14.4.11

Dịch và giá làm người chăn nuôi phá sản


Dịch và giá làm người chăn nuôi phá sản

2011-04-14
Khoảng 1 triệu hộ chăn nuôi ở Việt Nam bị phá sản vì ảnh hưởng dịch bệnh và giá thức ăn chăn nuôi tăng không ngừng.
AFP photo
Một người chăn nuôi vận chuyện heo ở Tiền Giang hôm 06/6/2010, một trong những vùng trọng điểm của dịch heo tai xanh
Việt Nam có tổng đàn heo 27 triệu con nhưng năm nay dịch lở mồm long móng đang gây tác hại nghiêm trọng. Từ 39 tỉnh có dịch hồi đầu năm đến ngày 12/4 giảm còn 24 tỉnh. Nam Nguyên phỏng vấn Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn về một vài vấn đề liên quan:
Nam Nguyên: Thưa Thứ trưởng, các loại dịch bệnh tiếp tục hoành hành ảnh hưởng ngành chăn nuôi, gây khó khăn cho nông dân, lại có thông tin nói rằng Việt Nam thiếu vắc xin để phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi như heo, gà vịt?    
Thứ Trưởng Diệp Kỉnh Tần: Ở Việt Nam chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán do đó vấn đề kiểm soát dịch bệnh là hết sức khó khăn, nó không giống như các nước. Và có điểm đặc biệt nữa là trong mấy năm gần đây tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi rất nhanh. Tăng trưởng bình quân 8% liên tục trong khoảng 10 năm nay và tăng trưởng như thế thì dĩ nhiên dịch bệnh phải đi theo. 
Cộng thêm với cách chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán như thế này việc kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn, trong nhiều năm qua thì có cả cúm gia cầm, cả dịch tai xanh cả lở mồm long móng, mọi thứ đều có cả. Nhưng tôi có thể nói thế này, chính phủ Việt Nam và các cơ quan hữu quan phản ứng rất nhanh. Do đó đối với cúm gia cầm Việt Nam kiểm sóat được hoàn toàn, tai xanh thì gần đây cũng kiểm soát được.
Ở Việt Nam chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán do đó vấn đề kiểm soát dịch bệnh là hết sức khó khăn, nó không giống như các nước. 
Ông Diệp Kỉnh Tần
Chúng tôi mới ký văn bản hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ, Cơ quan USAID của Mỹ, Phó Đại sứ Mỹ cùng chúng tôi ký một số văn bản hợp tác giữa hai Bộ Nông nghiệp với nhau.
Nam Nguyên: Dịch lở mồm long móng thì Việt Nam kiểm soát được ở mức độ nào? 
Thứ Trưởng Diệp Kỉnh Tần: Riêng với lở mồm long móng thì trong mấy tháng gần đây khu vực châu á Thái Bình Dương bị rất nặng, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, các nước xung quanh kể cả Hàn Quốc, Trung Quốc đều bị. Tuy nhiên dịch bệnh bùng phát có phần đột xuất nên nhiều nước bị động trong đó có Việt Nam. 
Riêng Hàn Quốc phải tiêu hủy hơn 2 triệu con heo. Đối với Việt Nam thì cách đây khoảng hai tháng thì đúng là Việt Nam có thiếu vắc xin bây giờ thì không còn thiếu, có tới 39 tỉnh bị dịch lở mồm long móng nhưng đang có xu hướng giảm dần và trong tầm kiểm soát của Bộ Nông nghiệp, theo đánh giá của tôi thì trong 15 ngày nữa sẽ giảm còn 10 tỉnh. 
Hiện nay chúng tôi lấy mẫu gởi các phòng thí nghiệm quốc tế để giải trình tự gien các loại vắc-xin thích nghi thì xác định là vắc xin đang sử dụng ở Việt Nam vẫn có hiệu lực và chúng tôi có đủ vắc xin.  
Nam Nguyên: Nghề chăn nuôi khá bấp bênh, dịch bệnh năm nào cũng xuất hiện. Nhưng người chăn nuôi còn gặp khó khăn đến mức độ phải giảm đàn hoặc ngừng hoạt động vì thức ăn chăn nuôi mỗi năm tăng hàng chục lần?  
Thứ Trưởng Diệp Kỉnh Tần: Việt Nam đã hội nhập rồi, thức ăn chăn nuôi chúng tôi lo được 40% trong nội địa còn 60% thì phải nhập khẩu. Do đó giá thức ăn chăn nuôi cũng hội nhập trong cái chung của thị trường thế giới mà giá cả hiện nay đang tăng. Chính vì thế trước mắt người chăn nuôi có gặp khó khăn, nhưng giá sản phẩm chăn nuôi hiện nay bù đắp được cho người chăn nuôi có lãi.
Chính vì thế riêng về chăn nuôi gia cầm ba tháng đầu năm tăng trưởng 10%, còn chăn nuôi heo thì đầu con và sản lượng có giảm khoảng 1 đến 2% và nếu kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian sắp tới thì chúng tôi dự đoán trong kế hoạch 2011 chăn nuôi Việt Nam vẫn có thể tăng khoảng 6%.
Nam Nguyên: Cảm ơn Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã dành ít phút cho đài chúng tôi.                           

Theo dòng thời sự:

Không có nhận xét nào: