Ý Nghĩa sự ra đời của Việt Nam Quốc Dân Đảng
Cách đây 85 năm ngày 25-12-1927, một đội ngũ cách mạng dân tộc là Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời với ba mục tiêu đấu tranh:
1) DÂN TỘC ĐỘC LẬP – đánh đuổi thực dân xâm lược Pháp dành độc lập cho dân tộc
2) DÂN QUYỀN TỰ DO – Sau khi dành độc lập sẽ xây dựng một thể chế tự do dân chủ và tôn trọng nhân quyền
3) Đảng Sinh HẠNH PHÚC – Chủ trương kinh tế thị trường tự do, mọi người dân có cơ hội để mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình trong thể chế dân chủ pháp trị, nhà nước giữ vai trò giúp đỡ tư nhân thăng tiến về kinh doanh.
Đây là một tổ chức chính trị cách mạng đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Những thanh niên trẻ tân học đoạn tuyệt với chế độ phong kiến chậm tiến lạc hậu, thành lập một đảng chính trị với tư tưởng dân chủ tây phương (Jean-Jackques Rousseau, Montesquieu, cuộc cách mạng Pháp 1789, cách mạng Tân Hợi 1911 của Tôn Dật Tiên….), tự lực đứng lên nhận lãnh sứ mạng lịch sử với ba mục tiêu đã đề ra. Cuộc cách mạng bùng nỗ với Tổng Khởi Nghĩa 10/02/1930, 13 vị lãnh đạo VNQDĐ trong đó có đảng trưởng Nguyễn Thái Học đã đền nợ nước tại Yên Báy ngày 17/06/1930. VNQDĐ đã, đang, và sẽ chiến đấu không ngừng để đạt được ba mục tiêu cao cả trên…….Nhân ngày Đảng Sinh thứ 85 của VNQDĐ (25/12/1927-25/12/2012) mời qúy độc giả đọc lại những giòng lịch sử đấu tranh cận đại còn vang vọng mãi đến ngàn sau…
THÀNH LẬP VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG
TỔ CHỨC NAM ĐỒNG THƯ XÃ
Từ cuộc mưu sát Toàn quyền Merlin ở Sa Điện đến vụ bắt cóc cụ Phan Bội Châu đưa về giam ở ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội; tiếp đến lễ an táng hai nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, Lương Văn Can. Trong những năm 1924, 1925, 1926 và 1927, phong trào chính trị trong nước thật sôi động.
Đáp ứng phong trào chính trị sôi động ấy, cuối năm 1925, ba thanh niên trí thức: Phạm Tuấn Lâm, Phạm Tuấn Tài, Hoàng Phạm Trân đứng ra tổ chức “NAM ĐỒNG THƯ XÔ (NĐTX) ở số 6 đường 96 khu Nam Đồng (trước bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội). NĐTX chuyên trước tác, dịch thuật và xuất bản các sách thuộc loại ái quốc như: Cách Mạng Trung Hoa, Lịch Sử Tôn Dật Tiên, Cách Mạng Thế Giới, Chủ Nghĩa Tam Dân, Cách Mạng Pháp 1789, các sách tư tưởng của Rousseaux, Montesquier v.v… là loại sách phổ thông, lại bán giá bình dân, nên đã gây được một tiếng vang lớn và đã lôi cuốn một số thanh niên trí thức sinh viên thường lui tới. Nhưng đặc biệt cảm tình mật thiết hơn, có Nguyễn Thái Học, sinh viên trường Cao Đẳng Thương Mại, Phó Đức Chính, sinh viên trường Cao Đẳng Công Chính, Hồ Văn Mịch, sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm. Ngoài ra còn có: Trần Vỹ, Lưu Văn Phùng, Vũ Hiển, sinh viên trường Cao Đẳng Y Khoa cũng thường hay lui tới. Họ thường gặp nhau, thảo luận say sưa những vấn đề chính trị trong nước cũng như ngoài nước.
Công tác hoạt động thường xuyên của nhóm thanh niên sinh viên này: Về xã hội, tổ chức lớp học buổi tối dạy chữ quốc ngữ miễn phí cho anh chị em lao động, gây quỹ tiết kiệm “Đồng Xu” cho giới thợ thuyền,… Về chính trị, hô hào đồng bào tham dự đông đảo cuộc biểu tình đòi ân xá cho nhà cách mạng Phan Bội Châu, vận động đồng bào, nhất là giới sinh viên học sinh tham dự lễ truy điệu hai nhà chí sĩ Phan Chu Trinh và Lương Văn Can; và nhất là bí mật trực tiếp can thiệp với đồng bào ở Hải Phòng, không nên mắc mưu thâm độc của thực dân Pháp về vụ “xung đột, tẩy chay” với người Hoa Kiều.
Bởi vậy mật thám Pháp để ý bắt đầu theo dõi từng người thường xuyên lui tới NĐTX.
Về sách xuất bản của NĐTX chúng để cho in xong rồi tịch thu, nhiều cuốn đã phát hành từ trước, chúng ra nghị định cấm lưu hành và tàng trữ. Số vốn đã ít lại bị hao mòn dần, đi tới quyết định đình chỉ công tác và xuất bản. Vào khoảng giữa năm 1927, người cột trụ của NĐTX là nhà giáo Phạm Tuấn Tài phải đổi lên tỉnh Tuyên Quang, nhưng hàng tháng, họ Phạm vẫn về Hà Nội sinh hoạt với các đồng chí.
Ở Tuyên Quang, Phạm Tuấn Tài vẫn bí mật tuyên truyền tổ chức được một nhóm tại đấy, đa số là những nhà giáo trẻ tuổi. Sau khi VNQDĐ chính thức thành lập, họ Phạm tránh sự để ý của mật thám, nên anh đã cử nhà giáo trẻ tuổi là Nguyễn Triệu Luật làm Đại Biểu Tỉnh Đảng bộ Tuyên Quang về Hà Nội họp Tổng Bộ sau này.
NGÀY Đảng Sinh VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG
Chưa chịu thất vọng hoàn toàn, tháng 6 năm 1927, Nguyễn Thái Học lại gửi đơn lên Thống Sứ Bắc Kỳ, xin phép xuất bản một nguyệt san lấy tên là “NAM THANH” với mục đích là phổ biến, nâng cao trình độ trí đức, thể dục cho đồng bào, ông khuyến cáo họ bỏ lối hư danh mà chú trọng về nông, công, thương nghiệp. Nhưng cũng không được nhà cầm quyền Pháp chấp nhận, viện lý do là địa chỉ không đúng. Sự thực bởi Nguyễn Thái Học ở trong tổ chức Nam Đồng Thư Xã, nên đã bi ghi vào “sổ đen” của sở mật thám Bắc Kỳ.
Trong khi ấy, tại tỉnh Bắc Ninh có một số dân dã anh hùng, đứng đầu là Quản Trạc và hai sĩ quan trong Cơ Binh Khố Đỏ tỉnh Bắc Ninh hợp cùng dư đảng của cụ Hoàng Hoa Thám, định dùng võ lực chiếm cứ yếu điểm quân sự quan trọng của Pháp quân ở Bắc Ninh và Đáp Cầu, làm một cuộc khởi nghĩa.
Có một đồng chí tiết lộ cho biết tại Hà Nội có nhóm Cách Mạng Nam Đồng, Quản Trạc liền phái Đại Biểu sang Hà Nội liên lạc; yêu cầu khi họ xuất quân thì nhờ nhóm “Cách Mạng Nam Đồng” giúp đỡ họ việc ném bom ngay tại Hà Nội, để cầm chân Pháp quân không thể tiếp cứu được cho Bắc Ninh, Đáp Cầu. Cuộc khởi nghĩa được dự định vào ngày 11/11/1927.
Sau khi tiếp xúc với Đại Biểu nhóm Bắc Ninh, nhóm Nam Đồng liền triệu tập cuộc họp để thảo luận vấn đề “Nên giúp hay không?”. Khi lấy biểu quyết, số tán thành “Nên giúp” nhiều hơn. Phe thiểu số bị nhóm Bắc Ninh đe dọa, trong số đó có Nhượng Tống, nên sau đó có mấy bạn Trần Vỹ, Lưu Văn Phùng, Vũ Hiển,… rút lui không tới NĐTX nữa.
Công tác ủng hộ nhóm Bắc Ninh bắt đầu bằng một bài “HỊCH” được trao cho Nhượng Tống khởi thảo. Nhưng sau ít ngày thì được tin mưu toan cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, khắp nơi trong hạt Bắc Ninh đã xảy ra nhiều vụ khám xét nhà và bắt người.
Sau ngày cuộc âm mưu nổi dậy của nhóm quân nhân Bắc Ninh bị bại lộ và Phạm Tuấn Tài bị cấp tốc đổi đi Tuyên Quang, nhóm Nam Đồng Thư Xã ở số 6 đường 96 bờ hồ Trúc Bạch, Hà Nội, chỉ còn lại vỏn vẹn hơn 10 người.
Vào khoảng cuối tháng 10 năm 1927, Nguyễn Thái Học triệu tập một phiên họp, và đưa ra ý định thành lập một đảng bí mật, dùng võ lực lật đổ chế độ Thực dân Phong kiến, lập nên một chính thể Cộng Hòa, nhằm đem lại độc lập tự do cho Tổ Quốc, hạnh phúc tiến bộ cho toàn dân. Ý kiến này được mọi người tán thành và để tranh thủ thời gian, những người hiện diện liền tự động kết hợp lại thành một tổ chức, tạm gọi là “Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã” do Nguyễn Thái Học làm Chi Bộ Trưởng, và các ủy viên gồm có: Hồ Văn Mịch, Lê Văn Phúc, Hoàng Văn Tùng, Phó Đức Chính, Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống, Vũ Huy Chân, Nguyễn Hữu Đạt, Lê Thành Vị Nguyễn Thái Trác, Phạm Tuấn Tài và Phạm Quang Vân. Số người này liền chia tay nhau, mỗi người đi một nơi, liên lạc với những người yêu nước lẻ tẻ, như nhóm Nguyễn Thế Nghiệp ở Bắc Ninh, Hoàng Văn Đào ở Thanh Hóa, Đoàn Mạnh Chế, Hàn Kều ở Hưng Yên, Nguyễn Khắc Nhu tức Xứ Nhu ở Phủ Lạng Thương, Đặng Đình Điển tức Hào Điển ở Thái Bình, v.v…
Trong thời gian không đầy một tháng, đã thành lập tất cả là 18 chi bộ, rải rác trên 14 tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, với tổng số đảng viên trên 200 người. Thật là một kết quả vô cùng khả quan và đáng khích lệ cho tất cả mọi người.
Ít lâu sau, Chi Bộ Nam Đồng Thư Xã lại được tăng cường với Nguyễn Ngọc Sơn (vừa ở Pháp về), Nguyễn Thế Nghiệp và Đỗ Văn Sinh; rồi sau lại có thêm: Nghiêm Toản, Nguyễn Văn Viên, Hoàng Cân, Lưu Văn Huệ.
Đại Hội thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng 25/12/1927
Đầu tháng 12 năm 1927, trong một phiên họp tổng kết các thành quả đã thâu lượm được, Nguyễn Thái Học đưa ra đề nghị triệu tập một Đại Hội Đại Biểu toàn thể các tỉnh để hợp thức hóa việc thành lập đảng. Đề nghị được mọi người hoan nghênh và chấp thuận ngay. Sau một hồi trao đổi ý kiến, toàn thể lại đồng thanh quyết nghị một chương trình tổ chức sau:
- Ngày giờ khai hội: Đúng 20 giờ ngày 25 tháng 12 năm 1927.
- Địa điểm hội trường: Làng Thể Giao thuộc thành phố Hà Nội (tại nhà đồng chí Lê Thành Vị).
- Thành phần tham dự:
Các địa phương: Mỗi tỉnh từ 1 đến 2 Đại Biểu, tùy theo số Đảng Viên nhiều hay ít.
Tại Trung ương: Tất cả các đồng chí Chi bộ NĐTX với danh nghĩa ban tổ chức Đại Hội.
Đồng thời một ủy ban trù bị và tổ chức Đại Hội cũng được thành lập với thành phần như sau:
- Chủ Tịch: Nguyễn Thái Học.
- Tiểu ban dự thảo chương trình và điều lệ: Hoàng Văn Tùng, Nguyễn Ngọc Sơn, Nhượng Tống.
- Tiểu ban hội trường và đón tiếp: Lê Thành Vị, Nguyễn Thái Trác.
- Tiểu ban an ninh trật tự: Nguyễn Hữu Đạt, Đỗ Văn Sinh.
Ngoài ra, các anh em khác như Nguyễn Thế Nghiệp, Vũ Huy Chân, Phạm Quang Vân,… cũng được phân phối mỗi người một công tác, hoặc phụ tá cho một tiểu ban.
Qua ngày hôm sau, mọi người đều đi lo phổ biến những quyết định trên các địa phương do mình liên lạc và tổ chức để họ kịp thời cắt cử đại diện về tham dự Đại Hội. Đồng thời các tiểu ban cũng tích cực hoạt động và chuẩn bị sẵn sàng.
Thời gian này, tất cả những tổn phí về di chuyển tàu, xe và chi tiêu mọi khoản, đều do tiền túi của anh em tự xuất ra cả, kẻ có đóng cho người không, kẻ thừa đưa đỡ cho người thiếu. Cái cảnh túng quẫn thiếu hụt vẫn thường xuyên ám ảnh, bởi lẽ đa số anh em đều là thanh niên, sinh viên, học sinh, ngoại trừ vài ba người là công tư chức, giáo viên. Tuy nhiên lúc nào anh em cũng vui đùa cười rỡn, coi nhau như máu mủ, thương yêu nhau như ruột thịt, có thì cùng ăn hết cùng nhau nhịn.
Ngày 24 tháng 12 năm 1927, các Đại Biểu các tỉnh đã tề tựu đông đủ tại Hà Nội, riêng khiếm diện Phạm Tuấn Tài. Hầu hết các Đại Biểu đều có phương tiện tự trú và tự túc.
Qua ngày 25, tối đến nhân lúc lễ Giáng Sinh đường xá đông đúc, các nhà thờ Công Giáo chuẩn bị đi lễ đêm, các Đại Biểu tiếp tục đến hội trường tại nhà đồng chí Lê Thành Vỵ. Hội trường là căn nhà ngang ở góc trái, lát gạch, lợp lá, tường xây, rộng chừng 4 mét, dài hơn 10 mét, trang trí thật là tôn nghiêm. Trên tường căng biểu ngữ dài với những dòng chữ “NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ I VÀ NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG 25/12/1927.”
Hội trường được các đồng chí cắt đặt nhau canh gác rất cẩn mật.
Đúng 20 giờ ngày 25/12/1927, Đại Hội Đảng khai mạc với sự hiện diện của 36 Đại Biểu đại diện cho 14 tỉnh Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Kiến An, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, và Thanh Hóa.
Chương trình nghị sự gồm có các mục:
1. Phần khai mạc:
a) Đại diện ban tổ chức chào mừng các vị Đại Biểu và tuyên bố lý do.
b) Giới thiệu ban tổ chức, giới thiệu các vị Đại Biểu các tỉnh.
c) Bầu vị chủ tọa phiên họp.
2. Phần thảo luận:
a) Biểu quyết thông qua Danh Xưng, Mục Đích, Tôn Chỉ và Điều Lệ Đảng.
b) Bầu cử Tổng Bộ Lâm Thời nhiệm kỳ I.
c) Thông qua chương trình hành động tổng quát.
d) Các vấn đề linh tinh.
3. Phần bế mạc:
a) Lễ tuyên thệ của Tổng Bộ đắc cử.
b) Bàn giao quyền hành Chi Bộ NĐTX trước quyền nhiệm.
c) Giải tán.
Mở đầu, Nguyễn Thái Học nhân danh ban tổ chức, đứng lên trịnh trọng nói mấy lời chào mừng Đại Hội, ca tụng tinh thần yêu nước và lòng dũng cảm của các Đại Biểu, đã không quản nguy hiểm gian lao, hăng say về tham dự Đại Hội một cách đông đảo và nồng nhiệt. Tiếp, nói đến lý do và mục đích của phiên họp, sự cần thiết phải thành lập gấp một đảng cách mạng bí mật, theo chủ trương thiết huyết, dùng võ lực lật đổ chánh quyền thống trị thực dân Pháp và phong kiến lạc hậu, lập lên một chế độ Cộng Hòa, mang lại độc lập vinh quang cho Tổ Quốc, và tự do hạnh phúc cho toàn dân.
Qua phần giới thiệu, Nguyễn Thái Học trình diện với Đại Hội từng nhân viên trong ban tổ chức đồng thời cũng là Chi Bộ NĐTX, rồi lần lượt đến những vị Đại Biểu của mỗi tỉnh, cùng những thành quả đã thâu lượm được ở mỗi địa phương.
Để bầu Chủ Tịch Hội Nghị, Nguyễn Thái Học yêu cầu Đại Hội đề cử một vị cao niên trong hàng ngũ Đại Biểu các tỉnh, để phiên họp được thêm phần long trọng, và sự phân công cũng công bằng và hợp lý hơn. Tuy nhiên các vị Đại Biểu này, có vị đã gần 70 tuổi như cụ Đặng Đình Điển ở Thái Bình, vẫn nhất quyết từ chối, viện lẽ rằng các đồng chí đã nói là ban tổ chức, lại đã quen công việc, nên xin nhường để mấy anh em đề cử người điều khiển cho phiên nhóm được dễ dàng và mau lẹ hơn. Rút cuộc Nguyễn Ngọc Sơn được bầu làm Chủ Tọa, Nguyễn Hữu Đạt và Đỗ Văn Sinh giữ trật tự. Là đảng cách mạng bí mật, nên vấn đề thủ tục và pháp lý không mấy cần thiết lắm cần phải được giản dị hóa tới mức tối đa, do đó việc bầu thư ký được bỏ qua.
Bước sang phần thảo luận, vấn đề lập Đảng và danh xưng được đề cập đến trước hết. Toàn thể hội nghị đã chấp thuận và thông qua một cách nhanh chóng: Thành lập một đảng cách mạng với danh xưng là “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG”, viết tắt là “VNQDĐ”.
Đến mục đích và tôn chỉ, cuộc thảo luận trở nên sôi nổi, nhiều ý kiến khác nhau được nêu lên, vì trong bản dự thảo điều lệ cũng ở khoản này, lại có đoạn ghi: Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới. Bốn chữ “cách mạng thế giới” đã gây hoang mang cho các hội thảo viên, có người cho rằng thế là thiên tả. Có người cho rằng như thế sẽ trở thành Cộng Sản và đòi phải xóa bỏ hoặc sửa lại. Tuy nhiên sau ít phút thảo luận, Hội nghị đã đồng ý quyết định sửa đổi lại đoạn này như sau:
“Mục đích và Tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc Lập Cộng Hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ đặc biệt là các lân quốc: Ai Lao, Cao Miên.”
Sang phần còn lại, từ hệ thống tổ chức, điều kiện gia nhập, đến nghĩa vụ Đảng viên, v.v… Toàn văn bản dự thảo đã được hội nghị biểu quyết thông qua, sau khi sửa đổi một vài chi tiết không mấy quan trọng.
Chiếu bản điều lệ này, Đảng được tổ chức theo hệ thống dọc, hạ tầng cơ sở là Chi bộ, rồi đến Tỉnh bộ, Kỳ Bộ và thượng tầng cơ sở là Tổng Bộ. Số đảng viên tối đa là 19 người. Vì theo luật lệ hiện hành, bất cứ cuộc họp hành nào có 20 người trở lên, đều phải xin phép trước với nhà cầm quyền. Mỗi Chi bộ được bầu ra một Chi bộ trưởng, một ủy viên đại diện lên Tỉnh bộ và 4 trưởng ban: Tổ Chức, Tuyên Truyền, Tài Chính và Trinh Thám, hợp lại thành ban chấp hành Chi bộ và cứ 6 tháng bầu lại một lần.
Tỉnh bộ lập thành bởi các Đại Biểu các Chi bộ cử lên, cũng gồm 19 người, có một Tỉnh bộ trưởng, một ủy viên đại diện lên Kỳ Bộ và 4 trưởng ủy ban như Chi bộ.
Trên Tỉnh bộ là Kỳ Bộ, nguyên tắc tổ chức cũng vậy, và mỗi Kỳ Bộ được cử một số ủy viên đại diện lên, để hợp thành Tổng Bộ.
Tổng Bộ là cơ quan lãnh đạo tối cao của Đảng, có một vị Chủ Tịch Đảng, một phó Chủ Tịch và 8 trưởng Ủy Ban: Tổ Chức, Tuyên Truyền, Tài Chánh, Trinh Thám, Ngoại Giao, Binh Vụ, Giám Sát và Ám Sát. Tổng Bộ cũng 6 tháng bầu lại một lần và gồm tối đa là 19 thành viên.
Cách tổ chức này hoàn toàn theo nguyên tắc đại nghị, cực kỳ dân chủ và đúng với câu “tuyển chọn rồi phục tòng” (élire et obéir).
Đến điều kiện muốn gia nhập Đảng, phải có 2 đảng viên cũ giới thiệu và bảo lãnh, phải qua sự điều tra trước của ủy ban Trinh Thám (ít nhất là nửa tháng), phải được toàn thể ban chấp hành Chi bộ ưng thuận; và sau chót, phải làm lễ tuyên thệ trước bàn thờ Tổ Quốc trong một phiên họp khoáng đại Chi bộ, có sự giám sát của nhân viên Tỉnh bộ.
Còn nghĩa vụ của bất cứ người Đảng viên nào, thì cũng phải là hy sinh tất cả cho Đảng, cho Quốc Gia Dân Tộc, kể cả xương máu.
Sau khi thông qua bản điều lệ, thì sắp đến 23 giờ, Hội nghị bắt đầu nghỉ giải lao, thì anh Phạm Tuấn Tài đến.
23 giờ 15 phút, hội nghị tái nhóm, thảo luận sang vấn đề bầu cử Tổng Bộ Lâm Thời.
Về vấn đề này, các Đại Biểu các tỉnh nêu lên hai ý kiến:
1) Một số Đại Biểu cho rằng từ trước đến nay, nhóm anh em NĐTX tuy chỉ khiêm tốn xưng danh là một Chi bộ nhưng trong thực tế, chính là một ban sáng lập, hành xử như một cơ quan lãnh đạo lâm thời, kiêm nhiệm hết thảy mọi công tác về vận động và tổ chức. Do đó, giờ đây các vị này đề nghị Đại Hội chính thức biểu quyết tín nhiệm đề cử toàn thể Chi bộ NĐTX vào chức vụ Tổng Bộ Lâm Thời nhiệm kỳ đầu tiên này, hầu tránh mọi sự xáo trộn và bỡ ngỡ có thể xảy ra với những thành phần mới lạ; đồng thời cũng để ghi công với những người đã tích cực góp sức vào sự nghiệp dựng nên Đảng.
2) Một số Đại Biểu khác lại quan niệm rằng, việc chính thức bầu ra một Tổng Bộ Lâm Thời lúc này là cần thiết và bắt buộc, theo đúng trong bản Điều lệ vừa được Đại Hội biểu quyết và thông qua; hơn nữa để có thêm uy tín và rộng quyền hành động trong tương lai. Cơ quan này phải có tính cách công cử cùng sự đại diện rộng rãi của các địa phương. Đề cập đến Chi bộ NĐTX các vị này cho rằng đây không những chỉ có vấn đề ghi công, mà còn cần để đánh dấu và lưu niệm mãi mãi một cơ quan hạ tầng căn bản đầu tiên đã phát nguyên ra đảng. Do đó Hội nghị phải suy tôn bằng một vinh dự gì xứng đáng hơn, vĩnh cửu hơn việc chỉ đề cử chức vụ “Tổng Bộ Lâm Thời” trong một thời gian hữu hạn và ngắn ngủi.
Ý kiến này được hầu hết các Đại Biểu tán thành, và sau khi thảo luận qua loa, hội nghị đồng thanh quyết định như sau:
1) Suy tôn Chi Bộ “NAM ĐỒNG THƯ XÔ là “ĐỆ NHẤT CHI BỘ”.
2) Bầu “TỔNG BỘ LÂM THỜI” theo đúng những nguyên tắc trong bản điều lệ vừa được thông qua.
Đến đây, Nguyễn Thái Học thay mặt cho Chi bộ NĐTX đứng lên nhận lãnh vinh hiệu “ĐỆ NHẤT CHI BỘ” và tỏ lời cám ơn toàn thể Đại Hội.
Vừa dứt lời, thì có tin báo động từ phía nhà đồng chí Nguyễn Thái Trác ở phố chợ Đuổi đưa vào. Phiên họp lập tức được tuyên bố tạm ngưng. Các Đại Biểu bình tĩnh theo các hướng dẫn viên rút lui qua đường nhà thương đau mắt, tản mác và mang theo tất cả những tài liệu quan trọng. Hội trường cũng được cấp tốc thu dọn, và không để lại một vết tích gì khả nghi nữa.
Đúng 2 giờ 30 phút, hội nghị tái nhóm tại căn lầu NĐTX, Nguyễn Hữu Đạt yêu cầu đừng ai ghi chép gì cả, và cũng đừng giữ trong mình giấy tờ gì có liên quan đến cuộc họp.
Hội nghị bắt đầu bằng việc bầu cử Tổng Bộ Lâm Thời. Tuy gọi là bầu, nhưng thực ra thì chẳng có một ai dám ứng cử hay tranh cử cả mà chỉ là một cuộc đề cử khiêm tốn, nhường đi nhường lại hồi lâu, rồi mới đưa đến được kết quả:
Để kết thúc phần thảo luận, Đại Hội cũng đã biểu quyết chấp thuận trên nguyên tắc một chương trình cách mạng tổng quát, phân làm hai giai đoạn: “phá hoại” (đánh địch) và “kiến thiết”.
A. GIAI ĐOẠN PHÁ HOẠI ĐƯỢC CHIA LÀM 3 THỜI KỲ:
1) Thời kỳ phôi thai: Xây dựng Đảng và thu nạp Đảng Viên (hoạt động hoàn toàn bí mật).
2) Thời kỳ dự bị: Phát triển tuyên truyền, tổ chức quần chúng: Lập các nông, công đoàn, binh đoàn, học sinh, sinh viên, thanh niên đoàn… (hoạt động bán bí mật, bán công khai).
3) Thời kỳ hành động: Dùng võ lực đánh đổ bộ máy thống trị thực dân phong kiến, lập nên chế độ Cộng Hòa Dân Chủ, nhằm mang lại độc lập, tự do cho Tổ Quốc, hạnh phúc, tiến bộ cho toàn dân.
B. GIAI ĐOẠN KIẾN THIẾT CŨNG CHIA LÀM 3 THỜI KỲ:
1) Thời kỳ quân chính: Quân cách mạng chiếm được ở đâu là lập ngay chính quyền cách mạng quân sự đến đó.
2) Thời kỳ huấn chính: Tổ chức các cơ cấu dân cử, trực tiếp hoặc gián tiếp tập cho dân sống quen với nếp sống dân chủ về các thể chế mới, v.v… Trong hai thời kỳ này áp dụng nguyên tắc “Dĩ Đảng trị quốc”.
3) Thời kỳ hiến chính: Tổ chức phổ thông đầu phiếu bầu cử Quốc Dân Đại Hội, xây dựng Hiến pháp và trao trả chính quyền lại cho toàn dân.
Đã hơn năm giờ sáng, hội nghị chuyển sang phần bế mạc bằng lễ tuyên thệ của Tổng Bộ mới. Tuy trong bản điều lệ không thấy nói đến, nhưng theo thông lệ lúc bấy giờ, thì mặc dầu đã tuyên thệ ở Chi bộ rồi, bất luận một đồng chí nào khi được đề cử lên một cấp bộ cao hơn, đều phải tuyên thệ một lần nữa trước cơ quan mới này.
Lần lượt 16 đồng chí, già từ sáu, bảy mươi tuổi đến trẻ hai, ba mươi tuổi, nghiêm trang tuyên thệ trước bàn thờ Tổ Quốc, nguyện:
“Quyết tâm làm tròn sứ mạng đã được trao phó, hăng say đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công mỹ mãn. Tuyệt đối hy sinh tất cả cho tổ quốc dân tộc và cho đảng,… Nếu sai lời xin chịu tội tử hình”.
Và sau đó là lễ chuyển giao quyền hành từ “Đệ Nhất Chi Bộ” cho “Tổng Bộ Lâm Thời” tân cử, do Đỗ Văn Sinh niên trưởng Chi bộ chủ tọa, thay cho Nguyễn Thái Học đã làm Chủ Tịch Đảng.
Lúc này trời đã rạng đông, và Đại Hội Đại Biểu Đảng lần thứ nhất tuyên bố bế mạc sau một đêm ròng thảo luận, suy tư trong một khung cảnh tuy sơ sài giản dị, nhưng mang một ý nghĩa thiêng liêng và trọng đại trước lịch sử, trước hồn thiên sông núi.
Thế là “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG” đã Đảng Sinh cùng ngày với vị Giáo Chủ Thiên Chúa Giáo, cũng như vị Giáo Chủ ấy, người lãnh tụ của VNQDĐ đã đem mạng sống để hy sinh cho lý tưởng của mình (Theo lời Nhượng Tống nói hồi năm 1947).
http://www.vietquoc.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét