qua, phải chăng những đòi hỏi về các quyền tự do cho nhân dân An Nam không có ai bàn đến nữa, thời kỳ thuộc địa đã đi vào dĩ vãng, chỉ có nhân dân Việt Nam là chủ nhân của nước Việt Nam. Bản yêu sách của nhân dân An Nam sẽ mãi mãi có giá trị, vì các quyền đòi hỏi của họ là chính đáng, đó là các quyền phổ quát được toàn thể nhân loại tiến bộ công nhận và bảo vệ. Phan Thành Đạt
_____________
Ghi chú:
  1. Thomas Woodrow Wilson, Tổng thống thứ 28 của nước Mỹ, với ý tưởng thông qua Bản luận cương gồm 14 điều có lợi cho các nước thuộc địa, thiết lập Hội quốc liên, tiền thân của Liên Hiệp Quốc, tạo cơ sở cho sự phát triển của ngành luật quốc tế, ông được tặng thưởng giải Nobel hòa bình năm 1919. Tuy nhiên bản luận cương của ông không được Thượng viện Mỹ thông qua.
  1. Đông Dương (l’Indochine) được người Pháp chia ra làm 5 vùng, le Tonkin, l’Annam, la Cochinchine cùng với le Laos và le Cambodge. Đông Dương được định nghĩa sơ lược là vùng nằm giữa hai cái nôi lớn của những nền văn minh cổ đại l’Inde et la Chine (Ấn độ và Trung Quốc) và chịu ảnh hưởng của những nền văn minh này. Từ An Nam thường được dùng để chỉ toàn bộ Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
- Les revendications du peuple annamite
- Une histoire croisée : l’immigration politique indochinoise en France (1911-1945)
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Không có nhận xét nào: