8.10.12


Phản biện của Mạng Lưới Sông Ngòi VN về đập thủy điện Đồng Nai

2012-10-07
Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, gọi tắt là VRN, vừa gởi Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường ý kiến phản biện về báo cáo đánh giá tác động môi trường trong việc xây dựng hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nói rằng hai dự án sẽ gây tổn thất lớn cho môi trường với những hậu quả khó có thể cứu chữa hay đền bù.
Photo Xuan Hoang/nld
Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.
Ý kiến phản biện của VRN Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam còn nêu những điểm quan trọng về mặt pháp lý.
Những ý kiến phản biện của các chuyên gia trong Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, về báo cáo đánh giá tác động môi trường liên quan đến hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, được gởi lên Cục Thẩm Định Và Đánh Giá Tác Động Môi Trường thuộc Bộ Tài Nguyên Môi Trường cũng như Hội Đồng Thẩm Định hôm thứ Sáu vừa qua.

Những tai hại khó lường

Thạc sĩ Lâm Thị Thu Sửu, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Xã Hội Và Phát Triển, điều phối viên Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, cho rằng nếu được phê duyệt thì hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ gây tổn thất lớn cho môi trường, để lại những hậu quả không thể cứu vãn hay đền bù được.
Sơ đồ thuỷ điện trên hệ thống sông Đồng Nai. Ảnh: TL SGTT
Sơ đồ thuỷ điện trên hệ thống sông Đồng Nai. Ảnh: TL SGTT
Về những tại hại khó lường từ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A mà các chuyên gia trong VNR căn cứ vào đó để phản biện, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia môi trường học thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu tại Đại Học Cần Thơ, cũng là một thành viên trong Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, giải thích:
“Các công trình thủy điện đang làm ở Việt Nam phần đánh giá về tác động môi trường chưa được kỹ càng nên có thể gây ra sự biến đổi về dòng chảy, rồi về vấn đề đa dạng sinh học, và làm thay đổi hệ sinh thái cũng như tạo những tác động tiêu cực về xã hội, về người dân tộc bản địa, và còn nhiều vấn đề khác mà trong những báo cáo đã không được nêu ra một cách đầy đủ. Đó là những cái chúng tôi lo ngại.
Phần phản biện của chúng tôi tập trung những vấn đề liên quan từ pháp lý đến vấn để bảo tồn đa dạng sinh học, rồi đến những con số tính toán trong một báo cáo như vậy thì có thực tế hay không. Chúng tôi xem xét lại coi là diện tích rừng trong thực tế sẽ bị mất cao hơn là những con số đưa ra trong báo cáo, rồi những vấn đề tính toán về thủy văn, tính toán về đường cắt hay là những đánh giá đa dạng về cây về con như thế nào. Chúng tôi đã đưa ra trong bài phản biện để Hội Đồng Thẩm Định có cơ sở xem xét. Chúng tôi cũng muốn cho dư luận thấy vấn đề được rõ ràng hơn.”

Quốc hội chưa thông qua

Trên nguyên tắc hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, được qui hoạch trong vùng lõi của khu bảo tồn rừng đặc dụng Cát Tiên, nằm trong danh mục cần được quốc hội thông qua. Tuy nhiên trong lúc chủ đầu tư chuẩn bị thi công thì vẫn chưa có văn bản bản thông qua của quốc hội. Đây là khía cạnh pháp lý được Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam nêu ra trong phần phản biện. Vẫn lời tiến sĩ Lê Anh Tuấn:
Đến giờ này thì vấn đề thông qua đó cũng chưa có một văn bản nào chứng tỏ rằng quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương đầu tư ở đây.
TS Lê Anh Tuấn
“Nghị quyết quốc hội số 49 ban hành ngày 19 tháng Sáu 2010, trong điều 3 có nói những công trình gọi là chuyển đổi đất rừng của quốc gia, những khu bảo tồn thiên nhiên, những khu bảo vệ cảnh quan hay nghiên cứu khoa học … có diện tích từ 50 hectares trở lên thì phải có sự thông qua của quốc hội.
Vườn quốc gia Cát Tiên là nơi được đánh giá có tính đa dạng sinh học cao. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên và là Vườn Quốc Gia nữa, nên phải được quốc hội thông qua theo qui định như vậy. Đến giờ này thì vấn đề thông qua đó cũng chưa có một văn bản nào chứng tỏ rằng quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương đầu tư ở đây. Đương nhiên cái đó chúng tôi cũng đặt ra một câu hỏi cho Hội Đồng Thẩm Định là trước khi xem xét hay là phản bác dự án này thì cũng phải xem xét những vấn đề pháp luật như vậy.”

Vi phạm điều luật đa dạng sinh học

vuon-cat-tien-250.jpg
Vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên mai này sẽ biến mất nếu xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Photo courtesy of Báo Đồng Nai .
Điểm thứ hai trong bài phản biện, được Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam đề cập đến, là Vườn Quốc Gia Cát Tiên thuộc qui hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Theo qui định của luật đa dạng sinh học. việc điều chỉnh đất của Vườn Quốc Gia để làm thủy điện là hành động vi phạm Điều 11 của luật đa dạng sinh học:
“Theo luật về đa dạng sinh học năm 2008, trang 17 có ghi rõ những hành vi bị nghiêm cấm về đa dạng sinh học trong đó việc xây dựng các công trình, nhà ở… trong những khu bảo tồn. Ngoài trường hợp là khi nào khu đó được sử dụng cho mục đích quốc phòng hay an ninh, chúng tôi cho rằng hai đập thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không phải là những công trình được sử dụng cho mục tiêu về quốc phòng hay an ninh, nên việc xây dựng hai công trình này là vi phạm tới điều luật của đa dạng sinh học.
Cũng tương tự như phần trên, chúng tôi đề nghị Hội Đồng Thẩm Định xem xét lại công trình xây dựng này có vi phạm điều luật mà nhà nước ban hành hay không.”

Thực tiễn, khoa học

Các nhà khoa học quay phim chụp ảnh Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Photo courtesy Xuân Hoàng/nld
Các nhà khoa học quay phim chụp ảnh Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Photo courtesy Xuân Hoàng/nld
Trước đó, Cục Thẩm Định Và Đánh Giá Tác Động Môi Trường, thuộc Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường Việt Nam, cho rằng hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ không tác động nhiều đến thảm phủ và đến sự đa dạng của Vườn Quốc Gia Cát Tiên nếu như quá trình thi công được giám sát và được quản lý một cách nghiêm túc.
Thế nhưng theo các chuyên gia Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam thì đó là những giải pháp không tưởng. Thạc sĩ Lâm Thị Thu Sửu, điều phối viên Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, cho biết những ý kiến phản biện của VNR là kết quả hai tháng nghiên cứu và làm việc của các chuyên gia về môi trường, tài nguyên nước, đa dạng sinh học, thủy điện, sinh thái nhân văn, khoa học xã hội.
Nhiều người cho rằng tạo ra nguồn điện là việc lớn, còn phần mất mát về mặt môi trường, về mặt sinh thái thì không quan trọng bằng. Quan điểm của chúng tôi thì ngược lại, chúng tôi cho rằng những loài đặc hữu hay cuộc sống của người dân ở hạ lưu là điều quan trọng hơn.
TS Lê Anh Tuấn
Ngoài trọng tâm nghiên cứu là vấn đề tác động môi trường, VNR còn thực hiện những cuộc khảo sát thực tế và trực tiếp tại khu vực mà hai dự án Đồng Nai 6 và 6A sẽ được xây lên.
Chính vì thế, tiến sĩ Lê Anh Tuấn khẳng định, các ý kiến phản biện của VRN Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam được coi là rất thực tiễn và có đầy đủ cơ sở khoa học:
“Nhiều người cho rằng tạo ra nguồn điện là việc lớn, còn phần mất mát về mặt môi trường, về mặt sinh thái thì không quan trọng bằng. Quan điểm của chúng tôi thì ngược lại, chúng tôi cho rằng những loài đặc hữu hay cuộc sống của người dân ở hạ lưu là điều quan trọng hơn.”
Vẫn theo lời chuyên gia môi trường và biến đổi khí hậu Lê Anh Tuấn, vì lợi ích cuộc sống và an toàn sinh thái trong phát triển bền vững về lâu về dài, Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam đưa ra những cái được cái mất cũng như cố gắng chứng minh những ý kiến phản biện đó là đúng đắn.
Nếu cần, ông kết luận, Mạng Lưới Sông Ngòi sẵn sàng tranh luận với chủ đầu tư về tác động môi trường và những hệ lụy của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trên cơ sở khoa học cũng như pháp lý.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: