17.12.12


"Đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào"

Bùi Lộc (Danlambao) - Sau khi Sài Gòn sụp đổ, tôi cùng anh em đồng ngũ của Quân lực VNCH thua, thua đậm, nhưng kẻ chiến thắng là CSVN càng ngày càng cho thấy bộ mặt lem luốc, bộc lộ những yếu kém, phản dân hại nước và đang trên đà phá sản.

Trước nhất về chủ nghĩa xã hội khoa học, ai cũng thấy rõ đã banh xác, cũng có người nói bị quăng vào thùng rác. Cố vớt vát bấm víu cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa coi mòi gượng ép, trơn trượt và cũng sắp vuột khỏi tay. Ngay những người hăng say nhiệt thành với chủ nghĩa này cũng chẳng còn ai thực tình hãnh diện tự nhận mình là người cộng sản nữa vì hình như từ ngữ này mặc nhiên gắn liền với tham lam, dối trá, đê tiện và lạc hậu.

Nhưng cũng có người lại lý luận nó không ưu việt sao nó lại vận dụng được khối đại đoàn kết toàn dân trong hai cuộc chiến chống đế quốc Pháp và Mỹ giành độc lập cho dân tộc.

Để có được sự nhất trí toàn dân của Miền Bắc, cs đã phải thanh toán hơn hai trăm ngàn thường dân vô tội trong “Cải cách ruộng đất” và vụ án “Nhân Văn Giai phẩm” tạo nên một sự nghi kỵ, sợ hãi, tố cáo nhau rộng khắp ngay cả những người trong cùng một gia đình; và để vận động người dân Miền Nam trong những thôn ấp xa xôi hẻo lánh theo “cách mạng” là những vụ khủng bố, thanh toán tràn lan vô tội vạ sau năm 1956.

Vậy thì chế độ đó tài giỏi ở chỗ nào. Nó chỉ tồn tại được là thòng lọng thắt cổ, mã tấu, họng súng, lưỡi lê và nhà tù. Ngày nay những điều này đã được chứng minh và mọi người đều thấy. 

Chính những hăng say, cuồng tín này của người csvn là cơ hội giúp Hoa Kỳ thi hành được chính sách toàn cầu của họ. Ba quốc gia cùng bị chia cắt: Triều Tiên, Đức quốc và Việt Nam. Cộng sản hai nước kia cũng hung hăng độc ác không thua gì csvn. Riêng Đức quốc có hơi khác về địa lý, còn Triều Tiên và Việt Nam khá giống nhau là cùng có chung biên giới với Trung Quốc nhưng hoàn cảnh thì lại khác nhau.

Cộng sản Triều Tiên không cài cắm cán bộ lại được ở phía Nam có lẽ vì không chuẩn bị kịp và ngay chính lúc chia cắt đó, cs cũng chạy có khói. 

Còn csvn đã cài lại cán bộ lại Miền Nam ngay sau khi Hiệp định Genève có hiệu lực với quyết tâm chiến thắng Miền Nam nếu không bằng chính trị được thì phải bằng bạo lực. Chính quyền Miền Nam biết, những quốc gia kiểm soát đình chiến biết và chính Hoa kỳ cũng biết và biết rất rõ. 

Nếu chỉ để giải quyết riêng vấn đề csvn có lẽ cũng không đến nỗi phức tạp lắm đối với Hoa Kỳ. Ai cũng thấy anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm là những người chống cộng triệt để, có bản lãnh và sách lược để chiến thắng cs. Đặc biệt quốc sách “Ấp chiến lược” của Ông Nhu rất hữu hiệu đã tách cá ra khỏi nước, tách du kích cs ra khỏi dân chúng, vô hiệu hóa chiến tranh nhân dân. Nếu muốn thắng csvn chỉ cần quân viện dồi dào và giúp phát triển kinh tế cho Miền Nam là đủ. Cho tới Tết Mậu Thân, người lính VNCH cũng chỉ chiến đấu với Garant và Carbin M2 trong khi cs đã được trang bị AK47 và B40.

Tổng thống Ngô Đình Diệm đang là một lãnh tụ anh minh bỗng trở thành một tên độc tài, khát máu kéo lê máy chém. đi khắp Miền Nam thanh toán đối lập; đang là một người mang nặng văn hóa Á đông, ông bị biến thành một kẻ kỳ thị tôn giáo; đang là một thiên thần bị biến thành ác quỷ.

Đại tá Edward Lansdale cố vấn thân cận, nhiệt tình chống cộng với ông bị triệu hồi. Đại sứ Hoa Kỳ Federick Nolting luôn tích cực yểm trợ ông cũng bị thay thế bằng Cabot Lodge, vua đảo chánh. Sau cùng ông bị tướng lãnh thanh toán. Người Công giáo tiếc thương ông, Người Phật giáo căm ghét ông tạo nên một Miền Nam chia rẽ sâu sắc, và một xã hội rối loạn để (cố ý) nhiều kẽ hở cho vc len lỏi vào các tổ chức tôn giáo, sinh viên học sinh, các nghiệp đoàn báo chí, lao động...

Trên Báo Con Ong của Chu Tử người ta đọc thấy câu: “Nhất đĩ, nhì sư, tam cha, tứ tướng” nói lên thực trạng của Miền Nam thời đó. Cảnh sát bắt nhốt những phần tử chủ mưu biểu tình thì lại có những cuộc biểu tình lớn hơn đòi thả cho họ ra. Báo chí đặc biệt báo chí Hoa Kỳ lên án chính phủ Sài Gòn độc tài, đàn áp tự do bày tỏ quan điểm của người dân.

Quân đội Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân vào Miền Nam với lý do ngăn chặn làn sóng cs tràn xuống Đông Nam Á. Người Hoa Kỳ đâu có u tồi đến nỗi không nhớ bài học người Pháp đã có mặt tại Việt Nam gần cả thế kỷ vừa mới nhục nhã ôm đầu chạy. Vậy lý do họ nhảy vào Việt Nam phải khác với sự có mặt của người Pháp trước đây.

Một cuộc chiến đầu voi đuôi chuột. Rầm rộ khi mở màn vói những đoàn quân đông đảo, xe tăng, máy bay cộng với những quân nhân Đồng minh Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Phi Luật Tân và Thái Lan. Nhưng chỉ hơn chục năm sau, quân đội Đồng minh rút dần, các đơn vị chiến đấu chủ lực của chính Hoa Kỳ cũng rút luôn, chỉ còn lại một số rất hạn chế liên lạc và tiếp vận giữa lúc cường độ cuộc chiến vẫn chưa hạ nhiệt. Tiếp theo là Việt Nam hóa chiến tranh. Khối Liên phòng Đông Nam Á đi vào quên lãng và sau cùng kết thúc lãng nhách với một bản Hiệp định hết sức khôi hài. Hầu như cho không cs Miền Nam Việt Nam. Cũng có người nói bản hiệp định này chỉ để Hoa Kỳ có thể rút chân ra khỏi cuộc chiến một cách danh chính ngôn thuận. 

Trong suốt gần 20 năm chiến tranh, số bom đạn đổ xuống hai miền Nam Bắc Việt Nam bằng tổng số bom đạn của hai cuộc Thế chiến I và II với 58.000 quân nhân Hoa Kỳ phải hy sinh, họ đã đạt được những gì? Đây là những câu hỏi quan trọng cần có lời giải đáp.

Nhìn lại quá khứ, tôi xin đưa ra cái nhìn hoàn toàn cá nhân, chủ quan và tất nhiên rất hạn hẹp, phiếm diện và có thế sai và chân thành mong được chia sẻ đóng góp giúp có được một nhận định chung có thể sát với thực tế hơn.

Phải chăng qua cuộc chiến này, họ đã đo lường được sự chia rẽ trầm trọng không thể hàn gắn được trong khối cs. Đặc biệt giữa Liên Sô và Trung Quốc. Vì trong suốt cuộc chiến VN, Hoa Kỳ biết được khối quân viện của Liên Sô và các nước Đông Âu cho csvn gặp rất nhiều khó khăn khi vận chuyển bằng đường bộ ngang qua Trung Quốc. Họ đánh giá được khả năng vũ khí của khối cs. Và do đó, họ cũng đánh giá được chủ nghĩa cs sản đang trên đà phá sản.

Sau khi quân đội Hoa Kỳ ồ ạt đổ quân vào Miền Nam, chiến cuộc ngày một leo thang. Nhiều trận đụng độ lớn đã xảy ra giữa quân cs Bắc Việt và Hoa Kỳ. Máy bay Hoa Kỳ bắt đầu có những phi vụ ném bom xuống Miền Bắc. Bắt đầu từ Đồng Hới, rồi dần lên phía Bắc tới Hà Nội, Sơn Tây cũng vẫn không thầy Trung Cộng phản ứng gì; cho mãi khi tới Tuyên Quang, gần sát biên giới Trung Quốc mới thấy Mao Trạch Đông lên tiếng: “Trung cộng chỉ có phản ứng khi lãnh thổ của Trung quốc bị xâm phạm” thì những đợt ném bom xuống Bắc Việt cũng thưa dần và rồi chấm dứt sau đó không lâu. 

Họ đã ngầm liên lạc được với cả Trung cộng lẫn Liên Sô và năm 1972, Ngoại trưởng Kissinger sang Liên Sô và Trung cộng chuẩn bị cho những chuyến viếng thăm chính thức Mascơva và Bắc Kinh của TT Nixon và sau đó chiến tranh Việt Nam chấm dứt. với Hiệp định Paris ký kết ngày 27 tháng Ba năm 1973. 

Hoa Kỳ và các nước Tây Âu bỏ cấm vận và ồ ạt đầu tư vào Trung Quốc. Chỉ hơn hai chục năm sau biến Trung Quốc từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp giàu mạnh sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu khắp thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ tiệm “99C” mọc lên như nấm, chuyên bán hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Quý vị tưởng tượng xem chỉ riêng Mùa Giáng sinh năm nay bao nhiêu giây đèn và hàng trang trí được bán ra, mặc cho bao nhiêu lời kêu gọi tẩy chay. Một khi Trung Quốc thực sự là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ thì những cửa tiệm này cũng tự nhiên biến mất ngay chẳng cần ai kêu gọi tẩy chay. Vì nó không phải là những nhu yếu phẩm. Đó chỉ là những mặt hàng có cũng hay mà không có cũng chẳng sao. 

Có những sư kiện đáng lưu ý: Người Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam gần 20 năm, nhưng họ đã không nói gì tới thăm dò cũng như khai thác dầu khí tại Biển Đông. Mãi tới năm 1972, các tập đoàn dầu khí của Hoa Kỳ mới kéo nhau tới thăm dò và khoan thử tại Biển Đông. Tất cả các phương tiện truyền thông đều rầm rộ đưa tin về kết quả thăm dò và nói trữ lượng dầu lửa rất lớn của Biển Đông có thể vượt xa cả những mỏ dầu ở Trung Đông. Thực hư không ai xác nhận được ngoài những chuyên gia khai thác của chính Hoa Kỳ. Về khoản này chưa quốc gia nào hơn được họ. Nói thế có người cho tôi là chủ quan và quá lời.

Khoan tất cả chín mũi. Mũi thứ chín mang tên “Bông Hồng” trình làng mẫu dầu thô cho cả thế giới và đặc biệt Trung Quốc thấy trước khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt; sau đó lấp lại và kéo nhau bỏ đi.

Đến trước Tết năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa đang trong tay VNCH. Hải quân VNCH đỡ không nổi trước hỏa lực hùng hậu của Trung quốc trong khi Hải quân Hoa Kỳ khoanh tay đứng nhìn.

Mùa Xuân 1975, cs Bắc Việt ồ ạt tấn công VNCH không thể tự vệ vì vũ khí quá hạn chế. CS Bắc Việt đắc thắng. Ngồi trên ngọn cây nhìn xuống cái gì của mình cũng cao cả.

”Thế tiến công vũ bão của ta như chẻ tre. Mỹ ngụy tụt quần chạy vẫn không kịp. Đảng ta đi đầu ngọn sóng cách mạng, giương cao ngọn cờ XHCN. Ngày tàn của chủ nghĩa Tư bản gần kề. Chúng ta đây sẽ là những chiến sĩ tiên phong bước chân vào tận hang ổ của bọn Tư bản, đầu sỏ là Đế quốc Mỹ tại “Phố Bức Tường” (Wall Street), tiêu diệt tới những tên Tư bản sau cùng và đưa toàn thế giới tiến lên Đại Đồng.”

Chưa kịp hả hê mừng chiến thắng thì năm 1978, ông anh “môi hở răng lạnh” dậy cho một bài học. Trong trận chiến này số thương vong của cả hai bên đều rất cao. Nó cũng thể hiện sự tàn bạo dã man đến cùng cực. Vì cả hai bên cùng là quân đội “nhân dân” cùng áp dụng chiến tranh “nhân dân”, nên giết sạch, giết tuyệt bất kể là trẻ em, phụ nữ, ông già bà cả đều là địch cả. 

Qua những cuộc chiến nêu trên đối với Đặng tiểu Bình là để “dạy cho VN một bài học”. Đảng csvn là kẻ vô ơn, ăn cháo đái bát muốn hất chân Trung Quốc, ngả hẳn về Anh cả Liên sô gây ảnh hưởng toàn vùng Đông Nam Á.

Nhưng bài học thấm thía hơn có lẽ là Hoa Kỳ muốn nói cho csvn biết là: “Kẻ thù của mấy anh không phải là chúng tôi nhưng anh bạn khổng lồ, sông liền sông, núi liền núi kia mới đích thực là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam.” Xem ra người Mỹ thuộc lòng lịch sử Việt Nam hơn những người csvn.

Trong thời gian chiến tranh lạnh, Khối Cộng sản gồm hai nước khổng lồ, Liên Sô, Trung cộng và một số nước chư hầu Đông Âu, Bắc Hàn, Bắc Việt Nam và Cuba và bên này là Hoa Kỳ và các nước Tây Âu. 

Cùng thi nhau chạy đua vũ trang. Kho vũ khí nguyên tử của cá hai bên đều không còn chỗ chứa.. Không khí chiến tranh bao trùm ngay đêm đe dọa sự sống còn của cả nhân loại. 

Nhưng thực ra không ai giám nghĩ tới xử dung những loại vũ khí này. Chỉ có những kẻ điên, say rượu mới nghĩ tới mà thôi. Vì nếu khi cuộc chiến tranh nguyên tử xảy ra thì cả thế gian nay sẽ ra tro. Những kẻ nào còn sống sót cũng trở thành “handicapped”, chẳng có ai thắng và tất cả đều thua.

Ý thức rất rõ điều đó, nên Hoa Kỳ và các đồng minh Chầu Âu muốn chiến thắng được cs chỉ còn một cách duy nhất là làm thế nào để chính những nước khổng lồ đó tự bể từ bên trong.

Liên Sô vào thời gian 1985 trở đi về mặt nổi, trong những năm nhiệm kỳ của TT Reagan, báo chí đưa ra những bản thống kê vũ khí của cả hai bên, lúc nào của Liên Sô cũng vượt trội về hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử tầm ngắn cũng như tầm xa, pháo đài bay, chiến hạm, tầu ngầm vũ khí hơn hẳn Hoa kỳ. Đó là những thông tin trên báo chí cho thấy, kể cả báo chí Hoa Kỳ. 

Các phong trào giải phóng bành trướng rộng khắp thế giới. Ngay cả ở Nam Mỹ. Mấy ông Giáo sĩ Công giáo cũng đón gió đưa ra “Phong trào Thần học Giải phóng.” Họ đưa hình ảnh Chúa Giêsu như một nhà cách mạng giải phóng dân nghèo khỏi những bất công chính trị cũng như kinh tế. Nổi đình đám có LM. Gustavo Gutiérrez của Péru, Leonado Bott của Brazil, Jon Sobino của El Salvador... Mấy ông giáo sĩ nhiệt thành này đã làm ngơ lời nói của Chúa Cứu thế trước mặt Pilate: “Nước tôi không thuộc về thế gian này.” (Gioan 18: 35).

Trước tình cảnh này, Tổng thống Reagan đã phải tuyên bố: “Con gấu Bắc cực đã vào tới sân sau của chúng ta.” Nghĩa là cs do Liên sô dẫn đầu sắp nuốt trửng thế giới, đe dọa ngay cả sự sống còn của Hoa Kỳ. 

Những thống kê đó thực hư ra sao không ai có thể thẩm định được trừ những nhà tình báo chuyên nghiệp của cả hai bên. Nhưng chính những viễn ảnh đe dọa của cs đó đã giúp TT Reagan thuyết phục được Quốc Hội Hoa Kỳ chuẩn chi ngân sách để đẩy mạnh sản xuất hỏa tiễn phòng thủ MX và bố trí dọc biên giới Tây Đức vào năm 1981. Mặc cho Liên Sô la lối, và đã khiến họ bắt buộc phải nhảy vào cuộc chạy đua vũ trang tốn kém này.

Luôn luôn phải chạy đua vũ trang và lúc nào cũng muốn vượt trội làm kinh tế của Liên Sô vốn đã ảm đạm này lâm vào tình trạng kiệt quệ. Ông Gorbachev nhìn thấy hậu quả và muốn tránh cho Liên Sô khỏi bị phá sản nên đã đưa ra chính sách “Glanost” và “Perestroika”. Ông cũng cho biết sẽ không can thiệp trực tiếp vào nội bộ các nước Đông Âu và để họ tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Kết quả sau cùng cs Liên Sô sụp đổ và chuyển sang thể chế tự do dân chủ, kéo theo sự sụp đổ của cả khối cs Đông Âu vào năm 1989...


Những năm sau này Putin hết sức mong muốn khôi phục lại vị thế siêu cường của Liên Sô. Nhưng cứ tình hình này 10 Putin cũng không thể lấy lại được địa vị siêu cường cũ của Liên Sô. Ngay nền chính trị hiện tại của Liên Sô còn nhiều bất cập. Mặc dầu Liên Sô ngày nay tự do dân chủ, nhưng vẫn còn tiếp tục chính sách công an trị.

Bản thân ông Putin đã không được chính danh để dành ghế tổng thống thì làm sao có thể có một nền tự do dân chủ trưởng thành vững mạnh được. 

Hiến pháp Hoa Kỳ ấn định một tổng thống không quá hai nhiệm kỳ. TT Washington, vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, sau khi mãn nhiệm kỳ hai, Quốc hội và nhiều người yêu cầu ông tiếp tục ứng cử thêm nhiệm kỳ nữa và chắc chắn sẽ tái đắc cử. Nhưng ông nói: “Tôi đưa ra luật hai nhiệm kỳ mà chính tôi vi phạm thì sau này còn ai tôn trọng hiến pháp nữa.” Và nếu ai theo dõi cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng Mười Một, 2012 vừa qua giữa TT Obama và Thống đốc Romney đều phải công nhận nền dân chủ Hoa kỳ vững mạnh.

Còn Trung cộng thì sao. Napoléon nói: “Con hổ Trung quốc khi chỗi dậy, nó chỉ cựa mình thôi cũng đủ làm thế giới rung chuyển.” Là quốc gia đông dân nhất thế giới, hiện tại hơn một tỷ người; cũng có kho vũ khí nguyên tử đáng gờm; cũng là một nước sản xuất, buôn bán và cung cấp vũ khí cho nhiều quốc gia nhược tiểu. Nên việc đối đầu vũ lực với Trung Quốc chắc cũng sẽ khó xảy ra. 

Nhưng Trung Quốc có những tử huyệt. Càng phát triển mạnh thì dường như Trung Quốc càng dễ phá sản. Chính quyền Trung Quốc muốn giữ được ổn định xã hội chỉ có một cách duy nhất là phải duy trì chế độ độc tài. Nếu tự do dân chủ thật sự được áp dụng tại Trung Quốc thì không chắc Trung Quốc có thể đứng vững được một tuần, vì dân số quá đông. Không thể thỏa mãn đồng đều cho mọi người dân công ăn việc làm cũng như những nhu cầu tối thiểu để giữ cho xã hội được ổn định, họ ra sức cổ vũ chủ nghĩa dân tộc quá khích để củng cố sự đoàn kết toàn dân. Nhưng hố ngăn cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Nhiều sắc dân lúc nào cũng muốn tách riêng. Rõ ràng đây là một xã hội bấp bênh.

Nền công nghiệp của Trung Quốc phát triển rất nhanh, nhưng năng lượng tự cung rất hạn chế và phải phụ thuộc gần như hoàn toàn từ bên ngoài. Hoa Kỳ có thể tự cung về mọi mặt trong vòng 50 năm, nhưng Trung cộng liệu đứng vững được bao lâu nếu nguồn năng lượng từ bên ngoài bị cúp. Nền công nghiệp của Trung Quốc là một nền “công nghiệp khát” nhiên liệu.

Cũng vì thế họ phải bằng mọi cách tìm kiếm nguồn năng lượng cho mình. Họ phải vươn tới Trung Đông và Phi Châu. Nhưng chỗ cận kề mà họ hy vọng nhất có thể giúp họ duy trì nền kỹ nghệ lâu dài được là Biển Đông. Từ chính trị, ngoại giao, quân sự, cây gậy, củ cà rốt, nghĩa là đủ mọi chiêu dầu trơ trẻn, bần tiện và bẩn thỉu đến mấy đều được tung ra để hầu chiếm trọn Biển Đông vì đó là nguồn hy vọng sống còn cho nền công nghiệp của họ.

Ngoài ra họ lại phải có thị trường tiêu thụ hàng hóa nữa. Nếu hàng hóa ứ đọng, không tiêu thụ được, hãng xưởng phải giảm bớt năng suất hay có khi phải đóng cửa. Công nhân giảm lương hay cắt giờ làm việc hay tệ hơn là thất nghiệp sẽ đưa đến bất ổn xã hội.

Ngày nay Trung Quốc đang đi đúng vào vết xe của những nước công nghiệp phương Tây hậu bán thế kỷ XIX. Họ phải đi xâm chiếm thuộc địa để giải quyết vấn đề nguyên liệu và năng lượng cho nền công nghiệp khổng lồ của họ và đồng thời cũng phải vất vả đi tìm thị trường tiêu thụ. Đây chính là tiền đề mà những người cộng sản luôn khai thác, tuyên truyền chống lại các nước Phương Tây trước đây. 

Nhưng Biển Đông có giúp họ tồn tại hay chính lại là tử huyệt khiến họ chết đứng. Nếu ít thì chả bõ công khai thác, nhưng nếu nhiều chắc chắn Trung Quốc không thể ăn một mình và mọi người đều thấy chính Biển Đông khiến họ ngày một bị cô lập. Các nước láng giềng, quốc tế có khoanh tay đứng nhìn họ chiếm trọn và đặt các giàn khoan khắp Biển Đông không. Đến ngay thằng em chí cốt Hà Nội cũng căm ghét họ lắm rồi, nhưng chỉ vì sự tồn tại của đảng và chính bản thân họ nên cố nhịn ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi.

Tất cả các luận điệu tình huynh đệ quốc tế vô sản, môi hở răng lạnh, sông liền sông, núi liền núi, mười sáu chữ vàng, bốn tốt đều đổ xuống sông, không che giấu và dụ khi được bất cứ một người Việt Nam chân chính nào. Rồi các lân bang khác như Nhật Bản, Triều Tiên, Phi Luật Tân, Indonesia, Singapore, Malaysia, Ấn Độ và Thái Lan đều canh chừng từng động thái của họ. Họ hy vọng nhất là Miến Điện. Nhưng Miến Điện bây giờ đã nhìn thấy mặt trái của họ và đã ngoảnh mặt đi.

Họ đang lấy lòng Cam Bốt nhằm chia rẽ các nước trong khối Asian và họ đã thành công trong hội nghị Asian vừa qua. Nhưng kết quả này chắc không lâu dài. Hun Sen chỉ lợi dụng những món tiền viện trợ béo bở và một khi thấy Trung Quốc thật sự bị cô lập, Cam Bốt cũng sẽ ngoảnh mặt. Những yếu tố nội tại cho người ta có một cảm tưởng Trung Quốc là một đế quốc không bền vững. 

Xã hội của Trung Quốc nói riêng và cả Á Châu được ổn định chỉ khi nào những nước nhỏ đã bị Trung Quốc cưỡng chiếm, sát nhập vào Trung Quốc trước đây chẳng hạn Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông, Ngoại Mông... được trả lại độc lập và quyền tự quyết dân tộc của họ. Đó là những gì tương lai Trung Quốc sẽ phải tiến tới trong một Trật tự thế giới mới - một trật tự ổn định, hài hòa, hợp tác, bền vững mà trong đó nước lớn không thể bắt ép hay xâm lăng một nước nhỏ và yếu kém. 
Mấy tuần nay người ta nói tới Nhật Bản sẽ tái võ trang. Một Nhật Bản võ trang chắc không phải là mối đe dọa cho ai nhưng sẽ là một đối trọng để giữ quân bình trong khu vực. Vì cả thế giới cũng như riêng Nhật Bản đều thấy hợp tác trong một trật tự mới sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn không riêng gì cho chính Nhật Bản và lại còn cho toàn vùng.

Xâm lăng thuộc địa, nô lệ hóa các dân tộc nhược tiểu xưa rồi và đã bị lên án. Xu thế của nhân loại là hợp tác xây dựng hòa bình tự do, dân chủ cho mọi người tạo thành một nền trật tự mới. Trật tự này đang hình thành và vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Trung Quốc và csvn không thể ngăn cản được bước tiến này. Họ sẽ là những lực cản có thể làm chậm lại tiến trình này nhưng không thể đảo ngược được. Đó cũng chính là nguyện vọng không những của toàn dân VN mà ngay cả người dân Trung Quốc nữa.


Không có nhận xét nào: