5.1.13


Trung Quốc hùng hổ, Hoa Kỳ "phát tài"

2013-01-04
Trọng tâm của sách lược “chuyển trục chiến lược” sang châu Á của Washington là kế hoạch củng cố sức mạnh quân sự cho các đồng minh hiệp ước cũng như đối tác an ninh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, ở những điểm nóng bỏng vì những cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc và chương trình hỏa tiễn, vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.
wallpaperdesign.net photo
Chiến đấu cơ tàng hình đa năng F-35 Lightning II có thể đáp thẳng như trực thăng

"Chuyển trục chiến lược": tăng cường cho đồng minh

Phi cơ chiến đấu đa năng và hệ thống chống hỏa tiễn là hai trong số những vũ khi đắt giá nhất mà các nước láng giềng của Trung Quốc và Bắc Hàn đua nhau mua của Hoa Kỳ, giúp kỹ nghệ vũ khí Mỹ tăng trưởng nhảy vọt trong bối cảnh hai xứ Cộng Sản này ráo riết tăng cường võ trang.
Hiệp hội công nghiệp không gian Hoa Kỳ, viết tắt là AIA, nhận định rằng chiến lược chuyển trục của Hoa Kỳ đem lại thêm nhiều cơ hội bán vũ khí cho các đồng minh của Mỹ.
Nhu cầu những lô vũ khí đắt tiền sẽ còn rất cao trong ít nhất dăm bảy năm nữa. Bản dự báo cuối năm 2012 của AIA xác định như trên.  Thành viên  AIA bao gồm những đại công ty hàng đầu cung cấp vũ khí cho Ngũ Giác Đài như Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon.
drone
Phi cơ gián điệp tự hành RG-4A - armybase.us photo
Bản dự báo cho rằng mối sợ hãi trước đà tăng chi phí quốc phòng của Trung Quốc sẽ dẫn đến những thương vụ vũ khí của AIA tăng mạnh, vượt qua và bù đắp  hơn cả mức trầm lắng trong thị trường vũ khí châu Âu.
Những số liệu thương mại của năm 2013 không được đề cập trong bản dự báo, nhưng Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Ngũ Giác Đài, đáp ứng thỉnh cầu của Reuters, cho biết hợp đồng vũ khí với các quốc gia trong khu vực lãnh thổ phụ trách của Bộ Tư Lệnh quân sự Thái Bình Dương đã lên tới 13,7 tỉ đô la trong tài khóa 2012, tăng 5,4% so với năm trước. Hợp đồng bao gồm những đơn đặt hàng sẽ được giao.
Năm ngoái Ngũ Giác Đài có gửi đến quốc hội 65 thông báo, đề nghị những thương vụ vũ khí bán ra nước ngoài trị giá 66,3 tỉ đô la. Thêm nữa, Văn phòng Điều hòa Thương vụ Trực tiếp của bộ ngoại giao nhận được hơn 85 ngàn đơn xin cấp phép trong năm 2012, tạo kỷ lục mới.
Tổng quát, Hoa Kỳ ký những hợp đồng giao vũ khí trị giá 66,3 tỉ đô la  trong năm 2011, chiếm gần 78% hợp đồng trên toàn thế giới. Số tăng nhờ vào kỷ lục 33,4 tỉ vũ khí bán cho Á Rập Xê-Út, trong khi Ấn Độ đứng hạng nhì với gần 7 tỉ đô la .
Công ty Tư vấn về buôn bán vũ khí BowerGroupAsia, có 10 văn phòng ở châu Á, dự đoán ngân sách quốc phòng của Đông Nam Á sẽ gia tăng đều đặn để thành rào chắn ngăn chặn quyết tâm của Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp ở các vùng biển Đông và Hoa Đông.
Thương vụ vũ khí có thể tăng thêm sau khi hai nhà lãnh đạo bảo thủ, thân Hoa Kỳ, đắc cử tại Nhật và Nam Hàn, chứng tỏ tình đoàn kết của Hoa Kỳ với đồng minh và đối tác.

Bán vũ khí: “mũi nhọn” bảo vệ lợi ích Hoa Kỳ

Hành pháp Mỹ tuyên bố việc bán vũ khí là mũi tên cốt yếu và đỡ tốn kém trong hằng loạt phương tiện bảo vệ quyền lợi của Mỹ trên khắp thế giới.  Những thương vụ chuyển giao vũ khí tăng cường mối quan hệ ngoại giao và cũng cố mối tương tác lâu dài. Washington đánh giá cao những thương vụ này vì chúng tạo dễ dàng cho công cuộc chiến đấu sát cánh  bên nhau với đồng minh ở những chiến trường như Afghanistan, và còn giúp các đồng minh tăng cường bảo vệ anh ninh quốc phòng cho chính họ.  Như vậy Hoa Kỳ cũng được nhẹ gánh bảo vệ đồng minh vì quyền lợi của mọi bên.
Ngũ Giác Đài đang nhắm mục đích tăng cường khả năng tình báo, giám sát và thám sát tại châu Á Thái Bình Dương, với những hệ thống tự động không người lái. Những phương tiện này sẽ giúp tránh được tai nạn đụng chạm vũ trang và những sự hiểu lầm tai hại, nâng đỡ hợp tác. Tư lệnh Quân khu Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear, tuyên bố điều này tại Washington.
Các đại công ty Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman và Raytheon dự kiến nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ của họ sẽ giúp giải tỏa khó khăn vì chính sách thắt lưng buộc bụng của Ngũ Giác Đài vì  các biện pháp của chính quyền nhằm tiết giảm thâm hụt thương mại.   Bốn công ty này hưởng lợi nhiều nhất nhờ sản phẩm của họ là vệ tinh, radar, trạm theo dõi và hỏa tiễn đánh chặn, theo lời chuyên viên phân tích quốc phòng và không gian Drexel Hamilton,  một nhà trung gian buôn bán vũ khí trang cụ quốc phòng.

Hàng mới: Global Hawk

Trong hành động mở rộng thị trường vũ khí, tòa Bạch ốc hổi tháng trước chính thức đề nghị với Nam Hàn một “bộ” vũ khí của Northrop Grumman gồm các máy bay thám sát tự hành “Diều hâu toàn cầu” Global Hawk RQ-4 cùng mọi trang bị cần thiết của nó. RQ-4 là loại”drone” không người lái, còn gọi là UAV, unmanned aerial vehicle, có thể bay ở độ cao hằng trăm ki-lô-mét mà vẫn “nhìn” rõ và phân tích rõ được từng mét vuông trong diện tích 10 km vuông ở chế độ ngắm tập trung. Global Hawk mang công cụ nhìn xuyên mây của Raytheon, có khả năng nhìn lướt để truy tìm theo dõi lực lượng và hoạt động của địch trong những khu vực rộng lớn, cả ngày lẫn đêm. RQ-4 sẽ giúp Seoul gia tăng vượt trội khả năng quan sát theo dõi mọi hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng.
Nam Hàn đã tỏ ý thích thú với hệ thống Global Hawk từ trên 4 năm nay. nhưng Tòa Bạch ốc trì hoãn mãi tới nay mới bắt mối, một phần vì e ngại tạo nên động lực chạy đua vũ trang cho khu vực.
sm-3
Hòa tiễn chống hỏa tiễn SM-3-block-IB của Raytheon, được bắn thử để dùng vào hệ thống AEGIS- MDAA-photo
Trang bị Global Hawk cho Seoul sẽ đánh dấu thương vụ đầu tiên của loại quân dụng này ở châu Á Thái Bình Dương. Australia, Nhật Bản và Singapore cũng tỏ sự quan tâm đến những con “diều hâu toàn cầu” này, theo Northrop Grumman cho biết.
Thương vụ RQ-4 của Nam Hàn được loan báo chưa đầy hai tuần sau khi Bắc Hàn phóng thành công hỏa tiễn đưa vệ tinh lên quỹ đạo hôm 12 tháng 12, thách thức các nghị quyết Liên Hiệp Quốc. Bắc Hàn bị cấm thử nghiệm hỏa tiễn hay kỹ thuật hạt nhân, theo những chính sách trừng phạt được áp đặt sau khi Bình Nhưỡng thử bom hạt nhân vào 2006 và 2009.
Trong khi đó Nhật Bản trở thành đối tác quan trọng nhất của Hoa Kỳ, với nhiệm vụ phụ trách hàng rào lá chắn hỏa tiễn chống phi đạn đạn đạo tất cả các loại ở mọi giai đoạn trên quỹ đạo tấn công.

Khách cần hàng tốt: Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan

Hành pháp Mỹ nói với Quốc hội hai ngày trước khi Bình Nhưỡng phóng hỏa tiễn vệ tinh rằng Tokyo đang muốn nâng cấp hệ thống AEGIS chống hỏa tiễn, trị giá 421 triệu đô la, cho hai khu trục hạm trang bị hỏa tiễn điều khiển, để tăng cường hoạt động chống những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn.
Nhật đã đồng ý dành địa điểm cho một căn cứ radar X-Band trên mặt đất, như một màn dạo đầu cho việc trang bị hệ thống phòng vệ ở độ cao của công ty Lockheed Martin, được thiết kế để đánh chặn phi đạn của địch phóng tới ở mọi tầm, trong bầu khí quyển cũng như ngoài không gian.
Loại vũ khí thượng đẳng mà Hoa Kỳ đang giới thiệu là chiến đấu- oanh tạc cơ tàng hình F-35, của hãng Lockheed Martin. Ba kiểu phi cơ loại này đã là chương trình vũ khí tốn kém nhất cho Ngũ Giác Đài.
Nhật đã chọn F-35 làm phi cơ chủ lực cho không quân, thay thế cho F-4C Phantom đã quá cũ. Thương vụ này trị giá trên 5 tỉ đô la. Singapore và Nam Hàn cũng nhắm nhía loại chiến đấu cơ đa năng này. Hai nước này cũng đang cân nhắc giữa F-15 Silent Eagle “Diều hâu thầm lặng” của hãng Boeing với Typhoon của châu Âu. Riêng Nam Hàn sẽ đặt hàng 60 phi cơ trị giá hơn 7 tỉ đô la.
Vũ khí quân dụng Mỹ bán cho Ấn Độ nay tích tụ đến 8 tỉ đô la, từ mức gần con số 0 năm 2008. Đà cung cấp được dự trù vẫn gia tăng mạnh. Ấn Độ dự định chi khoảng 100 tỉ đô la trong 10 năm tới để nâng cấp kho vũ khí của mình, một phần nhằm đối phó với Trung Quốc.
Trong khi đó thì Đài Loan trang bị thêm cho lực lượng chiến đấu cơ 145 chiếc F-16A/B khả năng radar tối tân nhất, những phương tiện chiến đấu điện tử tiên tiến, cùng nhiều chi tiết nâng cấp khác. Lockheed Martin đã nhận hợp đồng 1, 85 tỉ đô la để khởi sự công tác.  
f-16-c
F-16C Falcon thả hỏa châu chống phi đạn tầm nhiệt ở Iraq - photo murdoconline.net
Tòa Bạch ốc cũng vẫn tìm cách giúp không lực Đài Loan tăng tiến cho cân bằng với lực lượng không quân của Bắc Kinh, trong đó có ý kiến bán các chiến đấu cơ F-16C/D tối tân hơn loại hiện dụng. Đài Loan đã nài nỉ mua loại F-16C/D này từ khá lâu.
Thiếu tướng Sampson Lee đứng đầu Ủy ban quân sự của Văn phòng văn hóa kinh tế Đài Loan tại Washington, cho biết Đài Loan sẽ tìm cách tiếp tục mua sắm những hệ thống vũ khí quốc phòng để đối phó với “những mối đe dọa dai dẳng”.  Trung Quốc vẫn coi đảo quốc Đài Loan là một tỉnh ly khai có trách nhiệm phải tái hội nhập với chính quốc, và Bắc Kinh nói sẽ sử dụng võ lực nếu cần thiết.
Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Quân khu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ , cho biết trọng tâm nhiệm vụ “tái cân bằng” của ông cho Thái Bình Dương sẽ là hiện đại hóa và tăng cường các quốc gia đồng minh có hiệp ước an ninh chung với Mỹ như Australia, Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Thái Lan, một công tác mà ông cho biết đã khởi sự trong tinh thần sốt sắng và nghiêm chỉnh.

Không có nhận xét nào: