5.1.13


Xuất khẩu gạo với dự báo xám

2013-01-04
Sau một năm xuất khẩu gạo kỷ lục, ngành nông nghiệp và nông dân đối diện những dự báo không phấn khởi về khả năng mất thị phần giảm lượng xuất khẩu trong năm 2013.
AFP photo
Một sạp bán gạo tại TPHCM.

Năng suất tăng nhưng giá giảm

Năm 2012 đã qua đi, dư âm của thành tích xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trị giá 3,7 tỷ USD dường như có pha chút vị đắng. Thu nhập của người trồng lúa kém hơn năm ngoái, dù năng suất cao hơn nhưng giá tiêu thụ và xuất khẩu đều kém hơn.
Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long chẳng màng thành tích và danh hiệu, họ đã vào vụ đông xuân vụ lúa lớn nhất trong năm với nhiều trăn trở. Khi chuyện “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống” đã quá quen thuộc, thì đầu năm 2013 người nông dân Cần Thơ làm chúng tôi ngạc nhiên về sự nắm bắt thông tin.
“2012 giá lúa thay đổi nhưng cũng còn sống được nhưng dự báo 2013 mới đáng sợ. Họ nói năm 2012 Thái Lan mua lúa của dân trữ 2013 phải xuất ra, mình còn đụng với Ấn Độ nữa cho nên 2013 này giá lúa rất thảm thiết, ông chính phủ không hỗ trợ cho nông dân không biết làm sao đây.”
Trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi, một giới chức ngành nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long không muốn nêu tên, cũng tỏ ra băn khoăn không kém về những biện pháp có thể được áp dụng trước những dự báo không lạc quan về đầu ra tiêu thụ và xuất khẩu gạo.
“Được biết hiện nay một số thị trường việc tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp gặp khó. Theo chỉ đạo của Bộ, các tỉnh nâng tỷ lệ lúa chất lượng cao để làm sao tìm thị trường tiêu thụ dễ hơn, bởi vì hiện nay lúa phẩm cấp thấp cạnh tranh về giá đối với một số nước phải nói là giá của họ bán thấp hơn của Việt Nam. Chính vì vậy chủ trương là phải đẩy mạnh lúa chất lượng cao trên cơ cấu lên 70%-80% tổng diện tích.”
Năm 2012 Thái Lan mua lúa của dân trữ 2013 phải xuất ra, mình còn đụng với Ấn Độ nữa cho nên 2013 này giá lúa rất thảm thiết, ông chính phủ không hỗ trợ cho nông dân không biết làm sao đây. 
Một nông dân Cần Thơ
Theo lời giới chức đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp có đề xuất chính phủ nâng kế hoạch tạm trữ lúa gạo, ít nhất cũng phải đạt 2,5 triệu tấn cho hai vụ lúa chính là đông xuân và hè thu. Ngay trong vụ đông xuân ở đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch những tháng đầu năm, kế hoạch tạm trữ nhắm tới việc nông dân phải được hưởng lợi, không như những năm trước, doanh nghiệp do Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA chỉ định tạm trữ được nhà nước cấp bù lãi suất vay vốn, nhưng không mua lúa của nông dân mà chỉ mua gạo qua thương lái trung gian.
Giới chức ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Đang tổ chức làm sao để những hộ nông dân sản xuất lượng lúa lớn được hưởng lãi suất hỗ trợ trong ba tháng. Trước mắt giải quyết vấn đề giảm áp lực cho doanh nghiệp trong mùa thu hoạch rộ. Còn việc tiêu thụ về phía chính phủ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giao cho hai Tổng Công ty Lương thực miền nam và miền bắc tìm đầu ra thị trường tiêu thụ cho dân, còn việc tạm trữ là một giải pháp để người dân có thể chậm bán lúa cũng như giảm áp lực thu mua. Nếu một mình doanh nghiệp, lượng kho bãi, nguồn vốn năng lực của doanh nghiệp có giới hạn. Do đó làm thí điểm ở 5 tỉnh để rút kinh nghiệm qua đó tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho nông dân.”
Đã có nhiều tranh cãi xung quanh ý kiến về việc những nông dân có sản lượng lúa lớn có thể được vay vốn với lãi suất 0% thời hạn 3 tháng, vốn vay tương đương lượng lúa gạo tạm trữ. Tập quán của nông dân đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, là bán lúa tươi ngay tại ruộng cho thương lái sau khi thu hoạch. Thương lái mua lúa tươi sẽ chở tới lò sấy, sau đó chở đến nhà máy xay ra gạo lức tức gạo nguyên liệu và bán lại cho doanh nghiệp cung ứng, hạt gạo sẽ qua khâu lau bóng trước khi đến tay nhà xuất khẩu.
Một nông dân sản xuất trên 10 héc-ta lúa ở khu tứ giác Long Xuyên, tức có đủ sản lượng để được vay vốn lãi suất 0% tạm trữ lúa nếu muốn. Tuy vậy nông dân này tính toán lợi hại theo cách nhìn của mình.
"Muốn trữ lúa thì phải đầu tư lò sấy chi phí rất cao, sau khi thu hoạch xong phải chở lúa về nhà. Nếu mà tôi trữ sau thời gian ba tháng mà giá lúa vẫn bấp bênh thì trữ để làm gì.”

Dự báo không lạc quan

000_Hkg1207178-250.jpg
Gạo Việt Nam tại một kho gạo ở Philippines. AFP photo
Việc ưu đãi lãi suất 0% cho trang trại, doanh nghiệp sản xuất lúa hay có hợp đồng trực tiếp với nông dân có nhiều ích lợi và có khả năng thực hiện. Những đơn vị này có hệ thống kho và nhà máy xay xát, khi giá thành sản xuất hạ hơn nông dân cũng được hưởng lợi. Tuy vậy tổng diện tích liên quan đến những nông dân sản xuất lớn, trang trại, hợp tác xã hay doanh nghiệp thực hiện cánh đồng mẫu lớn bao tiêu sản phẩm cho nông dân còn quá ít, chưa vượt quá vài chục ngàn héc-ta, trong khi tổng diện tích một vụ lúa chính ở đồng bằng sông Cửu Long là trên 1.600.000 héc-ta.
Cho tới ngày 4/1/2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chưa công bố thông tin về lượng gạo có khả năng xuất khẩu trong ba tháng đầu năm 2013, ngoại trừ việc sẽ giao 20.000 tấn gạo cho Haiti trong quí 1, đây là một phần của hợp đồng 300.000 ngàn tấn đã ký với phía Haiti. Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể có nhiều thay đổi theo chiều hướng không lạc quan. Philippines, bạn hàng lớn nhất của Việt Nam trong quá khứ, loan báo giảm nhập khẩu hoặc giao cho tư nhân mua để được giá rẻ hơn các hợp đồng cấp chính phủ. Indonesia cũng vậy năm ngoái tổng nhập khẩu 1,7 triệu tấn gạo nhưng năm nay sẽ giảm tối đa và Malaysia cũng loan báo mức tồn kho khá cao, chưa cần nhập khẩu trong quí 1 hiện nay.
Lần đầu tiên sau hai thập niên, Trung Quốc trở thành nước mua nhiều gạo của Việt Nam với khối lượng trọn năm 2012 hơn 1,5 triệu tấn. Tuy nhiên mới đây Trung Quốc đã ký hợp đồng với Thái Lan để mua gạo ngon hơn và với giá phải chăng hơn, khi Bangkok phải xả lượng tồn kho chục triệu tấn chưa bán được, vì giá quá cao phát xuất từ chính sách trợ giá lúa cho nông dân.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam 2013 đang đối diện một loạt yếu tố tiêu cực, phải cạnh tranh với gạo ngon của Thái Lan, gạo giá rẻ của Ấn Độ, Pakistan và cả những nước mới tham gia xuất khẩu gạo như Campuchia và Miến Điện.

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: