15.1.13

Liệu những bản án mang tính “răn đe” có hiệu quả?


Liệu những bản án mang tính “răn đe” có hiệu quả?

2013-01-10
Phiên xử vừa qua với những bản án nặng lên đến 13 năm đối với 14 thanh niên Công Giáo vào Tin Lành ở tỉnh Nghệ An đã gây ra nhiều phản ứng bất bình, lên án từ dư luận trong nước đến quốc tế.
AFP
Các thanh niên Công giáo và Tin lành tại phiên xử ở Toà án nhân dân thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An ngày 09 tháng 1 năm 2013.
Liệu những bản án mang tính “răn đe” trên có làm cho các thanh niên theo Thiên Chúa Giáo cảm thấy nao núng hay lo sợ hay không?

Chúng tôi không sợ hãi

Trong số 14 thanh niên, 3 người bị kêu án nặng nhất là Paulus Lê Sơn, Hồ Đức Hòa và Đặng Xuân Diệu, mỗi người chịu 13 năm tù giam và 5 năm quản chế. Những người còn lại, mỗi người chịu từ 3 - 8 năm tù.  Một số người cho rằng những bản án rất nặng trên của chính quyền nhằm “răn đe” những thanh niên Thiên Chúa Giáo nhiều tâm huyết, đang tham gia tích cực trong những hoạt động xã hội và tôn giáo để góp phần làm thay đổi xã hội. Tuy nhiên, một bạn trẻ Công Giáo ở Sài Gòn lại cho rằng bản án chính là đòn trừng phạt đối với sự kiên định của 14 thanh niên Thiên Chúa Giáo:

Những gì người ta làm đều là vì công lý và hòa bình. Nó vượt qua sự sự hãi đến mức mà người ta không còn sợ tù tội.
Một bạn trẻ Công Giáo
“Nhiều người nói là chính quyền đưa ra những bản án nặng nề nhưng mình nghĩ khác. Chính vì sự kiên định của các thanh niên Công Giáo và đức tin nên nó mới ra bản án như vậy, tại vì thông thường những tình tiết giảm nhẹ thường là người đó phải xin khoan hồng, phải nhận tội này kia. Nhưng riêng những thanh niên đó thì người ta luôn kiên định là người ta không có tội. Những gì người ta làm đều là vì công lý và hòa bình. Nó vượt qua sự sự hãi đến mức mà người ta không còn sợ tù tội, giống như lời nói cuối của Paul Minh Nhật là “Hy vọng công lý, hòa bình sẽ sắp đặt ở Việt Nam”. Chính vì điều đó nên chính quyền áp đặt mức án rất nặng nề đó.”
Tin tức về phiên xử 14 thanh niên Thiên Chúa Giáo được đăng tải trên rất nhiều trang mạng của các giáo xứ, cộng đồng và tổ chức Thiên Chúa Giáo. Có thể thấy phản ứng nhiều và rõ nhất của những người Công Giáo là kêu gọi cầu nguyện cho công lý và hòa bình được thực hiện. Họ cầu nguyện cho cả người bị xét xử lẫn người xét xử.
Khi được hỏi liệu những bản án nặng nề trên có tác động tiêu cực hay không đối với việc tham gia vào các hoạt động xã hội của người Thiên Chúa Giáo, nhiều bạn trẻ khẳng định rằng họ không hề sợ hãi hay lo lắng khi sống đúng với niềm tin của mình.
Một tín đồ Công Giáo trẻ khác cho biết:
“Em hoàn toàn không lo lắng và sợ hãi điều gì khi sống đức tin. Em cảm thấy điều mà mấy anh ấy làm là anh hùng bởi vì mấy anh ấy nói là chấp nhận tất cả những gì mà nhà cầm quyền làm cho họ để họ được sống đúng với đức tin mà họ đã chọn.”

Người dân mất niềm tin

130108-Vinh52-250
Công an, an ninh bên ngoài phiên tòa xử 14 thanh niên Công giáo - Tin Lành, tại tòa án thành phố Vinh sáng 08/01/2013. Photo courtesy of VRNS.
Sau khi tòa án tỉnh Nghệ An đưa ra quyết định xử phạt, rất nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế như sứ quán Hoa Kỳ, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền, tổ chức Ân Xá Quốc Tế… đều lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả tự do cho các thanh niên trên.
Tuấn, một thanh niên Công Giáo tại Sài Gòn, nói rằng quyết định kết án 14 thanh niên Thiên Chúa Giáo hoàn toàn không làm nhụt chí những thanh niên Thiên Chúa giáo khác, mà chỉ khiến cho người dân thêm mất niềm tin hơn vào nhà cầm quyền mà thôi:
“Thực ra bản án rất bất công cho các bạn, là sự sai trái hoàn toàn của chính phủ khi ra một quyết định quá nặng cho các bạn như vậy là không hợp lý. Nó cũng không hợp lòng dân. Với một người Công Giáo như em thì những việc như em theo dõi các bạn làm thì không hề sai trái. Nhà nước làm như vậy thì chỉ làm mất lòng tin của nhân dân hơn. Là một người Công Giáo thì thứ nhất là mình sống đức tin, thứ hai là phải làm chứng cho sự thật. Đối với Tuấn thì Tuấn cũng giống như các bạn đó thôi, khi mình làm chứng cho sự thật thì mình không sợ gì cả.”
Bạn trẻ Công Giáo ở trên cũng đồng ý với nhận định này.
“Qua mức án cho thấy vấn đề là một cái đức tin rất mạnh, tin vào sự dấn thân của mình và tin vào những việc mình làm là không có gì sai trái. Qua những việc này thì nhiều người nhìn vào sẽ thấy sự kiên định đó hơn là sự nhụt chí. Khi 14 người bị kết án như vậy thì có thể có hàng trăm, hàng ngàn người khác nhận thức được vấn đề. Sự bất công càng hiện rõ hơn qua bản án đó. Thông thường sau mỗi phiên xử thì người ta cảm thấy bất mãn, tiêu cực, bi quan. Nhưng mình nghĩ cái hướng tích cực là chính như vậy thì nhiều người mới nhìn vào và nó mới lộ rõ cái bản chất và sự bất công hơn.”

Khi 14 người bị kết án như vậy thì có thể có hàng trăm, hàng ngàn người khác nhận thức được vấn đề. Sự bất công càng hiện rõ hơn qua bản án đó.
Một bạn trẻ Công Giáo
Trong khi đó, một thanh niên không theo tôn giáo nào sau khi tham dự cả hai ngày diễn ra phiên tòa ở tỉnh Nghệ An cho rằng hành động của chính quyền là không có lợi. Nó sẽ tạo ra sự phản kháng không ít thì nhiều trong lòng những người theo Thiên Chúa Giáo:
“Nhà cầm quyền vừa bắt các thanh niên Công Giáo như vậy thì nó sẽ tạo ra sự phản kháng, ít nhất là bên trong mỗi người theo tôn giáo đó, vì những người của tôn giáo họ thực hành đức tin thì bị bỏ tù một cách rất oan ức thì sẽ làm cho những người trong tôn giáo đó có cảm giác hoặc có sự phản ứng nhất định đối với nhà cầm quyền hiện nay. Với cái nhìn của một người không theo Công Giáo hay không theo một tôn giáo nào như em thì em thấy các tôn giáo đều hướng con người đến những điều tốt. Mà khi các bạn thanh niên Công Giáo vào Tin Lành vừa bị kết án bằng những bản án tù rất nặng nề và bất công như vậy thì đây là một điều cần phải suy nghĩ lại. Họ chỉ thực hành lời Chúa nhưng ở một đất nước không có tự do như ở Việt Nam này với chế độ độc tài toàn trị thì những việc họ thực hiện những điều Thiên Chúa dạy mà khi những việc làm đó trái với ý muốn của nhà cầm quyền thì họ bị tù. Đó là một điều rất đáng tiếc.”
Một số bạn trẻ nói rằng người theo Thiên Chúa giáo luôn luôn sẵn sàng bảo vệ sự thật và họ sẽ bảo vệ cho tới cùng, cho dù họ có phải trả giá đắt như thế nào. Những thanh niên này cho rằng nếu chính quyền càng ra tay nặng với các tôn giáo càng chứng tỏ sự bất lực trước lối đấu tranh bất bạo động của các tín đồ.
Trước phiên xử hôm 8/1, gia đình của các thanh niên Công Giáo đã gửi ra lời kêu gọi các giáo dân cầu nguyện cho sự công bằng. Hàng trăm người đã hưởng ứng lời kêu gọi trên. Họ đã đến theo dõi phiên tòa với chiếc mũ trắng, biểu tượng cho hòa bình, mặc cho đội ngũ công an và lực lượng an ninh dày đặc ra sức ngăn cản.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: