6.1.13


Giới hoạt động nhân quyền quốc tế lên tiếng về vụ bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân

Ông Gerald Staberock Tổng thư ký của tổ chức OMCT


Đài Quan sát bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền, một tổ chức kết hợp giữa Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT) kêu gọi có hành động khẩn cấp can thiệp cho trường hợp của luật sư Lê Quốc Quân, nhân vật cổ súy cho nhân quyền được nhiều người biết đến bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam từ ngày 27/12 tới nay với cáo buộc tội ‘trốn thuế’.

Trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi của VOA Việt ngữ, ông Gerald Staberock, Tổng thư ký của Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT) nhấn mạnh:

Ông Staberock: "Chúng tôi hết sức quan ngại về nhiều trường hợp giam giữ tại Việt Nam trong đó có vụ việc của ông Lê Quốc Quân, một luật sư nhân quyền và là một blogger có tiếng. Ông bị bắt giam từ ngày 27/12 tới nay mà không được cho tiếp xúc với gia đình hay luật sư. Hơn nữa, cáo buộc Việt Nam đưa ra với ông về tội ‘trốn thuế’ rõ ràng là một hành động chống lại ông, một biện pháp thường được dùng tại Việt Nam đối với các nhà hoạt động nhân quyền, blogger, và những người cổ súy dân chủ. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất quan ngại trước các bản án nặng nề mới đây của các blogger Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG, về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’, một tội danh mơ hồ thường được Hà Nội dùng để đối phó với các những người tranh đấu cho nhân quyền. Việt Nam nên trả tự do cho các nhà hoạt động này. Chúng tôi cũng rất quan tâm về tình hình chung hết sức khắc nghiệt ở Việt Nam, không cho phép người dân được tự do cất lên tiếng nói bất đồng quan điểm với nhà nước."

VOA:
 Sự lên tiếng này là một thỉnh nguyện kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho những nhà hoạt động ấy hay là một lời kêu gọi mọi người có hành động trước những trường hợp vừa kể, thưa ông?

Ông Staberock:
 "Sự lên tiếng này mang cả hai ý nghĩa đó. Trước nhất, nhà cầm quyền Việt Nam phải có trách nhiệm bảo đảm tôn trọng nhân quyền của công dân. Họ phải công nhận và bảo vệ nhân quyền và chấm dứt các hành động phi pháp này. Họ không được bắt giam những tiếng nói cổ súy nhân quyền mà ngược lại phải tạo điều kiện cho những tiếng nói ấy được cất lên và được lắng nghe tại Việt Nam.  Chúng tôi hy vọng cộng đồng quốc tế tạo áp lực với Hà Nội buộc họ phải phóng thích các nhà hoạt động vừa kể. Mọi người hãy nhìn vào bức tranh toàn cảnh tại Việt Nam, nơi bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng chính kiến, không cho phép các tổ chức bảo vệ nhân quyền được hoạt động tự do, giới hạn kiểm duyệt nghiêm ngặt báo chí truyền thông và internet. Vì vậy, các blogger ở Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng và có lẽ viết blog là cách duy nhất để người ta cất tiếng nói và trình bày quan điểm bất đồng. Và thực trạng nhà cầm quyền Việt Nam liên tục truy quét những tiếng nói ấy là điều hết sức đáng quan ngại. Trách nhiệm của Hà Nội là phải tuân thủ luật nhân quyền quốc tế. Chúng tôi muốn cộng đồng thế giới hãy có hành động áp lực Hà Nội phải làm theo những cam kết của họ với quốc tế."

VOA: Trong trường hợp Hà Nội không đáp ứng lời kêu gọi ấy, Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn dự định sẽ phản hồi thế nào?

Ông Staberock:
 "Dĩ nhiên chúng tôi sẽ theo dõi rất chặt chẽ mọi diễn tiến của các trường hợp này. Vụ việc của các blogger như Lê Quốc Quân, Điếu Cày, Tạ Phong Tần, và AnhbaSG cũng rất thích hợp để đệ trình lên cơ quan nhân quyền của Liên hiệp quốc. Một điều quan trọng khác là các nước có quan tâm hay quan hệ với Việt Nam kể cả Hoa Kỳ và các nước Liên hiệp Châu Âu nên nêu các trường hợp này lên các kênh ngoại giao song phương với Việt Nam cũng như tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc ở Geneva. Đây là những trường hợp cần phải được theo dõi, không thể bỏ qua để mọi việc diễn tiến như thế này được."

VOA: Xin chân thành cảm ơn ông Gerald Staberock, Tổng thư ký của Tổ chức Thế giới Chống Tra Tấn (OMCT) thuộc Đài Quan sát bảo vệ các nhà hoạt động nhân quyền đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

http://www.voatiengviet.com/content/gioi-hoat-dong-nhan-quyen-quoc-te-len-tieng-ve-vu-bat-giu-luat-su-le-quoc-quan/1577683.html 

Không có nhận xét nào: