7.10.12


Nhóm Văn Lang lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Anh Ba Sài gòn

2012-10-07
Thêm một nhóm hoạt động ngoài Việt Nam lên tiếng kêu gọi trả tự do cho ba blogger bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải. Đó là nhóm Văn Lang tại Cộng hòa Tiệp.
RFA files
Ba blogger Phan Thanh Hải, Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần.

Đồng thanh lên tiếng

Kiến nghị của Nhóm Văn Lang với một số chữ ký đợt đầu đã được gửi đến văn phòng Liên hiệp Châu Âu Praha hôm ngày 3 tháng 10 vừa qua.
Đây là tiếng nói gần nhất sau phiên tòa hôm ngày 24 tháng 9 vừa qua tại Việt Nam kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả tự do cho ba blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Sự thật & Công Lý Tạ Phong Tần, và Anh ba Sài Gòn Phan Thanh Hải.
Thư kiến nghị trình bày vấn đề trực tiếp với Cao ủy trưởng Phụ trách đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu là bà Catherine Ashton. Nội dung thư kiến nghị nhắc lại phiên xử mà Nhóm Văn Lang nhận định là mức độ cao nhất của chính sách đàn áp của chính quyền Hà Nội trong những năm qua, mà đặc biệt nhất là trong hai năm gần đây. Sự đàn áp đó bị cho là đi ngược lại qui định về quyền tự do ngôn luận trong Hiến Pháp Việt Nam, cũng như trái với các công ước về nhân quyền quốc tế.
Hãy trả tự do cho Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Anhbasaigon. bích chương minh hoạ
Hãy trả tự do cho Điếu Cày, Tạ Phong Tần và Anhbasaigon. bích chương minh hoạ
Nhóm Văn Lang nêu ra những trường hợp cụ thể để chứng minh là những giá trị căn bản mà thế giới và EU tôn trọng đang bị chà đạp hằng ngày tại Việt Nam.
Dựa trên những lập luận đó, Nhóm Văn Lang hoan nghênh biện pháp lên án của Liên hiệp Châu Âu đối với bản án bất công đã tuyên với ba bloogers chỉ vì lòng yêu nước, đấu tranh với những bất công hiện nay mà bị kết án tổng cộng 26 năm tù giam như vừa qua. Ngoài ra nhóm kiến nghị hai yêu cầu cụ thể đối với cao ủy đối ngoại Liên hiệp Châu Âu. Một là tiếp tục vận động và yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho những người bị giam cầm chỉ vì họ thể hiện chính kiến của mình cũng như cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Và hai là đưa ông Vũ Phi Long, thẩm phán phiên tòa xét xử 3 nhà báo tự do ngày 24/9/2012, vào danh sách những người không được cấp visa nhập cảnh vào các nước thành viên EU.

Ý thức công dân

Ta-Phong-Tan250.jpg
Blogger Tạ Phong Tần tại phiên xử ở Tòa án Nhân dân TPHCM hôm 24 tháng 9 năm 2012. Photo by Nguyễn Lân Thắng.
Ông Phạm Hữu Uyển, người đại diện của Nhóm Văn Lang tại thủ đô Praha của Cộng hòa Tiệp cho biết nhóm không thể không lên tiếng trước tình hình bất công như qua ba bản án dành cho những người viết blog để đấu tranh cho những điều tốt đẹp tại Việt Nam:
“Điều được đồng ý khi bàn bạc là phải lên tiếng vì nếu không lên tiếng thì cảm thấy bị cắn rứt lương tâm. Thứ nhất vì hình phạt quá nặng mà theo cách nói của người miền Bắc là cách đánh dằn mặt những người đã bị cầm tù và đe dọa những người khác nữa.”
Khi ở một môi trường mà sức phản kháng của mọi người còn thấp thì chính quyền người ta có thể cho phép làm mọi thứ mà họ có thể làm. Nhưng tôi thấy trong thời gian này thì phong trào của người dân Việt Nam và thế hệ trẻ tương đối mạnh mẽ.
Ông Phạm Hữu Uyển
Ông Phạm Hữu Uyển đưa ra nhận định về biện pháp của chính quyền Hà Nội đối với những người bất đồng chính kiến và con đường mà xứ cộng sản Tiệp Khắc đã trải qua để có được nền dân chủ như hiện nay:
“Khi ở một môi trường mà sức phản kháng của mọi người còn thấp thì chính quyền người ta có thể cho phép làm mọi thứ mà họ có thể làm. Nhưng tôi thấy trong thời gian này thì phong trào của người dân Việt Nam và thế hệ trẻ tương đối mạnh mẽ. Có thể nói mạnh mẽ hơn trong thời gian trước và nói một cách thẳng thắn hơn.
Chúng tôi sống tại xã hội Tiệp Khắc này, ngày xưa cũng là xã hội cộng sản mà sau Cách Mạng Nhung người ta chuyển sang chế độ khác rồi. Cái thời mà những người trong Phong trào Hiến Chương 77, người ta cũng có hy vọng duy nhất bấy giờ ‘nếu không để chính quyền đàn áp, phải có tiếng nói từ bên ngoài, của báo chí, của các nước tự do lên tiếng bảo vệ ngay lập tức’ thì đó là hy vọng để bảo vệ người ta không bị chính quyền đàn áp quá đáng.”

Mục tiêu cụ thể

Nguyen-Van-Hai-250.jpg
Blogger Điếu Cày tại phiên tòa sơ thẩm sáng 24/9/2012. Photo by Nguyễn Lân Thắng
Hai yêu cầu mà Nhóm Văn Lang đưa ra trong kiến nghị trình ngày hồi ngày 3 tháng 10 được nói là mục tiêu cụ thể trước hết. Ông Phạm Hữu Uyển nói đến tính khả thi khi đưa ra những yêu cầu cụ thể đó của nhóm:
“Có nhiều ý kiến đề nghị còn mạnh mẽ hơn nữa: không chỉ đưa ông thẩm phán vào danh sách mà thậm chí lên đến tầm chính phủ và cao hơn; chúng tôi chỉ dừng ở đó vì nếu đưa cả thủ tướng, bộ trưởng nội vụ, bộ trưởng tư pháp vào … thì thấy EU là tập hợp các nước khác nhau nên chuyện đó không khả thi.
Thứ hai thông điệp mà chúng tôi muốn nói là từng cá nhân trong xã hội phải có trách nhiệm chứ không thể nói là nhận trách nhiệm từ trên xuống, nên trong đề nghị chỉ có ông quan tòa mà thôi.”
Chúng tôi tiếp tục đề nghị các tổ chức nhân quyền ở các nước sở tại lên tiếng tiếp để cùng tham gia trong bản kiến nghị đó. Riêng trong giới chức Tiệp Khắc, chúng tôi gửi thư riêng cho ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Ông Phạm Hữu Uyển
Ông Phạm Hữu Uyển giải thích tiếp khi đưa ra hai yêu cầu như trong kiến nghị:
“Chúng tôi đưa ra đích nhỏ, mà nếu thực hiện được điều gì đó trong đích ấy thì hay hơn là làm điều gì đó to tát mà kết thúc nhanh chóng.
Chúng tôi hy vọng rằng đề nghị của chúng tôi được đưa ra tại một cuộc họp nào đó. Không biết có được hay không; nhưng nếu được EU đưa vào chương trình hoạt động chính thức thì đó là một tín hiệu.
Chúng tôi tiếp tục đề nghị các tổ chức nhân quyền ở các nước sở tại lên tiếng tiếp để cùng tham gia trong bản kiến nghị đó. Riêng trong giới chức Tiệp Khắc, chúng tôi gửi thư riêng cho ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông này ngày xưa là một người của hiến chương, là chánh văn phòng của cố tổng thống Vaclav Havel. Ông này ở vị trí đó, và những suy nghĩ của ông có thể sẽ can thiệp bằng cách nào đó. Chúng tôi không có đề nghị gì cụ thể, chỉ báo cáo cho ông ta và nếu ông có ý kiến gì thì lên tiếng cùng.”
Xin được nhắc lại, Nhóm Văn Lang là nhóm công dân đăng ký hoạt động tại Tiệp cách đây chừng một năm như một nhóm phi chính phủ, phi lợi nhuận. Nhóm sinh hoạt trong lĩnh vực văn hóa, đời sống hằng ngày của cộng đồng người Việt tại Tiệp. Tuy nhiên, từ lâu nhóm đã tồn tại như một câu lạc bộ.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: