19.2.11

Cúp điện ảnh hưởng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?


Cúp điện ảnh hưởng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?

2011-02-18
Cúp điện thường xuyên tại Việt Nam cộng với việc tăng giá điện vào đầu tháng 3 này có thể gây trở ngại cho doanh nghiệp nước ngoài và thúc đẩy họ chuyển vốn liếng và cơ sở qua các nước khác làm ăn.
AFP PHOTO
Công nhân đang sửa chữa điện tại TPHCM.

Mời quý vị theo dõi thêm chi tiết qua phần tổng hợp của Đỗ Hiếu sau đây, căn cứ vào tin của các hãng thông tấn trong và ngoài nước.


Không thể để giá điện thấp?

Cúp điện là điều thường xảy ra làm ảnh hưởng đến cuộc sống của 91 triệu người dân Việt Nam và cũng là mối quan ngại của các nhà đầu tư và doanh gia nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Giải thích về những khó khăn mà doanh giới nước ngoài phải đương đầu trong kế hoạch sản xuất của họ, trong tình trạng cung cầu về điện, kèm với thời giá điện tại Việt Nam hiện giờ,  Tiến sĩ Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia thống kê Liên Hiệp Quốc, hiện sinh sống ở New York cho biết:
Nếu mà giá điện để quá thấp , đương nhiên nhu cầu sử dụng rất cao, dù có đầu tư bao nhiêu cũng không đáp ứng được nhu cầu.
TS Vũ Quang Việt
“Nếu mà giá điện để quá thấp , đương nhiên nhu cầu sử dụng rất cao, dù có đầu tư bao nhiêu cũng không đáp ứng được nhu cầu. Giá điện ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước ở xung quanh, nên một trong những lý do mà các nước vào đầu tư ở Việt Nam, chủ yếu là đầu tư sắt thép, trong khi Việt Nam đâu có sắt thép, do đó họ đưa thép phôi vào làm, rồi họ bán lại cho chính Việt Nam và các nước khác. Khi họ đầu tư sắt thép thì tốn rất nhiều điện, và còn làm ô nhiễm môi trường nữa, miễn là có lời thì họ làm, lý do khiến điện ngày càng thiếu là vì vấn đề đó, có nghĩa là giá điện rất thấp, nhà nước không thể nào để giá điện thấp được.”
Trả lời câu hỏi dựa vào kết luận của ông cho rằng giá điện hiện nay rất thấp, vậy một khi tăng giá theo đề nghị của hai Bộ Tài Chánh và Công Thương vào đầu tháng 3 tới, điện có thể tăng tới 18%, hậu quả trước mắt là người dân phải gánh chịu thêm khó khăn, khi năm mới âm lịch bắt đầu, ông Việt đáp:
“Có thể tách ra hai phần, phần dân chúng trả giá điện thấp và phần kinh tế dùng làm ăn, là hai chuyện khác nhau. Đối với những người nghèo, nhà nước có thể bù lỗ một phần giá điện, để không gây thêm khó khăn cho dân nghèo. Còn đối với các doanh nghiệp, nếu cứ để giá điện thấp như vậy thì sẽ không giải quyết được vấn đề.”
Về phương cách giải quyết việc cung cấp điện dồi dào, tránh chuyện cúp điện thường xuyên, hầu thu hút được đầu tư nước ngoài là chủ trương nhà nước cần theo đuổi để tăng trưởng kinh tế,  Tiến sĩ Vũ Quang Việt nhấn mạnh:
000_Hkg575334-200.jpg
Công nhân ngành điện đang kiểm tra đồng hồ điện tại Hà Nội. AFP PHOTO.
“Cung cấp điện phải tăng lên để khỏi cúp, và muốn để cho nước ngoài đầu tư vào trong ngành điện thì giá điện phải cao, với giá điện ở Việt Nam như hiện nay, nếu đầu tư họ sẽ lỗ. Như tôi nói, vấn đề là phải tăng giá điện, mọi doanh nghiệp phải trả giá điện cao hơn, cái cung sẽ cao hơn và giúp giải quyết được vấn đề “cúp điện”. Trong khi đó với các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thì họ sẽ đòi hỏi chính quyền cho họ quyền ưu tiên về dùng điện, nên họ sẽ không bị ảnh hưởng. Đa số dân chúng cũng như những người làm ăn nhỏ mới bị ảnh hưởng thôi. Hệ thống dùng điện với giá thấp như hiện giờ sẽ làm cho một số người được quyền ưu tiên và được lợi ích rất lớn và một số người khác lại chịu thiệt thòi.”

Ảnh hưởng sản xuất

Cùng góp ý về nhu cầu sử dụng điện cũng như bàn  về giá cả của nguồn năng lượng chủ yếu này đối với sản xuất kinh tế và đầu tư, bà Mỹ Linh, tư vấn tài chánh cho các ngân hàng Châu Âu tại Sài Gòn phát biểu:
“Ai cũng thấy, bản thân mình sinh hoạt trong gia đình mà thiếu điện, cuộc sống cũng bị ảnh hưởng rồi, huống chi là sản xuất. Có những thời kỳ cúp điện nhiều thì nhà máy đóng cửa, gây trở ngại rất nhiều cho sản xuất. Ở Việt Nam mức sử dụng điện quá cao so với nguồn đầu tư vào, cũng theo báo chí  thì mùa khô năm nay sẽ có cúp điện nhiều hơn. Chắc chắn, việc cúp điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đối với doanh giới trong nước cũng như các công ty có vốn từ nước ngoài, điều này khiến các chủ đầu tư phải suy nghĩ. Báo chí cho hay, tháng 3 này, chính phủ sẽ tăng giá điện, các báo nói giá điện ở Việt Nam rẻ nhất Đông Nam Á, nâng giá điện lên để cho các nhà đầu tư về năng lượng thấy là đầu tư vào có lãi thì mới chuyển vốn vào kinh doanh ở Việt Nam. Làm như vậy mới phát triển được nguồn cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất đang tăng hàng ngày. Tuy nhiên, tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến giá thành của tất cả các mặt hàng, vì điện là năng lượng rất cần thiết cho sản xuất, ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát, cho nên dù đây là chuyện khó xử nhưng theo báo chí thì vẫn phải làm để giúp giải quyết tình trạng thiếu điện ở Việt Nam.”
Chắc chắn, việc cúp điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, đối với doanh giới trong nước cũng như các công ty có vốn từ nước ngoài, điều này khiến các chủ đầu tư phải suy nghĩ.
Bà Mỹ Linh
Từ vị trí của một người tiêu dùng bà cho rằng, quyết định tăng giá điện 18% là một tỷ lệ quá cao đối với đa số người lao động có thu nhập kém:
“Tăng như vậy là nhiều chứ không ít đâu, thí dụ gia đình xài một tháng một triệu tiền điện, thì rồi đây sẽ phải thêm 200 trăm ngàn nữa, lương bổng đâu có tăng được như vậy. Khi tăng giá điện sẽ kéo theo giá cả khác tăng theo,  cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng khá lớn, nhất là đối với những ngươi làm công ăn lương, như thành phần công chức hay công nhân.”
Liên quan đến việc giá điện sắp tăng vào đầu tháng 3 tới, ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết giá điện của Việt Nam thấp nhất khu vực Đông Nam Á. VN Express nhắc lại sự so sánh ông Thắng nêu lên là một kwh điện hiện chưa tới 1.100 đồng, còn một cốc nước chè giá là 2.000 đồng.
Dư luận thì nói rằng nếu điện cứ tăng hoài thì người dân sẽ phải tiết kiệm sử dụng điện, sẽ thắt lưng buộc bụng thêm và cũng sẽ không uống chè nữa.

Không có nhận xét nào: