6.12.12


Cty Victoria ở Nga đổi tên để chạy tội bóc lột công nhân

2012-12-06
Công ty may mặc Victoria ở Matxcơva, do ông Nguyễn Văn Lập làm chủ và bóc lột người đồng hương như nô lệ, hiện đã đổi tên xưởng và cho một người Nga đứng tên làm bình phong để né tránh tội ác và qua mặt giới công lực.
File photo
Lối ra ngoài duy nhất của khu vực ăn ở cho công nhân ở công ty Victoria là khung cửa sắt có hai lần khóa, ảnh chụp trước đây.

Nhốt công nhân đòi tiền chuộc?

Việc công ty Victoria đổi tên để “chạy tội” được một nạn nhân là anh Vũ Minh Đức cho biết:
Bây giờ họ đổi tên công ty rồi, không dùng Victoria nữa mà dùng tên khác rồi. Và người khác đứng tên chứ không phải ông Nguyễn Văn Lập đứng tên nữa.”
Trong khi đó, chúng tôi được tin chủ nhân Nguyễn Văn Lập, còn gọi là Lập Đen, đang ráo riết “đòi tiền chuộc” một cách vô cảm đối với những nạn nhân cùng dòng máu Việt, như ông Lê Thanh Nghị ở Ninh Bình kể lại về thân nhân của ông:

Họ nói là phải có đủ số tiền ấy thì mới cho con chúng tôi về nước. Không nộp vào là không cho về nước.
Lê Thanh Nghị
“Cháu nhà tôi đi sang công ty Victoria làm được hai tháng, thì khi thấy tình hình của cháu như vậy, gia đình phải nộp cả trăm triệu để cháu được về nước. Riêng cháu trả từ đầu tới đuôi, nguyên chi phí là 90 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Lập đòi như vậy là tôi phải ra Hà Nội gặp em gái ông Lập để em gái ông Lập nhận số tiền này. Hôm ấy là cả hai gia đình chúng tôi nộp mất 140 triệu cho ông Lập. Họ nói là phải có đủ số tiền ấy thì mới cho con chúng tôi về nước. Không nộp vào là không cho về nước.”
Anh Phạm Văn Thông, chồng của chị Phạm Thị Tho cũng ở Ninh Bình, đã may mắn thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian” ấy, nhưng cũng phải chạy cho ra “tiền chuộc” mới được ông Lập cho về, như chị Tho kể lại:
Chồng tôi đã về Việt Nam từ tháng 6 năm ngoái. Trước đó người ta giới thiệu đi thì nộp tiền cọc là 6 triệu rưỡi đồng. Nhà tôi sang làm được 6 tháng thì ốm không làm nỗi nữa. Vì thời gian quá gò bó. Khi anh xin về nước thì ông giám đốc Lập bảo là phải nộp 55 triệu để về. Thế là tôi ra Hà Nội nộp tiền cho em gái của ông Lập, tức nộp cho chị Nguyễn Thị Huế ở thôn Mạch Tràng, 55 triệu đồng thì chồng tôi mới được về. Ở địa phương của tôi cũng còn 2 trường hợp nữa, người ta sang Victoria được 2 tháng thì gia đình phải nộp 70 triệu đồng theo yêu cầu của ông Lập.”
Sau khi thoát nạn, anh Vũ Minh Đức cũng kể lại cách làm tiền này của chủ nhân Victoria:
cnvtainga250.jpg
Công nhân Việt làm việc tại một xưởng may ở Nga, ảnh minh họa. File photo.
Người ta bắt mình phải bỏ tiền ra, và mua vé… nói chung là bắt phải đóng nhiều khoản tiền mới được về nước. Thí dụ như người ta cho mình sang và nói mình nợ 2 nghìn đô. Mình về thì phải nộp số tiền đấy và tiền làm thủ tục vé máy bay. Có những người phải nộp 2-3 nghìn đô mới về được.”
Theo thân nhân của các nạn nhân xưởng Victoria, thì phía chủ nhân “không có một lời giải thích nào”, “đòi tiền bằng nào thì chúng tôi phải nộp bằng ấy” để người thân được thoát cảnh “làm quần quật suốt ngày nhưng vẫn không đủ trả món nợ phi lý, thậm chí không đủ trả tiền ăn”. Chị Phạm Thị Tho lưu ý rằng không riêng thân nhân chị, mà còn rất nhiều người tiếp tục cảnh nô lệ mới ở xưởng may của ông Nguyễn Văn Lập:
“Nhiều người còn bị đánh đập, mới làm được một vài tháng rồi về thì phải nộp số tiền còn nhiều hơn chồng tôi nữa. Hiện giờ em trai của tôi đang ở bên đấy, làm một năm rưỡi rồi mà xin về, người ta chưa cho. Hôm trước ông giám đốc Lập nói là nộp tiền vé về là một nghìn đô. Gia đình tôi đang khó khăn, không nộp được. Thế là ông ấy bắt ở lại làm. Bây giờ em làm hết nợ rồi, nhưng ba tháng nay người ta chưa quyết toán, và không hề nói gì tới tiền lương của nó cả. Gia đình tôi cũng đang kêu cầu đi các công an rồi chính quyền các nơi, các cấp, kêu gọi mọi người giúp đỡ, kêu gọi tháo gỡ cho em trai chúng tôi cũng như tất cả những người bên ấy nữa.”

Hiệp định thư Palermo về chống buôn người quy định là phải truy tố thủ phạm, chứ không thể nói rằng bây giờ thủ phạm đã thay đổi thì chúng ta châm chước và lờ đi.
TS Nguyễn Đình Thắng
Theo anh Vũ Minh Đức, thì người ta bảo đi theo kiểu xuất khẩu lao động nhưng thực ra là đi theo kiểu du lịch, như vậy sau 3 tháng nạn nhân trở thành nhập cư bất hợp pháp”. Anh Đức nhấn mạnh rằng “Người ta lừa mình mà mình không biết. Môi giới ở Việt Nam đã lừa mình rồi”.
Chúng tôi được tin hồi trung tuần tháng rồi, một số thân nhân của các nạn nhân Victoria đã kéo về Hà Nội để kêu cứu với Bộ Ngoại Giao và Bộ Công an Việt Nam cho con em họ sớm thoát cảnh nô lệ và được hồi hương, nhưng chưa thấy triển vọng gì.
Gia đình chúng tôi mới đang nộp đơn vào Bộ Ngoại giao bên Nga và Việt Nam, rồi tại Sở Cảnh sát Quốc gia cầu xin giúp đỡ, nhưng chưa thấy tin tức gì cả…Vừa rồi gia đình chúng tôi có kéo nhau ra Hà Nội và qua chỗ trợ giúp người bị hại. Gia đình chúng tôi cũng trình đơn tại Bộ Công an và Bộ Ngoại giao, thì cũng chưa thấy trả lời gì cả.”

Chính quyền bao che?

Trong khi đó, Liên minh Bài trừ Nô lệ mới tại Á Châu, tức CAMSA, cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam chủ trương đứng về phía chủ Victoria và muốn biến vụ buôn người tại Victoria thành vụ tranh chấp tiền lương lao động. Thân nhân các nạn nhân của Victoria cho CAMSA biết nhân viên Bộ Ngoại giao Việt Nam thuyết phục họ đừng kêu cứu nữa vì công ty Victoria hiện đã “tổ chức lại” và cải thiện điều kiện làm việc, kể cả chuyện thanh toán tiền lương.
Từ Virginia, Hoa Kỳ, TS Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc tổ chức Boat People SOS – một thành viên của CAMSA - cho biết:
cnnga2.jpg
Một công nhân Việt Nam làm việc ở xưởng may Vinastar tại Matxcơva - Nga. Screen capture.
“Ở đây có điều sai sót về nguyên tắc, nếu quả thực Bộ Ngoại giao Việt Nam có khuyến khích, khuyến cáo như vậy. Lý do vì đây rõ ràng là vụ buôn người. Và chiếu theo luật Việt Nam, cũng như luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết ngày 6 tháng 8 vừa rồi, thì Hiệp định thư Palermo về chống buôn người quy định là phải truy tố thủ phạm, chứ không thể nói rằng bây giờ thủ phạm đã thay đổi thì chúng ta châm chước và lờ đi. Trên nguyên tắc về luật pháp là luôn luôn phải truy tố thủ phạm, dù thủ phạm có hứa sẽ thay đổi trong tương lai. Điểm thứ hai là hiện có một số nạn nhân bị khủng hoảng, cho biết bất luận Victoria có thay đổi hay không, họ vẫn muốn hồi hương để an tâm và yên thân với gia đình. Đó cũng là trách nhiệm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đặc biệt là Tòa Đại sứ Việt Nam tại Nga phải đưa công dân về Việt Nam rồi lấy cung của họ để truy tố - từ những công ty môi giới tại Việt Nam đã đưa người đi cho tới ông Nguyễn Văn Lập là chủ nhân của xưởng Victoria, mà ông ta đã đổi tên xưởng để giấu tất cả vết tích phạm tội.”
Giữa lúc tiếp tục thu thập thêm thông tin về những nạn nhân khác của Victoria, CAMSA cho biết hiện có khá đầy đủ bằng chứng và đã gởi thẳng cho giới chức thẩm quyền của Nga, đồng thời kêu gọi VN cũng phải thi hành trách nhiệm của mình khi gởi công dân đi lao động ở quốc gia khác và họ đã trở thành nạn nhân của nạn buôn người. Theo TS Nguyễn Đình Thắng thì 2 chính quyền Việt Nam và Nga phải phối hợp với nhau để, thứ nhất, bảo vệ, giải cứu nạn nhân, đưa nạn nhân hồi hương theo ý nguyện của họ và can thiệp cho họ được bồi thường tất cả những thiệt hại, và thứ hai là phải truy tố thủ phạm buôn người.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: