Nhật Bản Vĩ Đại
Thế giới đã chứng kiến một nước Nhật Bản vượt trội của tiến bộ khoa học kỹ thuật, và bây giờ đang chứng kiến một dân tộc Nhật Bản vĩ đại chống chọi với những thảm họa của đất trời. Đó là những gì chúng ta đang nhìn thấy hằng ngày qua báo chí, qua màn hình TV, qua các thông tin trên mạng.
Về thương tâm, khó có đau đớn nào hơn. Tuy số người chết chỉ khoảng 25,000 người, và có chuyên gia nói có thể tới 100,000 người, nghĩa là vẫn còn thua nạn nhân của các chế độ cộng sản cuồng tín như Khmer Đỏ, như thời LêNin, thời Mao, thời ông Hồ và Lê Duẫn – nhưng các hình ảnh tiếp cận gần như tức khắc, đã cho chúng ta một cảm xúc cận ảnh như nhìn thấy người hàng xóm. Chúng ta chia sẻ đau đớn, khi thấy trời đất bất nhân, không hề có chuyện một đấng sáng tạo nhân từ nào khi thảy con người vào các đợt sóng vùi dập, và trong hoạn nạn chúng ta đã cảm phục những hình ảnh hy sinh, những kiên cường lặng lẽ của dân tộc Nhật Bản.
Báo The Daily Mail từ Anh kể về chuyện 30 học sinh nhỏ tại trường tiểu học Kama của nước Nhật, các em ngồi lặng lẽ ở trong góc của lớp này nơi tầng lầu 3 của trường, mỗi ngày chờ ba mẹ tới đón về, kể từ ngaỳ sóng thần tràn vào thị trấn Ishinomaki. Cũng hơn cả tuần rồi, không có ba mẹ nàò tới đón các em. Và bây giờ thì không ai nghĩ là ba mẹ các em còn sống sót để đón các em về.
Các thầy cô nghĩ rằng một số bé gáí, bé trai này, tuổi từ 8 tới 12, biết rằng ba mẹ các em đã mất tích và sẽ không bao giờ xuất hiện trước mặt các em nữa, nhưng các em không nói gì.
Các em vẫn kiên nhẫn lặng lẽ đọc sách, hay chơi các trò thẻ bài, được quan sát và chăm sóc bởi thân nhân và thầy cô, những người ngăn không cho bất kỳ ai nói với các em.
Các viên chức sợ rằng ngay cả tiếng cửa kéo ra cũng đưa tới một hy vọng sai lầm rằng có một bậc bố mẹ nào tới đón các em về. Sự lặng lẽ của các em traí nghịch với tiếng chơi đùa ồn ào của các em chơi trong các hành lang của ngôi trường 4 tầng lầu này, mà các em đó có bố mẹ sống sót nhờ cơ may.
Ngôi trường này, nơi các tranh vẽ thiếu nhi còn nằm dọc trên tường, không còn nước máy, không điện, không sưởi nữa, và đã trở thành nơi cư ngụ cho 657 người nằm dọc các hành lang và trong các phòng đầy bùn và đủ thứ đổ nát. Trường chỉ cách 1 dặm là tới bức tường mà thành phố Ishinomaki đã dựng để ngăn sóng biển.
Ken Joseph, giáo sư tại Chiba University, có mặt ở Ishinomaki cùng với đội cứu cấp Japan Emergency Team. Ông nói với phóng viên báo Anh Evening Standard rằng số người chết có thể tới 100,000 người.
Trường hợp các đội cấp cứu ở nhà maý điện nguyên tử Fukushima lại là hình ảnh cảm động khác. Sau khi 700 nhân viên nhà máy điện nguyên tử được lệnh rút lui, chỉ còn 200 nhân viên cảm tử ở lại. Nhóm 200 người, chia làm từng đội 50 người, sẽ làm theo 4 ca xoay vòng để dập hết các nguy hiểm phóng xạ nơi các lò phản ứng hạt nhân.
Họ được mệnh danh là các “Đội 50 Người Fukushima.” Một trong các nhân viên này nói rằng họ hy sinh, chấp nhận ở lại “như một bản án tử hình.”
Các tin họ nhắn gửi về gia đình cho thấy rằng họ biết việc họ ở lại là một “nhiệm vụ tự sát.”
Một người, sau khi biết mình nhiễm phóng xạ, đã nói với vợ, “Em ráng sống bình an, anh không thể về nhà một thời gian nữa.”
Mức phóng xạ ở cổng vào nhà máy cao tới nổi có thể giết họ sớm, hay sẽ gây bệnh lâu dài sau này cho họ. Các chuyên gia nói, các bộ trang phục đặc biệt không giúp họ bao nhiêu để an toàn.
Lai lịch của họ được giữ kín, nhưng các chuyên gia nói họ là các kỹ sư, kỹ thuật viên và nhân viên cứu hỏa có hiểu biết cặn kẽ về nhà máy điện nguyên tử naỳ. Nhiệm vụ chính của họ là khởi động lại hệ thống làm nguội — một công tác gian nan, vì Nhật đã phảỉ cho trực thăng tưới nước biển vào, và rồi tính cả biện pháp vùi chôn lò điện này.
Những lời nhắn gửi về nhà của họ được chiếu lên màn hình TV Nhật bản, trên đó cũng có những cuộc phỏng vấn thân nhân của họ.
Một thân nhân nói trên TV, “Cha tôi đang làm trong lò điện. Cha nói là cha chấp nhận số mệnh, nhiều phần như án tử hình.”
Một phụ nữ nói rằng chồng bà có mặt ở lò điện, vẫn tiếp tục làm việc trong khi biết rõ rằng ông đang bị phóng xạ chiếu vào người.
Một người khác kể rằng, người cha 59 tuổi tự nguyện vào đội Fukushima Fifty, “Tôi nghe rằng cha tình nguyện mằc dù cha chỉ còn nửa năm nữa là sẽ về hưu, và nước mắt tôi chaỷ ra không ngăn được… Tôi cầu nguyện cho cha tôi về bình an .”
Một thiếu nữ có cha làm ở lò điện Fukushima nói, Tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi khóc nhiều như thế. Cô viết trên mạng Twitter, “Mọi người nơi lò nguyên tử này đang chiến đấu, đang hy sinh để bảo vệ chúng ta. Thưa cha, hãy sống sót để về lại.”
Dân Việt Nam tại Nhật Bản kể như thế nào?
Trong bài viết nhan đề “Nhật Bản – một đất nước thực sự vĩ đại,” nhà khoa học Nguyễn Đình Đăng từ Nhật Bản, viết trên blog Nguyễn Đình Đăng, trích:
“…Vé máy bay từ Nhật về Việt Nam đã bán hết sạch. Người Việt đang bỏ nước Nhật chạy. Còn người Nhật thì vẫn kiên cường chịu đựng. Họ chạy đâu nữa? Họ rất bình thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng để trả tiền. Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). Toàn bộ nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình. Các nữ phát thanh viên ngày thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại các tao nhã hơn bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động.
Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực sự vĩ đại.”
Bài viết của Nguyễn Đình Đăng này gửi từ Tokyo, ngày 13/3/2011.
Trong “Lá thư từ Fukushima” của Lá Thư Từ Fukushima, đăng trên trang blog Nguyễn Đình Đăng,http://nguyendinhdang.wordpress.com, kể lại, trích:
“…Hiện tại tôi đang được tăng phái công tác hỗ trợ cho cảnh sát tỉnh Fukushima, chỗ tui đang làm cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 khoảng 25 km. Gọi là lên đây hỗ trợ giữ an ninh chứ mấy ngày nay chỉ đi nhặt xác người không thôi. Dân địa phương họ tự động thành lập các đội tự quản, tương trợ lẫn nhau. Giả sử có ai muốn ăn cắp ăn trộm cũng khó. Vấn đề an ninh không lo lắm. Người chết nhiều quá, tụi tôi chỉ còn lấy dấu tay, chụp hình và trùm mền lại rồi giao người đem đi thiêu. Ngày đầu còn mặc niệm, có cảnh sát tăng phái còn khóc nhưng bây giờ thì không còn thời gian để mà mặc niệm và khóc nữa. Hôm qua còn không có chỗ để mà thiêu họ nữa đó anh. Khủng khiếp. Ký giả của Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc Vương Hy Văn hôm qua theo tôi một ngày để lấy tin khi đi ngang qua một ngôi nhà bị sập mà tiền giấy có lẽ từ ngôi nhà đó trôi ướt nằm tứ tán cả bãi đất chắc cũng vài chục triệu yen nhưng mà chẳng ai thèm nhặt đã phải thốt lên “50 năm nữa , kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ đứng đầu thế giới, nhưng vĩnh viễn Trung Quốc không thể được gọi là cường quốc vì 50 năm nữa người Trung Quốc cũng chưa thể có trình độ dân trí và ý thức đạo đức công dân cao như người Nhật hiện tại. Tôi hổ thẹn mình là con cháu của Khổng Tử nhưng không hiểu cái đạo Nhân Nghĩa làm người bằng họ.”
Người Trung Quốc 50 năm nữa không bằng họ còn người Việt mình không biết bao nhiêu năm nữa mới có dân trí như vậy. Mấy ngày nay tôi chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về tình người trong hoạn nạn lắm nhưng có một chuyện khiến tôi cảm động nhất đã khiến một người lớn như tôi từng có bằng Tiến sĩ công học ở Đại học Đông Bắc (Tohoku Dai) cũng phải hổ thẹn về một bài học làm người.
Câu chuyện tối hôm kia tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó để phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong cái hàng rồng rắn những người xếp hàng tôi chú ý đến một đứa nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc ao thun và quần đùi. Trời rất lạnh mà nó lại xếp hàng cuối cùng, tôi sợ đến phiên của nó thì chắc chẳng còn thức ăn. Nên mới lại hỏi thăm. Nó kể nó đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần đến, cha của nó làm việc gần đó đã chạy đến trường, từ ban công lầu 3 của trường nó nhìn thấy chiếc xe và cha nó bị nước cuốn trôi, 100% khả năng chắc là chết rồi. Hỏi mẹ nó đâu, nó nói nhà nó nằm ngay bờ biển, mẹ và em của nó chắc cũng không chạy kịp. Thằng nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe tôi hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy nó lạnh run lập cập tôi mới cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người nó. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài,tôi nhặt lên đưa cho nó và nói: “Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói“.
Thằng bé nhận túi lương khô của em, khom người cảm ơn. Tôi nghĩ bình thường tưởng nó sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, nó ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Tôi sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi nó tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Nó trả lời: “Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ“.
Tôi nghe xong vội quay mặt đi chỗ khác để khóc để nó và mọi người đang xếp hàng không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một thằng có ăn có học từng có bằng tiến sĩ như tôi một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh. Tôi nghĩ một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại. Đất nước này giờ đây đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu.
Lên đây rồi bây giờ tôi mới thấm thía câu nói của vị thiền sư phụ của tôi ở Tokyo trước khi lâm chung dạy lại cho tôi đó là “Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật“. Cái sự hy sinh vì người một cách vô ngã của đứa nhỏ 9 tuổi khiến tôi ngộ ra được những điều cả cuộc đời bon chen của mình tôi chưa nhận thấy được. Tôi nhường khẩu phần ăn tối của tôi cho thằng bé để nhận của nó một lời cám ơn, còn nó cho đi cả buổi ăn tối của nó một cách vô tư không so đo dù nó đói còn thê thảm hơn tôi nhiều và chắc còn phải đói nhiều trong cả cuộc đời vì không gia đình nữa…” (hết trích)
Xin cúi đầu cảm phục dân tộc Nhật Bản.
Và xin chúc lành.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét