23.12.12


Tạ Duy Anh và “Sống chung với Trung Quốc”

2012-12-22
Nhà văn như chúng ta biết là những người dùng ngòi bút sáng tạo những tác phẩm cho xã hội. Tác phẩm của họ chứa đựng các đề tài đa dạng của cuộc sống cũng như những suy tư đối với những trăn trở trước các yếu tố về con người, tâm linh, triết học, lịch sử và ngay cả chính trị.
Photo courtesy of blog Quê Choa
Nhà văn Tạ Duy Anh
Các yếu tố chính trị hồi gần đây tác động lên rất nhiều nhà văn trong và ngoài nước trong đó vấn đề Biển Đông là điểm nóng có liên quan đến nhiều mặt trong đời sống chính trị của Việt Nam. Từ chuyện Trung Quốc hung hăng lấn chiếm các khu vực cho đến bản đồ hình lưỡi bò nuốt hơn 80% vùng biển mà Bắc Kinh cho là thuộc lãnh hải Trung Quốc.

Sự ngang ngược đó làm cho nhiều nhà văn căm phẫn và không ít người vận dụng kiến thức, suy nghĩ và kể cả dùng lợi thế lớn nhất của nhà văn là sức suy tưởng để vẽ lên một hoặc nhiều giải pháp cho Việt Nam trước các vấn nạn có thể nói là nan giải trước gã khổng lồ xấu bụng Trung Quốc.
Nhà văn Tạ Duy Anh là một trong những nhà văn như thế.
Là người nổi tiếng trên những tác phẩm mang chủ đề xã hội, đặc biệt là nông thôn, Tạ Duy Anh được xem như nhà văn của nông dân và ông rất tâm đắc với danh hiệu này.
Những trăn trở của người nông dân chân đất đã tích tụ nơi nhà văn các khái niệm về cuộc chiến đấu với thiên nhiên của những người cùng khổ để từ đó dẫn dắt ông đi xa hơn đến một cuộc chiến khác gian truân và vất vả hơn, đó là cuộc chiến chống ngoại xâm, trước mắt là Trung Quốc.
Nhìn vấn đề Biển Đông dưới kinh nghiệm của một dân tộc nhỏ bé nhà văn Tạ Duy Anh nảy sinh ra câu hỏi: Liệu chúng ta có thể sống cùng với Trung Quốc như sống chung với lũ được không? Và đối phó với lòng tham không đáy của phương Bắc liệu Việt Nam có giải pháp nào khả thi?
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu nhà văn Tạ Duy Anh trong chương trình Văn hóa Nghệ Thuật hôm nay như một diễn đàn mở về vấn đề Biển Đông dưới mắt các nhà làm văn hóa nghệ thuật. Hy vọng rằng những ý kiến tranh luận cũng như câu hỏi về các giải pháp sẽ giúp các nhà làm chính sách thêm thông tin về vấn đề quan trọng nhất hiện nay.

Trung Quốc không dễ thắng

cap-tau-binh-minh-250.jpg
Cáp của tàu Bình Minh 02 bị cắt hôm 30 tháng 11, 2012. Source Petrotimes.
Nhà văn Tạ Duy Anh đang hoàn tất phần cuối của tiểu luận mang tên “Sống chung với Trung Quốc”, chúng tôi rất ấn tượng với một trong các tiêu đề mà ông đưa ra trong tiểu luận này đó là:Trung Quốc có thể phát động cuộc chiến ở Biển Đông và cũng dễ dàng chiến thắng, tuy nhiên làm sao có thể kết thúc cuộc chiến thắng ấy lại là điều không dễ dàng chút nào.
Mặc Lâm: Thưa nhà văn, trước tiên xin được phép nói với anh rằng chương trình Văn Hóa Nghệ Thuật của Đài Á Châu Tự Do được mở đầu diễn đàn Biển Đông cho các nhà hoạt động văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước về góc nhìn của họ đối với vấn đề Biển Đông. Với anh, tại sao anh quan tâm vấn đề này?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Chào anh Mặc Lâm, thực ra tôi xác định trước nhất là một công dân, một con dân nước Việt, sau đó là một trí thức và đương nhiên là một nhà văn. Với ngần ấy danh nghĩa khiến cho một người như tôi không thể không suy nghĩ về những vấn đề liên quan đến quốc gia đặc biệt liên quan đến vận mệnh sống còn của dân tộc. Đấy cũng là nhu cầu tự nhiên của một người bình thường chứ tôi chẳng phải dùng nó để làm gì.
Thực ra những gì mình suy nghĩ thì chỉ âm thầm thôi, đặc biệt trong thời gian gần đây. Trước kia thì tôi có nhiều suy nghĩ và bài viết về nội tình đất nước mình cũng đặt nhiều quan tâm. Thời gian gần đây thông qua mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi khẳng định rằng trong nhiều năm tới xử lý mối quan hệ này sẽ khó khăn vì làm sao để chung sống hòa bình với Trung Quốc mà không mất lãnh thổ, không bị chèn ép, trước nhất không bị mất thêm vì mình đã mất quần đảo Hoàng Sa rồi là vấn đề khó nhất của người Việt, của nhiều thế hệ người Việt. Tôi xác định như vậy.
Thời gian gần đây thông qua mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi khẳng định rằng trong nhiều năm tới xử lý mối quan hệ này sẽ khó khăn vì làm sao để chung sống hòa bình với Trung Quốc mà không mất lãnh thổ, không bị chèn ép.
Nhà văn Tạ Duy Anh
Với một ý nghĩ như thế mà tôi là một công dân thì tôi cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm đưa ra những điều mình nghĩ trong đầu như là kế sách của một người bình thường.
Mặc Lâm: Và bước vào nội dung câu chuyện hôm nay, điều gì xảy ra khiến anh quyết định bước chân vào lĩnh vực xem ra không mấy hấp dẫn đối với người làm nghệ thuật như anh. Anh nghĩ việc làm mình sẽ có kết quả hay không?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Cách đây gần một năm, hồi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh tôi suy nghĩ việc này rất nhiều. Thế nhưng phải thú nhận rằng đó là một việc quá khó, một việc cần rất nhiều bộ óc, cần rất nhiều tinh hoa của đất nước. Cần rất nhiều đầu tư về thời gian, suy nghĩ cho nên với một cá nhân tôi cảm thấy nó cực kỳ khó. Những nhà văn nhà thơ người ta suy nghĩ về vấn đề này ra sao thì tôi không biết bởi thực ra tôi đọc thường xuyên những suy nghĩ của họ và tôi cũng chia sẻ một phần nào. Tuy nhiên có những thứ tôi cũng khó chia sẻ và mình chỉ âm thầm mong muốn đưa ra một điều gì đó mang màu sắc kế sách của riêng cá nhân tôi.
Bây giờ người ta chẳng quan tâm nhưng tôi có một hy vọng nhỏ rồi sẽ có thời gian nào đó sẽ có một bộ phận hay một thế hệ nào đó người ta sẽ quan tâm như là kế sách của một công dân. Mặc dù ý kiến của tôi không nói lên điều gì ghê gớm nhưng trong đó có thể có một vài ý có thể có ích cho toàn dân tộc khi phải vắt óc nghĩ ra cách để sống chung với Trung Quốc.
Mặc Lâm: Tôi được biết bài tiểu luận này tuy ngắn nhưng chiếm rất nhiều thời gian của anh vì theo như anh cho biết, đây là một vấn đề hệ trọng không thể thiếu cẩn thận… anh có thể cho biết một vài điểm chính mà anh đang viết hay không?
017_107181-250.jpg
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc trong một cuộc diễn tập ở Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc, ảnh chụp trước đây. AFP photo.
Nhà văn Tạ Duy Anh: Thực ra trong bài viết của tôi cũng chỉ ra 4-5 lý do khiến Trung Quốc không dễ dàng phát động một cuộc chiến tranh ồ ạt để chiếm mình đâu. Những lý do thí dụ như sự lợi ích giữa việc họ chiếm Biển Đông với những cái mà họ mất. Mất về kinh tế, về ngoại giao, bản thân lực lượng của Trung Quốc cũng không đơn giản để triển khai một lực lượng hải quân hùng hậu vượt bậc trong cái không gian có diện tích rộng 4 triệu cây số vuông trên biển. Trong khi hải quân Trung Quốc thì không phải mạnh và Trung Quốc còn phải quan tâm ở những hướng khác.
Tôi khẳng định rằng có hai lý do khiến Trung Quốc chùn tay đó là họ không chắc họ sẽ thắng ngay trong thời gian ngắn.
Mặc Lâm: Anh giải thích ra sao khi nói Trung Quốc không thể chiến thắng trong thời gian ngắn trong khi ai cũng biết là hải quân của họ đang dẫn đầu các nước trong khu vực?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Bởi vì Trung Quốc rất giỏi sử dụng những chiến thuật hư hư thực thực, tức là họ khiến thế giới không hiểu được tầm mức họ như thế nào, sức mạnh hải quân của họ ra sao, thực lực quân sự của họ đến đâu và quyết tâm của họ như thế nào… hiện nay thế giới không đoán định được.
Nếu giả sử cuộc chiến tranh xảy ra mà Trung Quốc không thể kết thúc được có nghĩa là ở phía Nam của Trung Quốc liên tục tồn tại tình trạng chiến tranh thì khi đó sự chủ động lại thuộc về phía Việt Nam và Philippines. 
Nhà văn Tạ Duy Anh
Chừng nào thế giới không đoán định được thì chừng đó Trung Quốc còn hiện diện, còn có giá trước mắt đối với đối tác, đồng minh của họ. Nếu giả sử một trận hải chiến dốc toàn lực trên biển Đông mà không chắc thắng thì tất cả sự hư hư thực thực của Trung Quốc sẽ mất trắng. Những hình ảnh Trung Quốc mang ra răn đe người khác, những tiềm lực ảo mà người ta đang nghĩ là Trung Quốc có, đồng thời nó có sức mạnh răn đe rất lớn không chỉ đối với các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, mà cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, xa hơn là Ấn Độ và Mỹ lúc nó lộ ra rồi thì sức mạnh răn đe rất kém.
Mặc Lâm: Còn lý do thứ hai?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Lý do sâu xa hơn theo tôi đó là Trung Quốc nắm trong tay kịch bản để có thể khởi phát cuộc chiến. Họ có thể lên chi tiết được vì thật ra cũng dễ vì họ là người chủ động tạo ra cuộc chiến và cứ thế họ tấn công ồ ạt xuống Biển Đông. Điều đó rất đơn giản và việc khai hỏa đối với họ quá bình thường. Thế nhưng có điều Trung Quốc không nắm được đó là kịch bản làm sao để kết thúc chiến tranh. Tôi khẳng định rằng nếu Trung Quốc có kịch bản kết thúc chiến tranh thì họ sẽ khai hỏa Biển Đông ngay.
Tuy nhiên cái kịch bản này là thứ duy nhất thuộc về những nước Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam. Nếu giả sử cuộc chiến tranh xảy ra mà Trung Quốc không thể kết thúc được có nghĩa là ở phía Nam của Trung Quốc liên tục tồn tại tình trạng chiến tranh thì khi đó sự chủ động lại thuộc về phía Việt Nam và Philippines. Bởi vì nếu Trung Quốc không kết thúc được thì có nghĩa là họ sẽ phải chịu tổn thất cực kỳ lớn về các mặt khác ví dụ như nội tình đất nước.
Trung Quốc có một khối dân số khổng lồ nhưng bản thân người Trung Quốc chưa bao giờ có sự gắn kết nội bộ tốt cả, và những chia rẽ tiềm ẩn như Tây Tạng, hay Ngô Duy Nhĩ, hay những phần đất ly khai, hay những bang giáp với Ấn Độ, thì có thể sẽ xảy ra những chính biến hay rạn nứt.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc in bản đồ lưỡi bò lên hộ chiếu ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vào ngày 29 tháng 11 năm 2012.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc in bản đồ lưỡi bò lên hộ chiếu ở phía trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila vào ngày 29 tháng 11 năm 2012. AFP
Thế cho nên một kịch bản cho sự kết thúc ấy thì hiện nay Trung Quốc không có và còn rất lâu Trung Quốc mới có thể nghĩ đến chứ chưa nói là có trong tay. Bởi vì đúng như anh nói một cuộc chiến tranh nào cuối cùng cũng có một kết thúc nhưng nếu chiến tranh ở Biển Đông sẽ không có kết thúc bởi vì không ai chịu thất bại cả.
Mặc Lâm: Ý anh muốn nói là Việt Nam không dễ dàng gì chịu để yên khi quyền lợi đất nước bị xâm phạm?
Nhà văn Tạ Duy Anh: Đương nhiên là lợi thế bờ biển ở Việt Nam như vậy, vị trí chiến lược như vậy thì Trung Quốc không dễ dàng gì để có thể yên ổn. Với một lực lượng không đủ mạnh lại có thể yên ổn đi qua vùng Biển Đông hay quản lý Biển Đông và như vậy tôi chưa hình dung nổi đất nước Trung Quốc sẽ như thế nào.
Tôi thấy họ sẽ rơi vào thảm họa và nhiều trang lịch sử của họ chắc chắn phải viết lại và tôi nghĩ người Việt phải nắm thật chặt kịch bản cuộc kết thúc chiến tranh.
Phần đầu của bài viết xin tạm dừng nơi đây, mời quý vị theo dõi phần sau vào tuần tới.
Quý vị muốn đóng góp ý kiến cho chương trình này xin vui lòng e-mail về địa chỉ: maclam@rfa.org.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: