Lật tẩy CSVN lạm danh UNESCO Để lừa gạt có hệ thống 86 triệu Dân VN & Quốc tế suốt 20 năm qua
Nghiêm Văn Thạch – 2005
Đầu năm 1987, Ông Trần Văn Ngô (Từ Nguyên) là chuyên viên theo dõi thời cuộc trong tập thể tranh đấu tại Pháp, đã triệu tập một buổi họp các nhân sĩ cùng đại diện đoàn thể ở khu vực Paris-Ile de France để báo động : đảng CSVN vận dụng UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa của Liên Hiệp Quốc) để vinh danh HCM, hy vọng lấy lại hào quang ngụy tạo “anh hùng giải phóng dân tộc” cho xác ướp mà họ đã dựng thành biểu tượng của Chủ nghĩa Xã hội.
Theo tin tức nhận được, CSVN căn cứ vào tập tục UNESCO nhắc nhở ngày sinh nhật thứ 100 của các vĩ nhân trong lãnh vực cơ quan Liên Hiệp Quốc hành động, xếp đặt ghi tên HCM vào danh sách sinh nhật bách niên năm 1990, rồi dự tính vận động tiếp để đến năm ấy sẽ có khoản tài trợ của UNESCO dùng tổ chức rầm rộ kỷ niệm ở trụ sở Paris, đài thọ những buổi lễ cùng thời điểm ở VN và tại một số thủ đô, thành phố lớn khắp thế giới, tổ chức triển lãm và ấn hành sách báo đặc biệt về sự nghiệp lừng lẫy của HCM, “nhà cách mạng và nhà văn hóa trác tuyệt”!!!
Hội nghị đã thảo luận, phân tách hoàn cảnh cùng thời cơ thuận lợi cho CSVN :
- Dư âm cuộc chiến thắng 30.4.1975 khiến HCM còn lưu giữ cảm tình trong tả phái Âu Mỹ Úc chưa đủ can đảm thừa nhận sai lầm quá khứ và trong quần chúng Á châu, Phi châu thiếu thông tin nghị luận chính xác.
- Phái đoàn đại diện CSVN, theo nguyên tắc luân phiên trong Tiểu ban Văn hóa UNESCO, đến lượt tham gia Ban Chấp hành Tiểu ban, đề nghị của họ chắc chắn được sự chấp nhận của đa số thành viên là những nước Á Phi khi trước từng biểu lộ cảm tình thiên lệch trong cuộc chiến VN-2.
- Khi Tiểu ban đã tán thành, Đại Hội Đồng thường thông qua đề nghị do Tiểu ban chuyển lên, không có thảo luận gì cả.
- Một yếu tố thuận lợi quan trọng khác cho CSVN là hậu thuẫn của ông M’Bow, Tổng Thư Ký kiêm Giám đốc Văn phòng trung ương UNESCO. Ông trấn nhậm hai nhiệm kỳ liền trụ sở Paris nhờ sự ủng hộ của Nga Xô cùng chư hầu CS, và các nước Á Phi chống đối Hoa Kỳ.
Theo vết thân phụ là lãnh tụ độc tài tham nhũng ở một quốc gia chậm tiến Phi châu, ông đã trắng trợn khai thác thủ lợi guồng máy quản trị cơ quan quốc tế. Thành tích nổi bật của ông M’Bow là cài đặt rất nhiều thành viên bộ tộc (tribu) của ông – đương nhiên với lương cao bổng hậu không cần chiếu theo bằng cấp hay khả năng, thậm chí không phải làm việc, không cần có mặt ở sở – vào số viên chức thực thụ (nếu sa thải phải bồi thường rất nặng) của Văn phòng. Nhân số ăn bám cộng với chi tiêu bừa bãi – có hà lạm, nhưng về sau không ai muốn bới móc thêm ra – khiến cho ngân quỹ UNESCO liên tục thâm thủng trầm trọng. Vì thế, tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ phủ quyết (veto) đề nghị gia tăng ngân sách dành cho UNESCO, sau đó tạm đình chỉ sự đóng góp cho riêng cơ quan này. Anh quốc với vài nước Âu Mỹ hưởng ứng sự tẩy chay góp tiền cho cá mập. Chỉ riêng niên liễm của Hoa Kỳ đã là ngân khoản cao nhất trong thu nhập của UNESCO mỗi tài khóa. Ông M’Bow lúc đó chuẩn bị tái ứng cử nhiệm kỳ thứ ba, tất sẽ ra sức tán trợ đề nghị vinh danh HCM để tranh thủ lá phiếu của khối CS và các nước Đệ Tam, luôn thể, để trả đũa sự phản kháng cùng hành động thắt chặt túi tiền của Hoa Kỳ.
Hội nghị cũng lượng định một cách thực tiễn trở ngại lớn lao phải đương đầu vì thiếu phương tiện tài chính và nhân sự, vì thái độ thờ ơ bất động dễ phỏng đoán của nhiều thành viên Liên Hiệp Quốc không Cộng sản gồm cựu thân hữu của VN Cộng Hòa như Nhật Bản, Đại Hàn, Phi Luật Tân, của giới truyền thông và dư luận kể cả Hoa Kỳ, vì địa vị cô đơn và thiểu số của tập thể tị nạn VN khó gây nên sức mạnh chuyển đổi cần thiết. Tuy nhiên, hội nghị vẫn quyết tâm đương đầu và nhất trí nỗ lực tìm phương cách giải trừ kế hoạch CSVN lợi dụng UNESCO để tuyên dương HCM và chế độ tàn bạo phi nhân ông tạo lập. Một ủy ban hành động được tức thời thành lập, với ông Nguyễn Văn Trần là Tổng thư ký, Phụ tá là một số tuyển chọn trong các nhân sĩ, đại diện đoàn thể hiện diện.
Tại một buổi họp thường kỳ sau đó ở trụ sở Hội Thanh niên Tị nạn cho sử dụng, ủy ban chọn danh hiệu là Ủy ban Tố cáo Tội ác HCM. Chủ đích ủy ban tự vạch là tiến tới một luận định quốc tế vô tư, đúng đắn, về các hành động củaHCM và CSVN vi phạm nhân phẩm nhân quyền, hủy diệt văn hóa, mâu thuẫn với mục tiêu của Liên Hiệp Quốc và UNESCO. Ủy ban cũng có ý mong công luận thế giới nhân dịp, duyệt lại những biến cố lịch sử đã bị xuyên tạc, bóp méo, bởi thành kiến với nhãn quan một chiều của phe phản chiến, đặc biệt là Tòa án Chiến tranh VN do Bertrand Russell đề xướng. Công tác khẩn yếu là thâu thập những dữ kiện đích xác về tội ác của HCM và đảng CSVN, yêu cầu chứng nhân và nạn nhân tiếp tay với Ủy ban lập thành hồ sơ sẽ trình bày trong một cuốn “hắc thư” (livre noir) coi như bản cáo trạng trước thế giới. Cùng lúc, chiến dịch gửi thư phản kháng tới UNESCO được phát động.
Hầu hết các cơ quan truyền thông Việt ngữ – báo chí, chương trình phát thanh, bản tin nội bộ – ở các nước định cư đã sốt sắng phổ biến tin tức và tài liệu do Ủy ban cung cấp; lại tự động đăng tải nhiều bài viết, nhiều thư tố cáo huyền thoại HCM do ký giả, nhân sĩ, nhà văn hóa giáo dục, đại diện đoàn thể, gửi đến. Vị Giám đốc Đông Nam Á Vụ của UNESCO sau này cho Ủy ban hay đã tiếp nhận tổng cộng hơn ba-mươi ngàn thư phản kháng. Cộng đồng người Việt ở Pháp và một vài nước lân cận đã hăng hái tham dự cuộc biểu tình chống đối do Ủy ban đề xướng nhân Ngày Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc 1987 ở công trường Nhân quyền, đối diện tháp Eiffel.
Tại cơ quan tranh đấu trực diện là UNESCO, Ủy ban trù liệu tiếp xúc rộng rãi với các thành viên quốc gia không cộng sản, các thành viên là tổ chức ngoài chính quyền (Organisation Non Gouvernementale – ONG), các nhân vật chủ chốt ở cơ quan Liên Hiệp Quốc, kể cả Tổng Thư Ký M’Bow đương nhiệm. Luận cứ đầu tiên Ủy ban trình bày là CSVN muốn UNESCO lấy ngày 19.5.1990 làm sinh nhật bách niên của HCM. Nhưng theo sự kê khai của đương sự hồi sinh tiền và theo các tài liệu chính thức của đảng, HCM có tới 5 ngày tháng năm sinh khác nhau. Thời điểm lễ kỷ niệm quốc tế ấn định một cách hồ đồ sẽ khiến cho uy tín của UNESCO và Liên Hiệp Quốc bị thương tổn. Bằng chứng gần cận về lề thói thay đổi dữ kiện lịch sử bởi CSVN là họ đã loan báo HCM tạ thế ngày 03.9.1969, trong khi ông mất từ ngày hôm trước, 02.9.1969.
Và để tạo áp lực phía chính phủ Pháp – có ảnh hưởng đáng kể vì Paris là nơi đặt trụ sở UNESCO – Ủy ban tranh thủ được sự ủng hộ triệt để của Hội Người Pháp Đông Dương (ANAI – Association des Françaises d’Indochine) gồm các gia đình Pháp kiều, cựu quân nhân khi trước cư trú hay phục vụ tại ba nước Việt-Miên Lào. Hai bên đồng ý phối hợp chương trình và phương thức vận động.
Hội ANAI sẽ nhường cho cộng đồng VN ra mặt trước công luận, đi hàng đầu khi biểu tình, hội họp, để Hội khỏi vướng mắc lời đối phương cáo buộc có hành động trả thù sự thất trận năm 1954.
Do sự thúc đảy của Hội ANAI và lời thỉnh cầu của Ủy ban, một số dân biểu, nghị sĩ đối lập lên tiếng chất vấn trên diễn đàn quốc hội, yêu cầu chính quyền – do tả phái lãnh đạo sau khi ô. Mitterand đắc cử tổng thống năm 1981 – bác bỏ sự vinh danh HCM. Thêm lời rỉ tai ở hậu trường: nếu chính phủ Pháp có thái độ tán thành, Hội ANAI, các chính đảng phái hữu, và Ủy ban hành động của người Việt, sẽ huy động cựu chiến binh gồm thương binh và gia đình tử sĩ trận chiến VN-1, cùng với thuyền nhân, người tị nạn CS mọi quốc tịch, các đoàn thể như Hội Y sĩ Thế giới, Hội Nhân quyền, v. v… xuống đường liên tiếp khắp nơi. Kết quả là chính phủ Pháp hứa đứng ngoài không bỏ phiếu nếu Đại hội đồng UNESCO thảo luận Nghị quyết đề cao HCM.
Tuy nhiên, như đã dự đoán, Tiểu ban Văn hóa với đa số thuận, đã có một Nghị quyết ghi vào nghị trình Đại hội đồng UNESCO năm 1987 danh sách sẽ được tuyên dương năm 1990 gồm 7 nhân vật: Phya Anuman Rajadhon (Thái Lan), Thomas Munzer (Đông Đức), Anton Semionovitch Makarenko (Liên Xô), HCM (Việt Nam), Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), và Sinan (Thổ Nhĩ Kỳ). Lời tuyên dương HCM dùng trọn bản văn do phái đoàn CSVN soạn (President HCM, Vietnamese hero of national liberation and great man of culture : Chủ tịch HCM, anh hùng giải phóng dân tộc VN và nhà văn hóa lớn),cũng như lời tuyên dương các nhân vật khác do phái đoàn quốc gia liên hệ đề nghị – được Đại hội đồng thông qua không thảo luận.
Ủy ban đành chuyển qua vận động giảm thiểu tầm vóc tổ chức kỷ niệm. Hai biến cố thời sự đem lại thời cơ thuận lợi cho hành động của Ủy ban và các đồng minh :
- Ông M’Bow thất cử, Ông Frederico Meillor nhân sĩ Tây-Ban-Nha (Espagne), thay thế làm Tổng Thư Ký UNESCO.
- Rồi những chính thể Cộng sản ở Đông Âu kế tiếp sụp đổ;
- Chấn động vang dội nhất là sự phá hủy “bức tường ô nhục” ở Berlin, Đức quốc và
- Sự thống nhất Đức quốc sớm hơn các lời tiên đoán.
- Sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu dân chủ có hiệu lực xóa bỏ luôn những công trình bưng bít, thổi phồng, hóa trang, của guồng máy tuyên truyền cộng sản.
Bộ mặt thực của mô hình chế độ cộng sản, của các lãnh tụ tối cao Staline, Mao Trạch Đông, HCM, Ceaucescu, Kim Nhật Thành, v. v… dần dần bộc lộ, làm tiêu tan những hình ảnh thần tượng tuyệt đỉnh hoàn mỹ dựng lên từ mấy chục năm.
Ủy ban được vị tân Tổng Thư Ký Frederico Meillor trả lời là không thể hủy bỏ Nghị quyết 1987 ghi nhận đề nghị của VN về việc kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông HCM năm 1990 (vì cần phải có một Nghị quyết khác của Đại hội đồng), nhưng UNESCO sẽ không tổ chức kỷ niệm và không can dự bất cứ hành động nào để vinh danh HCM tại trụ sở Paris.
Thực tế là ngân sách UNESCO do ông soạn thảo sẽ không dự trù ngân khoản cho công việc đó. Việt Nam cùng nước nào muốn cử hành lễ sinh nhật bách niên của HCM là tùy ý riêng, không liên quan gì tới UNESCO cả. Do đó, Ủy ban nhận định rằng công tác mà cộng đồng ủy nhiệm đạt kết quả tương đối thỏa mãn.
- Ủy ban quyết định chấm dứt chiến dịch thư phản kháng;
- Đình chỉ việc lập hồ sơ, ấn hành hắc thư tố cáo tội ác HCM và CSVN;
- Không trù liệu tập họp, biểu tình phản đối kỷ niệm sinh nhật HCM bởi UNESCO vì sự việc ấy sẽ không xảy ra.
- Nhưng Ủy ban tiếp tục theo dõi nội vụ để phản ứng khi cần thiết.
Quả nhiên trước ngày 19.5.1990, Ủy ban được tin rằng CSVN loan báo mập mờ kỷ niệm trọng thể sinh nhật bách niên của HCM tại phòng khánh tiết UNESCO.
Một số văn công nghệ sĩ từ quốc nội sang, gồm đoàn múa rối nước, sẽ trình diễn trong buổi lễ, phụ thêm triển lãm và tiếp tân. Tổng thư ký Nguyễn Văn Trần lập tức tới gặp ông Giám đốc Đông Nam Á Vụ UNESCO để chất vấn, mang theo thiệp mời của sứ quán in hình HCM với bối cảnh là trụ sở UNESCO.
Nhà chức trách đó cho hay UNESCO tiếp đơn giữ chỗ trước, đã theo qui lệ cho sứ quán mướn 2 căn phòng thường dành cho mọi sinh hoạt của thành viên mà thôi. Ông không hay biết chương trình tổ chức, và nếu có thiệp mời, chắc chắn ông Tổng Thư Ký cùng các cộng sự viên sẽ không tham dự.
Ông ghi nhận lời phản đối hợp lý của Ủy ban, bảo đảm Văn phòng sẽ đòi sứ quán hủy bỏ thiệp mời có thể gây ngộ nhận. Hội ANAI tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Pháp, cũng được xác nhận không có đại diện chính quyền, nhân viên chính phủ, đại diện quốc hội, đại diện Đô thành Paris, tham dự lễ kỷ niệm hay tiếp tân, triển lãm, sứ quán CSVN dự liệu.
Sau đó, sứ quán CSVN đã phải thu hồi thiệp mời in hình HCM gửi cho ngoại giao đoàn, thành viên UNESCO, các nhân vật chính quyền và dân sự Pháp …Ê mặt … Thiệp chỉ sử dụng với tính cách nội bộ để mời Việt kiều.
Một đặc phái viên của Ủy ban tới trụ sở UNESCO ngày 19.5.1990 để kiểm tra, báo cáo rằng chung cuộc, sứ quán CSVN chỉ mướn một phòng sinh hoạt nhỏ thay vì hai (gồm thêm một phòng lớn có sân khấu). Nhân số hiện diện khoảng chừng 60, 70 tân khách; hầu hết là hội viên Việt kiều “Yêu nước”. Lác đác vài khuôn mặt ngoại quốc, phỏng đoán là đảng viên cộng sản Pháp, thành viên các phái đoàn thân hữu với chế độ như Cuba, Trung quốc, Bắc Hàn, Miên, Lào.
Một cuộc biểu tình phản kháng vào đúng giờ khắc buổi kỷ niệm của sứ quán CSVN qui tụ hơn một trăm người đã diễn ra ở công trường Fontenoy gần trụ sở UNESCO. Hành động do Ủy ban Quốc tế Trần Văn Bá, không phải là thành viên Ủy ban Tố cáo Tội ác HCM (vì chưa ra đời năm 1987), đề xướng. Hai đại diện đoàn biểu tình là ông Trần Văn Tòng và ký giả Olivier Tod đến trụ sở UNESCO đưa lời phản kháng đã được ông Giám đốc Đông Nam Á Vụ tiếp kiến.
Khi nghe xong lời trình bày về lập trường và thái độ của cơ quan Liên Hiệp Quốc, sự can thiệp của Ủy ban Tố cáo Tội ác HCM và các biện pháp đã thỏa hiệp, hai vị đại diện đồng ý là UNESCO vô can; đoàn biểu tình sẽ chỉ tập trung hành động để đả đảo sự vinh danh HCM, người có tội trước lịch sử nhân loại đã tàn hại đất nước và dân tộc Việt Nam và hai nước láng giềng Mên Lào.
Ủy ban Tố cáo Tội ác HCM chính thức giải tán cuối tháng 5-1990.
Đáng tiếc là Ủy ban không chủ trương quảng bá thành quả công tác vì cho rằng đó chỉ là bổn phận, nên còn có thể có dư luận thiếu chính xác ngay tại Pháp về thủ đoạn của đảng CS mập mờ sử dụng danh nghĩa UNESCO đánh bóng hình tượng HCM.
Nghiêm Văn Thạch www.hon-viet.co.uk – 2005
2. UNESCO & HCM
Bùi Tín – Paris – 15 Aug 2005
(Trích từ cuốn sách “San sẻ tình yêu thương”, viết riêng cho tuổi trẻ trong và ngoài nước của nhà báo Bùi Tín, sẽ ra mắt bạn đọc tháng 9 này).
- Thế còn việc UNESCO suy tôn HCM là “Danh nhân Văn hóa Thế giới” thì thế nào ? Người bảo có, người bảo không, sự thật là thế nào ?
Tôi đã dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch HCM tại Hội trường Ba đình Hà Nội vào ngày 19-5-1990, có một số bạn bè quốc tế dự đến từ Liên Xô, Trung Quốc, Cu-ba, Bắc Triều Tiên, Lào, Cam-bốt, Pháp, Anh, Angiêri… Tôi gặp ông A. Patti (người Mỹ, trong tổ chức tình báo OSS từng có mặt ở Việt Bắc và Hà Nội hồi Cách mạng Tháng Tám 1945) tại đây; có ông R.Chandra, người Ấn Độ, nguyên trước kia là chủ tịch Hội đồng Hoà bình Thế giới dự.
Không có đại diện nào của UNESCO. Và cũng không ở đâu UNESCO đứng ra tổ chức lễ kỷ niệm cả. Tôi đã đến hỏi tại trụ sở chính của UNESCO ở Paris. Đầu đuôi là thế này.
UNESCO có nếp làm việc : nhân kỷ niệm ngày sinh những nhân vật nổi bật của các nước thành viên vào những năm chẵn thứ một trăm (năm sinh lần thứ 1, 2, 3 , 4 hay 5 trăm năm) thì các nước gửi đề nghị đến UNESCO, UNESCO ghi nhận, xem xét và khuyến cáo các nước thành viên tham gia và Chủ tịch UNESCO có thể ủng hộ, hỗ trợ các nước ấy nếu cần.
Vì đây là tổ chức về giáo dục, khoa học và văn hoá nên người được đề nghị phải có hoạt động nổi bật về 1 trong 3 mặt này.
Cuộc họp của Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 ngày 20/10 – 20/11 năm 1987 tại Paris xét đề nghị ngày 14-7-1987 của bộ trưởng Võ Đông Giang, chủ tịch UNESCO của Việt Nam, thông báo rằng Việt Nam sẽ tổ chức trọng thể kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100 của Chủ tịch HCM vào dịp 19-5-1990, chủ tịch HCM còn là “nhà văn hoá xuất sắc của Việt Nam”; cuộc họp quyết nghị (bằng một Nghị quyết ghi nhận đề nghị của VN) :
- ghi nhận (noter) thông báo của Việt Nam;
- khuyến cáo (recommander) các Nước hội viên tham gia kỷ niệm;
- yêu cầu (prier) Ngài Tổng giám đốc UNESCO ủng hộ (soutenir) việc kỷ niệm, nhất là ở Việt Nam.
- Cùng trong phiên họp này, UNESCO ghi nhận đề nghị của Liên Xô kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của ’’nhà văn và nhà giáo dục lớn‘’ Semionovitch Makarenko; ghi nhận đề nghị của Cộng hoà Liên bang Đức về kỷ niệm lần thứ 500 ngày sinh của nhà ‘’tiên tri cấp tiến’’ (prédicateur progressiste) Thomas Mùnzer ; ghi nhận đề nghị của Thái Lan về kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của nhà phê bình văn học uyên bác Phya Anuman Rajadhon; và cuối cùng là đề nghị của Thổ Nhĩ Kỳ (Turquie) về kỷ niệm 400 năm ngày sinh của ‘’nhà kiến trúc kiệt xuất’’ Sinan, từng xây dựng nhà thờ Hồi giáo kỳ vỹ Suleymaniye giữa thủ đô Istanbul cùng nhiều công trình ở vùng Balkan và các nước Ả-rập, đều vào dịp 1990.
Nhưng sau đó, một số thư từ, kiến nghị, bài báo gửi đến UNESCO phản đối mạnh mẽ về ông HCM trong Nghị quyết này, suốt cả năm 1988, 1989 và đầu năm 1990, nêu bật sự kiện thuyền nhân và trại cải tạo, của chính những người trong cuộc với phim ảnh kèm theo, nêu rõ bản chất chế độ đàn áp tàn bạo do ông HCM lập nên, một chế độ phi nhân – phản văn hoá. UNESCO còn tiếp hàng chục đoàn đại biểu từ Pháp, Mỹ, Anh chống đối việc UNESCO dính vào một việc không được dư luận tán đồng.
Thế là ông chủ tịch UNESCO quyết định lờ đi, không tham gia việc kỷ niệm để bảo toàn uy tín tổ chức quốc tế này.
Còn Chính phủ Việt Nam làm gì thì tùy họ. Vì chưa đến cuộc họp sau nên vấn đề này không đưa ra Đại hội đồng UNESCO.
- Trước ngày kỷ niệm 19-5-1990, 2 sự kiện dồn đến. Bức tường Berlin đổ sập; một loạt chế độ Cộng sản Đông Âu tan rã. Hà Nội mất một loạt đồng minh. Tổng giám đốc UNESCO Amadou M’Bow người châu Phi bê bối về tài chính bị thay thế bởi ông Frederico Leillor người Tây Ban Nha; ông này ra hẳn chủ trương :
UNESCO không tổ chức cũng không tham dự một hình thức nào kỷ niệm ông Hồ; ông cũng nói rõ: không có khoản tiền nào của UNESCO để chi cho việc này nữa.
Đến ngày kỷ niệm, Sứ quán Việt Nam ở Paris vất vả chạy vạy thuê một phòng nhỏ ở trụ sở UNESCO để vớt vát thể diện.
Ban quản trị trụ sở UNESCO còn giao hẹn không được treo ảnh và apphích ngoài hành lang, giấy mời chỉ được ghi là dự một tối văn nghệ.
Giấy mời của sứ quán in hình trụ sở UNESCO làm nền bị Văn phòng UNESCO phản đối là “không được phép, không nghiêm chỉnh” (incorrect) phải huỷ.
Một đoàn múa rối nước từ Hà Nội sang biểu diễn; cuộc kỷ niệm dự định vài trăm, chỉ có dưới một trăm người Việt của sứ quán và Hội Việt kiều “yêu nước” cùng mươi người của đảng CS Pháp.
Đầu đuôi câu chuyện là thế. Cái gọi là “Bác Hồ chúng ta được UNESCO của Liên Hợp Quốc ra Nghị quyết tuyên dương, công nhận là anh hùng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới, và UNESCO tổ chức long trọng lễ kỷ niệm” hóa ra là thế. Cần rõ ràng, minh bạch như vậy. @@@
Bùi Tín – 15-8-2005
@@@ Nghĩa là có nộp đơn xin thi “hoa hậu”, Ban Tổ chức có ra Nghị quyết chấp nhận đơn xin thi. Nhưng sau 3 năm, đến ngày thi, 1990, thì bị Ban Tổ chức đánh hỏng. Sự thật trần trụi chính xác là như thế và chỉ có thể hiểu đúng như thế. BBT. @@@
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét