21.3.11

Sự Tích Hồ Gươm Và Việc Cứu “Cụ” Rùa

Sự Tích Hồ Gươm Và Việc Cứu “Cụ” Rùa

Khi còn ở Việt Nam, tôi chưa bao giờ có dịp được đi ngắm các danh lam thắng cảnh của nước nhà, trong đó có hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là hồ Gươm. Khi còn bé, tôi đã được mẹ kể cho nghe về truyền thuyết “Sự Tích Hồ Gươm”, đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ hoài, và tôi bắt đầu kể lại câu chuyện đã gắn liền với lịch sử oai hùng đánh giặc của ông cha ta cho hai con của tôi
Hơn 5 thế kỷ đã trôi qua, truyền thuyết về hồ Hoàn Kiếm này vẫn động trong tâm linh, và ý thức dân tộc của người dân Việt Nam. Việc trả gươm thần lại cho Long Quân không những là biểu tượng của lòng trung tín với dân, trời đất, mà còn là khát vọng hòa bình khi vận nước Đại Việt đã lên, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam.
Truyền thuyết kể rằng: “Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn, nghĩa quân đã nổi dậy chống lại chúng, nhưng buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần bị giặc đánh cho tan tác. Thấy vậy, đức Long Quân quyết định cho họ mượn thanh gươm thần để họ giết giặc. Hồi ấy ở Thanh Hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Đêm mồng 10 tháng 12 năm Ất Mùi (1415), Thận thả lưới ở một bến vắng như lệ thường. Tự nhiên trong một lần kéo lưới, chàng thấy nằng nặng, trong bụng mừng thầm chắc là có cá to. Nhưng khi thò tay bắt cá, Thận mới biết đó là một thanh sắt. Chàng vứt luôn xuống nước rồi lại thả lưới ở một chỗ khác. Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay. Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lưới mình. Chàng lại nhặt lên và ném xuống sông. Lần thứ ba lại vẫn thanh sắt ấy mắc vào lưới. Lấy làm quái lạ, Thận ghé mồi lửa lại nhìn xem. Bỗng chàng reo lên một mình:
“Ha ha! Một lưỡi gươm! Thận về sau gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn. Chàng đã mấy lần vào sinh ra tử nơi trận mạc để diệt lũ cướp nước. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng mấy người tùy tòng đến nhà Thận. Trong gian nhà tối om, thanh sắt hôm đó chợt sáng quắc lên ở xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi đến gần cầm lấy xem và nhận ra có hai chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi. Song tất cả mọi người vẫn không biết đó là báu vật. Một hôm bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy một ánh sáng lạ trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết đó là một cái chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi rút lấy chuôi giắt vào lưng. Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các bạn, trong đó có Lê Thận. Khi lắp lưỡi vào với chuôi thì kỳ lạ thay, vừa vặn khớp nhau. Lê Lợi bèn kể lại câu chuyện. Mọi người nghe xong đều hồ hởi vui mừng. Lê Thận nâng gươm lên ngang đầu nói với chủ tướng:
-Đây là thần có ý phó thác cho “minh công” làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương da của mình theo “minh công” và thanh gươm thần này để báo đền xã tắc! Từ đó khí thế của nghĩa quân ngày một tăng.
Trong tay Lê Lợi, thanh gươm thần tung hoành trên mọi trận địa và làm cho quân Minh bạt vía. Chẳng bao lâu tiếng tăm của quân Lam Sơn van khắp nơi. Họ không phải trốn tránh trong rừng mà xông xáo đi tìm giặc. Họ không phải ăn uống khổ cực như trước nữa, đã có những kho lương của giặc mới cướp được tiếp tế cho họ. Gươm thần đã mở đường cho họ đánh tràn ra mãi, cho đến lúc không còn bóng một tên giặc trên đất nước. Sau khi đuổi giặc Minh về được một năm, ngày hôm ấy Lê Lợi -bấy giờ đã là một vị thiên tử -cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng trước kinh thành. Nhân dịp đó, Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi chiếc thuyền chèo ra giữa hồ thì tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi làn nước xanh. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Vua đứng lên và nhận thấy lưỡi gươm thần đeo bên mình cũng đang cử động. Con rùa vàng không sợ người, nhô thêm nữa, tiến sát về phía thuyền vua. Nó đứng nổi trên mặt nước và nói:
-Bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!
Nghe nói thế nhà vua bỗng hiểu ra, bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. Chỉ một lát, thanh gươm thần rời khỏi tay vua bay đến phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa ngước đầu lên, há miệng đớp lấy ngang lưỡi gươm. Cho đến khi cả gươm và rùa lặn xuống, người ta vẫn thấy có vệt sáng le lói dưới mặt nước hồ xanh. Khi những chiếc thuyền của bá quan tiến lên kịp thuyền rồng thì vua liền báo ngay cho họ biết:
-Đức Long Quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, người sai rùa lấy lại. Và từ đó, hồ bắt đầu được mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm” (trích theo bài viết của Cụ Nguyễn Đổng Chi)
Một truyền thuyết rất hay, và đã gắn liền trong thâm tâm của những người con đất Việt, từ người già, những vị trung niên, cho đến các em nhỏ, chắc ai cũng đã một lần được nghe qua truyền thuyết huyền bí này…Nhưng có lẽ truyền thuyết oai hùng này sẽ được lắng động trong thâm tâm của mỗi chúng ta nếu không có chuyện “cụ” rùa khổng lồ quý hiếm đang bị “ốm” mà cả mấy tháng nay, Hà Nội rối rít tìm cách cứu “cụ” rùa tại hồ Hoàn Kiếm . Nhiều người dân thậm chí còn tin rằng “cụ” rùa sống trong hồ ngày nay chính là “cụ” rùa trong truyền thuyết, đã giúp vua Lê Lợi đánh đuổi quân Minh!
Theo thông tấn xã AP, Mỹ, một số chuyên gia hết sức lo ngại tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại hồ Hoàn Kiếm, và đó chính là một trong những nguyên nhân chính khiến “cụ” rùa khổng lồ, có mai mềm, lớn bằng cả tấm bản này trở nên ốm yếu. Đây là một trong những loài rùa quý hiếm nhất thế giới và trên khắp thế giới, có lẽ chỉ còn 4 con sống sót mà thôi! Thời gian gần đây, “cụ” rùa nổi lên mặt nước nhiều hơn, mỗi lần nổi lên, những vết thương mới trên đầu, chân và mai của “cụ” lại càng rõ nét, và càng lớn. Ngoài ra, không ít những người dân thành Hà đã vô ý thức dùng Hồ Hoàn Kiếm là nơi…thải rác cho mình, nào là gạch, túi nilong, và ngay cả nước thải từ những nhà hàng, khách sạn xung quanh hồ, làm cho môi trường sống của “cụ” rùa càng thêm tệ…Trong quá trình cứu “cụ” rùa, đã không biết bao nhiêu tấm bê-tông lớn, những tấm sắt nhọn được vớt lên từ đáy hồ, một nhà sinh vật học Việt Nam cho hay là “Tôi tin rằng những vết thương trên mình “cụ” rùa là do những vật sắc nhọn từ những thứ thải xuống hồ gây ra”. Thử hỏi sống trong một môi trường đầy chướng ngại vật như vậy, con vật nào có thể sống nỗi đây?
Lại còn bàn tới chuyện rùa tai đỏ! Tại sao có sự hiện diện của chúng tại hồ Hoàn Kiếm? Có một lần tôi được nhìn thấy một tấm hình chụp lại được ở đâu đó, một con rùa tai đỏ ngồi chểnh chệch trên lưng của “cụ” rùa. Theo tin tức cho biết thì vào đầu tháng 4 năm 2010, công ty cổ phần nhập khẩu thủy sản tại Cần Thơ đã nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ để làm thực phẩm tươi sống, chuyện “rước họa vào thân” này cũng bắt đầu từ đó, không những loại rùa này được tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế xếp hạng là một trong những 206 động vật xâm hại môi trường nguy hiểm nhất thế giới, mà một khi chúng được thoát ra ngoài, chúng sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân bằng sinh thái bản địa vì khả năng sinh sản nhanh chóng, cách thức ăn tạp hung dữ, và điều đáng nhắc tới nhất là chúng có thể sống đến 50-70 năm. Trong kế hoạch cúu “cụ” rùa có nêu lên cách thức tiêu diệt hết rùa tai đỏ đang sinh sôi nảy nở tại hồ Hoàn Kiếm, nhiều người cho rằng có một số người đi lễ đền và chùa, thường mua rùa tai đỏ về để cúng, rồi đem ra hồ phóng sinh. Nhất là vào những ngày rằm hoặc mùng một, rất nhiều người ra khu vực sát mép hồ để thả các loài động vật như cá, ốc và rùa tai đỏ…Cũng có nhiều giả thuyết cho biết loại rùa độc hại này đã “góp phần” không ít gây ra những vết thương trên người của “cụ” rùa.
Công việc cứu “cụ” rùa được tiến hành gấp rút và vội vã, dường như không có một sự chuẩn bị kỹ càng nào cả, Hà Nội đã cho người rào lưới để bắt “cụ” rùa, theo kế hoạch là sẽ đưa “cụ” rùa lên bờ để trị những vết thương trên người của “cụ”, người dân thì bỏ hết công việc, đứng đợi quanh bờ hồ từ sáng sớm để phụ kéo lưới, hô hào như trẩy hội, sau khi lưới đã “bao vây” được “cụ” rùa, mọi người tưởng đã bắt được “cụ”, nhưng cuối cùng “cụ” rùa không thấy đâu, chỉ thấy cái lưới với một lỗ rách to tướng. Thật là một chuyện nực cười cho thiên hạ! Không biết thế giới nghĩ gì về cách thức bắt rùa kiểu này, thôi thì “thua keo này, bầy keo khác”!
Trong khi Hà Nội đang nghĩ ra cách khác để cứu “cụ” rùa, tôi hy vọng mọi việc sẽ êm đẹp cho loại động vật quý hiếm này, những vết thương khắp người sẽ được lành lặn, người dân trả lại môi trường sống tốt đẹp cho “cụ”, tôi thật sự không biết hồ Hoàn Kiếm sẽ ra sao nếu không có sự hiện diện của “cụ” rùa khổng lồ, dù đúng hay không, mà trong thâm tâm của nhiều người dân Việt, một Kim Quy đã gắn liền với truyền thuyết lịch sử đánh giặc oai hùng của cha ông ta!
3
0
 
 
Rate This

Không có nhận xét nào: